Nhà văn Nguyễn Tường Thiết:
Một hậu duệ của Nhất Linh.
Khi nói về nhà văn Nguyễn Tường Thiết tôi muốn bắt đầu bằng đề tài Chợ An Đông, vì nơi đó có nhà ông ở ngày xưa trước năm 1975. Nào hãy kể sơ đôi nét về Chợ An Đông, mặt tiền là đường An Dương Vương, thuộc Quận 5, Chợ Lớn, mặt sau là đường là Hùng Vương. Hai bên hông là 2 dãy phố chợ đường Nguyễn Duy Dương và đường Yết Kiêu. Chợ An Đông hình thành từ năm 1951.
Trước năm 1975, Chợ An Đông có một “tụ điểm” địa phương quan trọng là quán cơm gà Siu Siu, cửa tiệm này được nhà văn Nguyễn Tường Thiết đưa vào văn học.
Thật vậy, tác giả kể về “Căn nhà 39 An Ðông của mẹ tôi”, đầy ắp những kỷ niệm vui buồn. Dĩ nhiên cuộc sống này có khi vui, có lúc buồn.
“Căn nhà 39 An Ðông của mẹ tôi” chôn dấu bao kỷ niệm. Vui khi tôi chăm chú đọc về sự huyên náo cảnh phố chợ An Đông, có hôm minh tinh Thẩm Thúy Hằng tìm bà “Nhức Linh” vì ý muốn thực hiện dựa phim theo tác phẩm “Đoạn Tuyệt”, tác giả Nguyễn Tường Thiết mô tả kỷ niệm như sau…
“Ði sau Thẩm Thúy Hằng là một lô một lốc những đứa trẻ con bận quần xà lỏn mình trần trùng trục. Tôi cũng mặc quần xà lỏn nhưng lịch sự hơn chúng nó một tí là có cái áo sơ mi cộc tay khoác lên. Cô Thẩm Thúy Hằng thì cố nhiên ăn mặc sang trọng lộng lẫy lắm. Minh tinh điện ảnh mà! Vừa bước vào nhà cô nói oang oang: “Trời đất ơi! Cả cái chợ An Ðông này hổng ai biết nhà ông Nhứt Linh ở đâu. Mãi sau tôi mới nhớ ra là bà Nhứt Linh bán cau. Thế là mấy đứa nhỏ ùn ùn dẫn tôi tới đây”. Ðoán biết ngay cô nữ tài tử này đến nhà tôi về chuyện gì nên tôi nói: “Mẹ tôi không có nhà. Nhưng cô có thể nói chuyện với tôi nếu có liên quan đến bản quyền những tác phẩm của ba tôi” – “Ðúng dzậy! Tôi đến để điều đình về việc thực hiện cuốn phim dựa trên cuốn tiểu thuyết Ðoạn tuyệt của nhà văn Nhứt Linh”. Rồi cô Thẩm Thúy Hằng chìa tấm danh thiếp mời tôi đến tư gia của cô để bàn về chi tiết. Cô nói chưa có quyết định ai sẽ là người đóng vai Loan còn vai Dũng thì có thể do nghệ sĩ La Thoại Tân đóng. Lúc tiễn cô ta ra ngoài tôi nhìn tấm thân khá đẫy đà của cô và thầm nghĩ trong bụng cô này mà đóng vai Loan thì hỏng béng nó cả cuốn tiểu thuyết của bố tôi. Tuần lễ sau tôi gặp Thẩm Thúy Hằng lần thứ hai tại nhà cô ở đường Duy Tân. Mấy tháng sau không hiểu vì lý do gì cô cho biết bỏ ý định thực hiện cuốn phim Ðoạn tuyệt.
Chuyện cô Thẩm Thúy Hằng đến nhà mẹ tôi làm xôn xao dân chợ một dạo. Nhưng đó không phải là lần đầu tiên họ được dịp chiêm ngưỡng tận mắt những nghệ sĩ nổi tiếng. Cặp nghệ sĩ cải lương Kim Cương – Hùng Cường một buổi chiều nọ cũng làm náo động đám trẻ con khi họ đến ăn ở quán cơm gà Siu Siu.
Bữa đó tôi đang ngồi học bài trên gác thì có tiếng gọi ơi ới ở dưới đường: “Kim Cương tụi bay ơi!” – “Hùng Cường tụi bay ơi!”. Tôi bèn ra đứng ở ban công nhìn xuống. Trẻ con mấy chục mạng từ trong chợ chạy túa ra đường đứng thành hình vòng cung lớp trong lớp ngoài chung quanh quán cơm gà. Có vài người lớn trong đám nhưng họ chỉ đứng nhìn ở xa. Mấy đứa nhỏ đứng hàng đầu tiến sát lại gần cái bàn ăn của hai thực khách nhìn trân trân vào tận mặt cô Kim Cương, thần tượng của chúng mà trước đó chúng chỉ được thấy trên màn ảnh TV. Rồi bất ngờ trong đám con nít đồng loạt có tiếng vỗ tay, vừa vỗ tay vừa reo hò, rất đúng nhịp: “Kim Cương nhai! Kim Cương nuốt!”. Tức mình, tài tử Hùng Cường đang ăn đứng lên phùng má trợn mắt nhìn đám trẻ. Tưởng nghệ sĩ này làm trò hề, lũ trẻ lại rộ lên cười. Ông Siu Siu đang chặt thịt gà, xách con dao phay chạy ra xua tay nói lớn: “Hê! Ðể cho người ta ăn lớ! Ðể cho người ta ăn lớ!”. Ðám trẻ rãn ra xa thôi hò hét nhưng không chịu đi, cứ đứng quanh đó mà nhìn cho tới khi cặp nghệ sĩ ăn xong lên xe. Cứ như thế từ trên ban công căn nhà của mẹ tôi tôi ngắm cảnh sinh hoạt phía dưới không bao giờ chán mắt. Nội nhìn ông Siu Siu chặt thịt gà đã thấy mê! Con gà bóng mỡ nằm ngửa trên thớt. Một nhát dao phay bổ ngọt trên bụng. Rồi phập phập! Hai cái đùi gà văng ra. Bằng bốn đầu ngón tay trái ông Siu Siu chặn cái đùi gà, chặn kín chỉ chừa một khoảng hở. Phập! Con dao phay bổ sát móng tay. Rồi cứ thế các ngón tay ông ta lùi dần, lùi đến đâu con dao phập sát tới đó. Phập! Phập! Phập! Thoắt cái, đùi gà đã được chặt thành từng khúc nhỏ đều đặn. Xúc những miếng gà đã chặt bằng lườn con dao phay ông trải thịt gọn ghẽ lên một chiếc đĩa trắng, rắc một ít hành lá lên trên, thế là đĩa gà được mang cho khách, cùng với những bát cơm gà nóng vàng ngậy bốc khói cộng thêm hai thứ nước chấm, một chén xì dầu có những lát ớt đỏ và một chén gừng băm trộn dấm. Trong bao nhiêu năm quan sát ông Siu Siu chặt thịt gà tôi cứ bị ám ảnh bởi một ý nghĩ và ý nghĩ này không ngớt theo tôi cho tới tận ngày nay, hơn bốn mươi năm sau. Ðó là có bao giờ ông ta lơ đễnh trong lúc chặt thịt? Tôi không dám nghĩ tiếp vì cái hậu quả mà tôi hình dung thấy nó kinh khiếp quá!…”
Dĩ vãng cũng có cái buồn của tác giả Nguyễn Tường Thiết trong phong văn sau đây:
“Chúng tôi chia tay. Ðó là hình ảnh sau cùng tôi ghi nhớ trước khi tôi giã từ vĩnh viễn căn nhà chúng tôi đã sống suốt 20 năm, căn nhà An Ðông của mẹ tôi….
Hai mươi mốt năm trôi qua trên đất Mỹ nhanh như một chớp mắt. Năm 1996 chúng tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên và có dịp ghé chợ An Ðông thăm căn nhà cũ. Căn nhà nay đã đổi chủ. Bảng hiệu cau Cẩm Lợi thay thế bằng bảng tiệm vàng Kim Xuyến. Trong lúc vợ con tôi đi sắm đồ trong chợ An Ðông (nay được tân trang phía trong với một dẫy cầu thang cuốn) tôi đứng trước cửa tiệm vàng nhìn lên cái ban công trên cao nhớ lại những giờ phút xa xưa đứng trên đó nhìn xuống cái quán Siu Siu ở dưới này bây giờ không còn nữa, nhớ lại cả một thời thanh xuân, thời tuổi trẻ của mình mà lòng bồi hồi.
Ðã bao nhiêu nước chẩy qua cầu. Mẹ tôi không còn nữa. Sau biến cố năm 1975 mẹ tôi đã sống thêm được 6 năm tại căn nhà An Ðông ấy và chứng kiến bao nhiêu cảnh tang thương của cuộc đổi đời. Tuy mẹ tôi được nhà cầm quyền mới để yên không làm khó dễ như bà vẫn hằng lo ngại (do tên tuổi bố tôi), nhưng bà đã trải qua bao cảnh chia ly tử biệt trong gia đình. Mẹ tôi chứng kiến chị cả tôi, chị Thư, chết trong một tai nạn xe cộ vào năm 1976, anh Thạch tôi bị đi tù cải tạo ở miền Bắc, anh chị Triệu tôi vượt biên, bị bắt, bị tù, rồi vượt biên nữa. Những người con của bà, người chết người bỏ đi xa, căn nhà vắng dần bóng người, mẹ tôi nhiều lúc sống thui thủi một mình trong căn nhà An Ðông. Người chăm lo hầu hạ bà sau này nhiều nhất là chị Thạch và… chú Tiều. Vâng, chú Tiều, con người điên điên khùng khùng ấy không ngờ lại là người rất có tình nghĩa, tận tụy chăm lo cho mẹ tôi cho đến những ngày cuối của đời bà.
Theo lời chị dâu tôi, chị Thạch, sau năm 1975 chú Tiều ở hẳn trong nhà mẹ tôi. Chú giặt dũ, nấu cơm, đóng cửa, mở cửa, coi nhà và trông nom mẹ tôi. Hồi đó trộm cướp nhiều lắm, mẹ tôi nhiều lúc ở nhà một mình nên sợ, may mà có chú Tiều bảo vệ. Ðêm đêm chú giắt con dao phay sáng quắc đi tới đi lui trước nhà khiến đám bụi đời và lũ trộm cắp rất ngán không ai dám bén mảng đến cửa. Anh Thạch tôi sau 5 năm trời cải tạo trở về sống ở chợ An Ðông. Ngày anh trở về là ngày vui nhất của mẹ tôi. Anh là người duy nhất trong số các con của mẹ tôi được sống với mẹ trọn một năm chót của đời bà. Tháng Tư năm 1981 mẹ tôi bị bệnh nặng. Anh cả tôi từ bên Pháp về Việt Nam đưa mẹ tôi sang Paris chữa bệnh. Ðến phi trường Orly mẹ tôi được chở thẳng đến bệnh viện. Bà qua đời tại đó ít lâu sau, thọ 74 tuổi.
Trong cuộc đổi đời khủng khiếp ấy tội nghiệp nhất phải nói là ông chủ quán cơm gà Siu Siu. Vào năm 1975 sau 20 năm làm ăn phát đạt ông Siu Siu trở nên giầu có. Ông đã tậu 3 căn nhà sát nhau trong một dẫy phố đường Nguyễn Duy Dương, cạnh trường Trí Dũng, và biến 3 căn này thành một nhà hàng bán cơm gà thật lớn, trong khi ông vẫn duy trì cái quán cóc nhỏ ở sát cạnh nhà mẹ tôi. Vẫn theo lời kể của chị Thạch thì khi những người cộng sản vào trong Chợ Lớn họ niêm phong và tịch thu tất cả những nhà hàng lớn của Hoa kiều, chỉ cho hoạt động những nhà hàng nhỏ bán buôn lẻ tẻ. Ông Siu Siu bỗng nhiên một lúc bị tước đoạt cả 3 căn nhà. Còn quán cóc thì ông sang lại cho chú Sáng, một người bà con của ông. Tháng Sáu năm 1978 những thương gia trong Chợ Lớn hùn nhau tổ chức một cuộc vượt biên bằng tàu. Ông Siu Siu và toàn gia đình ông tham dự trong chuyến đi ấy. Ra khơi không may tàu chìm. Toàn thể gần trăm người trên tàu không một ai sống sót chỉ trừ một mình ông Siu Siu. Ông bám vào một tấm ván theo sóng biển trôi tấp vào bãi biển tỉnh Bến Tre. Dân chúng địa phương báo cho công an biết và ông được chở vào bệnh viện cứu sống. Sau khi điều tra lý lịch biết ông Siu Siu ở chợ An Ðông họ điện cho công an phường An Ðông để xin giải ông về quận 5. Ông Siu Siu sau đó trở thành người mất trí. Không còn nhà cửa để ở ông sống lây lất ngay dưới mái hiên căn nhà cũ của mình ở đường Nguyễn Duy Dương. Rồi giống như chú Tiều ông bắt đầu điên khùng nói năng lảm nhảm. Nhưng tệ hơn chú Tiều ông phải ngửa tay xin từ gói xôi, gói bắp của những người qua đường để sống, những người mà chỉ mấy năm trước đã là thực khách thường xuyên của quán cơm gà rất nổi tiếng của ông.
Còn chú Tiều nhờ trời thương nên có hậu vận khá. Sau khi mẹ tôi qua Pháp, chị dâu tôi và anh Thạch là hai người sau cùng ở lại chợ An Ðông. Khi anh chị Thạch quyết định về ở Thủ Ðức anh chị đã sang căn nhà 39 An Ðông cho bà Kim Xuyến. Bà Xuyến sửa lại căn nhà để mướn một tiệm vàng khang trang đẹp đẽ. Theo lời chị Thạch thì căn trên gác được sửa sang gắn cửa kính lắp máy lạnh và đặc biệt để dành riêng cho chú Tiều ở. Chả là bà Kim Xuyến có nhà riêng 3 tầng ở đường Lý Hồng Phong nên bà không ở tiệm vàng. Mỗi sáng bà đến chợ An Ðông bán hàng. Chiều đến bà cho vàng vào trong két sắt (cái két sắt lớn của mẹ tôi để lại) khóa két lại rồi giao nhà cho chú Tiều coi giữ. Ðêm đêm chú Tiều giắt con dao bên lưng, đi tới đi lui, giống như trước kia chú đã làm thế để bảo vệ mẹ tôi, do đấy mà không một tên bất lương nào dám bén mảng đến trước cửa căn nhà số 39. Bà Xuyến về nhà riêng có thể yên tâm ngủ vì tiệm vàng đã có chú Tiều canh giữ. Một người khùng điên, không tài cán, không người thân thích, mà lại được tín nhiệm giao phó trông coi cả một tiệm vàng… Ðúng là chuyện khó tin nhưng có thực!
Sáu năm sau, năm 2002, chúng tôi lại trở về Sài Gòn và đến thăm lại căn nhà cũ một lần thứ hai. Tiệm vàng Kim Xuyến không còn ở đó nữa. Từng dưới nhà nơi chỗ hai cửa sắt trông ra hai mặt đường đã bị bịt tường kín bưng. Trên lầu những ban công được che bằng những song sắt chắc chắn. Chúng tôi đoán chủ nhân mới là sở hữu chủ của cả hai căn 39 và 41, họ dùng căn 41 làm chỗ buôn bán và dùng căn nhà cũ của mẹ tôi làm kho chứa hàng. Lần đó cũng là lần sau cùng tôi nhìn thấy căn nhà An Ðông cũ của mẹ tôi. Bức tường kín mít đã hoàn toàn chắn tôi với quá khứ. Tôi bâng khuâng tự hỏi không biết số phận của chú Tiều bây giờ ra sao, còn sống hay đã chết? “
Đọc tác phẩm “Căn nhà An Ðông của mẹ tôi” của Nguyễn Tường Thiết tức cười ở mục “xả xui”, chuyện kể ông được tiền nhuận bút từ tạp chí Văn. Nhà văn của những tác phẩm “Ngồi lại bên cầu” và “Nửa đêm thức giấc”; cũng như dịch giả của những sách Sứ mệnh văn nghệ (Discours de Suède, diễn văn đọc tại lễ nhận giải Nobel Văn chương của Albert Camus, và Sự đã rồi (Les jeux sont faits của Jean-Paul Sartre. Trần Phong Giao dịch chung với Nguyễn Xuân Hoàng)…. Nguyễn Tường Thiết nhận quà “xả xui” của ông “Nửa đêm thức giấc” như sau:
“Ở trên lầu bốn của chung cư là lầu thượng có mở câu lạc bộ là chỗ giải trí cho lính Mỹ. Ðêm đêm tiếng nhạc và tiếng trống thình thình từ trên đầu chúng tôi dọng xuống. Quân đội Mỹ đi đến đâu thì thế nào mà chẳng có đoàn nữ binh lén lút hoặc công khai lảng vảng đâu đó để phục vụ. Nhưng tôi chỉ phỏng đoán thế thôi chứ không tài nào phát hiện được. Chợ An Ðông bề ngoài trông vẫn nghiêm túc. Không một bóng dáng chị em ta nào lảng vảng. Thuở ấy nhóm bạn của tôi chia đôi. Một số ít đậu tú tài xong thì nhập ngũ. Số còn lại đông hơn có tôi trong đó tiếp tục đại học và được “hoãn dịch vì lý do học vấn”. Có một thông lệ là mỗi lần có đứa nào từ mặt trận về phép Sài Gòn thì đám hậu phương chúng tôi phải chung tiền để bao nó đi chơi bời mà chúng tôi gọi là đi “xả xui”. Xả xui thì độc có hai chỗ chúng tôi biết đến là Ngã Ba Chú Ía và ngõ Lê Văn Duyệt đối diện Quân Vụ Thị Trấn. Cả hai chỗ này đều dơ dáy kinh khiếp nhưng tụi nó ở trong rừng cả năm kẹt quá cỡ, được xả là khoái rồi, chẳng bao giờ chê bai.
Thế rồi bất ngờ một hôm tôi được dẫn đến một cái động rất sang mà lại chẳng phải đi đâu xa xôi. Nó ở ngay trên đầu chúng tôi, lầu ba chung cư An Ðông! Anh bạn văn Trần Phong Giao của tôi ơi! Anh ở dưới suối vàng hãy thứ lỗi cho tôi tiết lộ chuyện này. Nói đến chung cư An Ðông mà không nhắc đến anh và kỷ niệm này thì quả thiếu xót. Anh Giao hồi đó là chủ bút của tạp chí Văn. Anh là một người thật dễ mến, thật “tình thân” như anh luôn luôn viết thế khi kết thúc một bức thư gửi bạn bè. Năm đó anh xuất bản cuốn Tuyển tập Nhất Linh, trong đó có đăng bài “Niềm vui chết yểu” của tôi. Sách xuất bản xong, một bữa anh lái xe mô-bi-lét đến tìm tôi ở chợ An Ðông. Gặp tôi ở trước cửa nhà anh móc ngay trong túi một cái phong bì, nhưng anh không đưa phong bì cho tôi, chỉ nói: “Trong này có 500 đồng tiền nhuận bút của anh. Anh có hai lựa chọn. Một là anh nhận cái phong bì này. Hai là anh nhận một món quà khác tương đương với giá tiền”. Thấy tôi lưỡng lự anh nheo mắt bảo tôi: “Món này độc đáo lắm. Bảo đảm anh sẽ thích”. Rồi không để tôi lựa chọn anh ra lệnh: “Ði theo tôi!”. Nói xong anh khóa xe mô-bi-lét, lững thững bước đi trước. Ra đường Nguyễn Duy Dương anh dẫn tôi đến một cái cầu thang lên lầu ba của khu chung cư chúng tôi ở. Tôi đi theo anh mà lòng ngờ ngờ vực vực. Chưa bao giờ tôi bước chân lên lầu ba. Chúng tôi đi qua một hành lang rất dài, hai bên hành lang là một dẫy cửa phòng đóng kín, tôi có cảm tưởng như là mình đang đi trong hành lang của một khách sạn lớn. Ðến một phòng nọ anh gõ cửa. Cửa mở. Ðầu của một cô gái Tàu thò ra. Chúng tôi vào phòng. Anh Giao nói mấy câu với cô gái rồi đưa cho cô ta cái phong bì. Xong anh lui ra, nháy mắt với tôi một cái, rồi khép cửa lại. Tôi nhìn căn phòng rộng trống hổng chỉ có một cái giường nệm lớn trải khăn trắng ở giữa phòng trong lòng phân vân không biết phải làm gì. Trong lúc đó cô Tàu vào buồng tắm mở nước vặn vòi hoa sen. Lát sau cô trở ra không mặc quần áo gì cả chỉ quấn một cái khăn tắm quanh người rồi cô ta ra hiệu tôi cởi quần áo để vào phòng tắm chung với cô.
Một tiếng đồng hồ sau bước xuống cầu thang tôi lẩm bẩm: “Thằng cha Giao này tài thiệt! Hắn ở xa tít thế mà biết hết mọi chuyện ở ngay trên đầu mình”. Trong đời viết văn vốn không nhiều nhặn gì cho lắm của tôi đây là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất tôi có tiền nhuận bút. Mà may quá tôi lại không nhận cái tiền nhuận bút ấy….”
Động từ ”xả xui”nghe rất vui và có tính lý số hên xui nữa. Những street slangs tôi vẫn nhớ ngày xưa như “đá gà”, “đeo áo mưa”, “xả xui” , “ủi bãi”, “thổi kèn”, “xào khô”,…
Mới đây sau 43 năm xa xứ tôi tình cờ đọc tác phẩm Thần Thánh Không Biết Yêu của nhà văn Nguyễn Thi Thanh Bình,, tôi tìm cái từ ngữ của thế kỷ trước, một thoáng kỷ niệm vui vui… “bắt bò lạc”. Quả thật, đọc Nguyễn Tường Thiết, ông có những văn tự dí dỏm, hóm hỉnh, và tinh nghịch.
Tác phẩm khác đưa gần gũi với phong văn của Nguyễn Tường Thiết là bài “Bãi Ô Quắn”, Vũng Tàu. Quê ngoại tôi ở thị xã Vũng Tàu. Câu truyện về nguồn gốc của Bãi Ô Quắn hay tên khác của nó là Mũi Nghinh Phong vào thời Pháp được gọi là Pointe au Vent
. Người Việt đọc trại ra hai từ “au vent” thành Ô Quắn, sau đó lại dịch Pointe au Vent thành Mũi Nghinh Phong. Bãi tắm Ô Quắn, nay rất ít có du khách hay dân địa phương xuống tắm biển ở nơi đây vì dòng chảy của nước rất nguy hiểm. Về hình thể, địa thế thì Mũi Nghinh Phong là mũi đất vươn dài ra phía Nam bán đảo Vũng Tàu. Nghinh Phong có nghĩa là đón gió. Mũi đất nầy đón gió 4 mùa, khí hậu mát mẽ dễ chịu. Mũi đất này vươn dài ra biển tạo hai Vịnh lớn và hai bãi tắm nổi tiếng, bãi Vọng Nguyệt (hay Ô Quắn) và bãi Hương Phong (hay bãi Dứa). Chữ Ô Quắn hay tên Tây “Au Vent” như vừa đề cập, có nghĩa là gió. Ở đây gió nhiều, nên người ta đặt tên mũi đất này là Nghinh Phong rất đúng nghĩa, và bãi tắm ở đây là Ô Quắn, bãi tắm nhiều gió. Nghinh Phong đón gió thổi suốt năm như vậy, gió biển mát rượi khi ta ghé đây hóng gió biển. Xa xa ngoài khơi là bồng đảo Hòn Bà…
Bãi Ô Quắn hay Vọng Nguyệt rất nổi tiếng vì thắng cảnh rất đẹp. Nếu quý vị độc giả thích sóng lớn, thích một bãi tắm riêng rẻ, đây là bãi tắm của quý vị vậy, vui trượt sóng. Ở đây sóng nhiều, nước trong và sạch, hơi sâu hơn ở bãi Trước và bãi Sau. Những lúc hoàng hôn phủ xuống không gian Au Vent khi trăng lên, ngắm nhìn những làn sóng bạc tung tăng nô đùa ở đây lấp lánh, ôi sao đẹp tuyệt vời quá…
Những tiểu thuyết hay phim tình cảm lấy biển làm bối cảnh dựng phim như Titanic, Endless Love, truyện tình yêu tuổi trẻ lãng mạn hay N’oublie Jamais (của Nicholas Sparks, The Notebook), tình cảm trẻ trung giữa cặp đôi Noah và Allie. Truyện Au Vent của nhà văn Nguyễn Tường Thiết cũng mang nét lãng mạn như “P.S.: I love you” (của nhà văn nữ Cecelia Ahern, P.S. – Je t’aime) giữa 2 người trẻ Holly và Gerry.
Nguyễn Tường Thiết kể chuyện “Bãi Pointe Au Vent”, môt chuyện tình cảm man mác nhẹ nhàng, đan xen nét lãng mạn của chuyến đi chơi ở Bãi Ô Quắn có hai mẹ con bà Simône và Gabrielle, Paul là bạn của Gabrielle, Họ chia chung kỷ niệm tại biển này. Về sau cha Gabrielle là một sĩ quan Pháp bị tử trận tại Điện Biên Phủ. Hai mẹ con bà Simône về Pháp. Paul giữ kỷ niệm đẹp với 2 người Pháp này. Tác giả lồng vào truyện 2 bài tình ca Pháp xa xưa thật hay, và cốt truyện có Étoile des neiges và Moulin Rouge với kỷ niệm Edith Piaf trong nét bút diễn tả của nhà văn Nguyễn Tường Thiết. Chút lời nhạc … Ta kết hôn vào mùa xuân, sao tuyết lại lau khô đôi mắt xinh đẹp của em? Pour nous marier dès le printemps… Étoile des neiges, sèche tes beaux yeux ".
(Etoile des neiges do NS. Franz Winkler – 1906-1962)
Line Renaud – Etoile des neiges;
https://www.youtube.com/watch?v=koQ9LpUnCs8.
Khoảng năm 1970, khi về Cấp nghỉ hè tôi nhớ tại bãi Ô Quắn có chiếc tàu buôn khá lớn bị sóng đánh trôi dạt vào bãi biển này. Ô Quắn là một trong những bãi biển đẹp của Vũng Tàu. Tôi thích bãi này mỗi khi tìm sự thanh tịnh trong chuyến hè. Au Vent biểu tượng cho chồn mát mẻ cũng như vắng vẻ. Au Vent với tôi như bãi Playa del Carmen (ở bán đảo Yucatan, Mexico), khúc gần điểm nghỉ mát Riviera Maya và Las Brisas. Pointe au Vent cũng cho ta vẻ trầm mặc, tĩnh mịch như bãi Codo Playa thuộc đảo Bermudas, Caribbean. Những nơi lý tưởng để ta trốn tránh cảnh ồn ào, huyên náo của xã hội đô thị lớn. Xin nghe tiếp bài ca thứ 2 do danh ca “Sẻ nhỏ” Édith Piaf (le petit moineau) hát nhé…
Édith Piaf chante la grand chanson Moulin Rouge:
https://www.youtube.com/watch?v=whgqqKiyWI
Kế tiếp xin theo dõi nhà văn Nguyễn Tường Thiết qua bài viết : “Vài kỷ niệm với thầy Lưu Trung Khảo”
“Mười năm truớc đây, năm 2003, tôi có viết một hồi ký nhan đề “Mưa đêm cuối năm” thuật lại những kỷ niệm của tôi với nhà văn Võ Phiến. Trong hồi ký ấy tôi kể lại lần đầu tiên tôi biết tới nhà văn Võ Phiến là do sự giới thiệu của thầy giáo dậy môn Việt văn của tôi, thầy Lưu Trung Khảo. Sau đây là một đoạn văn trích từ bài viết “Mưa đêm cuối năm” ấy:
1958 – Bút danh Võ Phiến tôi nghe đầu tiên từ cửa miệng thầy giáo tôi, trong một chuyến du ngoạn ở Tây Ninh. Năm ấy tôi học lớp Đệ Tứ trường trung học Chu Văn An Sài Gòn. Cái tuổi còn mộng mơ. Giờ học tôi thường lơ đãng nhìn ngoài cửa sổ có cây phượng đại thụ thòng xuống chi chít những quả đen dài queo quắt. Nhưng vị thầy trẻ tuổi dậy môn Việt văn của chúng tôi lại cứ bắt tôi về với thực tế. Thực tế lại không hay ho gì lắm. Những ngày nóng bức từ nhà xí sát cạnh lớp một mùi khai khai thoảng nhẹ qua hoà vào những lời giảng thơ văn của thầy. Biết tôi là con một nhà văn tên tuổi, thầy cứ chắc mẩm là tôi phải xuất sắc về môn học của mình. Thầy không để tôi yên. Bình giải thơ Nguyễn Công Trứ xong thầy cho chúng tôi 20 phút viết phần dẫn nhập bài luận đề, thầy nói là sau đó thầy sẽ kêu tên một hai trò trong lớp đọc to cho cả lớp nghe và cho điểm. Nói xong thầy liếc xéo về phía tôi. Tự nhiên tôi có linh cảm chắc chắn thầy sẽ kêu tên mình. Thế là trong lúc hai thằng bạn ngồi cùng bàn Đỗ Diễn Nhi và Tạ Huy Sáng đánh cờ ca-rô thoải mái thì tôi hốt hoảng nặn bút viết. Mà viết phải cho hay để khỏi mất mặt ông cụ! Tôi nhớ là mình mới đọc có dăm câu: “Ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang trong nền thi giới nước ta…” tức thì ở dưới “đám nhà lá” đã có tiếng trầm trồ khen hay! Cái đám vờ vĩnh đó chúng khen xúi tôi để lần tới thầy lại tiếp tục gọi tên tôi nữa.
Cuối niên học, thầy Việt văn của chúng tôi hướng dẫn lớp Đệ Tứ B đi du ngoạn Tây Ninh. Chúng tôi lên đầy một xe buýt. Đến Tây Ninh chúng tôi leo núi Bà Đen và thăm thánh thất Cao Đài. Đó là chuyến du ngoạn duy nhất trong đời học sinh của tôi. Ngày hôm ấy theo lịch trình thì xe buýt phải quay lại đón chúng tôi lúc hai giờ trưa để về Sài Gòn nhưng không biết sao đến ba giờ cũng chưa thấy xe tới. Buổi trưa trời hè nóng gay gắt. Tôi mệt đừ ngồi bệt xuống vỉa hè đường dưới bóng mát hiếm hoi của hàng cây sao cao vút . Trên một khúc đường rộng đâm vào tòa thánh thất mấy chục học sinh với đồng phục quần xanh áo trắng đứng ngồi tản mạn từng đám. Bỗng thầy Việt văn lại gần, thầy ngồi xổm nói chuyện với tôi. Chúng tôi nói về sinh hoạt văn nghệ. Hồi đó ông cụ tôi đang chủ trương nguyệt san Văn Hóa Ngày Nay. Trong câu chuyện thầy vụt hỏi tôi : “Em đã đọc Mưa Đêm Cuối Năm chưa?”. Tôi trả lời thầy là tôi chưa đọc. Thầy nói: “Em nên tìm đọc. Võ Phiến viết hay lắm!”. Võ Phiến? Cái tên lạ hoắc!
Mười năm sau, vào mùa hè năm 2013, tôi nhận được e-mail của anh Trần Việt Hải ngỏ ý xin một bài viết của tôi để in trong cuốn sách “Kỷ niệm về GS. Lưu Trung Khảo” sẽ được xuất bản trong dịp mừng thượng thọ thầy Khảo 80 tuổi. Tôi rất hân hạnh được đóng góp một chút trong cuốn sách này vì thầy Khảo là một vị thầy khả kính mà tôi luôn luôn quý trọng. Hơn nữa tôi có một vài kỷ niệm với thầy mà tôi không bao giờ quên. Bình thường kỷ niệm giữa thầy và trò thường chỉ giới hạn trong không gian một mái trường và trong thời gian một niên học. Hết niên học thì thầy trò chia tay, mỗi người mỗi ngả, và hầu như suốt đời không gặp lại nhau. Trường hợp của tôi với thầy Khảo thì khác. Ở Sài Gòn, nhiều năm sau niên học 1957-58, tôi vẫn liên lạc với thầy Khảo, một phần vì tôi là học trò “cưng” của thầy, phần khác vì tôi là con của nhà văn Nhất Linh, người mà thầy Khảo ngưỡng mộ và kính trọng một cách đặc biệt.
Năm 1973, mười lăm năm sau khi chia tay với thầy Khảo lớp Đệ Tứ B, tôi đến nhà thầy ở đường Bùi Thị Xuân, Sài Gòn, để tặng thầy cuốn tiểu thuyết Xóm Cầu Mới của Nhất Linh do tôi vừa xuất bản. Năm ấy tôi tìm lại được bản thảo cuốn tiểu thuyết Xóm Cầu Mới của ông cụ tôi đã bị thất lạc từ 10 năm trước sau khi ông cụ tôi qua đời. Mặc dù cuốn tiểu thuyết này chưa hoàn tất tôi cũng quyết định xuất bản, đánh dấu ngày hoạt động lại của nhà xuất bản Phượng Giang do ông cụ tôi chủ trương từ năm 1952. Trông nom và điều khiển một nhà xuất bản đòi hỏi rất nhiều thì giờ mà lúc bấy giờ tôi không có vì tôi đang bị kẹt trong quân đội, phục vụ tại Tổng cục Chiến tranh Chính Trị với cấp bực Trung úy. Nói chuyện với thầy Khảo tôi được biết thầy đang làm việc ở Bộ Quốc Gia Giáo Dục với chức vụ Chánh Văn Phòng cho ông Thứ trưởng Nguyễn Danh Đàn. Tin này làm loé trong trí tôi một tia hy vọng là thầy Khảo có thể giúp tôi ra khỏi quân đội bằng cách biệt phái tôi về giáo chức….”
Nguyễn Tường Thiết là ai?
Nhà văn Nguyễn Tường Thiết qua những dòng kể chuyện trên, bây giờ hãy nhìn qua đôi chút nét tiểu sử thì ông sinh năm 1940 tại Hà Nội. Con út nhà văn Nhất Linh. Đỗ cử Nhân Khoa Học tại Đại Học Sài Gòn. Trước 1975 là giáo sư dạy Toán Lý Hóa. Ông còn phụ trách nhà xuất bản Phượng Giang năm 1973. Qua Mỹ năm 1975, làm chuyên viên hóa chất tại tiểu bang Washington. Mới về hưu tháng 05/06/2005. Cộng tác với Thế Kỷ 21 từ năm 2002. Tác phẩm đầu tay: Hồi ký Nhất Linh Cha Tôi, xuất bản tháng 7/2006, đúng 100 năm ngày sinh của Nhất Linh.
Đấy là chút nét thôi. Năm 2005 khi tôi sinh hoạt trong nhóm văn Đồng Tâm, nhân dịp sang Dallas và Houston để ra mắt sách về nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Một hôm ghé nhà thăm chị Phụng và nhà văn Đào Vũ Anh Hùng tại Dallas – Fort Worth, trong buổi nghỉ ngơi và đàm đạo văn chượng tại tư gia anh chị Phụng Hùng, Anh Hùng nhắc đến tên “Nguyễn Tường Thiết”. Tôi thắc mắc bỗng hỏi anh nhà văn ấy là ai vậy, chưa biết, chưa bao giờ đọc qua cả. Anh Hùng cho ngay một màn giới thiệu chút nét như trên.
(Nguyễn Tường Thiết: http://nguyentuongthiet.free.fr/)
Năm 2013 chúng tôi thực hiện sách “Lưu Trung Khảo, Dưới Mắt Nhìn Của Bạn Bè”, tôi đi xin bài khắp nơi, được biết GS. Nguyễn Tường Thiết có lúc học với GS. Khảo, tôi bèn gõ cửa xin bài. Ông cho bài rất nhanh, tôi đọc bài nhận đồng hương ngay, bởi vì ông du ngoạn nơi quê hương tôi. Ông còn leo núi Bà Đen và ghé thăm Thánh Thất, ăn cơm chay Cao Đài. Thầy Khảo đùa nhận nhau được đấy. Thầy biết tôi người Tây Ninh. Tôi đùa lại: “Quá được Thầy chứ! Ăn cơm chay Cao Đài, mà lại thuộc gia đình danh giá vọng tộc Nhất Linh nữa. ”
Năm lớp 12 khi vào phòng thi tú tài môn Việt văn. Đề thi bảo tôi viết essay về tác phẩm Đoạn Tuyệt. Trước đó đám học trò niên khóa 72 “Mùa hè đỏ lửa” chúng tôi kháo nhau năm nay “Nửa Chừng Xuân” hay “Đoạn Tuyệt”. Tôi cá với chúng bạn “Đoạn Tuyệt” (vì bố tôi đặt tên cho anh cả của tôi là Dũng). Giá như bố đặt tên ấy là Lộc, tôi đổi deal cá độ chứ nhỉ ? Tú tài tôi đỗ cao không khó một phần chắc là nhờ cụ Nhất Linh phò hộ nhắc tuồng truyện kể vậy.
Nhờ cụ Nhất Linh cho đỗ Tú tài, nên chi khi sang Mỹ tôi lục tục theo ngành văn. Tôi đọc những tác phẩm của cụ. Một trong những bài tôi đọc là “Ðỉnh Gió Hú”, của Emily Brontë, Cụ dịch dang dở do cụ mệnh chung vì biến cố chính trị thuở ấy, và ra hải ngoại nhà văn Nguyễn Tường Thiết hoàn tất nó. Theo ông Thiết thì cụ Nhất Linh rất tâm đắc tiểu thuyết này của nhà văn Brontë.
Tác phẩm duy nhất và nổi tiếng của nữ nhà văn người Anh, Emily Brontë, là quyển Wuthering Heights, đại để thì “Đỉnh Gió Hú” là một truyện tình lãng mạn, bi ai vì yêu nhau mà không thành, rồi sinh lòng thù hận, cốt truyện xẩy ra nơi miền đồng hoang Haworth, vùng West Yorkshire, bên Anh quốc, tác phẩm đưa tâm hồn độc giả qua những cảm giác bi thảm vì sự buồn bã, ảm đạm nhất trong loại chuyện hư cấu. Vào cuối thế kỷ 18, phong trào lãng mạn (romanticism) đã tràn vào nước Anh và nền văn học Anh có bộ môn văn chương đáng lưu ý nhất là thi ca, thi phú (poetry). Đề cập đến phong trào lãng mạn này của nước Anh, chắc hẳn phải nói đến những tài danh như Lord Byron, Samuel Taylor Coleridge, Robert Burns, Percy Bysshe Shelley, William Wordsworth, John Keats, William Blake,… Hãy kể thêm nhà văn nữ Jane Austen, người được xem như thuộc trường phái lãng mạn cổ điển, nổi bật qua các tác phẩm Sense and Sensibility (1811), Pride and Prejudice (1813), Mansfield Park (1814) và Emma (1815). Và đến cuối giai đoạn của phong trào lãng mạn này bỗng xuất hiện là những ngòi bút gây sóng gió cho văn chương Anh là những chị em nhà Brontë với các danh tác như Jane Eyre (Kiều Giang), Villette và Wuthering Heights (Đỉnh Gió Hú). Đọc lời giới thiệu sách của nhà văn Nguyễn Tường Thiết khi giới thiệu tác phẩm Wuthering Heights, ông viết:
“Đỉnh Gió Hú là tác phẩm dịch thuật duy nhất của văn hào Nhất Linh. Ông đã dành những giờ rảnh hiếm hoi trong cuộc đời rất bận rộn của ông để dịch cuốn Wuthering Heights này từ nguyên tác Anh ngữ phối hợp với bản Pháp ngữ Les Hauts de Hurle-Vent của dịch giả Frédéric Delebecque. Đầu tiên ông dịch nhan truyện là Mỏm Gió Hú, về sau được sửa thành Đỉnh Gió Hú trước khi đăng một phần trên Nguyệt san Tân Phong(Sài Gòn, Việt Nam) vào năm 1960.”, kể tiếp về bản dịch của thân phụ Nhất Linh, ông viết:
“Trong bản thảo viết tay mà chúng tôi hiện giữ có ghi những mốc thời gian từ lúc khởi dịch cho đến khi kết thúc: 19-12-1952, 21-8-1953, 27-6-1960 và 18-1-1962. Như vậy, sau khi viết xong cuốn tiểu thuyết sau cùng Giòng Sông Thanh Thủy vào năm 1961, Nhất Linh đã cố gắng mà không dịch xong Đỉnh Gió Hú trước khi ông qua đời vào ngày 7-7-1963…
Năm 1974 chúng tôi phụ trách nhà xuất bản Phượng Giang có nhờ nhà văn Bảo Sơn dịch tiếp và Đỉnh Gió Hú được xuất bản lần đầu tiên năm 1974 tại Sài Gòn, Việt Nam… Hiện nay vì không có trong tay ấn bản của nhà Phượng Giang để in lại, nên chúng tôi quyết định đánh máy từ bản thảo của Nhất Linh và tự dịch tiếp một số chương cuối để hoàn tất và tái bản cuốn truyện giá trị này. Chúng tôi cố gắng theo sát tinh thần dịch thuật của văn hào Nhất Linh để giữ cho hơi văn toàn tác phẩm được thuần nhất.”
Nhà văn William Somerset Maugham đã chấm tác phẩm Đỉnh Gió Hú là một trong mười cuốn tiểu thuyết mà ông cho là hay nhất của mọi thời đại, (selected by W. Somerset Maugham as one of the 10 greatest novels of all time).
Dịch giả Nguyễn Tường Thiết viết tiếp: “Dịch giả Nhất Linh đã ca tụng Đỉnh Gió Hú như là một trong những cuốn truyện hay nhất thế giới. Trong cuốn biên khảo của ông Viết và đọc tiểu thuyết Nhất Linh đã xếp Đỉnh Gió hú vào “những sách hay của nhân loại, đời đời công nhận, có giá trị bền mãi với thời gian, như những cuốn Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karenina, Tình nghĩa vợ chồng, Một bản đàn của Tolstoĩ, cuốn Những linh hồn chết của Gogol, cuốn Mấy anh em Karamazov, Những người bị ám ảnh của Dostoievsky…”.
Cũng theo cuốn biên khảo đó, Nhất Linh còn viết:
“Trong cuốn sách lạ lùng của nữ văn hào Anh quốc Emily Brontë, cuốn Đỉnh Gió Hú, xuất bản năm 1847, tác giả đã để một người vú già kể chuyện lại. Một vú già kể chuyện thì còn làm gì có những chỗ giảng giải về tâm hồn, ý nghĩ nhân vật nữa, tuyệt nhiên không có, tuyệt nhiên vú già chỉ là người đứng ngoài thôi. Thế mà chỉ bằng một giọng kể chuyện rất thường, bằng những chi tiết, vú già đó đã cho người ta thấy tất cả cái sâu xa của tâm hồn người trong truyện.”
Bài viết này tôi ghi nhận những bài văn của nhà văn Nguyễn Tường Thiết trong một cung cách hay qua những ý tưởng nào đó mà tôi cảm nhận sự gần gũi với ông từ chuyện Tây Ninh và Thầy Khảo, sang chuyện căn nhà 39 Chợ An Đông có tiệm cơm Siu Siu, vốn gần gũi 2 inches với dạ dầy của tôi.
Rồi chuyên Bãi Ô Quắn, Pointe au Vent với nàng Gabrielle và chàng Paul, une histoire d’amour légère est racontée, tôi thắc mắc nếu Paul đươc chuyển ngữ là Thiết tha…. và sau nữa là chuyện tình bi ai về tác phẩm Wuthering Heights của Emily Brontë đã nêu, mà nhà văn Nhất Linh và nhà văn Nguyễn Tường Thiết hỗn hợp hoàn thành dịch phẩm này.
Bài viết này khá dài vì tôi cố ý dùng nhiều trích đoạn văn và ý tưởng của nhà văn Nguyễn Tường Thiết để người đọc đọc thẳng, thay vì phải chuyển tham khảo link từ sách sang hệ thống www như đọc văn online, như vậy sẽ phức tạp quá. Những con chữ đã nhiều, tôi xin được dừng con chuột (mouse) ở đây. Văn và kỷ niệm mãi mãi trong tâm hồn của người viết bài, nơi có Tây Ninh, Vũng Tàu, Khu An Đông có tiệm Cơm Gà Siu Siu, và Đại học Cal State Nothridge, nơi môn văn học có Emily Brontë và Wuthering Heights.
Và trong trường hợp này, nhà văn Nguyễn Tường Thiết đã cho tôi những áng văn tưới mát tâm tư. Million de mercis. Chấm hết.
Việt Hải
Los Angeles
--------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét