Nhà thơ Vân Long- “Trẻ đến làm đau cả lá vàng”
Nhà thơ Vân Long sinh ngày 6.3.1943 quê Hưng Yên đã qua đời lúc 12h30 ngày 6.5.2022 (nhằm 6 tháng 4 năm Nhâm Dần) tại Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi. Lễ tang nhà thơ Vân Long được cử hành từ lúc 9h30 đến 10h15 thứ Hai ngày 9.5.2022 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, số 01 Trần Vỹ, Cầu Giấy, Hà Nội. Linh cữu được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, và an táng tại Nghĩa trang chùa Am, Sơn Tây, Hà Nội. Tưởng nhớ nhà thơ lão thành, VHSG trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà văn Hồ Anh Thái về ông…
Làm sách tết 2019, tôi đưa vào đấy bài thơ “Phương Nam trái chín” của Vân Long. Sách ra, gửi thư điện tử nhắn nhiều lần mà không thấy anh trả lời, số điện thoại cũ cũng không gọi được. Tưởng là đã đứt liên lạc, thì một hôm nhận được thư của con trai anh là Cương. Cương vào được địa chỉ email của bố và nhắn: “Bố em hiện nay bị lão hóa, mất khả năng làm việc rồi anh ạ. Bố em bây giờ không sử dụng được điện thoại, vi tính, email, cũng hầu như không nói chuyện được, trí nhớ mất gần hết, không còn cảm giác no, đói, mệt…”
Ôi, anh Vân Long, làm sao mà hình dung được một người luôn trẻ hơn tuổi lại có lúc lão hóa như thế được. Ngẫm lại thì cũng là quy luật, anh sinh năm 1934, giờ đã tám sáu tuổi ta rồi còn gì. Đến chục năm rồi tôi đi xa, không chứng kiến Vân Long mỗi tuổi một khác như thế nào. Nói chuyện tuổi tác lại nhớ hồi năm 2000, ở Hội Nhà văn Hà Nội, nhà văn Triệu Bôn lúc ấy sáu mươi hai tuổi nhưng khắc khổ già hơn tuổi, đứng cạnh Vân Long. Một cô phóng viên đến nói chuyện với hai người, cứ gọi Vân Long là anh còn Triệu Bôn là chú. Vân Long cười cười bảo: Chú Triệu Bôn này còn kém anh bốn tuổi đấy.
Hồi mới bắt đầu viết văn, tôi gặp được nhiều người quý mến mà anh Vân Long là một trong số đó. Tôi gửi bài đến các báo, một thời gian sau được các anh chị gọi điện thoại hoặc viết thư mời đến tòa soạn. Về sau các anh chị kể lại rằng đọc bản thảo thì tò mò muốn gặp mặt tác giả mới. Vân Long lúc ấy là trưởng ban Văn nghệ của báo Độc Lập. Không chỉ quý mến mà anh còn tỏ thái độ trân trọng, cứ như tôi là một cây bút chững chạc nào rồi. Sau mấy năm, cô bé Nguyễn Thị Thu Huệ là đàn em của tôi cũng bắt đầu viết và truyện ngắn đầu tay của cô là “Điểm chết“, được anh Vân Long đưa in trên báo Độc Lập. Gặp tôi, anh kể lại nội dung cái truyện “Điểm chết” ấy của Huệ, cái truyện ngắn của người tập viết được anh kể mạch lạc và đầy kỳ vọng. Chân thành và đôn hậu, Vân Long luôn trân trọng tác phẩm của người khác, kể cả các bậc đàn em đàn cháu. Bên lề hội nghị những người viết văn trẻ năm 1985, tôi lúc ấy còn đang làm lính nghĩa vụ, buổi tối liên hoan chào mừng, được ngồi cạnh bác Văn Cao, anh Vân Long. Bác Văn Cao lúc ấy có mấy bài hát “Suối mơ”, “Thiên thai” vừa được cho phổ biến lại. Tôi hỏi Văn Cao sao bác không tiếp tục viết văn làm thơ, thì bác chậm rãi nói: Ngày trước tôi cũng viết cả đấy, nhưng về sau thấy văn thì không bằng được ông Nam Cao, thơ chẳng bằng Trần Dần, Nguyễn Bính nên tôi thôi. Anh Vân Long hồ hởi chen vào: Anh ạ, em được đi dự hội nghị viết văn trẻ lần trước, năm 1959, đến hội nghị lần này với em là chặng đường hai mươi sáu năm. Em cứ nghĩ hai mươi sáu năm nữa thì Thái đã đi đến đâu rồi.
Vân Long từng có thơ in ở Hà Nội từ năm 1952, thời Pháp chiếm đóng. Sau giải phóng thủ đô 1954, anh là nghệ sĩ violon của Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam, cùng đoàn nghệ thuật với chị Xuân Quỳnh là diễn viên múa. Sau này cả hai người đều rời nhà hát chuyển sang văn chương, rồi lại cùng về nhà xuất bản Hội Nhà văn. Vân Long phụ trách ban Thơ, Xuân Quỳnh là biên tập viên ban Văn xuôi. Một lần chị Quỳnh vừa cười vừa nói với tôi: Sắp tới chị được thôi ban Văn, chuyển sang làm lính cho anh Vân Long đấy.
Nghệ sĩ violon, lại từng thuộc về một Hà Nội xưa nền nã căn cốt, ở Vân Long thường toát ra vẻ điềm đạm hồn hậu, như một trí thức của một chế độ cũ được lưu dung. Đấy là ấn tượng bên ngoài thôi, chứ bản thân anh sau giải phóng thủ đô đã hăng hái nhập cuộc, tham gia các phong trào thanh niên thủ đô kiến thiết đất nước. Thời bom Mỹ đánh phá miền Bắc, anh chuyển về công tác ở Hải Phòng là thành phố cảng, mục tiêu của nhiều trận bom hủy diệt. Hơn hai mươi năm, anh gần như đã trở thành người Hải Phòng, một nhà thơ Hải Phòng. Rất nhiều thơ tràn đầy nhiệt tình đánh giặc bảo vệ bến cảng. Nhưng những câu thơ hay nhất về Hải Phòng dường như vẫn thanh lịch kiểu Tràng An. Những quán hoa Hải Phòng mái ngói cong cong trong thơ anh lại khiến người Hà Nội thương nhớ những quán hoa ven hồ Gươm Hà Nội đã bị dỡ bỏ:
Quán hoa sau mưa
Mái cong ẩm ướt
Đâu phải vì rêu phong – hơi nước
Mà làn hương…
Sau chiến tranh, Vân Long rời Hải Phòng. Anh thấy mình trên con tàu rời Hải Phòng về Hà Nội, mình vừa là con tàu vừa là hải cảng, đi và ở như chia mình ra làm hai nửa. Người ra đi nhìn xuống bến cảng lại thấy chính mình đang ở dưới ấy vẫy theo mình: “Mùa thu ơi, con tàu quen bến / Cho tôi làm khách chuyến đi này / Chớ ngạc nhiên thấy bàn tay vẫy tiễn / Của chính tôi trên kè đá vừa xây”.
Càng nhiều tuổi, thơ Vân Long càng trẻ ra, đấy là một điều lạ và đáng mừng. Lãng mạn và tinh tế với từng chút ánh sáng lấp lánh trên hạt sương, trong phảng phất mùi hoa sữa. Một loạt bài về mùa thu thì kiểu cách thu Hà Nội rất riêng của Vân Long. Bài “Thu cảm” này không ai nỡ trích mà phải đọc cho trọn vẹn:
Mở cửa đường thơm hoa sữa gọi
Phải bùng ra phố, phải đi thôi!
Hà Nội trời xanh màu cốm mới
Tôi nhập vào thu với mọi người
Mùa thu, thu đến từng hơi thở
Thu đến từng thi tứ chín cây
Ai may áo mới cho Hà Nội
Lồng ngực ai căng đợi tỏ bày
Em như cơn gió thổi qua ngang
Trẻ đến làm đau cả lá vàng
Lá phượng vụng về rơi mái tóc
Lại thành hoa rắc em mang
Như người chưa bao giờ được trẻ
Tôi bâng khuâng với mặt hồ đầy
Bước vào khoảng không em để lại
Một lần thêm trống trải nước mây
Bất giác đưa tay lên hất tóc
Bỏ quên đâu mái tóc xanh dày
Xòe ra đôi sợi mang màu nắng
Bắt chợt mùa thu vương kẽ tay!
Vần điệu cổ điển nhưng cảm xúc thì trẻ trung. Xin lưu ý cái chữ “bùng” rất thời thượng của thanh niên đường phố thời gian ấy, nhưng nhà thơ đã thơ hóa nó thành một sự bùng nổ cảm xúc. Chữ rất ngọt và cảm giác thật lay động.
Cũng có khi không chỉ cảm xúc, Vân Long còn lập tứ theo kiểu cách trẻ trung và bất ngờ. Đây là nguyên vẹn một bài thơ bốn câu, nhan đề “Không chiến trường”:
Đất nước im súng bom
Lòng lại bày trận mạc
Tươi tắn thế, chả lẽ em là giặc?
Bất chợt mình chưa đánh đã mong thua!
Đầu năm 1991, ở học viện Hindi tại New Delhi, tôi dịch bài thơ này ra tiếng Anh để in trong tạp chí của học viện. “Bombs no longer fall, my country is at peace / But another war rages in my heart / How can one so beautiful be my enemy / I will fight no more, I long for defeat” (No more war). Sau đó tôi còn chuyển bài thơ sang tiếng Hindi để đọc tại Liên hoan Thơ quốc tế ở thành phố Hyderabad, miền nam Ấn Độ. Cái tứ thơ “bất chợt mình chưa đánh đã mong thua” đã khiến cả hội trường ồ lên thích thú và vỗ tay không ngớt.
Tinh tế và đầy chiêm nghiệm, đấy là một đặc điểm nữa của thơ Vân Long ở giai đoạn sau này. Anh vào thăm ngôi chùa trong ngõ Tràng An: “Tôi thả bước lơ ngơ / Trưa vàng / Ngõ cũ / In một bước tình cờ / Lên dấu chân ngày nhỏ”… và thấy: “Hoa đại đầu thế kỷ / Rụng vào tôi-bây-giờ”. Bông hoa tươi như hồi đầu thế kỷ nó đã tươi thế, nhưng khi rơi xuống thì đấy là bông hoa của quá khứ rơi vào nhà thơ đang ở trong hiện tại. Hay có thể ngẫm ngợi theo chiều ngược lại được không: người thì vẫn là người như muôn năm cũ, nhưng cây đại trồng từ đầu thế kỷ lại rụng xuống một bông hoa mới.
Viết bài này, tôi lấy xuống từ giá sách Tuyển tập tác phẩm của Vân Long, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2009, thì thấy còn kẹp trong ấy bức thư đề ngày 22.3.2010. Vân Long viết: “In xong cuốn này chợt có một so sánh vui: một đời văn như Hồ Anh Thái, Ma Văn Kháng… có lẽ phải dùng thước mét mới đo được độ dày tác phẩm, trong khi một anh làm thơ như mình, cả đời thơ chưa dày được 2 cm… Nói vậy thôi, làm được thêm cái gì vui cái ấy. Ở tuổi mình, “đóng góp” được phần chân dung văn học, nay “đóng góp” được thơ là hai phần chủ yếu, là yên tâm trước mọi bất trắc…”
“2 cm” là độ dày tuyển tập thơ của anh, in trên loại giấy trắng mỏng. Thực ra tám mươi sáu tuổi đời, sáu mươi tám năm làm thơ, Vân Long đã xuất bản hơn ba mươi tập thơ, bình thơ, truyện thiếu nhi. Trong thư Vân Long có nhắc đến tập chân dung văn chương. Anh viết nhiều chân dung bè bạn, những bài chân thật và xúc động về những bậc đàn anh và những bạn thơ như Quang Dũng, Văn Cao, Khương Hữu Dụng, Xuân Quỳnh, Sao Mai, Ngô Quân Miện, Trần Lê Văn… Cả một tuyển tập bình thơ nữa, bình thơ cũng tinh tường đôn hậu như khi anh làm thơ.
Như con trai anh kể thì bây giờ có đến gặp Vân Long, anh cũng chẳng còn nhớ được những “người muôn năm cũ”. Thế thì tôi phải tranh thủ nhớ thêm, trước khi đến một ngày nào đó chính mình cũng không nhớ nữa. Một lần anh rủ tôi đi cùng đến nhà một người bạn. Đến nhà người ta, chuyện trò với mọi người, hỏi con gái trong nhà đi đâu thì bảo cháu nó hôm nay đi học thêm tiếng Anh. Tôi hồi ấy mới tốt nghiệp đại học, mới về làm việc ở bộ Ngoại giao, chưa vợ. Nghe chuyện trò qua lại thấy anh cứ hỏi han về cô con gái vắng mặt thế thì trong lòng đã sinh nghi. Quả nhiên, trên đường về, Vân Long mới kể nhà ấy có cô con gái rất ngoan rất đảm, lại có chí học hành. Anh tự thấy cần phải đưa tôi đến gặp cô gái ấy. Anh bảo lần sau trở lại thì sẽ hẹn trước, bảo đảm chắc chắn là cô ấy có nhà thì mới đến.
Năm sau, một lần gặp tôi, anh bảo, có còn nhớ cái nhà có cô bé mà mình định đưa Thái trở lại gặp mặt không? Cô bé ấy mới lấy chồng rồi.
Anh nói, mà không nén được vẻ luyến tiếc.
HỒ ANH THÁI
Tiền Phong 24.2.2019
--------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét