Nguyễn Ngọc Tư bị "kiểm điểm nghiêm khắc" vì điều gì?
TT - Ngày 12-4-2006, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau tiếp tục ký một báo cáo (số 41-BC/TG) về “Đại biểu HĐND Nguyễn Ngọc Tư và truyện ngắn Cánh đồng bất tận”. Văn bản cho rằng vừa qua báo Tuổi Trẻ và một số văn nghệ sĩ ngộ nhận về việc “kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm” đối với Nguyễn Ngọc Tư.
Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ trích đăng báo cáo số 41 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau (có so sánh báo cáo số 35 ngày 27-3-2006).
41: kiểm điểm vì trả lời phỏng vấn trên báo thiếu trách nhiệm!
Mở đầu báo cáo số 41, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng: “Vừa qua báo Tuổi Trẻ và một số văn nghệ sĩ ngộ nhận về việc “kiểm điểm nghiêm khắc rút kinh nghiệm” đối với Nguyễn Ngọc Tư - tác giả truyện ngắn Cánh đồng bất tận, cho đó là chụp mũ đối với văn nghệ sĩ”.
Vậy “kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm” về việc gì? Văn bản viết tiếp: “...Nguyễn Ngọc Tư là cán bộ, viên chức của Nhà nước, sinh hoạt tại Hội Văn học nghệ thuật, đồng thời là một đại biểu HĐND tỉnh Cà Mau nhưng trả lời với báo Doanh Nhân Sài Gòn và tạp chí Bông Sen xuân Bính Tuất đã phỏng vấn như sau: Ngoài việc ở Hội Văn nghệ Cà Mau, làm “nghị sĩ” của tỉnh, người ta giao cho Tư công việc gì vậy? Có lần Tư bảo làm cho biết là làm sao?
Ngọc Tư trả lời: “Đó là công việc tệ nhất của em. Em thấy ngán ngẩm mỗi khi vào kỳ họp... Cơ quan cũng phàn nàn sao em chẳng nói gì ở diễn đàn cho văn nghệ sĩ dễ thở một chút. Nhưng em cảm thấy bất lực, em có cảm giác không chống được guồng máy đã gài chế độ tự động”, “Em định ra khỏi HĐND nhưng người ta bảo muốn ra khỏi cũng phải nghị quyết này nọ, mất công lắm, rốt cuộc em là nghị sĩ vật giờ”, “hội đồng ư”...
Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Tư có viết trên báo Tuổi Trẻ xuân Bính Tuất có đoạn: “Tôi vẫn viết theo cảm xúc hồn nhiên của mình chứ chẳng ý thức nghĩa vụ, trách nhiệm gì đâu...” và Nguyễn Ngọc Tư còn viết bài khác nói về nông dân khẳng định: “Tôi nhận ra 80% dân số VN, con số này giống như cua óp, nghĩa là có vẻ hùng hồn, to tát vậy chứ trong ruột teo héo, rỗng không”.
Qua trả lời như trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau thấy với tư cách là cán bộ, viên chức nhà nước, đại biểu HĐND mà trả lời như thế là thiếu trách nhiệm, coi thường cơ quan quyền lực ở địa phương, làm mất uy tín HĐND, làm giảm sút niềm tin của cử tri đối với đại biểu HĐND và xem thường nông dân VN.
Từ đó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có báo cáo đề nghị Đảng, Đoàn - nơi Nguyễn Ngọc Tư sinh hoạt - giáo dục, kiểm điểm nghiêm khắc về phát ngôn thiếu trách nhiệm”. (*)
Về truyện ngắn Cánh đồng bất tận, báo cáo nói rằng “có hai luồng ý kiến khác nhau khá phức tạp, nhưng đa số là phản ứng nội dung không tốt, tập trung nhiều đối tượng, lứa tuổi phản ứng khá gay gắt, thậm chí đòi thu hồi cho là không mang tính giáo dục...”.
Báo cáo kết luận: “Như vậy, truyện ngắn Cánh đồng bất tận thiếu tính giáo dục cho xã hội, giáo dục con người và thiếu tính định hướng chân - thiện - mỹ để con người vươn tới. Cho nên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Hội Văn học nghệ thuật thường xuyên có định hướng chính trị cho hội viên (trong đó có Nguyễn Ngọc Tư) được học tập lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao ý thức trách nhiệm của người cầm bút cách mạng”. (*)
_____________
*) Tuổi Trẻ in đậm để dễ so sánh.\
35: kiểm điểm vì Cánh đồng bất tận thiếu tính giáo dục! Truyện ngắn Cánh đồng bất tận của tác giả Nguyễn Ngọc Tư, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 11-2005. Sau khi xuất bản, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiếp nhận hai luồng ý kiến: đồng tình và không đồng tình; số không đồng tình phản ứng gay gắt, cho rằng tác phẩm Cánh đồng bất tận không có tính tư tưởng giáo dục, bôi đen xã hội nông thôn ngày nay. Vì thế diễn ra tranh luận, dư luận khá phức tạp thời gian qua. Trước tình hình đó, ngày 24-3-2006, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có buổi làm việc với lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật. Sau khi phân tích, xem xét những vấn đề mà dư luận phản ảnh, đồng chí trưởng Ban Tuyên giáo có ý kiến như sau: 1. Mặt tích cực (báo cáo nêu ba điểm về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư): có năng lực, tư duy sáng tạo; có nhiều tác phẩm được phát hành rộng rãi, được độc giả mến mộ; cách suy nghĩ, cách viết gần gũi với cuộc sống, mộc mạc, chất phác chân tình). 2. Mặt hạn chế cần lưu ý: - Trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận miêu tả cái xấu của xã hội nông thôn, câu từ hơi nặng nề, để ám chỉ con người bần cùng túng quẫn, không lối thoát, một cuộc sống quá cùng cực, bí lối, chỉ biết “làm gái, đổi thân xác lấy cuộc sống”. (Có thể đọc ở trang 158, 160, 161, 168, 169, 190, 203). - Cánh đồng bất tận thiếu tính tư tưởng, giáo dục xã hội, giáo dục con người, thiếu tính văn hóa nghệ thuật góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp mà xuyên tạc chê bai nhiều, gây bất lợi. - Phê phán xã hội, nói cái xấu, mặt trái, hư cấu vượt quá hiện thực, cái không tốt nhiều hơn, không định hướng cho con người đi đến tương lai cuộc sống, hướng tới cái đẹp. 3. Đề nghị: - Hội Văn học nghệ thuật kiểm điểm phê phán tác giả một cách nghiêm khắc rút kinh nghiệm khi viết, cần phải có thực tiễn cuộc sống, cái đẹp, cái tốt mà xã hội đang xây dựng và phát triển (*). Tất nhiên, cần phê phán cái chưa tốt, nhưng phải đúng hiện thực và có định hướng cho con người đến cái chân - thiện - mỹ. - Hội Văn học nghệ thuật nên thường xuyên có định hướng cho người viết sáng tác những tác phẩm hay, có phê phán nhưng phải thận trọng tránh gây nên một phản ứng xã hội gay gắt đối với tác phẩm. - Thường xuyên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả hội viên ở các lĩnh vực (có Nguyễn Ngọc Tư) được tham gia học tập lý luận chính trị, trau dồi đạo đức phẩm chất, nâng cao ý thức trách nhiệm của người cầm bút, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Riêng nội dung trả lời phỏng vấn với một số báo thiếu trách nhiệm đề nghị đảng, đoàn nơi Nguyễn Ngọc Tư sinh hoạt giáo dục và kiểm điểm. (*) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét