Sơn Tùng,– Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại có lẽ Họa sĩ Vũ Hối là người nổi danh nhất, trong cộng đồng Việt Nam ta và với quốc tế.
Vũ Hối là người đã sáng lập ra Trường phái Thư Họa (Handwriting Painting) và “Paintings in Motion” nên rất nổi tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại với những bức thư họa các câu thơ hay danh ngôn viết đẹp như “rồng bay phượng múa” để đóng khung treo tường rất hợp cảm quan đại chúng.
Tại Vùng Washington, nơi ông Vũ Hối cư ngụ từ năm 1991, có thể nói gần như “trong nhà người Việt nào cũng có treo thư họa của Họa sĩ Vũ Hối”, và ông cũng nói với tôi mỗi khi ông tới nơi nào bà con cũng xếp hàng dài để mua một bức thư họa về treo trong nhà, nghe đâu do lời đồn trong nhà có treo một bức thư họa của ông thì…làm ăn phát tài!
Cũng do thư họa, Vũ Hối đã đi vào lãnh vực hội họa quốc tế, được Học Viện Cambridge tại London chọn làm “Man of year 1994” và có tên trong “Five Thousand PERSONALITIES OF THE WORLD” của The American Biographical Institute năm 1996.
Ngoài thư họa, Vũ Hối cũng đã vẽ những bức tranh nhiều màu “nóng” và rất “ấn tượng”. Ông đã đoạt Giải Nhất Hội Họa quốc Tế của Hoa Kỳ năm 1963 với họa phẩm “Mộng Hòa Bình” (Dream of Peace), bức tranh mà vào năm 1995 ông đã tận tay trao tặng Tổng thống Tiệp Khắc Vacla Havel tại Praha.
Vũ Hối đã được “trời cho” biệt tài hội họa với hoa tay hiện ra trên cả mười đầu ngón tay. Nhưng, ngoài hội họa, ông còn là một nhà thơ và nhà văn nổi tiếng.
Đa tài như vậy, nhưng Vũ Hối là con người rất khiêm tốn, hiền lành, luôn miệng cười và nói năng nhẹ nhàng, ân cần với mọi người, dù là với một đứa bé.
Trong “Thư họa TRUYỆN KIỀU NGUYỄN DU”, Nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã viết về Vũ Hối như sau:
“Trước khi gặp Vũ Hối, tôi đã được coi nhiều thư họa của anh, ở nhà bè bạn, ở những miếu đường, ở những tập báo xuân hay đặc san, ở những buổi lễ truyền thống tôn nghiêm, hay kỷ niệm hôn phối trang trọng, trông nét bút anh trình bày trên những mảnh lụa Hà Đông màu ngà bay phất phới linh động, luôn luôn được trịnh trọng đón nhận, mà liên tưởng tới cảnh “Ngũ Phụng Tề Phi” khi xưa, nơi địa linh nhân kiệt của anh. Tôi cũng được đọc một cách thích thú nhiều bài thơ của Vũ Hối, nặng tình gia đình và tình quê hương, và đặc biệt “Chiêm Bao Trở Giấc” của anh mà tôi trân trọng lưu giữ. Nhiều bạn văn thơ của tôi như Hà Thượng Nhân, Doãn Quốc Sỹ, Du Tử Lê, Hà huyền Chi, Duy Năng… đã viết những vấn thơ cảm đề gửi tặng. Nhiều nhạc sĩ tài danh đã mượn lời thơ của anh để phổ thành ca khúc.
Tôi lại được biết anh cũng là một nhiếp ảnh gia có hạng, nhưng chỉ mới được nhìn một tấm ảnh của anh chụp mấy nhánh cỏ khô vàng hiu hắt bên một mái tranh nghèo nơi quê mẹ khi xưa, in ở bìa sau của tập Thơ và Thư Họa mới nhất của anh. Để có tập thơ và thư họa này, tôi đã đứng xếp hàng để đợi lượt ghi danh và nhận từ tay tác giả Vũ Hối được các thân hữu mến mộ mời về vinh danh ở Hí viện Le Petit Trianon ở San Joase, California vào năm 2000.
Cô cháu gái ngồi ghi tên, là ái nữ Giáo sư Vũ Ký, nhận ra tôi và nói cho họa sư được biết. Anh đứng ngay dậy và hoan hỷ chào mừng, nhưng tôi không muốn để đồng hương khác phải chờ đợi nên xin đi ngay vào chỗ ngồi trong rạp hát lúc đó đã gần kín người. Dân Việt miền Bắc Cali đã hân hoan đón chào nhà thi, thư, họa sĩ cũng như những người đồng hương ở Nam Cali, ở miền Đông, miền Nam, miền Bắc Hoa Kỳ, ở Âu Châu, cũng như ở Á Châu, nơi đâu có người Việt dàn trải cư ngụ từ sau ngày quốc biến năm 1975, mà Vũ Hối đặt chân tới, cũng có sự vui mừng tiếp đón con người đã mang tinh hoa của đất nước lại cho miền đó.
Nhìn anh trên sân khấu nhận những bó hoa đưa tặng, những lời chúc tụng chân thành vói dáng điệu khiêm cung, tôi đã được một buổi chiều thoải mái chiêm ngưỡng một hình ảnh rất đẹp, qua dáng người mảnh mai mà lại có hùng khí, một thái độ anh dũng bất khuất đã giúp anh trải qua được những ngày khổ nhục trong trại tù Cộng sản. Trông thấy sự ân cần của anh khi nhận bó hoa từ tay một thiếu nữ, và đôi bàn tay nắm chặt khi tiếp nhận bảng danh dự một cựu chiến hữu đưa tặng, tôi nhận thấy ngoài cái tinh hoa đã chứa đầy, cô đọng trong con người anh, nay tới đây đã được tỏa ra và thêm vào cái chân tình yêu thương va quý mến, cùng một lúc anh đã đưa những vinh hoa nhận được trên hoàn vũ về cho người đồng hương. Và tôi đã nhận thức được rằng, anh đã được sự thương mến của mọi người có mặt.” (ngưng trích)
Không thể nào viết đúng hơn và đẹp hơn về con người Vũ Hối.
Vũ Hối “được sự thương mến của mọi người” vì ông rất hiền lành, dễ mến. Nhưng nếu ai nghĩ rằng con người hiền lành ấy có thể cũng mềm yếu, dễ khuất phục sẽ là một sai lầm quan trọng. Và ông đã có dịp thử thách qua những năm tháng bị “Giải phóng” khóa chân trong nhà tù Phan Đăng Lưu và khám lớn Chí Hòa.
Những kẻ quen dùng bạo lực khống chế người khác để khoa trương “chính nghĩa” của … cách mạng, cuối cùng đã phải cúi mặt để “con người hiền lành nhưng bất khuất” ngẩng cao đầu ra khỏi nhà tù sau khi chúng đã dùng mọi cực hình mà không bẻ gẫy được ý chí của ông.
Vũ Hối đã bị bắt và tống vào nhà tù năm 1976 cùng với nhiều văn nghệ sĩ miền Nam thời ấy bị gán cho cái tội danh là văn nghệ sĩ phản động. “Cách mạng” đã dựng ra kịch bản cho một vụ án lớn gọi là “biệt kích cầm bút”, tay sai CIA để chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa và đã ép những người bị bắt giam nhận tội để đem ra “tòa án nhân dân” xét xử với những bản án đã được làm sẵn để tuyên truyền và răn đe.
Cũng như những bạn tù khác, Vũ Hối đã bị lũ “quỷ đỏ” mang hình dáng đồng chủng ngược đãi, hành hạ đến bị mù một mắt sau khi chúng đã dùng những lời lẽ ngon ngọt của mớ kinh điển Mác-Lê ba xu để dụ dỗ không kết quả.
Đòn thù giáng xuống mù một mắt
Hai chân cùm vết sẹo còn nguyên
Gương nghìn xưa chí hùng bất khuất
Quyết xả thân tranh đấu nhân quyền.
Mấy câu thơ đầy hùng khí trên đây của Vũ Hối khi ra khỏi tù là kết quả của những năm “học tập tốt” trong trại “cải tạo” cộng sản, và đã bộc lộ cái “mâu thuẫn” lớn trong con người ông: coi hiền lành dễ thương nhưng là một chiến sĩ tự do bất khuất trước giặc thù.
Và, từ “mâu thuẫn” trên đây đã đưa đến “mâu thuẫn” thứ hai cho thấy Vũ Hối không làm thơ để nói lên khẩu khí xuông. Bị mù một mắt vì “đòn thù” cộng sản nhưng ông không ngồi yên một chỗ để sống phần đời còn lại như một phế nhân.
Được Nghi sĩ Bob Dole can thiệp bảo lãnh sang Mỹ năm 1991, được hít thở không khí tự do, được tự do vẽ, tự do làm thơ, tự do nói, Vũ Hối đã “xả thân tranh đấu” cho tự do, nhân quyền của Việt Nam.
Bị hư một mắt nên không thể lấy bằng lái xe trong một đất nước mà người không có bằng lái xe bị coi như… không có hai chân, nhưng có thể nói Vũ Hối là người “đi” nhiều và đi xa nhất trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Thật vậy, không kể sự có mặt của ông trong những sinh hoạt của cộng đồng người Việt Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, ông thường được cộng đồng người Việt khắp nơi mời đi và được tiếp đón nồng nhiệt như ông Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã viết.
Một năm mười hai tháng, ít khi ông Vũ Hối có mặt ở nhà, kể cả ba ngày Tết. Ông cho biết sống trên đất Mỹ gần 30 năm, ông chỉ được ở nhà ăn Tết với gia đình có… một lần! Ông Vũ Hối được tự do bay nhảy cũng do sư thông cảm và hổ trợ của gia đình. Có lần gọi điện thoại hỏi thăm, bà cho biết ông không có nhà, tôi nói đùa: “Chị cứ cho anh ấy đi hoài coi chừng có ngày cô nào rước mất.” Bà chỉ cười và cũng nói đùa: “Cô nào rước thì tôi cho luôn!”
Nhưng từ hai năm nay, bà không còn lo cô nào rước mất chồng vì ông Vũ Hối đi không nổi nữa, do tuổi hạc đã gần chín mươi. Khi không đi được thì ông ở nhà tiếp khách và tiếp tục chống cộng.
Lần gần đây nhất tôi cùng vài anh em tới thăm Họa sĩ Vũ Hối, ông cho biết vừa mới trải qua một cuộc giải phẫu tim và trái tim đã ngưng đập trong ba phút sau gần một thế kỷ làm việc không ngừng nghỉ, “nó không nghỉ luôn nên hôm nay anh em mình còn gặp nhau”. Tuy nói vậy, nhưng giọng ông vẫn trẻ và ấm áp, ân cần như mọi khi. Nếu ông không nói thì không ai biết ông vừa … chết đi sống lại.
Ông cho biết vừa ngồi dậy được lại bắt tay cố làm cho xong tập thơ của ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện viết theo nghệ thuật thư họa để ông Đinh Hùng Cường xuất bản, một công việc mà ông cảm thấy có nhiệm vụ phải làm khi trái tim còn đập.
Tôi đã viết những gì còn có thể viết về Họa sĩ Vũ Hối sau khi nhiều người đã viết về ông. Đang định chấm dứt ở đây thì tôi nhớ tới một chuyện nhỏ, rất nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn, rất lớn.
Cách đây đã lâu, một lần tới nhà thăm Họa sĩ Vũ Hối, tôi có dắt theo cô cháu nội, lúc đó chưa tới mười tuổi. Cháu rất thích vẽ, đi đâu cũng đem theo tập giấy, ngồi đâu cũng cắm cúi vẽ. Lần tới nhà ông Vũ Hối, trong khi người lớn nói chuyện với nhau thì cháu ngồi vẽ. Ông Vũ Hối ghé mắt nhìn và khen cháu có năng khiếu về hội họa. Từ đó về sau, mỗi lần tới nhà Họa sĩ Vũ Hối, tôi không dắt cháu theo, nhưng mỗi lần gặp tôi, ông Vũ Hối đều ân cần hỏi thăm về cô cháu nội tôi, với những lời lẽ thật dịu dàng thân thương làm tôi cảm động.
Lần thăm ông mới đây sau mấy năm không gặp, tôi nghĩ ông Vũ Hối chắc đã quên cô cháu bé mà tôi dắt theo năm xưa, bây giờ đã là một thiếu nữ đang học năm chót bậc trung học. Nhưng, với tất cả ngạc nhiên và cảm động của tôi, ông Vũ Hối lại ân cần hỏi thăm về cháu như những lần trước.
Khi ấy tự nhiên trong đầu tôi vang vang một câu hỏi: tại sao con người với tâm hồn cao đẹp, hiền lành, nhân hậu, một nghệ sĩ tài đức như vậy, lại không tìm được một khoảng không gian an bình để sống trên quê hương mà ông rất yêu thương? Ai đã có thể nhân danh những điều hay đẹp nào để đày ải, hành hạ con người ấy còn tàn bạo hơn loài hoang thú? Trên đất nước Việt Nam bây giờ có còn ai băn khoăn, ray rứt với những câu hỏi nhỏ bé, bình thường như vậy?
Trong màn đêm tối đen, chỉ có sự yên lặng.
Sơn Tùng
(Chớm Thu 2019)
----------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét