Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

đọc thêm (2) : " tưởng nhớ nhà văn Nhật Tiến "/ HC -- trích: www.nguoi-viet.com>

 Sunday, September 11, 2022

   Tưởng nhớ nhà văn Nhật Tiến


                                          HC

Nhà văn Nhật Tiến sinh ngày 24 Tháng Tám, 1936, tại Hà Nội, trong một gia đình trung lưu, có bảy người con (sau có hai người theo nghiệp văn là Nhật Tiến và Nhật Tuấn). Thuở nhỏ, ông học trường Hàng Vôi tức trường Nam tiểu học Nguyễn Du, rồi học trung học tại trường Chu Văn An (Hà Nội).

Ông bắt đầu sáng tác từ những năm 50 của thế kỷ 20, cả thơ lẫn truyện, sau chép chung vào một tập mang tên là Những Bước Đầu Tiên Của Tôi (đã thất lạc). Năm 1951, truyện ngắn “Chiếc Nhẫn Mặt Ngọc” của ông được đăng trên tờ Giang Sơn của Bác Sĩ Hoàng Cơ Bình. Đây là tác phẩm đầu tiên của ông được đăng trên báo. Sau đó, những sáng tác của ông, đa số là kịch tiếp tục được in trên những báo Chánh Đạo, Thời Tập, Hồ Gươm, Cải Tạo… ở Hà Nội.

Nhà văn Nhật Tiến. (Hình: SBTN)

Năm 1954, ông di cư vào Nam, đầu tiên sống tại Đà Lạt. Hoạt động của ông trong thời gian này là viết kịch cho đài phát thanh của Ngự Lâm Quân sau đó về Nam, đi dạy học tại Mỹ Tho, Bến Tre, rồi về Sài Gòn dạy Vật Lý và Hóa Học cho các trường tư như Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Bồ Đề, Quốc Tuấn, Hồng Bàng…

Tháng Sáu, 1958, khi nhà văn Nhất Linh ra tạp chí Văn Hóa Ngày Nay thì ông được mời cộng tác ngay từ số đầu với truyện ngắn Đôi Guốc Trắng.

Năm 1959-1975, ông làm chủ biên nhà xuất bản Huyền Trân, và làm chủ bút tuần báo Thiếu Nhi (1971-1975) do nhà sách Khai Trí xuất bản.

Ngoài ra, ông cũng từng cộng tác với các tạp chí Tân Phong, Văn, Bách Khoa, Văn Học, Đông Phương…

Năm 1975, ông tiếp tục dạy tại một trường dưới chế độ XHCN, môn dạy vẫn là Vật Lý và Hóa Học cho tới Tháng Mười, 1979, thì vượt biển qua Thái Lan tị nạn rồi định cư tại California (Hoa Kỳ) từ năm 1980. Ở đây, ông viết văn và theo học ngành điện toán ở Control Data Institute, rồi ra làm chuyên viên sửa máy vi điện toán cho hãng VERIFONE ở Hoa Kỳ.

Năm 1998, ông nghỉ hưu. Ông sống ở Garden Grove, California. Hiền nội của ông là Đỗ Phương Khanh, cũng là một nhà văn, nhà báo.

Tác phẩm:

Tác phẩm đã in ở trong nước trước 1975: Những Người Áo Trắng (1959), Những Vì Sao Lạc (1960), Thềm Hoang (1961), Mây Hoàng Hôn (1962), Người Kéo Màn (1962), Ánh Sáng Công Viên (1963), Chuyện Bé Phượng (1964), Vách Đá Cheo Leo (1965), Chim Hót Trong Lồng (1966), Giọt Lệ Đen (1968), Tay Ngọc (1968), Giấc Ngủ Chập Chờn (1969), Quê Nhà Yêu Dấu (1970), Theo Gió Ngàn Bay (1970), Tặng Phẩm Của Dòng Sông (1972), Thuở Mơ Làm Văn Sĩ (1974)… và một số truyện viết cho tuổi thiếu nhi như: Lá Chúc Thư, Đường Lên Núi Thiên Mã, Săn Trong Thành Phố v.v…

Tác phẩm đã in ở hải ngoại: Tiếng Kèn (1981), Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan (viết chung với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, 1981), Một Thời Đang Qua (1985), Mồ Hôi Của Đá (1988), Cánh Cửa (1990), Quê Nhà Quê Người (viết chung với Nhật Tuấn, 1994), Hành Trình Chữ Nghĩa (2012), Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi (2012), Một Thời Như Thế (2012), Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác (2013), Mưa Xuân (Tập truyện-2013).

Hoạt động Văn hóa: 

_ Năm 1962 ông đoạt Giải Nhất Văn Chương Toàn Quốc với tác phẩm: Thềm Hoang.
– Nguyên hó chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam (1963-1975).
– Nguyên hội viên Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa (nhiệm kỳ II, 1974).
– Nguyên ủy viên Báo Chí Hội Cựu Giáo Chức Việt Nam Hải Ngoại (1982-1985).
– Nguyên chủ tịch Ban Chấp Hành Lâm Thời Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Nam California (1988).
– Chủ biên cơ sở xuất bản Huyền Trân.
– Cộng tác thường xuyên với tuần báo Việt Tide phát hành ở Nam California (từ năm 2001 đến 2010).
– Tổng thư ký đặc san Vietstream ở Nam California từ năm 2015. (Nguồn: Một Thời Như Thế)

Nhà văn Nhật Tiến và phu nhân là nhà văn Đỗ Phương Khanh. (Hình: nhacxua.VN)

Gửi Nhật Tiến và Phương Khanh 

Người mới bỏ đi sáng hôm nay
Nắng ở ngoài kia nắng rất say
Tháng Chín gió thổi hoa đầy vườn
Người đi theo hoa, hoa có hay 

Mắt nhắm như mơ người bỏ đi
Ai đặt ngón tay lên hàng mi
Người đi ai đợi người bên đó
Ai đợi người như vẫn hẹn hò 

Người đi như giấy bay trong gió
Chữ như hoa rơi xuống áo người
Bàn tay nào đưa bàn tay nắm
Trang sách thơm hương giữa hai người 

Một bước chia xa một bước ngừng
Con đường phía trước vẫn đi chung
Như từng trang giấy vừa khô mực
Ta đọc cho nhau giữa vô cùng. 

Trần Mộng Tú
Ngày 14 Tháng Chín, 2020


Theo kịp em rồi…
Hoàng Ngọc Cầm

“Theo kịp em rồi, Phương Khanh ơi!”

Đó là ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu tôi khi nghe tin nhà văn Nhật Tiến từ trần. Thú thật, tôi không buồn, mà lòng mừng cho ông. Mừng cho ông vô cùng, và tôi còn tưởng tượng ông vừa nói vừa cười hóm hỉnh với hiền thê của ông, “Theo kịp em rồi, Phương Khanh ơi!”

Mừng cho ông, vì thấy ông thiệt là hạnh phúc. Ông được Trời Phật thương cho ông có thể làm tròn tình nghĩa với bà cho đến giây phút cuối cùng. Ông đã nhường cho bà đi trước, lo hậu sự cho bà, viết lời Cảm Tạ mọi người trên dương gian thay cho bà, xong xuôi hết mọi chuyện rồi, ông mới đi.

Mừng cho ông, vì ông không còn phải một mình ngồi ngắm “Đóa Hồng Gai” với những “Giọt Lệ Đen” và những “Giấc Ngủ Chập Chờn” trong nỗi lòng thương nhớ bà.

Nhà văn Nhật Tiến và phu nhân là nhà văn Đỗ Phương Khanh. (Hình: sangtao.org)

Mừng cho ông, ông đã được cùng bà vui hưởng “Những Ngày Tháng Êm Đềm” trên dương gian và bây giờ lại tiếp tục được bên nhau nơi an nghỉ cuối cùng.

Ông bà đã buông tay để mọi điều trên dương gian “Theo Gió Ngàn Bay,” vẫy tay vĩnh biệt “Những Người Áo Trắng,” và cảm ơn ông Trời, “Người Kéo Màn” cuộc đời của ông và của bà thật đẹp, thật khéo léo.

Theo kịp người bạn đời chỉ trong khoảng ba tuần… là một Thiên Phúc, không có mấy ai được diễm phúc này. Có lẽ bàn “Tay Ngọc” của ông đã viết lên bao nhiêu tác phẩm để gieo rắc những điều chân, thiện, mỹ vào tâm hồn của nhiều người, nên Trời Phật thưởng cho ông.

Tôi không biết ông là ai, nhưng vẫn nhớ tôi đã từng đọc nhiều truyện, đa số là truyện thiếu nhi của nhà văn Nhật Tiến. Bây giờ tôi mới biết cả ông và bà qua những dòng Cáo Phó!!! Đọc nhiều, nhưng tất cả cuốn truyện là mượn bạn bè để đọc, chứ chưa được sở hữu một cuốn truyện nào. Sau 30 Tháng Tư năm 1975, chúng ta nghèo cả vật chất lẫn tinh thần. Nhà nước đánh tư sản, bao nhiêu gia đình trắng tay. Cha, anh, những người trụ cột gia đình đều phải đi học tập cải tạo. Cơm bữa đói, bữa no. Sách truyện hay đều phải lén lút, giấu giếm, chuyền tay nhau để đọc. Nhà bạn nào có nhiều truyện trước năm 1975, coi như bạn ấy được gọi là giàu nhất xóm.

Tôi nhớ có một lần mượn được cuốn truyện “Quà Giáng Sinh” của nhà văn Nhật Tiến đúng vào dịp Giáng Sinh. Cuốn truyện sờn gáy, rách te tua, nhưng đã làm cho tôi có một đêm Giáng Sinh tuyệt vời vì có một cuốn truyện để đọc ngấu nghiến.

Chúng tôi chỉ là những độc giả vô danh tiểu tốt, không có quen biết nhiều, nên bây giờ mới biết ông bà ở California, ông bà đã có những người con rất thành công và cũng đóng góp nhiều cho cộng đồng Việt Nam ở đây. Xin chúc mừng ông bà đã hoàn thành xuất sắc vai trò làm cha mẹ.

Mừng cho ông đã theo kịp bà.  Còn gì hạnh phúc hơn là được gặp lại người mình yêu thương nhất, đúng không ông? Xin chúc mừng ông “Nhà Văn Nhật Tiến.”

Xin mượn một số tựa đề truyện của ông để viết lên những xúc cảm của tôi khi nghe tin ông bà từ trần qua bài này và với mấy dòng thơ của một độc giả quê mùa ít học:

“Một khoảnh đời thường” vắng Tiến Khanh
“Thềm Hoang” nay câm lặng “Tiếng Kèn”
Tắt rồi “Ánh Sáng Công Viên”
Giơ tay vĩnh biệt Tiến Khanh lìa trần.

HNC – Tháng Chín, 2020

---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét