VHSG- Khi hoạt động trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn, tôi và một vài người bạn thường hay đọc các tạp chí Đất Nước của GS Nguyễn Văn Trung, Trình Bầy của nhà văn Thế Nguyên và Đối Diện của Linh mục Chân Tín.
Tuổi trẻ ham đọc sách tìm hiểu đủ thứ để nâng cao hiểu biết của mình, chúng tôi có những quyển sách về lý luận văn nghệ gối đầu nền gạch như Tìm hiểu văn nghệ của đại lão nhà văn Vũ Hạnh, Những vấn đề văn nghệ của Lữ Phương – một nhà giáo của trường Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), sau nầy là thứ trưởng Bộ Văn hóa của Chính phủ lâm thời Miền Nam. Đọc hết thật nhuần nhuyển, thuộc như cháo thì coi như chúng tôi đã vững lập trường “văn nghệ chiến đấu” để sáng tác và phê phán “văn nghệ tay sai” (chữ của nhà thơ Trần Quang Long).
Văn nghệ thì có nhưng khổ nỗi những quyển sách nói về cuộc chiến tranh đang xảy ra trên đất nước tôi, về quân đội Mỹ, về chính quyền Sài Gòn thì không hề có – ngay cả sách trên vỉa hè Công Lý. Chỉ có những tạp chí như Đất Nước, Trình Bầy, Đối Diện – những tạp chí có khuynh hướng chống Mỹ cứu nước – còn được gọi là những tạp chí khuynh tả – với những bài nhận định, phân tích, những bài dịch thuật từ báo nước ngoài và ngay cả thơ văn đã cung cấp cho chúng tôi, những cái giếng khô cạn, sự hiểu biết – dù không hệ thống nhưng chút ít cũng để ăn nói được rổn rảng trong những đêm lửa trại. Những tên tuổi Nguyễn Văn Trung, Thế Nguyên, Diễm Châu (Võ Hồng Ngự), Nguyên Sa, Nguyễn Quốc Thái, Hoàng Ngọc Biên, GS Trần Tuấn Nhậm… từ tạp chí Trình bầy đã làm tôi ngưỡng mộ từ lúc ấy.
Tôi say mê mua bán nguyệt san Trình Bầy – tạp chí văn hóa – chính trị – xã hội từ số đầu tiên (01/8/70). Được biết, logo Trình Bầy do nhà văn Thế Phong nhờ họa sĩ Vị Ý vẽ miễn phí. Và sau 42 số báo ngắn ngủi, mà số báo nào cũng có những bài nhận định, thơ, văn, nhật ký tập thể, truyện chống Mỹ, chống chính phủ Nguyễn Văn Thiệu thuộc loại cự phách, anh hào báo tự đình bản vào tháng 9.1972 .Trong thời kỳ nầy báo liên tục bị tịch thu, ra tòa thì sống gì nổi hở trời. (Truyện Vài ngày làm việc ở chung sự vụ” của Nguyên Sa khởi đăng ở đây, sau đó Nhân văn của Phan Kim Thịnh mới in thành sách và bị gọi ra tòa từ tác gỉa đến chủ nhiệm). Đúng là “Những ngày tháng viết văn thật khó/Những ngày tháng làm báo thật khó/Những ngày tháng làm người thật khó” (Nguyên Sa).
Trong số cuối cùng ban biên tập cho biết đình bản vì hai lý do. Một là vì luật báo chí 007. Hai là “chưa bao giờ dám coi nhẹ cái nghề làm văn của mình, chúng tôi cảm thấy không thể nào chấp nhận được bất cứ một ý định nào buộc văn chương phải lấy việc “phục vụ cái Đẹp” làm bổn phận duy nhất…” Theo Nguyễn Vy Khanh thì trước khi Trình Bầy được in typo, có giấy phép đàng hoàng thì Trình Bầy “ sinh hoạt văn học nghệ thuật, bản tin văn học do nhóm Trình Bầy chủ trương” đã xuất hiện từ tháng 10.10.1966 dưới dạng in và phát hành lậu bằng ronéo, và chỉ ra được 6 số.
Tôi biết được tin tạp chí Trình Bầy đóng cửa từ GS Trần Tuấn Nhậm khi ở chung trong nhà tù Chí Hòa. Trước đó, tôi đã được biết GS Nhậm qua một buổi sinh hoạt văn nghệ tại Đại học Văn khoa. Thời gian nầy, ông đã nổi như cồn với khẩu hiệu bầu cử là “Chống Mỹ Cứu Nước”. GS Trần Tuấn Nhậm đã mời tôi đến tòa soạn Trình Bầy chơi. Sau nầy tôi gọi GS Trần Tuấn Nhậm là anh vì cùng bị giam trong phòng ID, bệnh xá nhà tù Chí Hòa năm 1974. Trong tù, mỗi ngày anh bị tôi yêu quý thân tặng một mũi streptomycine vào mông vì anh đang bị lao. Sau 75, vào một buổi tối tháng 8, tôi gặp anh lần cuối cùng tại nhà Mạnh Tường trong buổi ăn thịt chó mà anh mua từ ngã ba Ông Tạ. Trong Phác họa toàn cảnh sinh hoạt 20 năm vhnt miền nam, Du Tử Lê đã viết không chính xác “Tôi nhớ Trần Tuấn Nhậm, đầu thập niên 1970, ứng cử chức vụ dân biểu, tại Sài Gòn, với khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”… Tuy không đắc cử, nhưng ông cũng không bị một cơ quan an ninh nào bắt ông phải “giải trình” gì hết”(tr. 281). Giải trình sao được khi đã “vô ấp” ngồi… gãi háng. (Ý thơ của Phó Tổng thống Trần Văn Hương).
Trở lại chuyện thằng nhỏ tôi lò dò đến “thánh đường” Trình Bầy ở số 291 đường Lý Thái Tổ . Tôi được GS Trần Tuấn Nhậm tiếp ở phòng khách kiêm là phòng làm việc của tòa soạn. Một người đàn ông, đeo kính cận dầy cộp, mặt rỗ hoa mè, đang ngồi hí hoáy bên bàn viết, có lẽ là đang dịch bài vì tôi thấy thi thoảng ông lại giở từ điển để tra cứu. G.S Nhậm cho biết đây là nhà thơ Diễm Châu. Trong lòng tôi nghĩ bụng sao bút hiệu như một người con gái đẹp mà mặt nhà thơ… xấu như vậy không biết. Tôi cắn răng móc túi lấy tiền dành dụm mua trọn bộ tạp chí Đất Nước để nhớ lại thời kỳ huy hoàng của tạp chí nầy và đến xin nhà thơ Diễm Châu chữ ký. Nhà thơ nói làu bàu ‘tôi có phải tác giả đâu mà ký tặng” nhưng rồi sẵn bút ông cũng làm vài nhát lằng quắng một phùa chữ ký. Sau này, khoảng năm 1979, có dịp gặp ông trên dãy cà phê đối diện sân Phan đình Phùng gần tòa soạn Bách Khoa (Ai là kiến trúc sư thành phố mà không biết dãy quán cà phê này?), anh Mạnh Tường nói vui Diễm Châu còn được anh em gọi là nhà thơ Diễm Rao – vì tên thật của ông là Rao – Phạm Văn Rao. (Diễm Châu là tên của ái nữ)
Diễm Châu đã từng cộng tác với các tạp chí Hành Trình, Nghiên Cứu Văn Học và Đất Nước, Đối Diện (sau 75). Khi Đất Nước đình bản ông cộng tác với Thế Nguyên xuất bản tạp chí Trình Bầy với vai trò Tổng Thư ký Tòa soạn. Ông là dịch giả nhiều quyển sách nổi tiếng như Nhà chung của Ferreira de Castro, Vâng ý Cha của Fritz Hochwalder (cùng Thế Nguyên), Con voi của Slawomir Mrozek, Câu chuyện mùa đông của Abram Tertz, Nuôi thù của Oe Kenzabur…
Diễm Châu cũng là một nhà thơ với tập Hạnh hoa, Sáng muôn thu và nhiều tác phẩm biên khảo khác. Nhắc đến tạp chí Trình Bầy mà không nói đến Diễm Châu là một thiếu sót lớn vì “một cách kín đáo, tất cả những bài vở đăng tải trên ba tạp chí Đất Nước, Nghiên Cứu Văn Học, Trình Bầy đều có sự tham bán của Diễm Châu. Ông cũng là người có ảnh hưởng rất lớn trong hàng trăm tác phẩm được xuất bản bởi nhà Trình Bầy” (Du Tử Lê).
Bây giờ nhớ lại, tôi đã được hân hạnh ngồi ở một tòa soạn mà nhà thơ Nguyên Sa nhắc lại trong hồi ký của ông:
“Nhóm Trình Bầy có nhiều bằng hữu thật trong sáng. Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Văn Trung những khuôn mặt hàng đầu của nhóm nhân loại này không hiện ra thu hút của tôi. Tôi có giao thiệp nhiều với Nguyễn văn Trung nhưng Trung là người của biên khảo, tôi có viết biên khảo nhưng vẫn chỉ cảm thấy gắn bó với thi ca. Nguyễn Ngọc Lan xa lạ. Nhưng Nguyễn Quốc Thái ngây thơ và tình tự , Diễm Châu sâu thẳm, đa dạng, Hoàng Ngọc Biên hào hứng, Mai Vi Phúc hiền hòa… Những cuộc trò chuyện với Thế Nguyên về giá tiền sắm bộ chữ romain mới, với Diễm Châu về Malcolm X, với Nguyễn Quốc Thái về sư đoàn 18 và thị trấn Tây Ninh, về thơ tự do tất cả kết hợp lại thành chuyến xe chạy trên những con lộ thênh thang có hơi thở của núi non và biển cả…” (Hồi ký Nguyên Sa , Sđd, tr. 174)
Và một bài thơ Nguyên Sa làm cho Trình Bầy khi tạp chí nầy được 36 số. Phải chi đợi số chót – 42 làm luôn như đọc cáo phó mới là tuyệt đỉnh công phu thơ – chắc nhà thơ Nguyên Sa không ngờ nó vắn số như vậy. Ô hô – thượng hưởng!
“Ở tạp chí Trình Bầy có chiếc máy in
Có chồng giấy cao
Có mực đen
Thỉnh thoảng có những cô gái tên là Vân
Mỗi ngày có chàng làm thơ tên Thái
Ở đó có cặp kính cận của Diễm Châu
Có ông Nguyễn Trường Tộ của Ngữ
Có chiếc xe cũ của Nhậm
Có khói thuốc lá đen
Chiều buồn có lade sủi bọt
Có thằng ốm nhom
Có thằng nông phu
Thằng cài thánh giá trên ngực áo
Thằng lạc lỏng giữa miền đất hung bạo của Mỹ Châu
Giống như bản vỗ
Dù những ngày tháng như lúc nầy
Những ngày tháng viết văn thật khó
Những ngày tháng làm báo thật khó
Những ngày tháng làm người thật khó
Anh đang kể chuyện tạp chí Trình Bầy cho em nghe đó
Tờ báo, tính đến nay, ra được ba mươi sáu số
Ba mươi sáu lần sắp chữ
Ba mươi sáu lần vỗ bản
Ba mươi sáu lần sửa bài
Ba mươi sáu lần Thế Nguyên chạy tiền trả thợ
Ba mươi sáu lần những thằng viết bài tự tay đóng báo
Ba mươi sáu lần những thằng viết báo tự tay phát hành
Ba mươi sáu lần
Những thằng phát hành
Trở về nhà
Chờ đợi
Tịch thu…”
Tôi chỉ một chút biết về tạp chí Trình Bầy. Muốn tìm hiểu kỹ về tạp chí nầy xin đọc bài “Tạp Chí Trình bầy và những nhà văn khuynh tả ở miền Nam trước 75” của GS Huỳnh Như Phương in trong tập “Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn” (NXB Hội Nhà văn, 2019).
LÊ VĂN NGHĨA
(Trích Văn học Sài Gòn 54-75, những chuyện bên lề)
-----------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét