022 CÔNG AN NHÂN DÂN - AN NINH THẾ GIỚI - AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG - VĂN NGHỆ CÔNG AN
Nhà báo Xuân Ba: Tìm chốn bình yên
Thế nhưng, một ngày nào đó, một hôm nào đó, sau những chuyến ngao du tìm kiếm chính mình, ông lờ phờ lộn về bên cái bàn viết chất chứa bốn bề giấy mực mà ông gọi là văn phòng tứ bảo chầm chậm phả khói thuốc lào, và ào ạt tràn ra những trang viết thấm đẫm hơi thở của cuộc sống. Ai biết rằng, ẩn dưới vẻ lãng du lẫn bất cần ấy là một lực điền chính hiệu trên cánh đồng chữ.
Tôi đọc ông nhiều nhưng biết ông khá muộn. So với những trang viết bộn bề chữ, bộn bề nghĩa, rậm rịt chi tiết đời sống và đẫm vị gừng già của một con mắt tinh tường, cộng với sự trải đời, chiêm nghiệm đầy đặn trên từng trang viết, bề ngoài Xuân Ba có cái vẻ la pha lơ phơ của một người không lấy điều gì làm quá quan trọng ở đời.
Thỉnh thoảng, tôi nhìn thấy Xuân Ba đến toà soạn của chúng tôi, thường thì ông ngồi ở phòng Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước và nhả khói thuốc lào mù mịt. Ông đến có khi một mình, có khi thêm mấy nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng với cung cách lờ phờ như ông.
Những hôm như vậy, phòng khách Tổng Biên tập Toà soạn chúng tôi, những cung bậc nói cung bậc cười cứ rổn rảng... Trong đám ồn ã của bạn hữu, Xuân Ba là người ít nói nhất. Ông ngồi một góc, ghé nghiêng lưng trên bộ xôpha, mắt lim dim. Thường thì ông chăm chú lắng nghe và quan sát bạn bè của mình nhiều hơn là góp chuyện.
Ông lặng lẽ xem tranh, uống rượu, nghe thơ và nghe nhạc của bạn và mải mốt rít thuốc lào. Mãi sau này khi đã tạm thân thân, tôi mới chộp được một giọng thở dài của ông đại loại thế này "Có những ngày bình yên không gieo không gặt, thư thả dong xe ghé quán làm bát phở và thay vì tạt vào một quán trà nào đó mình lại đến 100 Yết Kiêu mò lên phòng của Hữu Ước. Mình thích quán Hữu Ước.
Ở đó Hữu Ước có một nơi chốn dành cho bạn bè, cho những người vô tích sự như mình đến đây để xả hơi. Khung cảnh ở đó đồng loã cho sự phơi phóng của mình. Mình đến đây, nhiều khi chỉ để ngắm ngó lại lũ bạn.
Chốn quan trường lắm gió bão thất thường, bạn mình như một lão tướng trận mạc thắng nhiều hơn bại, có khi lại như một chú hề điêu luyện trong vai diễn của mình trên sân khấu cuộc đời. Mình đến để chiêm nghiệm những thứ mà mình không thể có. Vừa thấy phục bạn, thương bạn và bất chợt thấy mình bình yên hơn".
Tôi đồ rằng, khi công việc tự tìm đến với ta, nó chọn lựa ta thì đó mới đúng là duyên phận? Năm 1976. Xuân Ba trở về quê ở Thanh Hoá với tấm bằng tốt nghiệp văn khoa xuất sắc của Đại học Tổng hợp. Ở quê, cứ đến giêng hai và giáp hạt là đói vàng mắt. Cái đói vắt từ trong Tết ra ngoài Tết, kéo lê thê qua giêng hai cho đến tận mùa hè.
Dịp đó, Xuân Ba đang ngược về một huyện miền rừng mua sắn của bà con dân tộc về cứu đói cho cả nhà. Ở nhà, mẹ anh nhận được cái giấy báo. Không biết chữ, bà đặt phong thư lên bàn thờ. Xuân Ba về mở ra đọc. Đó là tấm giấy mời của Báo Tiền Phong. Xuân Ba vội vàng sấp ngửa khoác ba lô ra lại Hà Nội và tìm đến Toà soạn Báo Tiền Phong để nhận việc.
Thì ra, Báo Tiền Phong đã trực tiếp vào Trường Đại học Tổng hợp và lấy tất sinh viên nào có điểm tốt nghiệp từ 9 trở lên. Vậy là từ mùa hè năm 1977 cho đến nay, đã tròn 31 năm, một khoảng thời gian đủ cho một đời người nhưng Xuân Ba tự nhận ông làm được một việc kinh khủng nhất, đó là chưa một lần chuyển cơ quan, không một lần rời khỏi Toà soạn Báo Tiền Phong!
Ông cầm cái điếu cày lên, giọng nghiêm ngắn: "Cả cuộc đời mà chỉ tòng sự nhõn một chỗ làm, hẳn người đó phải là đơn điệu lắm, chán lắm, hoặc là mê thích cái công việc của mình lắm! Gẫm lại hoá ra mình ghê thật, 31 năm chỉ làm đúng 1 việc, ở đúng một cơ quan và như thế nào nhỉ, không hẳn đơn điệu, cũng chẳng hẳn yêu công việc của mình. Tất cả chỉ là một sự lỡ dở...".
Tên tuổi của Xuân Ba gắn liền với những thiên phóng sự, ký sự đường trường lẫn chân dung nhân vật mà ông riệt tất tật vào dạng ghi chép! Thời ấy, trên cái mặt bằng phóng sự hẳn còn lơ thơ còi cọc của xứ mình, cái tên Xuân Ba đã thành một thương hiệu.
Ai đó nghiệt mồm nói rằng Xuân Ba là nhà báo cung đình. Điều đó tôi thấy oan cho ông quá. Tất nhiên, với nhà báo, không có địa hạt lĩnh vực nào xa lạ cả. Mảng quan chức quan trường với báo chí là một đề tài nếu biết cày bừa cẩn thận và khéo ra sẽ là mang đến cho bạn đọc những sắc thái chả phải là nhàm chán và khá thú vị hấp dẫn... --PageBreak--
Xuân Ba có cái may mắn của một nhà báo hễ có sự kiện chi đó của triều chính, như các kỳ họp Quốc hội (năm nay cũng là chẵn 20 năm, Xuân Ba được phân công bám mảng họp Quốc hội) các kỳ Đại hội Đảng, Hội nghị APEC... ông thường được Ban Biên tập phân công coi sóc.
Rồi nhiều chuyến đi công cán nước ngoài của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ... Xuân Ba cũng có mặt trong nhóm báo chí tháp tùng. Những chuyến đi công cán ra nước ngoài như thế, lịch làm việc được tính chặt chẽ chính xác tới từng phút, quỹ thời gian eo hẹp đến ngặt nghèo, Xuân Ba vẫn vuột ra sự nghiêm ngắn ấy để đi tìm kiếm cho riêng mình những đề tài bất chợt.
Những chuyến đi ấy, sự kiện mà Xuân Ba đeo bám chỉ là cái cớ để ông truyền tải một thông tin khác đến bạn đọc. Xuân Ba ngoài phận sự thông tấn bao giờ cũng chớp được những cơ hội vàng. Cơ hội ấy đồng nghĩa với việc vất vả nhịn đói lang thang với tốn kém và vô số những nhiêu khê phiền toái khi hành nghề ở xứ người.
Đến Pháp, Hoa Kỳ trong lúc đợi các nguyên thủ hội đàm, ông lang thang trong Điện L'Élysée, trong Nhà Trắng, ở Trụ sở Liên hợp quốc, ở phố Wall của Thị trường chứng khoán, hoặc ở ngay cái móng của tòa nhà Trung tâm Thương mại New York bị bọn khủng bố “cưa” đổ...
Ông khai thác triệt để hệ thống quan chức lẫn phiên dịch nên những phóng sự tường thuật trực tiếp từ những địa danh ấy bao giờ cũng bắt mắt bạn đọc. Đến Sofia, ông mò tìm đến tư gia của bà Phó Tổng thống kiêm thi sĩ Blaga Dimitrova, một người từng nặng lòng với Việt Nam những năm bom đạn.
Đến châu Phi, ông ngồi lỳ với tay đầu bếp ở tư dinh Thủ tướng Morocco hay mò đến rặng tre đằng ngà mà vua Hàm Nghi tự tay trồng ở Algérie, tự thuê taxi để tìm đến tư gia thi sĩ Pablo Neruda tại Santiago ở Chile, nhà riêng văn hào Andersen ở Đan Mạch, lang thang trong khu ổ chuột xứ Nam Phi hay trò chuyện với người bán hàng ở mũi Hảo Vọng.
Lần mất cắp mấy trăm ngàn lia (khoảng vài chục USD) cũng do mò tìm bằng được cái nhà Phát Diệm, nơi có nhiều người Việt làm mục vụ phụng sự Thiên Chúa tại Toà thánh
Ông chạy đôn chạy đáo nhờ vả chầu chực đủ kiểu rồi bù lại cũng có được cuộc phỏng vấn độc quyền với vị Thủ tướng nhà văn này. Và sau hết, bao giờ trong những chuyến đi ấy, Xuân Ba cũng đều có những trang viết cảm động về cộng đồng người Việt đang tất tả với việc mưu sinh ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh.
Cái sự đi của Xuân Ba dường như là thứ đam mê vô tận. Đến được xứ người, trước nhất phải thuộc phải biết xứ mình cái đã. Nghe nói còn vài chục huyện của đất nước mình ông chưa có dịp đặt chân đến nhưng mà sự ấy chắc trong tầm... chân cả thôi! Không chỉ những vùng đất lạ mà biết bao thân phận lạ lẫm hẩm hút đã in dấu sâu đậm trong lòng bạn đọc.
Những bước chân Xuân Ba leo cao nguyên Đồng Văn với hậu duệ Vua Mèo. Những mảng ngóc ngách sáng tối trong "Hoả Lò tò mò ký". Những phần chìm khuất trong cuộc đời của ông Tạ Đình Đề...
Rất nhiều thân phận, rất nhiều mảng sáng tối mặt người ấy được liên kết bằng ngòi bút nhân văn nhân bản của Xuân Ba trong những cuốn sách, những tập phóng sự bán khá chạy như “Mọi linh hồn đều được đưa tiễn”, “Vẫn phải tin vào những giọt nước mắt”, “Chuyện buồn kể muộn”, “Thời chưa xa người chưa cũ” v.v...
Nhưng có một thứ chìm khuất ở Xuân Ba mà ít người biết tới. Tình cờ, một lần tôi lọt lên được căn phòng áp mái của Xuân Ba trong khu tập thể của Toà báo. Ông đặt tên căn gác trổ ra mé sân thượng ấy là Nghênh sương các (Gác đón sương).
Trên đó bà vợ vốn chiều chồng luôn tắm tưới hàng chục gốc cây cảnh, thứ mà Xuân Ba mỗi khi nổi hứng bất tử khuân về. Hàng bao năm như thế, Xuân Ba đã sở hữu được một góc xanh yên tĩnh trong chốn xô bồ Hà thành. Trong Nghênh sương các có đủ lệ bộ của văn phòng tứ bảo (bút, giấy, mực, nghiên), những vật bất ly thân của người chơi thư pháp.
Nghe đâu những thứ văn phòng tứ bảo ấy, Xuân Ba lần thì lọ mọ khuân bê tận Bắc Kinh về, bận thì nhờ người quen gửi sang. Hàng chồng thứ giấy xuyến chỉ, thứ đã viết, thứ chưa bày la liệt trên cái bàn độc, trên vuông chiếu đậu đã cũ mèm. Xuân Ba nói rằng khi chán chữ con thì viết chữ to!
Nhưng nghe ông chủ Nghênh sương các, tôi hiểu rằng, với Xuân Ba thư pháp là thứ thiền. Mỗi khi ngồi trước vuông giấy, dầm ngọn bút lông đẫm mực vào nghiên, ngẫm những thông điệp hàm súc cô đọng của tiền nhân qua những con chữ mà mình sắp thể hiện là cái đầu như tiệt sạch những lấn bấn, những toan tính dằn vặt này nọ. Nhưng Xuân Ba không chỉ nhớ và viết lẫn sao chép một cách máy móc.
Mỗi hoàn cảnh, gia cảnh, tính tình của người xin chữ hoặc được chủ nhân tặng chữ đều hàm một ngữ nghĩa, một thông điệp nào đó. Người ta kêu đó là kiểu sáng tạo của thư pháp! Trước khi ra về, tôi kính cẩn ngước lên mấy bức thư pháp, thủ bút của cụ Nguyễn Văn Bách, cụ Lê Xuân Hoà, cụ Lam Sơn (cụ Hoà, cụ Lam Sơn đã mất) mà các đấng tặng, chủ nhân trân trọng treo ở phòng khách.
Xuân Ba giải thích cho tôi chữ cụ Lê Xuân Hoà là bài thơ của Trần Tử Ngang đời Đường “Tiền bất kiến cổ nhân hậu bất kiến lai giả. Niệm thiên địa chi du du. Độc thương nhiên nhi thế hạ” (tạm dịch là: Ngàn năm trước ta chả có. Vạn năm sau cũng chả có ta! Nghĩ trời đất vô cùng một mình rưng rưng lệ).
Bài "Cảm hoài" của Đặng Dung do cụ Bách thể hiện có câu Nợ nước chưa xong đầu vội bạc. Gươm mài dưới nguyệt đã bấy chầy. Còn bài "Hoàng Hạc Lâu" kia là của Thôi Hiệu do cụ Lam Sơn thủ bút.
Lần ấy nhà văn Đỗ
Nhưng Xuân Ba đã không hạ xuống cũng như chả tránh đi đâu cả. Người ta có thể treo những con chữ thể hiện sự hỉ hả những vui tươi những hào sảng này khác...
Nhưng hình như nỗi buồn man mác, nỗi buồn đích thực đến chết người, cùng với những lỡ dở của tiền nhân kia đã mang lại cho Xuân Ba một thông điệp na ná như sự bình yên. Hồi nãy Xuân Ba chả nói với tôi rằng ông tìm đến thư pháp là tìm đến với sự bình yên là gì
-----------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét