INH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG - VĂN NGHỆ CÔNG AN
Lão nhà văn Ngô Thảo: Ham chơi và ham viết
Ai nói lão nhà văn Ngô Thảo đã bước sang tuổi Bát thập. Ai hình dung cách đây mấy năm ông từng qua cơn bạo bệnh “thót tim”. Ai cho rằng lão nhà văn Ngô Thảo là người lặng lẽ. Ông chỉ là người viết lặng lẽ thôi, còn với đời sống thường nhật, lẫn thế giới tinh thần của lão nhà văn lại vô cùng sôi động và phong phú mà không dễ ai, kể cả người trẻ bì kịp. Cứ nhìn cách lão nhà văn chơi và một ngày đẹp trời lại ra sách mới, cuốn nào cũng trên dưới 500 trang mới thấy sức lao động của ông thật là đáng nể.
Lão nhà văn Ngô Thảo có ngoại hình giống một lão doanh nhân thành đạt đề huề, sự nghiệp đã gặt hái đủ đầy, thời gian còn lại lúc này chỉ là thong dong với chiếc máy ảnh trên tay, cái iPad đời mới để lướt mạng, để rủi rải rong chơi, tận hưởng những thú vị của cuộc sống thì đúng hơn là một lão nhà văn gồng gánh cày cuốc với cái nghề cực nhọc “phu chữ”. Ai mới gặp mà hình dung với bề ngoài chỉn chu, có phần chải chuốt, sang trọng, quần áo đồ hiệu là thẳng nếp, phong thái khoan thai đĩnh đạc lại chính là người đã cầm bút từ những năm 1970 và ròng rã cho đến tận lúc này ngót nghét 42 năm.
Thời đó không chỉ liên lạc với báo An ninh thế giới, nhà văn Ngô Thảo còn liên lạc với một số tờ báo lớn để đưa câu chuyện của liệt sĩ, nhà văn Nguyễn Thi lên, đưa bạn đọc trở lại những năm tháng chiến đấu và sự cống hiến sáng tạo của nhà văn Nguyễn Thi trong chiến trường với những trang sách được viết trong mưa bom, bão đạn thấm đẫm về cuộc chiến trong những trải nghiệm khốc liệt nhất. Cũng chính nhà văn Ngô Thảo đã có công đi Nam về Bắc, gặp đồng đội cũ của Nguyễn Thi, sưu tầm tập hợp lại những di cảo để lại của liệt sĩ, nhà văn Nguyễn Thi để có được cuốn sách toàn tập quý giá về văn về đời Nguyễn Thi.
Sau này ông tiếp tục giúp gia đình đồng đội cũ của mình - nhà thơ Thu Bồn nhiều việc như làm cuốn sách “Tráng sĩ hề dâu bể” xuất bản năm 2013 kỷ niệm 10 năm ngày mất Thu Bồn; “Tuyển tập thơ Thu Bồn”; “Tuyển tập trường ca của Thu Bồn”; và làm hồ sơ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà văn Thu Bồn. Năm 2017, ông đã cùng bạn hữu và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chương trình Đêm thơ Thu Bồn nhân dịp ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
Năm 2011, lão nhà văn Ngô Thảo nổi sóng trên văn đàn với cuốn “Dĩ vãng phía trước”. Là cuốn sách tư liệu văn học liên quan đến chuyện đời, chuyện văn một thuở của nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ… trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Đó là giai đoạn đất nước đang phải trải qua hai cuộc chiến tranh giữ nước. Các nhà văn cùng thời hoặc là bậc đàn anh cha chú của nhà văn Ngô Thảo đã và đang vừa cầm súng vừa cầm bút, đi sơ tán ở các chiến khu để sáng tạo nghệ thuật góp phần cùng cả nước trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhà văn Ngô Thảo may mắn được góp mặt trong giai đoạn ấy cùng các văn nghệ sĩ lớn. Tập sách “Dĩ vãng phía trước” là một cuốn sách tư liệu văn học chứa đựng cảm xúc, suy nghĩ về văn học thời chiến tranh, do nhà văn Ngô Thảo góp nhặt công phu trong nhiều năm kể lại.
Cũng cần phải nói thêm rằng, nhà văn Ngô Thảo từng có 15 năm công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1971-1985), từng là lính chiến đấu tại chiến trường B4 (Trị Thiên)… bởi thế, qua những trang viết trong “Dĩ vãng phía trước”, độc giả có thể gặp những nhà văn chiến sĩ, tên tuổi của họ để lại trong lịch sử văn chương như: Thôi Hữu, Thâm Tâm, Thúc Tề, Nguyễn Đình Lạp, Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Dương Thị Xuân Quý…
Những nhà văn, chiến sĩ ấy được Ngô Thảo đưa vào trong sách của mình không chỉ như tạc bia cho họ, mà còn chỉ ra một bức tranh có tầm vóc về nền văn học cách mạng. Ông viết về họ một cách nâng niu, như nâng niu chính quá khứ của mình… Đó là những cuộc trò chuyện với Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc; một số bài giảng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Tố Hữu hay những ghi chép đáng quý tại Hội nghị nhà văn Đảng viên bàn về văn học...
Bởi đã từng là một người lính vào sinh ra tử, nên suốt cuộc đời cầm bút viết phê bình, Ngô Thảo chỉ định vị một hướng, là quan tâm đến các tác phẩm văn học chiến tranh, các tác giả văn học chiến tranh. Ông quan niệm nếu nhà văn xây dựng tác phẩm bằng ngôn ngữ của đời sống thì nhà phê bình là người phải biết xây dựng hệ thống tư tưởng của cá nhân anh ta trên nguyên liệu là tác phẩm của các nhà văn và kinh nghiệm, vốn sống của chính mình. Chiến tranh là câu chuyện quá khứ, nhưng khi soi rọi vào đời sống hôm nay, với sự sắc sảo của mình, Ngô Thảo chỉ ra cho chúng ta nhiều bài học quý giá, không chỉ trong sáng tạo tác phẩm văn học…
Và một điều đặc biệt nữa về cuốn sách “Dĩ vãng phía trước”, lão nhà văn Ngô Thảo đã viết nó trong giai đoạn cam go nhất của đời mình. Ông bị căn bệnh ung thư tá tràng dày vò, phải bay qua bay lại giữa Việt Nam và Singapore để làm hóa trị. Bởi từng là một người lính trước khi trở thành một nhà văn và từng là một nhà văn cầm súng nên có lẽ mối hiểm nguy của cái chết chưa từng khiến lão nhà văn chùn bước. Ông đã viết trong cơn đau, giữa những lần hóa trị, ông viết hối hả như chưa từng vội hơn và có thể ông coi đó như cuốn sách cuối của đời mình nên đã tập trung hết sức để viết và để lại cho đời những trang tư liệu quý báu.Thật may, cứ ngỡ đó là cuốn sách cuối cùng, nhưng hóa ra người hiền tài trời không nỡ gọi về, ông trời lại tiếp tục gia hạn cho ông những năm tháng dài để ông tiếp tục sứ mệnh “thiên sứ” của mình với cuộc đời. Sau cuốn “Dĩ vãng phía trước”, ông tiếp tục cho ra mắt thêm 4 cuốn sách mới và ấn phẩm mới nhất là “Lặng lẽ những đời văn”. Nối tiếp các cuốn sách tư liệu: “Nghiêng trong bóng chiều”; “Bốn nhà văn nhà số 4”, lão nhà văn tâm sự: “Ra mắt sách vào tuổi 80 là một trong muôn vàn cố gắng góp phần lưu giữ một số kí ức về những tác giả và tác phẩm đó. Tập sách cũng lưu giữ những ý kiến cá nhân về hiện tình đất nước, về văn hóa và văn học nghệ thuật trong nhiều thời gian. Thẳng thắn và trung thực, với tinh thần trao đổi, nhìn vào từng loại hình nghệ thuật cụ thể, đề nghị những giải pháp khả thi để đưa văn hóa và VHNT phát triển, cân bằng với kinh tế, khoa học kỹ thuật, xứng đáng là nền tảng tinh thần của một xã hội Việt Nam phát triển”.
Nhà văn Ngô Thảo sinh ngày 9/2/1941, quê quán tại xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về công tác tại Viện Văn học. Cũng từng có thời gian mặc áo lính hoạt động ở chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1971, Ngô Thảo về làm biên tập viên, Trưởng ban Lý luận Phê bình Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1986 ông chuyển ra ngoài làm ở nhiều cơ quan khác nhau như Tạp chí Sân khấu, Nhà xuất bản Sân khấu... Ông trải qua 2 nhiệm kỳ Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Ngô Thảo được biết đến trên văn đàn như một nhà lý luận phê bình điềm đạm. Ông là tác giả của 12 cuốn sách, bao gồm lý luận phê bình, biên soạn, ghi chép. Tuyển Tiểu luận Phê bình văn học của Ngô Thảo do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010 là những tổng kết về sự chiêm nghiệm của ông về nền văn học Việt Nam và những chân dung văn học không thể nào không kể đến.
Ông từng đoạt các giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1995 với tác phẩm ''Như cuộc đời''; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 với tác phẩm ''Văn học về người lính''; Giải thưởng Bộ quốc phòng với tác phẩm: ''Dĩ vãng phía trước''; Giải thưởng Nhà nước về ''Văn hóa nghệ thuật'' năm 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét