Bây giờ là 04:07 05/09/2022
- Hội thảo khoa học " "Thơ Đường thời nhà Trần"
- Mời độc giả đón đọc báo Văn nghệ số đặc biệt 36+37
- Sẽ là hoàn mỹ, nếu…
- “Nhân chi sơ, tính bản thiện” thời nay?
- Nộp tiền tham nhũng để giảm án?
- THÔNG BÁO TỔ CHỨC CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ (2022-2024)
- Ðại đoàn kết - Cội nguồn sức mạnh toàn dân tộc
- KỶ NIỆM 77 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9: Tổ quốc giản dị, thiêng liêng…
- Trao giải thưởng cuộc thi “Bác Hồ - niềm tin yêu qua từng trang sách”
Họa sĩ Tạ Tỵ: Từ lập thể đến phi thể
- 11:26 08/08/2016
- Tác giả: Lê Huỳnh Lâm
Họa sĩ Tạ Tỵ sinh ngày 3-5-1921 (khai sinh năm 1922) ở Hà Nội, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1943 ngành sơn mài. Giai đoạn đầu ông có vẽ sơn mài (Hoa đăng, Tĩnh vật,...) cùng thời kỳ với những họa sĩ tên tuổi như: Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm,... Sau này, ông tự nghiên cứu sơn dầu. Tạ Tỵ là người tiên phong trong hội họa lập thể, trừu tượng ở Việt Nam. Ngoài ra ông còn làm thơ, viết văn, viết kịch và kí họa chân dung văn nghệ sĩ. Bức sơn mài “Hoa đăng” của họa sĩ Tạ Tỵ được Hiệp Hội Báo chí Việt Nam trao giải trong cuộc triển lãm Tháng Tám về hội họa vào năm 1946, tại Nhà Hát Lớn - Hà Nội.
Đàn bà - Tranh sơn dầu của họa sĩ Tạ Tỵ |
Yếu tố cấu thành tác phẩm hội họa của Tạ Tỵ là những mảng màu mạnh, màu sắc cứ như ngẫu nhiên loang ra, đan kết, hòa vào nhau tạo nên cõi hỗn mang trong sự sáng tạo của vũ trụ, cái đẹp thuần khiết đó chưa được gán nhãn mác hay một tên gọi nào tương xứng. Đơn giản vì nó giữ ánh mắt người xem dừng lại, khiến cái đầu người xem phải suy ngẫm. Đó là thứ hội họa của trí tuệ, chỉ những nghệ sĩ thượng hạng mới dám thể hiện. Xem tranh của Tạ Tỵ như thưởng thức loại rượu cao độ, đôi khi người uống phải chau mày do vị cay, nồng tác động vào hệ thần kinh. Nhưng kẻ sành rượu và tinh ý sẽ nhận ra vị ngọt ở cuối lưỡi, phảng phất mùi hương của lúa mạch và nho tím ở những cánh đồng hoang dã cùng những giọt nước tinh khiết từ dải thiên hà. Sự sáng tạo của họa sĩ Tạ Tỵ có thể liệt kê các thời đoạn sau:
Lập thể
Khi nói đến hội họa của Tạ Tỵ không thể không nhắc đến lập thể, ông được mệnh danh là người vẽ tranh lập thể đầu tiên ở Việt Nam từ cuối thập niên bốn mươi. Hình thể xuất hiện nhiều trong tranh lập thể của Tạ Tỵ là tam giác. Những đường nét mạnh tạo ra các góc cạnh gây sự chú ý nơi người yêu nghệ thuật. Giai đoạn này, màu sắc trong tranh của ông tách bạch từng mảng rõ rệt, ông thường dùng màu đen để tạo điểm nhấn cho các tác phẩm. Điều này đã tạo trường liên tưởng dẫn đưa đến thế giới của nỗi buồn khi xem tác phẩm của ông.
Cơn bão sắc màu trừu tượng
Quan sát tranh của họa sĩ Tạ Tỵ như chợt thấy ở đó đang hình thành những cơn bão của màu sắc, trong các tác phẩm của ông như có sự chuyển động ở tầng đối lưu ẩn mình phía đằng sau mỗi bức tranh, khiến cho không gian trong tác phẩm của ông liên tục chuyển động, biến dạng, tâm của vòng xoáy chuyển động đó là khoảng tối u trầm, sắc lạnh tạo nên sức mạnh của cơn bão và độ bí ẩn của thời gian. Hội họa trừu tượng của Tạ Tỵ vượt thoát mọi khái niệm về biểu tượng và hình thể, ở đó chỉ còn niềm rung cảm của trí tuệ khi ông thể nhập vào cảnh giới phi hình thể. Cảnh giới mà sự vật chưa được thành hình, chưa đặt tên hoặc biến chuyển liên tục như dòng tâm biến hiện trong mỗi cá thể; đang cõng trên mình nghiệp lực khởi nguyên từ sự cuốn hút, trộn lẫn trong vòng xoáy của tinh và huyết của trắng và đỏ, của bóng tối và ánh sáng. Nơi đó sự sáng tạo lóe lên một ngọn lửa của niềm hoang phúc, mang chút hơi ấm cho khu vườn tâm cô quạnh, lạnh giá trôi giữa dòng đời. Một số bức tranh trừu tượng nổi tiếng của họa sĩ Tạ Tỵ như “Nhịp Thời Gian” (1959), “Nhịp Calypso” (1960), “Màu Thời Gian” (1960) và “Cất Cánh” (1972)…
Kí họa chân dung
Những gương mặt văn nghệ sĩ đã được ông kí họa rất xuất thần, có chân dung lộ thần, có chân dung ẩn thần, có người ấn tượng ở những nếp nhăn, người ở gọng kính, người ở một con mắt, người ở cái bĩu môi, có người được thể hiện chỉ ở mái tóc, người ở bộ lông mày, người ở chòm râu,... nhưng hầu hết vầng trán của các nghệ sĩ được ông thể hiện cao và rộng. Trong kí họa chân dung, ông cũng sử dụng bút pháp lập thể để diễn đạt tính cách và nội tâm người được vẽ. Có thể kể ra một số tên tuổi được ông kí họa chân dung như: Nguyễn Văn Vĩnh, Khải Hưng, Sơn Nam, Lê Văn Siêu, Lãng Nhân, Hàn Mặc Tử, Võ Hồng, Phạm Duy, Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan, Trịnh Công Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Chu Tử, Vi Huyền Đắc, Huỳnh Văn Phẩm, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Luận, Nguyễn Kim Sanh, Nguyễn Văn Hợi, Nguyễn Phổ, Du Tử Lê,...
Thiếu nữ trong tranh
Một số tác phẩm của ông biểu lộ sự phồn thực khi vẽ phái nữ như tác phẩm “Hai thiếu nữ”, “Đôi bạn”. Ngoài ra ông còn vẽ thiếu nữ theo phong cách lập thể, nhưng rất mềm mại với nỗi sầu muộn đọng trên gương mặt người con gái, như tác phẩm “Đàn bà”, “Thiếu nữ khăn choàng”.
Tác phẩm văn chương
Ngoài ra, Tạ Tỵ còn là tác giả của các tác phẩm như: Những viên sỏi (tập truyện - Nam Chi Tùng Thư 1962), Yêu và thù (tập truyện Phạm Quang Khai 1970), Mười khuôn mặt văn nghệ (nhận định văn học - Nam Chi Tùng Thư 1970), Phạm Duy còn đó nỗi buồn (Văn Sử Học - 1971), Cho cuộc đời (thơ - Khai Phóng 1971), Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay (nhận định văn học - Lá Bối 1972), Bao giờ (tập truyện - Gìn Vàng Giữ Ngọc 1972), Ý nghĩ (tạp văn - Khai Phóng 1974), đáy địa ngục (1985), Những nhuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi (1990), Xóm nhà tôi (1992), Mây bay (thơ - 1996), Một chuyến ngao du (2000), và sau cùng là cuốn Tuyển tập Tạ Tỵ được ấn hành vào năm 2001. Riêng quyển “Mười khuôn mặt văn nghệ” Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành lại vào năm 2001.
Cuộc đời nghệ sĩ của Tạ Tỵ trải qua nhiều cung bậc thăng trầm, cùng với các hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Nam, Lương Xuân Nhị,... ông đã tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và từng là một trong những người thầy dạy mỹ thuật đầu tiên ở Liên khu 3. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1954 ông di cư vào miền Nam, rồi ở trong quân đội Việt Nam cộng hòa, sau năm 1975 ông học tập cải tạo xong, định cư ở Mỹ, năm 2002 ông trở về Việt Nam sống những năm còn lại và mất tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 24-8-2004. Trong quyển sách “Đi vào cõi tạo hình” in năm 2015 của họa sĩ Đinh Cường có bài viết về họa sĩ Tạ Tỵ, qua họa sĩ Đinh Cường, được biết tác phẩm hội họa của Tạ Tỵ có treo ở bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, ngoài ra tranh của ông cũng được các nhà sưu tập ngoại quốc tìm kiếm và được đấu giá ở nước ngoài, giá tranh của họa sĩ Tạ Tỵ càng ngày càng tăng cao. Ông đã tâm sự về quan niệm sáng tạo của ông trong hồi ký: “Tôi bẩm sinh là một con người thích tiến bộ, thích cái gì mới. Khi còn học ở Trường Mỹ thuật, tôi không mấy thích cái lối vẽ chân phương theo quy luật của nhà trường bắt buộc. Tôi thường đến thư viện mượn sách đọc, lẽ dĩ nhiên, loại sách thuộc về mỹ thuật. Tôi mê các tác phẩm của Van Gogh, Gauguin và Matisse. Tôi nghiên cứu và tìm hiểu mỹ thuật tạo hình ở mỗi tác giả. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy các nhà danh họa trên vẫn phải dựa vào thiên nhiên và sự vật cũng như con người để tạo dựng tác phẩm. Tôi nghiên cứu và tìm hiểu các họa phái khác nhau như Siêu Thực, DaDa và Lập Thể.
Tôi thích trường phái Lập Thể qua các tác phẩm của Braque hơn là Picasso. Tôi mê chiều thứ tư của họa phái này vì nó làm cho tác phẩm trở nên sống động, chứ không trơ trơ như các họa phái khác…”.
Từ những năm cuối thế kỷ 20 (từ 1997), tôi tiếp cận internet nên đã xem ảnh chụp tranh của Tạ Tỵ qua màn hình vi tính, vốn đam mê nghệ thuật từ nhỏ, khi nhìn thấy tranh trừu tượng của người họa sĩ tài danh này, tôi đã bị hút vào thế giới rực rỡ của màu sắc, nơi đó không có sự rối rắm của màu, không có sự chằng chịt của đường nét, không có sự cố ý để tạo ra sự vật. Nơi cảnh giới đó, sự vật cứ chuyển động, biến hình như mây trôi, như nước chảy, khi tuôn trào khi khi lãng đãng. Trong thời khắc sáng tạo đó, sự tự do của trí tưởng được bày tỏ theo dòng cảm xúc hiện tại mà không bị một ràng buộc nào đặt định trước trong tâm trí. Từ đó, tôi có cái nhìn khác về hội họa trừu tượng, không như những tác phẩm hội họa mà tôi được xem trước đây ở xứ sở Thần kinh.
Họa sĩ Tạ Tỵ đã sống và cống hiến trọn một đời văn nghệ. Tác phẩm của ông được trưng bày tại nhiều bảo tàng viện nghệ thuật quốc tế ở Tokyo, San Francisco, Paris và New York. Cứ cách năm năm ông lại triển lãm một lần, và mỗi lần triển lãm trên năm mươi bức tranh. Năm 1951 ông triển lãm cá nhân ở Hà Nội, với tên “Hội Họa Hiện Đại”, năm 1956 ông triển lãm cá nhân ở Sài Gòn theo phong cách lập thể và vào năm 1961 ông lại triển lãm loạt tranh theo phong cách trừu tượng ở Sài Gòn. Tạ Tỵ là một nghệ sĩ thực thụ, đa tài, ông là một trong những người tiên phong và khai phóng cho nền hội họa hiện đại Việt Nam, hành trình sáng tạo của ông khởi đi từ lập thể đến trừu tượng phi hình thể.
Nguồn Văn nghệ số 32/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét