Nhớ Băng Sơn - cây tùy bút tài danh
(HNM) - Không ngờ năm 2009, nhà văn Băng Sơn mắc bệnh tâm phế mãn - bệnh khó thở - và tai biến mạch máu não. Phải bỏ những cuộc đi lang thang phố phường Hà Nội, ông vào viện, đã trở về mái ấm gia đình, nhưng lại vào viện tới lần thứ năm, rồi lại trở về nhà, nằm trên cái đi văng cũ, suốt ngày ngốn sách cho đỡ buồn. Bà Mai Phương, người vợ hiền, một diễn viên kịch nói cùng với Băng Sơn ở Hà Nội khi xưa, là "y tá" mẫn cán, ngày đêm bên cạnh chồng. Mặc dù được các thầy thuốc và gia đình tận tâm cứu chữa, nhà văn không qua khỏi, văn bút đã ngừng giữa sáng thu.
Nhà văn Băng Sơn. |
Mấy ai biết những ngày cuối đời, nhà văn Băng Sơn vẫn dành dụm và giữ gìn sự sống trong quỹ thời gian không còn nhiều của mình để mê mải viết. Băng Sơn đã sống, đã lao động cật lực. Cho đến hôm nay, mọi ý nghĩa của cuộc sống đã bỏ ông mà đi. Trong sự kiếm tìm của sáng tạo, thấy rõ thời gian chẳng chờ đợi ai. Sự sống đã chia tay Băng Sơn và đưa ông về miền xa thẳm.
Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn, quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam nhưng chào đời ở thị trấn Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Với trình độ tú tài toán học, ông từng làm qua nhiều nghề: dạy học, diễn viên kịch nói, cán bộ văn hóa quần chúng, thi đua, cán bộ Phòng Tuyên truyền Bộ Hải sản (nay là Bộ NN&PTNT), phóng viên Báo Độc lập. Ông nghỉ hưu năm 1988, tới nay đã hơn hai chục năm.
Băng Sơn xuất thân là nhà thơ, thơ in đầu tiên từ năm 1949 và in đều trên các báo trong những năm 1950 đến 1954. Khoảng 500 bài thơ trữ tình của ông đã được in ở hầu hết các NXB từ năm 1956 đến nay.
Từ những năm 1996 của thế kỷ trước, Băng Sơn không mấy làm thơ nữa mà chọn một lối đi riêng, chuyển sang viết tùy bút và tản văn, một sở trường của ông. Băng Sơn đã tạo ra những con số đáng nể trong 300 tùy bút dài (về các vấn đề văn hóa), 500 bài đoản văn (về vùng Đồng bằng Bắc bộ) không kể số lớn bài báo khác.
Những tùy bút đã đăng báo, Băng Sơn tập hợp in thành 4 cuốn sách: Thú ăn chơi người Hà Nội (NXB Văn hóa). Hương sắc bốn mùa, Ngàn mùa hoa (NXB Phụ nữ), Con thuyền hoa (NXB Kim Đồng).
Băng Sơn viết cả kịch, chủ yếu là kịch thơ: Vào Xuân (Giải thưởng Hội Nghệ sĩ - Sân khấu Việt Nam), Đời chỉ một lần (Đoàn Bông Hồng TP Hồ Chí Minh dựng và diễn vài trăm buổi). Hiện còn khoảng 10 vở kịch chưa in.
Băng Sơn cũng đoạt nhiều giải thưởng: Kịch thơ (Hội Nghệ sĩ - Sân khấu Việt Nam). Tập truyện ngắn (Hội Nhà văn Việt Nam). Tập thơ (NXB Hà Nội), Tập ký (Hội Nhà báo Việt Nam) và nhiều giải khác của Hội Văn nghệ, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nội, Báo Hànộimới…
Hiểu nhau từ lâu, tôi biết Băng Sơn rất nghèo, chỗ ở tại phố Lê Văn Hưu chật chội, phải viết để sống và sống hầu như bằng ngòi bút. Thật đáng khâm phục, cứ vài ngày ông lại có một bài đăng báo, không ở trong Nam thì ngoài Bắc. Song ông lúc nào cũng vui vẻ, yêu đời, có mối quan hệ rộng. Tuy nghèo nhưng ông lại có một tài sản lớn: trong nhà chỉ toàn sách. Bạn văn, bạn thơ, bạn làm báo đều biết sáng ông đi chơi rong phố, đến các tòa soạn bằng cái xe đạp tàng, chiều ở nhà, tối ngồi viết thường đến 2-3h sáng. Đã định viết gì thì ông phải viết xong mới nghỉ, chẳng kể sớm muộn. Giữa đêm khuya, trong căn phòng hẹp nổi lên tiếng lách cách của cái máy chữ cổ lỗ sĩ.
Đông đảo bạn đọc đều biết khoảng 50 năm nay, tùy bút của Băng Sơn đều xoay quanh Hà Nội ngàn năm, thể hiện bằng văn phong nhẹ nhàng, bay bổng, đầy hình ảnh, bởi ông hiểu cặn kẽ Hà Nội. Mái tóc dài trắng xõa, ngày ngày ngồi trên cái xe đạp cũ, ông lang thang hầu khắp các phố Hà thành, không ở nơi đâu như Hà Nội chỉ khoảng 100 năm nay, những thảm cây xanh mướt đan xen nhau trên từng con phố, hương sắc đầy ấn tượng, là niềm yêu của người Hà Nội, là nỗi nhớ của người xa xứ. Mỗi con phố một loài cây, tạo nên dáng vẻ riêng của đất kinh kỳ. Cây sưa hoa nhỏ trắng dốc Ngọc Hà. Cây sấu làm đẹp các phố Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Tràng Thi… Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ trên các phố Lý Thường Kiệt, Đinh Tiên Hoàng. Cây hoa sữa thơ mộng trên đường Nguyễn Du, bên hồ Thiền Quang. Rồi quanh hồ Gươm có những cây gì, mọc ở đâu, hoa lá ra sao? Các vườn hoa Hà Nội cũ, mới thế nào? Màu xanh quyến rũ của Hà Nội đang được người Hà Nội trân trọng và giữ gìn.
Tại các phố cong, phố cầu, các ngõ, ngách, phố ngắn nhất Hà Nội. Tại sao lại có "Hàng Ngang" và "Đình Ngang", "Cầu Đất" với "Cầu Giấy" rồi "Cầu Gỗ"? Rồi "Kẻ Chợ". "Những bến sông xưa". Đó là những vẻ đẹp đời sống phố phường của Thăng Long - Hà Nội hào hoa, cổ kính.
Đến đêm Hà Nội, các món ăn Hà Nội, thức ăn cho người Hà Nội tinh tế và duyên dáng. Món ngon Hà Nội toàn những thức quà dân dã: từ rau muống, rau cải xanh, rau húng láng tới chả cá, phở bò, bún thang, bún riêu cua, bánh đúc, bánh đa, bánh giầy, bánh giò, bánh cuốn Thanh Trì, bánh nướng, bánh dẻo Hàng Đường, bánh cốm Hàng Than, cốm Vòng, cà phê phin…
Lại cả quần áo, khăn, mũ, giày dép, đầu tóc… người Hà Nội.
Băng Sơn miêu tả cách làm, cách ăn, cách chơi, cách giao tiếp thật rung động, giúp người đọc càng thêm yêu Hà Nội, nhưng cũng chính là góp sức bảo tồn di sản văn hóa! Thật vậy, Băng Sơn đã truyền cái tình yêu Hà Nội của mình tới độc giả gần xa, giúp người Hà thành, cả du khách trong và ngoài nước có một kiến thức văn hóa dân tộc sâu sắc mang hồn Việt Nam - Thăng Long - Hà Nội.
Cũng không phải chỉ có Hà Nội, Băng Sơn thuộc lòng các vùng đất nước, từ Đền Hùng, Hạ Long, Huế, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam… đến cái chiếu, hạt muối, giọt mưa, đôi đũa, cái chõng tre, lời hát ru… của từng vùng quê hương.
Băng Sơn còn có tập sách phác họa chân dung 50 văn nghệ sĩ với nhiều thông tin lý thú, tốn nhiều công sưu tầm.
Một lần, bên ly cà phê phin, tôi hỏi về viết tùy bút, ông nói:
- Viết tùy bút để nâng báo chí lên tầm văn học, ít tân văn nhưng nhiều nhân bản, nhiều chất thơ, nhiều văn hóa. Vì vậy mà những tùy bút đã đăng báo đều có thể tập hợp để NXB in sách và bán hết ngay.
Ông tiếp lời:
- Tôi viết bằng vốn sống, vốn tri thức, bằng trách nhiệm với bạn đọc, chứ không bôi bác. Không sống bằng ký ức thì làm sao sống được đến hôm nay, cứ cặm cụi thâm canh trên cái bàn cũ, bên cái máy chữ cổ. Vì thế, các báo tín nhiệm, in đều đều.
Đúng thế, được đọc tùy bút của Băng Sơn từ nhiều năm nay, tôi thấy ông rất giàu vốn văn hóa dân tộc, lại chịu khó đọc khi có một "thư viện" nhỏ ở bên mình với trí nhớ tốt. Sống trong sáng, giản dị, không làm phiền ai, ông thích tìm, thích nhìn mặt tốt của người khác. Cũng chưa lúc nào tôi thấy ông tự khoe mình.
Giờ đây, Băng Sơn ra đi ở tuổi 79, khiến cho các tờ báo ngày, báo tuần, các NXB mất đi một cây bút từng được độc giả cả nước mến mộ với một thể loại văn học rất hiếm người viết.
Nhớ lắm, cố nhân ơi!
Đêm 3-9-2010
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét