TRẦN THỊ NGUYỆT MAI
XIN NHỮNG TÌNH THÂN ÁI / CÒN HOÀI NHƯ HÔM NAY…
Lá Thư Văn Nghệ Gởi
Nhà Văn Lữ Kiều – Thân Trọng Minh
Houston ngày 22 tháng 10 năm 2019
Kính chào anh Lữ Kiều-Thân Trọng Minh
và chị Thanh Hằng,
Thế là lần gặp anh và chị Thanh Hằng vào dịp Hè vừa rồi, mới đó mà đã gần nửa năm rồi anh Lữ Kiều. Lần đó, dù mới gặp anh chị lần đầu nhưng sao trong lòng tôi có cảm tưởng dường như đã thân quen với anh chị từ rất lâu, nên anh chị về lại quê nhà, vợ chồng tôi nhớ anh chị thật nhiều! Chị Bảy thì khen chị Hằng trẻ, đẹp và rất cởi mở, rất có tình.
Qua câu chuyện chị Bảy kể về chuyến chìm tàu hồi mấy năm đi thăm nuôi, hai đứa con Thảo, Hiếu còn rất nhỏ, bị phỏng nặng vì người tài công châm dầu khi máy đang chạy, mà tàu thì chìm giữa dòng sông sâu nhưng không có một ai ra tay cứu mình chỉ có một mình chị Bảy dù không biết lội; vậy mà cũng ráng quơ tay quơ chân và mỗi tay nắm vạt áo của các con với hai bàn chân cố chòi vào bờ và mang được các cháu lên bờ trong cảnh mọi người đứng trên bờ chỉ biết nhìn, không ai giúp được chút gì! Sau khi nghe kể câu chuyện ấy, chị Thanh Hằng thốt lên, đại ý: “Quá khủng khiếp, thương chị quá!”. Nghe vậy, chị Bảy rất cảm động và dành cho chị Thanh Hằng nhiều cảm mến về một tấm lòng của một người mẹ dành cho một người mẹ giữa cơn hoạn nạn khốn cùng!
từ trái: (hàng đứng):
- chị Thanh Hằng, nhà văn Lữ Quỳnh, nhà thơ Phan Xuân Sinh,
nhà văn Phạm Văn Nhàn, nhà thơ Tô Thẩm Huy;
(hàng ngồi:
- chị Thiên Nga, nhà thơ Cái Trọng Ty, Hai Trầu,
- nhà văn Lữ Kiều (bác sĩ Thân Trọng Minh), nhà văn Hà Thúc Sinh.
(tại cà phê La Madeleine, Houston, Texas, ngày 23–5-2019).
(tại cà phê La Madeleine, Houston, Texas, ngày 23-5-2019).
Riêng anh Lữ Kiều thì, như có lần tôi đã tâm sự, gặp được anh là tôi gặp lại cái thời tuổi trẻ của mình lúc mới biết yêu, dĩ nhiên qua những chương đời mà anh đã ghi lại trên các trang sách Trên Đồi Là Lô Cốt; ở đó là cái thời anh em mình còn quá bé bỏng nhưng anh già giặn hơn tôi rất nhiều, anh lãng mạn hơn, nghệ sĩ hơn mà anh cũng tài giỏi và suy tư cùng đắn đo hơn! Tôi thì lơ tơ mơ lắm, it nghĩ ngợi gì khác ngoài “những ngày hai mươi tuổi” với những “đêm đêm chong đèn ngồi” như anh viết vậy.
Gặp anh Lữ Kiều, anh vốn là một bác sĩ quân y, tôi cũng gặp lại hình ảnh vị bác sĩ quân y hồi tôi đi khám sức khỏe trưng binh ở tuổi 18, một vị bác sĩ đúng là vị thần hộ mạng khi ông hỏi tôi:”Em muốn tiếp tục đi học lên lớp Đệ Tam không?” và tôi trả lời:”Dạ, em muốn đi học, Bác sĩ!” Có lẽ vị bác sĩ thấy tôi quá ốm yếu, không đủ ký và lúc đó, tôi vừa mới đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, sắp sửa năm tới là tôi sẽ vô lớp Đệ Tam của trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên). Thế là ổng phê cho tôi hai chữ “Phụ Dịch”. Vậy là tôi tiếp tục được đi học hoài anh Lữ Kiều! Giữa thời buổi chiến tranh mà có một vị lương y nhân từ như vị Bác sĩ ấy thì đời còn gì đẹp hơn, phải không anh?
Gặp anh, tôi cũng nhớ lại thời mới vô cải tạo, tôi ở chung một tổ với các vị bác sĩ như bác sĩ Nguyễn Phước Thọ [Giám Đốc Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa Long Xuyên (An Giang)], Bác sĩ Nguyễn Văn Tương (Trưởng Ty Y Tế An Giang), Bác sĩ Nguyễn Văn Trí (Trưởng Khu Tai Mũi Họng Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa An Giang), lúc bấy giờ các anh ấy thương tôi lắm, cuối tuần nào mấy anh em cũng xúm nhau uống cà phê, các anh lúc nào cũng ân cần an ủi và chia sẻ những ngọt bùi trong những lúc khốn cùng! Và nay lâu rồi, có tới gần năm mươi năm tôi chưa gặp lại các bậc đàn anh ấy lần nào!
Thưa anh,
Gặp anh Lữ Kiều và chị Thanh Hằng kỳ vừa rồi là tôi đã gặp lại được phong cách rất Sài Gòn ở anh chị mà dường như lâu lắm rồi tôi chưa gặp được. Chợt dưng tôi nhớ lại những ngày còn nhỏ lên Sài Gòn ở trọ nhà ông anh nuôi (bạn học của anh Năm) để đi học, rồi nhớ lại những ngày làm cu ly ở Sài Gòn có anh bạn cùng làm chung sở, nhà ở bến Chương Dương, học trường Chasseloup, có tú tài Pháp, mê sử thế giới, nói chuyện cởi mở, cư xử như một người vừa lịch lãm vừa thân tình, vừa rộng rãi mà vui tính và độ lượng. Hồi đó ảnh có viết quyển sách về một nhân vật lịch sử thế giới, bằng Pháp văn, và đưa tôi dịch, viết xong trang nào ảnh đưa tôi dịch trang nấy, ảnh rất thích cách tôi dịch, vậy mà tập bản thảo dày cỡ trên 500 – 600 trang viết tay. Đến tháng 4-1975, tập bản thảo này bỏ lại trong tủ ở sở làm, nay ngồi nhớ lại tiếc quá, không biết hồi đó cách nay gần 50 năm mình dịch thế nào. Nay thì chữ nghĩa gì quên ráo trọi anh Lữ Kiều ơi.
Phong cách hai ông anh nuôi của tôi là các anh Phạm Trung Nhã, và anh Phạm Văn Thực (cầu thủ đội tuyển đội túc cầu quốc gia Việt Nam đoạt giải Merdeka năm 1965?), và phong cách của anh bạn tôi giống như phong cách của anh Lữ Kiều vậy, rất Sài Gòn!
Về cuốn sách mới của anh, cuốn “Với Một Dòng Sông”, tập truyện và tản văn, anh gởi từ San José, đọc cảm động lắm. Tôi và chị Bảy cảm ơn anh chị nhiều lắm. Ngoài phần các truyện ngắn trong tập Trên Đồi Là Lô Cốt, mà tôi đã đọc, anh sưu tập thêm phần “Thử Bút & Xuôi Dòng” của anh là những trang sách anh viết từ hồi những năm 1971- 2007, như anh đã ghi:“Đó là những trang bản thảo đây đó, người này giữ một ít, người nọ giữ một ít trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó, hoặc trong những trang báo cũ trước năm 1975 đã tan tác như một thế hệ làm văn nghệ của miền Nam cũ. Tất cả những trang chữ đó được các bạn tôi gom lại, sắp xếp lại, để hoàn thành cho tôi một tập truyện “Trên Đồi Là Lô Cốt” và một tập thử bút: “Chàng nho sinh dưới gốc tùng”.
-bìa tập truyện-tản văn của Lữ Kiều,
ấn hành tháng 4 năm 2019
Vâng, thưa anh Lữ Kiều, có lẽ đó là những gom góp từ những trang bản thảo thất lạc lâu rồi nhưng vô cùng cảm động như anh có nhắc qua về những người giữ nó:
“Làm sao tôi không cảm động về tình bạn văn chương ấy. Không phải tôi chỉ vịn họ để đứng dậy, mà họ đã nắm tay kéo tôi đứng dậy…”
Và, anh còn nhắc công của chị Thanh Hằng, hiền thê của anh trong việc có mặt của tác phẩm này nữa: “Tôi cũng muốn nói đến Thanh Hằng, ở tuổi 20, trên 25 năm trước, đã nắn nót những trang bản thảo cẩu thả của tôi còn sót lại để những dòng thử bút ấy tồn tại đến bây giờ.”
Để rồi anh nghe lòng mình rất đỗi bùi ngùi: “Tạm gọi là tác phẩm. Hay gọi là một cuộc tổng kết chữ nghĩa của một thời. Cho dù “Có gì đâu” như con trai đã nói lời cuối với tôi như vậy.
Phải, “có gì đâu”, đọc lại những trang viết thời trai trẻ, nồng nàn những ý tưởng tuôn trào, thấy lòng ta bùi ngùi. Mới thôi mà đã một đời người. Cái còn lại sau 40 năm là những lời nói thầm từ quá khứ, nói gì vậy, có thể rất nhiều mà cũng rất ít, chỉ nói thầm thôi, để giờ đây lắng tai nghe tiếng được tiếng mất. Và cả tiếng im lặng nữa.
Hay là ta đã khác?
Hay là đời đã khác?”
(III – 2007, LỮ KIỀU)
(Xin đính kèm vài bức tranh tiêu biểu của anh Lữ Kiều)
Về bức tranh anh tặng, tôi mê nhứt là những con cá lúc nào cũng muốn bơi, lúc nào cũng mở mắt và hiền từ; rồi gương mặt của người thì vừa thông minh vừa nhân hậu, trường thọ qua hai trái tai dài; đặc biệt qua tiếng “OM”, anh có nhắc trong cuốn Với Một Dòng Sông, và với tiếng “OM” này, có một lần đi dự đám cưới của một đứa cháu được tổ chức trên một ngọn đồi vùng Santa Monica ở California, trong bài: “Đám Cưới Trên Đồi”, tôi có nhắc về ý nghĩa của tiếng “OM”:
“… Hôn lễ cử hành với nghi thức rất lạ mà tôi chưa bao giờ tham dự lần nào. Người điều khiển chương trình có tên là Govinda với mái tóc xoắn bỏ dài theo sống lưng, mặc chiếc áo màu đỏ như một thổ dâ n. Ông ta bắt đầu bằng ba tiếng kèn mà tiếng vọng lại của nó kéo dài và lan xa vào không trung giữa lúc mọi người đang chăm chú đôi mắt nhìn về hướng cô dâu chú rể. Rồi những tiếng “OM…OM…OM” lại được cất lên từ người mặc áo đỏ ấy, tượng trưng cho tiếng vọng vang lên từ vũ trụ, theo truyền thuyết cổ xưa, nó biểu hiệu tất cả quyền năng từ các đấng thiêng liêng trong trời đất. Rồi một cô gái cũng mặc áo đỏ bắt đầu mồi lửa vào một cái bình có chứa đồ nhóm lửa và xông khói chung quanh cô dâu chú rể cùng quan khách như mang đến một phép mầu hạnh phúc cho đôi tân lang và tân giai nhân.”
Thưa anh,
Nhơn nhắc về tranh của anh Lữ Kiều, tôi được biết chị Thanh Hằng, hiền thê của anh, cách nay 20 năm chị cũng là một họa sĩ nữa. Tranh của chị thường lấy bối cảnh thiên nhiên làm nền như căn nhà trên đồi, các cánh đồng đầy bông sen, bông súng và nhứt là chị cũng thích vẽ cá như anh vậy! Tôi vốn là một người nhà quê gần cả đời sống với thiên nhiên nên tôi rất mê những đề tài mà hai anh chị yêu thích thể hiện trong tranh như vừa kể!
(Xin đính kèm vài bức tranh tiêu biểu của chị Thanh Hằng)
Về chuyến hội ngộ vào tháng 5 vừa rồi giữa anh chị và các bạn văn của anh từ hơn năm, sáu chục năm về trước, là một người ngoại cuộc, đứng bên lề nhìn vào, tôi thầm nghĩ đây là một dịp vô cùng quý báu! Quý báu vì tuổi đời mà nay ai cũng ngoài cái tuổi bảy mươi, rồi đường sá xa xôi cách trở nữa nhưng tình bạn qua sáu bảy chục năm ấy với biết bao dời đổi mà các anh vẫn còn cố gắng tìm gặp lại nhau quả là một tấm gương quý báu về tình bạn thân thiết biết bao!
Thưa anh,
Sau khi anh chị về Sài Gòn, tôi biết được tạp chí văn học Thư Quán Bản Thảo của hai anh Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn chủ trương, số 85 tháng 7-2019, có cho ra đời số báo đặc biệt kỷ niệm lần hội ngộ của anh chị vừa rồi với chủ đề: “Lữ Kiều-Thân Trọng Minh” cùng nhiều người viết về đề tài “Houston Ngày Hội Ngộ”. Đọc được số báo đặc biệt ấy, tôi vui lắm, bài nào cũng đầy tình cảm cùng tấm lòng của các tác giả dành cho anh chị và tôi đắc ý nhứt là phần nhận xét của anh Tô Thẩm Huy về nhà văn Lữ Kiều, trong bài:”Lữ Kiều, Dòng Suối Dịu Dàng Hơn Tình Yêu, Dữ Dội Như Định Mệnh” mà tôi cho là tuyệt diệu. Chẳng hạn, tác giả viết:
“Lữ Kiều tươi cười, ấm áp trong lời nói. Trong và vui như dòng suối. A spring adores its banks…
Thật không có nhận định nào sai lầm hơn. Ai mà có thể ngờ là ẩn sau tiếng cười róc rách của dòng suối ngọt ngào ấy lại là dập dồn thác ghềnh tuôn chảy, là cuồn cuộn cuồng lưu, là tưng bừng sóng nước. Đọc văn Lữ Kiều là bị đẩy vào cõi lung linh giữa hư và thực, giữa hồn nhiên và lý sự, giữa cao thượng và ích kỷ, giữa ham muốn và thánh thiện, giữa ý thức sáng suốt và mơ mộng lãng mạn, giữa xung đột và dằn vặt, tất cả trộn lẫn với nhau, đọc lên cứ như là say rượu.”
Tôi những tưởng có thể ngừng lại ở đây vì lời nhận định ở trên của Tô Thẩm Huy quá đầy đủ, quá súc tích, quá xác đáng nhưng cái cảm xúc trong câu văn của tác giả Tô Thẩm Huy cứ như dòng nước mát đang cuồn cuộn tuôn tràn. Và rồi, tôi lại phải mò mẫm trích thêm nhiều ý nữa:
“Lữ Kiều của tập kịch Kẻ Phá Cầu, của tập truyện Trên Đồi Là Lô Cốt, là Lữ Kiều hai mươi tuổi của những ngày chiến tranh bom đạn. Là những đau đớn đến tàn nhẫn, những băn khoăn đầy ý thức của kẻ sĩ trong một đất nước nhiễu nhương, bên cạnh những rung động rạo rực của thèm khát yêu đương, có khi là thơ ngây, dại khờ, của một tâm hồn còn trong trắng, khao khát đi tìm cái đẹp ở trên đời. (…)
Vì thế đọc văn Lữ Kiều ta có thể yêu anh thân thiết như yêu một người bạn đã cùng mình chơi đùa, chạy nhảy từ những ngày lên năm, lên bảy, dù rằng ở trần gian này có thể anh có ít nhiều thâm niên công vụ hơn ta. Ai cũng chẳng đã một lần thời là hai mươi tuổi những ngày chiến tranh khói lửa. Mà có cần phải sống cùng một thời mới thông hiểu nhau không? (…)
Văn Lữ Kiều ngời lên ánh sáng, âm vang tiếng gọi phải tiếp ứng nhau. Phải làm sao tiếp ứng với những đốm lửa đang le lói cháy một mình, như lời nhắc nhở của Saint-Exupéry. Và vì thế Lữ Kiều là đáng yêu, là ấm áp, là thao thức, là mang lại cho chúng ta sự tin tưởng ở nhau, là làm chúng ta muốn xích lại gần bên nhau hơn.”(*)
Thưa anh,
Đó là những nhận định của anh Tô Thẩm Huy mà tôi nghĩ là quá xác đáng với các trang sách của anh. Với riêng tôi thì, như có lần tôi có ghi lại vài cảm tưởng sau khi đọc Trên Đồi Là Lô Cốt của Lữ Kiều, đặc biệt với những lời chú giải dưới mỗi truyện của anh, tôi có ghi thế này:
“Và sau cùng, nghĩ cũng nên thêm một điều này nữa là dù đã qua rồi hơn bốn mươi năm nhưng với những lời chú giải dưới mỗi truyện với lời văn vừa ngắn gọn mà súc tích, vừa êm đềm mà dạt dào tình cảm, rất lãng mạn và trữ tình…, chẳng những ở đó là những trang văn tuyệt tác mà còn là những viên ngọc lấp lánh của một tâm hồn nghệ sĩ được sống lại cái thời của tuổi đôi mươi đầy thơ mộng của chính tác giả và có lẽ, cũng của người đọc nữa, trong đó có tôi. Ôi, đẹp biết bao!”
Phải vậy không, thưa anh Lữ Kiều?
Thưa anh,
Viết thư cho anh là tôi viết bằng cả tấm lòng chân tình của mình, và tôi còn muốn viết dài thêm nữa nhưng, như anh có lần tâm sự:“thư bất tận ngôn”, nên tôi cũng đành phải ngừng lại ở những dòng chữ này với lòng quý mến anh chị của vợ chồng tôi và cầu chúc anh chị luôn nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
Thân quý,
HAI TRẦU
-bìa tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 85, tháng 7-2019,
chủ đề Lữ Kiều Thân Trọng Minh
---------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét