Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

đọc thêm (4) : " Ngọc Tự - khuôn mặt buồn thế hệ" / T.Vấn [ i.e. Trương Văn Vấn 19 xx- / Mỹ ] -- trích: T.Vấn & Bãn Hữu 10/08/ 2012.

 

T.Vấn: Ngọc Tự -khuôn mặt buồn thế hệ

Share on facebook
 
Share on twitter
 
Share on whatsapp
 
Share on email
 
Share on print

 

1.

Tôi và Trần Ngọc Tự biết nhau khi ở trong trại cải tạo Yên Bái năm 1977. Một buổi lao động nhẹ (vì cả hai chúng tôi khai ốm, y vụ trại bảo “không phải đi rừng nhưng vẫn phải làm lặt vặt quanh lán”‘) nên có thì giờ trò chuyện, hỏi thăm nhau. Đến lúc đó tôi mới biết anh chàng đẹp trai, đeo cặp kiếng to nửa mặt, miệng không rời ống vố kể cả khi đã hết sạch thuốc, là viên thư ký tòa sọan của đặc san Lý Tưởng, một tờ báo của binh chủng Không Quân nhưng khá uy tín vì quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng có gốc lính Không quân. Dù vậy, tôi vẫn không biết Trần Ngọc Tự đã làm thơ, và đã xuất bản hai tập thơ “Những mảnh tình rời” (tạp chí Quần Chúng 1970) và “Ở cuộc tình này” (Từ Thức 1971). Thời gian ở Yên Bái, thời giờ lao động chặt nứa, đốn vầu ban ngày, sinh họat kiểm điểm ban tối đã khiến cho mọi câu chuyện liên quan đến thơ phú đều là thứ xa xỉ phẩm ngòai tầm tay người tù.

Sau những cuộc chuyển trại từ Yên Bái về Phong Quang (Hòang Liên Sơn), rồi Vĩnh Quang (Vĩnh Phú), chúng tôi ở khác đội, nên cũng không có nhiều dịp trò chuyện. Rồi Trần Ngọc Tự có tên trong danh sách “trúng số”, tay cầm ống vố tay vẫy vẫy tạm biệt anh em ra khỏi trại Vĩnh Quang trong đợt thả tù đầu tiên năm 1981-82. Nhưng chỉ một hai năm sau, tôi nghe tin chàng đã “vào ấp” trở lại cùng với một số những nhà văn nhà thơ của Sài Gòn cũ. Hai đợt tù, mỗi đợt kéo dài cũng dăm bẩy năm, thừa điều kiện đi HO, nhưng không hiểu sao Trần Ngọc Tự cứ nấn ná, để rồi mãi đến năm 2006 chàng mới định cư ở Houston, làm thân trâu chậm uống nước đục.

2.

Năm ngóai, sau bao thư từ điện thọai qua lại, tôi và Trần Ngọc Tự tái ngộ ở Houston lần đầu tiên kể từ năm 1981. Dĩ nhiên thời gian 30 năm cùng với bao khổ nhọc của áo cơm phải có dấu ấn trên vóc dáng hình hài. Tóc chàng đã bạc nhiều. Những chiếc răng ám khói thuốc cũng theo nhau bỏ người ra đi. Trong khi Phí Ngọc Hùng (đến Mỹ từ năm 1975, nay đã về hưu) thảnh thơi chuyện cơm áo gia đình, dành trọn thì giờ cho chữ nghĩa, thì Trần Ngọc Tự vẫn còn phải lận đận với cuộc sống như ngày nào. Thế là chữ nghĩa của chàng cũng lận đận theo. Trên khuôn mặt khắc khổ của viên thư ký tòa sọan tập san Lý Tưởng năm xưa, vẫn cặp kính to bành nặng nề che hết nửa khuôn mặt, vẫn cái ống vố trề trề trên môi, vẫn lối nói chuyện linh họat và tự tin vì “không có chuyện gì là chàng không biết”. Ông bạn láng giềng say chữ Phí Ngọc Hùng gọi chàng là “quyển tự điển sống”. Tuy thao thao bất tuyệt về mọi câu chuyện chữ nghĩa, nhưng khi đề cập đến chuyện viết lách của mình, Trần Ngọc Tự cứ tảng lờ lấy lý do không đủ can đảm ngồi mổ cò trên bàn phím.

Người bạn thân nối khố của Trần Ngọc Tự là Hòai Nam, tác giả “70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam“, ở bên Úc đã nhắc tôi nhiều lần phải làm sao “thúc đít” cho “cậu” Tự viết lại. Thúc thì cứ thúc, chàng vẫn cứ tảng lờ.

Cho đến dịp mới đây tôi đi Houston với chút việc gia đình, và tất nhiên, không thể thiếu những buổi gặp gỡ bạn bè bên cốc cà phê sáng, bên chén rượu chiều. Lần này, tôi ra về với hầu như tòan bộ công trình nhiều năm “điên chữ” của ông bạn Ngộ Không chứa trọn trong thanh nhớ nhỏ bằng ngón tay và qua Ngộ Không, bản thảo những bài thơ viết sau 1975 của Trần Ngọc Tự – dù chàng cũng ngồi đó, đôi mắt mệt mỏi hấp háy sau gọng kính to đùng. Hình như chàng muốn nhắn nhủ rằng “cũng chỉ vì cái ông già điên chữ này thôi đấy nhé!”.

Tội nghiệp ông già điên chữ Ngộ Không, đã điên chữ của mình còn thêm điên chữ của bạn. Ngay trang đầu của bản thảo là những câu thơ Trần ngọc Tự gởi Phí Ngọc Hùng bằng nét chữ viết tay thật bay bướm:

Chữ và Văn

Mà văn mà chữ này đời

Nửa tôi thì đấy nửa người nơi đâu

Trăm năm vẫn một biển dâu

Thóang chiều đã đủ nỗi sầu vây quanh

(Ngọc Tự gởi Phí Ngọc Hùng tháng 10.2010 ở Houston)

Nửa tôi thì đấy nửa người nơi đâu. Thì còn ở đâu nữa nếu không phải ở cái thành phố Houston nóng bức bụi bậm ngột ngạt hơi người (Việt) và cuộc Quẩn quanh cơm áo quê người của con trâu chậm uống nước đục.

3.

Trần Ngọc Tự có nét chữ viết tay rất bay bướm. Những trang bản thảo của cái thời chưa có computer, chưa internet. Bây giờ thì bản thảo chỉ ở trong máy, trong mấy thanh nhớ (memory stick) đi đâu cũng nằm gọn trong túi.

Bản thảo của Ngọc Tự như chính con người chàng. Cũ kỹ. E dè.

Thơ của chàng cũng vậy. Trong khi mọi người “hậu hiện đại”, chàng vẫn còn “tiền hiện đại”, có nghĩa là vẫn chưa tới thời kỳ “hiện đại”. Đọc hai tập thơ của Ngọc Tự xuất bản trước 1975, rồi so sánh với những bài thơ “bản thảo” sau 1975, tận đến hôm nay, tôi chẳng thấy gì khác trong cách dùng chữ, trong cấu trúc thơ. Thời gian chỉ có thể làm Trần Ngọc Tự gìa đi, chín đi, nẫu đi nhưng Ngọc Tự vẫn cứ là Ngọc Tự. 30 năm trước tôi gặp Ngọc Tự trong cung cách như thế nào thì 30 năm sau vẫn là Ngọc Tự đó, đôi mắt hấp háy sau khuôn kính to tổ chảng, tẩu thuốc không ngừng phì phà. Người ta ai cũng cố tìm cách bỏ thuốc, chàng chẳng hề bận tâm cai với chả nghiện.

Trước 1975, thơ Ngọc Tự tóat lên một nỗi buồn . . . thế hệ. Thứ nỗi buồn có gốc rễ trong nỗi uất ức vì tuổi trẻ lúc nào cũng bị bóng ma của chiến tranh rình rập, vì thân phận con người trở nên bé mọn bởi sự thống trị của những chủ nghĩa, vì tình yêu đồng nghĩa với chia ly, với đau khổ, với sự chết.

Sau 1975, thơ Ngọc Tự cũng vẫn tóat lên một nỗi buồn. Nỗi buồn này lại vẫn mang dấu ấn một thế hệ. Một thế hệ bị nguyền rủa, ra khỏi chiến tranh không phải để bước vào hòa bình, mà là khởi đầu cho những cuộc lưu đầy. Cuộc lưu đầy trên chính quê hương. Cuộc lưu đầy nơi xứ người xa tít tắp.

Có lẽ vì thế mà Ngọc Tự nấn ná cuộc tự lưu đầy xứ người, để mãi đến năm 2006 mới chịu ra đi. Đã bảo là định mệnh thì sớm muộn gì thế hệ này cũng phải chấp nhận thân phận của mình. Cố cưỡng lại chỉ khiến nỗi buồn thêm u uất mà thôi. Phải không Trần Ngọc Tự?

4.

T.Vấn & Bạn Hữu sẽ lần lượt giới thiệu “tài sản một đời thơ” của Ngọc Tự, khuôn mặt buồn thế hệ. Đầu tiên sẽ là những bài thơ viết sau 1975 “Thơ tôi vài bài góp nhặt lại nơi năm tháng. Kế đó, chúng tôi sẽ gởi đến bạn yêu thơ hai tác phẩm “Ở cuộc tình này” (1971) và “ Những mảnh tình rời “ ( 1970 ) của một Ngọc Tự trước 1975.

T.Vấn

10 tháng 8 năm 2012

©T.Vấn 2012

Chú thích: Nhân dịp giới thiệu thơ của người bạn tù Trần Ngọc Tự, chúng tôi kèm theo dưới đây phần trích trong tác phẩm “100 Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ” của hai tác giả Hồ Nam và Vũ Uyên Giang, xuất bản năm 2006 tại Hoa Kỳ, viết về Ngọc Tự.

Đọan trích dưới đây được đánh số 52 (trong số 100 văn nghệ sĩ mà tác phẩm giới thiệu). Chúng tôi không trích lại phần “Trích thơ Ngọc Tự” vì những bài thơ ấy sẽ được giới thiệu trong “Thơ tôi vài bài góp nhặt lại nơi năm tháng” của Ngọc Tự. (TV&BH).

Ngọc Tự nhà thơ của cuộc đời

 

Ngọc Tự là bút danh của chàng lính hào hoa (lính Không quân) từng là Thư ký Tòa sọan tờ Lý Tưởng, tiếng nói của Không lực VNCH tên lính tên đời của chàng Ngọc Tự là Trần Ngọc Tự, chàng sinh ra tại đất Hoa Lư kinh đô nhà Đinh thủa nào vào những năm cuối của thập niên 40 thế kỷ hai mươi.

Ngọc Tự xuất thân từ trường đại học Luật và làm thơ viết văn từ lúc còn sinh viên. Thơ văn của Ngọc Tự thời trước ngày 30 tháng tư năm 1975 là những nỗi khắc khỏai khôn nguôi của thân phận con người trước chiến tranh, trước những phi lý của cõi người.

Tôi gọi tên em yêu dấu nồng nàn

Thật mơ hồ vì chả biết chúng mình yêu nhau

Em có mắt như những gì quanh đây

Thí dụ khẩu súng viên đạn đồng tôi đã bắn thành thạo

Hay cái lưỡi lê sáng hoắc đợi chờ

Một lần đâm rất ngọt

Tôi cũng còn nhiều tính tóan rắp tâm thực hành

Em có biết bài hát buồn

Như ngày tháng dài quê hương chinh chiến

Không còn ai đủ nước mắt khóc than

Thơ văn Ngọc Tự trước ngày 30 tháng tư năm 1975 không nổi lắm. Ngày 30 tháng tư năm 1975 xẩy ra, Ngọc Tự ở Bộ Tư Lệnh Không quân có thừa điều kiện di tản nhưng Ngọc Tự đã ở lại “ăn thua đủ” với cộng sản và kết quả là đi cải tạo từ Long Giao tới Phú Quốc rồi lại từ đảo Phú Quốc ra tới Hòang Liên Sơn sát biên giới Trung quốc và cuối cùng về Vĩnh Phú. Thế là thơ Ngọc Tự đột nhiên mới lạ, đột nhiên hay hẳn ra:

Thế rồi đất nước bỗng xa khơi

Chinh chiến ta đi tiếp một đời

Bài hát tự do hồn phơi phới

Chẳng chút nao lòng tổ quốc ơi

Những nông trường từng sớm bình minh

Cùng mồ hôi nhòe mắt lung linh

Còn chặng cuối này qua cho nốt

Đọan đời hay đọan đường chiến binh

Như bước vào mùa huấn nhục mới

Tay cuốc dài thay khẩu súng trường

Cấp hiệu nào thêm đời trai trẻ

Nhớ mãi khôn nguôi những nẻo đường

Ta thấy ta trong mắt đồng đội

Vẫn còn chăng ánh lửa niềm tin

Có chút gì bâng khuâng xao xuyến

Đừng vội bối rối hãy ngửng nhìn

Vẫn cười vui giữa đời thương khó

Vai áo tù ngỡ sắc chiến bào

Hát nhẩm quân hành mơ vào trận

Mộng mãi cho đầy gối chiêm bao

(Ngọc Tự – Khúc quân ca mới – 1980)

Ra khỏi trại cải tạo, Ngọc Tự gặp lại Dương Hùng Cường, Hòang hải Thủy, Dõan Quốc Sỹ, Hà Thượng Nhân, Vũ Bằng, Lý Thụy Ý, Duy Trác tất cả bàn nhau dùng văn chương chữ nghĩa lột trần bộ mặt phi nhân của bọn Việt cộng tòan trị đểu cáng xỏ lá ba que. Ngọc Tự cùng Dương Hùng Cường viết tập tạp bút “Nếu chàng Trương Chi đẹp trai” thật vui, thật thâm thúy gửi ra đăng báo ở nước ngòai ; kết quả cả bọn bị bắt đem đi biệt giam. Dương Hùng Cường bỏ xác trong nhà tù biệt giam còn Ngọc Tự tù thêm gần năm năm nữa.

Sau lần tù thứ hai thơ Ngọc Tự đã cất cánh bay cao bay xa, rất xa.

Cuối trời bạn đã ngủ yên

Có còn vương chút muộn phiền nào đâu?

Nơi đây thì vẫn biển dâu

Dăm ba bạn cũ ngập đầu trùng vây

Cái phong sương, cái bão táp của cuộc đời quả đã tác động tới nơi sâu thẳm của hồn thơ Ngọc Tự nhưng bản thân Ngọc Tự thì vẫn luôn cho rằng:

Trong gương thấy gã ngu ngơ

Thốt nhiên nhìn kỹ không ngờ chính tôi

Nghe như có nỗi bồi hồi

Bao mùa xuân cũ một đời ở đâu

Ngọc Tự đã thành nhà thơ làm thơ cho đời, làm thơ cho cõi tử sinh. Làm thơ cho những lụy phiền của cuộc sống và thơ Ngọc Tự càng ngày càng hay.

Hồ Nam

Tiễn Bạn Lưu Đầy Đất Khách

(Viết tặng Trần Ngọc Tự năm 1977 tại trại tù T.5/L.1 Long Giao, Long Khánh- Khi Tự bị đưa đi Bắc)

Mày đi nặng gánh lao tù

gió mưa Việt Bắc mịt mù từ đây

còn tao heo hút chân mây

khổ sai lao dịch dưới tay vượn người

mày đi môi vẫn mỉm cười

cỏ cây rũ rượi khóc lời chia xa.

Vũ Uyên Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét