Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

" nhà thơ Ý Nhi & thơ của lớp trẻ "/ Mặc Lâm ( phóng viên dằi RFA) -- trích : VOA/ Đài Á Châu Tự Do 12/ 08/ 2009.

 

Nhà thơ Ý Nhi và thơ của lớp trẻ

Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm xin giới thiệu buổi nói chuyện với nhà thơ Ý Nhi, bà là một cây bút lâu năm trong giới văn nghệ Việt Nam. Hồi gần đây bà có những sinh hoạt đáng chú ý khi tham gia các cuộc bình chọn các nhà thơ trẻ . Bà từng như phụ trách biên tập thơ cho một số các tờ báo lớn trong nước.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009.08.12
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Nhà thơ Ý Nhi tên thật là Hoàng thị Ý Nhi sinh năm 1944 tại Thị Xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Bà tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1968. Từng phụ trách công tác biên tập thơ cho các nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng và Tác phẩm mới (Hà Nôi ). Bà có một số  tác phẩm đã xuất bản đáng chú ý như: Trái tim - Nỗi nhớ in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ năm 1974; Cây trong phố chờ trăng, in chung với Xuân Quỳnh năm 1981. Những tác phẩm bà in riêng gồm có Đến với dòng sông, Người đàn bà ngồi đan; Ngày thường; Mưa tuyết, Gương mặt; Vườn, Thơ Ý Nhi ; tác phẩm mới nhất của bà là “Những gương mặt những câu thơ” là thể loại chân dung văn học in năm 2008.

Chỉ nên viết khi nào mình cảm thấy có nhu cầu (từ nội tâm) 

Khi được hỏi về những sinh hoạt của bà trước đây, và điều gì bà cho rằng một nhà thơ nên tránh trong sinh hoạt sáng tác, nhà thơ Ý Nhi cho biết:

- Tôi là người làm thơ nhưng đồng thời cũng có cái may mắn làm biên tập thơ nhiều năm, lúc đầu làm cho Nhà xuất bản văn nghệ giải phóng, sau đó đến Nhà xuất bản tác phẩm mới gọi là Nhà xuất bản hội nhà văn bây giờ. Làm rất nhiều năm, đọc rất nhiều thơ của các nhà thơ Việt nam đôi khi biên tập những tập thơ dịch ra từ các nhà thơ nước ngoài, tức là tôi có điều kiện đọc và tự mình cũng làm, đó là điều quan trọng nhất. Thực ra thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được. Bây giờ tôi vẫn cảm thấy thơ bị đặt hàng nhiều. Ví dụ Thơ Tết chẳng hạn, đó là một đề tài rộng rãi thoải mái nhưng mà không mấy khi chúng ta có Thơ Tết 2 cả bởi ít người có cảm xúc đúng vào thời điểm đó để có những bài thơ như thế nên tâm niệm sâu sắc nhất của tôi chính là: Mình thật sự chỉ nên viết khi nào mình cảm thấy có nhu cầu (từ nội tâm) mà thôi.

- Thưa bà, thường thì thơ và nỗi buồn thường song hành với nhau. Khi nỗi buồn đến thì sẽ tạo ra niềm hứng khởi cho thi sĩ, bà có phải là một ngoại lệ hay không?

- Tôi nghĩ không phảỉ chỉ riêng thơ mà nói chung tất cả các sáng tạo văn học nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điêu khắc…đều như vậy, tất nhiên là có đặc thù riêng. Nhưng nỗi buồn của người làm thơ thì trực tiếp hơn, ngắn gọn và bộc phát hơn. Đối với người sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung thì đó là điều không có ngoại lệ và tôi cũng thế thôi ạ.

Phục vụ thơ chứ không phải sử dụng nó  

- Có bao giờ bà có cảm giác là mình đã bạc đãi thơ hay không và nếu có thì bằng cách nào bà hòa giải ?

- Hồi nhỏ khi tôi còn học phổ thông thì nhân sự kiện nhà du hành vũ trụ Liên xô bay vào vũ trụ thì có một chú ở báo Tiền Phong xuống Hải Phòng nơi tôi học và BGH thấy tôi có chút năng khiếu nên đặt viết một bài thơ nhân sự kiện này. Đó là bài thơ duy nhất tôi làm do đơn đặt hàng còn ngoài ra tôi không bao giờ làm thơ khi không có nhu cầu. Không có bất cứ một áp lực nào đối với tôi cả. Chính vì thế nên tôi nghĩ mình không bạc đãi thơ nên cũng không có sự làm hòa. Tôi có nhớ một câu rất hay của một nhà thơ (đại ý) là người ta phải phục vụ thơ chứ không phải sử dụng nó. Sử dụng thơ tức là đã bạc đãi thơ rồi”. May mắn là tôi không rơi vào tình cảnh như thế ạ.

- Có một câu hỏi thường nhận được sự trả lời rất khác nhau từ các nhà thơ, đó là nếu được viết lại từ đầu thì bà sẽ làm gì sau khi đã đi qua một chặng đường dài như bà đã từng?

- Câu hỏi này có lẽ hơi khó không phải chỉ riêng tôi mà với tất cả mọi người vì nếu như làm lại thì người ta sẽ thay đổi rất là nhiều. Khi tôi bắt đầu làm thơ thì rất nhiều anh chị khác cùng thế hệ như chị Xuân Quỳnh, anh Bằng Việt hay anh Phạm Tiến Duật đã làm thơ trước đó dù cùng một lứa làm thơ với nhau. Tuy nhiên khi bắt đầu làm thơ thì mình cũng hòa vào giọng chung đó, chưa có được giọng riêng cho mình. Nếu như có sự bắt đầu tốt hơn, có vị trí độc lập thì tốt hơn nhưng cũng chả sao vì cái gì mình đã sống, đã làm cũng đáng quý. Tôi thực sự không hối hận hay nghĩ mình phải làm cách khác vì điều đó là không thể.

Lớp trẻ làm thơ

- Bà đã từng biên tập thơ cho nhiều tờ báo vậy trong khi làm công việc này bà có nhận xét gì đối với các nhà thơ trẻ hiện nay? Họ có những sáng tạo rất mới đôi khi đến khó hiểu và dư luận có lúc lên tiếng cho rằng ngô nghê, làm dáng, hay phá phách đặc biệt là trong thể loại thơ Tân Hình Thức. Bà có nhận xét ra sao về họ?

Tôi là người gốc miền nam nhưng năm 54 tôi cùng gia đình ra bắc. Khi tôi học phổ thông, học đại học đến lúc đi làm thì có một nền thơ chung của miền bắc lúc bấy giờ . Và cũng do cuộc chiến tranh nên thơ miền bắc có giai đoạn khác với thơ miền nam và thơ của lớp trẻ bây giờ khác với thời kỳ thơ của tôi. Tôi cảm thấy lớp trẻ bây giờ thật sự tự do, họ tìm kiếm những phương thức mới để biểu hiện họ.

Bọn trẻ bây giờ hay nói đến hậu hiện đại. Về lý thuyết thì tôi không hiểu lắm nhưng tôi thấy nhiều người để ý và viết mà không ai phản đối. Sự tự do trong tư tưởng trong tình cảm sự không ràng buộc là điều quan trọng nhất đối với những người làm thơ trẻ. Hiện nay tôi không làm thơ nữa mà tham gia vào ban giám định tổ chức những cuộc thi thơ. Những cuộc thi này rất để ý đến những tác giả trẻ. Tôi cảm thấy điều quan trọng nhất là họ tự do, họ không bị bất cứ sự ràng buộc nào về mặt tư tưởng, tình cảm cũng như về nghệ thuật, về thủ pháp... Đất của họ rất rộng.

Từ sau 75 đến giờ xuất hiện rất nhiều đợt những tác giả thơ trẻ khác nhau. Đa số các nhà thơ nữ hay viết về đề tài tình yêu mà có thời kỳ chúng tôi không được nói đến điều đó, bây giờ tôi thấy hơi nhiều, hơi quá đà, coi như tình yêu là thứ duy nhất người ta muốn nói. Trong giải thơ tôi đang tham gia là giải Bách việt gần đây có tổ chức một buổi ra mắt những tập thơ mới, tôi thấy anh Đồng Chương Tử, anh Tuệ Nguyên, anh Trần Tuấn, anh Lê Vĩnh Tài… có đề tài quan tâm rộng hơn, sâu sắc hơn anh ạ.

-Như bà vừa trình bày lớp sáng tác trẻ có khuynh hướng tiếp cận với thơ hậu hiện đại nhiều hơn là làm thơ theo kiểu cổ điển, mà loại thơ này thì thật ra khó cảm nhận cho dù chỉ tương đối vì cho đến lúc này thế giới vẫn loay hoay đánh giá cách sáng tác cũng như chủ đề của loại thơ này. Từ những khó khăn như vậy, làm cách nào mà bà và ban giáo khảo có thể chấm những tác phẩm sáng tác trong hình thức này của giới trẻ?

- Cái này đúng là hơi khó. Trong giải thưởng thơ chúng tôi đang làm thì có tờ báo họ bảo là đổi mới vừa vừa tức là cái mà ban thẩm định có thể chấp nhận được, nhà xuất bản có thể cấp phép được và bạn đọc có thể chấp nhận được. Còn những người đi quá sâu vào khuynh hướng đó, quá tự do thì họ xuất bản bằng cách khác. Họ có thể gửi lên mạng gửi ở Tiền Vệ, gửi ở Da màu, gửi ở Ăn mày văn chương… hoặc in ra thì cũng có nhưng sự tiếp nhận của công chúng và cả với chúng tôi cũng rất dè dặt, rất khó. Những tác phẩm đã được in ra, đã được tham gia giải này giải kia thì cũng chừng mực, vừa phải chứ không đi thật sâu vào khuynh hướng hậu hiện đại. May mắn là họ vẫn được viết và có phương tiện phổ biến những sáng tác của mình, đó cũng là điều tốt.   

- Xin cám ơn nhà thơ Ý Nhi, để kết thúc phần nói chuyện ngày hôm nay mời quý vị thưởng thức bài thơ ngắn có tên Quê Hương của tác giả Ý Nhi do Khánh An đọc sau đây

 

                  QUÊ HƯƠNG

                    Rồi ta về ngày thơ ngây

                   trái mận trái mơ

                   con giống đêm rằm

                   đèn trung thu sáng nến

                   phượng nở êm đềm trên mái rêu

                    Rồi ta về

                   nghe gió

                   thiếp lặng giữa vòm cây

                   như tiếng gọi trong chiều

                    Rồi ta về

                   trông sóng

                   trên mặt nước hồ xanh

                   còn chuyến đi bền bỉ tới bờ

                    Rồi ta về

                   mưa phùn ,lộc biếc

                    Rồi ta về

                   phố dài cô vắng

                   sông lớn âm thầm thắm đỏ

                    Rồi ta về

                   tìm qua ô cửa

                   một chút gì bóng dáng đời ta

                   một chút gì như đốm nắng trên tường vôi cũ

                   một chút gì như tiếng chim khuyên

                   nơi vườn hoang

                   Rồi ta về

                  cuộn trốn giữa yêu thương

                  như đứa trẻ

                  cuộn mình trong chăn ấm chiều đông

                   Ôi quê hương quê hương

                   mắt trũng sâu chờ đợi

                   ta khóc ngập lòng trên lối về.

Nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét