Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

  » Nhà văn Nhất Linh qua lời kể của người con trai Nguyễn Tường Thiết

Nhà văn Nhất Linh qua lời kể của người con trai Nguyễn Tường Thiết

Vanvn- Trong giới văn chương Việt Nam, nhà văn Nhất Linh là một tên tuổi lớn. Ông từng lập ra Tự Lực văn đoàn và là một cây bút chính của nhóm nên khám phá Nhất Linh qua lời kể của con trai ông là điều khá thú vị.

Nhà văn Nhất Linh (giữa) đi dạo với các cháu. Ảnh: Tư liệu của bà Trương Kim Anh

Nhà văn Nhất Linh tên thật là Nguyễn Tường Tam, một tên tuổi lớn với bút danh Nhất Linh, Tam Linh, Bảo Sơn, Lãng du, Tân Việt, Đông Sơn (khi vẽ); và cũng là chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 20. Sau này, ông còn là người sáng lập Đại Việt Dân chính Đảng, từng làm Bí thư trưởng của Việt Nam Quốc dân Đảng (khi Đại Việt Dân chính Đảng hợp nhất với Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân Đảng), giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Các tác phẩm chính của nhà văn Nhất Linh đa phần phản ánh hiện thực xã hội và lãng mạn rất được yêu thích: Gánh hàng hoa, Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Nho phong, Anh phải sống, Thương chồng…

Sau 1975 tuyển tập hồi ký của Nguyễn Tường Thiết – Nhất Linh, cha tôi được công bố lần đầu năm 2006 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhất Linh. Đây là cuốn sách có giá trị về mặt tư liệu lẫn văn chương, khi phác họa một chân dung Nhất Linh, một con người đa năng, phức tạp, đóng nhiều vai trò trong lịch sử văn chương lẫn chính trị trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động của dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm dày 290 trang, tập hợp các bài viết của tác giả trong suốt nhiều năm từ 1964 đến 2006. Đó là ký ức của con trai Nguyễn Tường Thiết về người cha Nhất Linh mà đến năm 10 tuổi ông mới được gặp, là những mẩu chuyện về gia đình Nguyễn Tường Tam, là bức chân dung về người vợ tảo tần, người con gái sớm khôn và những người thân biết thấu hiểu đã trở thành hậu phương vững chắc cho Nhất Linh được theo đuổi lý tưởng của riêng mình. Trong sách, tác giả còn kể lại nhiều câu chuyện cảm động, chi tiết, làm hoàn thiện thêm tầm vóc của nhà văn Nhất Linh đến với bạn đọc.

Toàn bộ cuốn hồi ký là một cuộc hành hương về cố quận tìm lại bức chân dung người cha bên dưới những xáo động thời cuộc. Ông lật tìm từng mảng ký ức tuổi thơ, những mảnh ghép về Nhất Linh trong ký ức của những người thân cận, bạn văn nghệ. Ở đó, hiện lên một Nhất Linh giản dị, lặng lẽ, luôn ưu tư về thời cuộc và chuỗi ngày vui ít buồn nhiều phía cuối đời. Cái chết của Nhất Linh như một ám ảnh khắc sâu trong trí nhớ người con trai. Tất cả được kể lại sống động cứ như chuyện mới diễn ra hôm qua.

Trong chuyến hành hương về cội nguồn, tìm lại những dấu tích xưa của một thời quá vãng, đã ít nhiều phôi pha, người đọc không khỏi chạnh lòng xa xót. Những dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của một giai đoạn văn nghệ rực rỡ đã chỉ còn là phế tích đang có nguy cơ mai một và bị lãng quên theo thời gian.

Tác phẩm mới tái bản ký ức của con trai Nguyễn Tường Thiết viết về người cha Nhất Linh mà đến năm 10 tuổi ông mới được gặp. Ảnh: Chuyện Đà Lạt

Tác giả Nguyễn Tường Thiết sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông là con trai út của nhà văn Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam. Trước năm 1975, ông là giáo sư Toán – Lý – Hóa; phụ trách nhà xuất bản Phượng Giang. Ông định cư Mỹ từ sau năm 1975.

Được sự cho phép của tác giả Nguyễn Tường Thiết, hồi ký Nhất Linh, cha tôi đã được Phanbook và NXB Phụ Nữ tái bản, “làm mới” để trở lại sau thời gian vắng bóng, càng lôi cuốn bạn đọc. Nhờ vậy, dù người đương thời với Nhất Linh hay hậu thế đã trót hàm ơn những trang văn của Tự lực văn đoàn, sẽ có dịp gặp lại những trang viết xúc động, rút ruột về một nhà văn nổi tiếng qua ngòi bút của đứa con trai út, khám phá bức chân dung đa tính cách của Nhất Linh và cũng tìm thấy những câu chuyện lý thú về một giai đoạn nở rộ, phát triển rực rỡ của văn học Việt Nam.

LÊ CÔNG SƠN

Báo Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét