CHUYỆN CỔ TÍCH BUỒN!
(Tâm Bút TTBG)
[]
San Jose, thứ Ba Aug. 9, 2022
Khuya hôm qua choàng tỉnh sau một cơn mơ thật đẹp về Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau. Hiếm khi có được như vậy. Càng về sau, các giấc mơ đều là nightmare đáng sợ. Rất muốn ngồi dậy viết những gì còn làm trái tim xúc động, nhưng không nổi. Trọn thân hình đau nhức.
Suốt mười ngày qua, tôi bỏ rơi tất cả chữ nghĩa để miệt mài theo chuyện dọn dẹp nơi ở của vợ chồng Âu Cơ ba năm qua. Một thoáng nhớ đến chàng sinh viên Armand Duval (trong tác phẩm lừng danh La Dame aux Camélias của Alexandre Dumas fils), sau cơn bệnh thập tử nhất sinh vì cái chết của cô gái giang hồ Marguerite Gautier, đã cho đào mộ nàng lên…
Tôi đang làm hành động ấy…
Rồi, có được khỏi bệnh để bình tâm ngồi xuống, viết ra mối tình đẹp hơn nước mắt, như chàng? Không tin điều đó! Chỉ rõ một điều, trong nháy mắt, hôm thứ Hai tuần trước, tôi quyết định phá khóa nấm mồ chôn trái tim mình đã 13 tháng qua.
Phải nói rằng, khi đứng trước hai căn phòng và căn bếp ngổn ngang đồ đạc, sách vở tứ tung, áo quần bừa bãi, y hệt tại một hố rác, tôi chỉ chực ngất xỉu… Ngồi gục hồi lâu nơi bàn viết Âu Cơ, mắt rưng rưng mà giọt lệ không trào nổi ra khỏi khóe.
Thế rồi, đứng dậy trên hai chân yếu ớt, tâm hồn vỡ nát, nghị lực mỏng manh, tôi bắt đầu làm việc. Trong suốt tuần lễ, từ 5 giờ sáng đến tận chiều, cặm cụi một mình, tôi đã làm sống dậy được nơi chốn hoang tàn ấy bằng tâm trạng và hành động giống hệt cái thuở tháng 9, 2009 (xảy ra cơn đại khủng hoảng địa ốc trên toàn nước Mỹ).
Cửa lớn, cửa sổ mở tung, ánh sáng ùa vào, những người-cổ-đại có chỗ đứng trang trọng, những bức tranh được treo lên tường, cây đàn piano (của Âu Cơ) được kêu thợ đến lên giây; các tượng gỗ tượng đồng bấy lâu lăn lóc, bây giờ mỗi bức chiếm cứ một góc. Bên ngoài, các chậu cây xanh được trưng bày hài hòa, hoa bắt đầu nhúm nụ.
Dù vậy, cứ đến sáu giờ chiều, tôi thấy buồn (thật là buồn!), lại oải cả người, sống lưng ơn ớn, trời đang giữa hè mà vẫn rất lạnh, nên bật xong ngọn đèn trên nắp piano, trở về căn nhà phía trước. Từ chỗ ngồi hút thuốc quen thuộc nhìn xuống phòng Âu Cơ, cách một khoảnh đất trồng hai cây táo, thấy ánh sáng lóe ra ngoài 16 tấm khung nhỏ, lòng tự dưng thật ấm.
Không thể diễn tả cho đầy sự cảm hoài trong tôi suốt một tuần qua. Tôi biết Âu Cơ không bao giờ quay lại, nhưng vẫn muốn tự tay phun vào mọi xó xỉnh cái nơi nó từng hiện diện nhiều năm tấm lòng bao dung và tha thứ của người mẹ. Liên tục bê từng chồng sách từ nhà trên xuống nhà dưới, (có thể nói là “lết đi” mới đúng!), âu yếm lau bụi từng cuốn (một thời hai mẹ con cùng nhau tha về từ các tiệm sách), tôi lầm bầm trong miệng: “Sự đày đọa cũng không thua gì nỗi êm ái Chữ Nghĩa mang lại.” Lòng vừa đau đớn vừa chán ngán theo hai chữ Định Mệnh. Phải nhận, để nắm được gấu áo vị thần Văn Chương, không phải là không bị trả giá cùng cực.
Có điều, khi ngồi vào dương cầm (của Âu Cơ), các ngón tay mỏi rừ, âm thanh rời rạc, tôi lại thấy lòng ấm hẳn vì tiếng vang tỏa khắp căn phòng, lan ra ngôi vườn rộng. Chung quanh thoang thoảng mùi đèn cầy quen thuộc Âu Cơ đốt một năm trước.
Một điều buồn cười hiện ra trong óc: “Tôi đang sống đời một cảnh hai quê trên cùng một nơi chốn. Âm Nhạc với hơi hướm con gái đã chân trời biền biệt thì nằm ở đây, còn Văn Chương yêu dấu vẫn nằm trên kia, cạnh đứa con trai chẳng màng gì chữ nghĩa.”
Những điều tôi nói, khó mong ai hiểu. Phải là người mẹ có cùng chứng “điên điên” như tôi mới rõ. Tới bây giờ thì tôi tin được điều con trai và con gái không bao giờ còn nhìn mặt nhau lần nữa! (Đau thật! Khi không mà bỗng dưng mất luôn một lúc hai đứa con thể xác, cái mất “ngang xương”, như đứa con tinh thần Tài Hoa Giữa Chợ bị mất “ngang xương” hôm tháng trước!) Tôi là mẹ, với đứa con nào, cũng đều nặng lòng, mỗi đứa nặng mỗi cách. Sự việc chấp nhận hai “căn nhà” trong một căn nhà, phân chia thân xác ngày và đêm cho hai đời sống con cái vắng-mặt-hiện-diện, là điều còn đem được chút nào “hạnh phúc” cho tôi.
Hôm thứ Bảy Aug. 6, 2022, “khai trương” lớp học mới, nhìn quanh căn phòng, cả ba học trò đều tỏ ra sửng sốt vì sự làm việc quá độ của người-đàn-bà-nghệ-sĩ-dáng-dấp-
*
* *
Lúc nãy, nhận qua email bản hòa âm phối khí Tài Hoa Giữa Chợ từ anh nhạc sĩ ở Sàigòn. Anh cũng gửi một copy đến cô học trò Tôn Nữ Mặc Giao. Lòng nghe sao thật ơ hờ trước lời hát của ca sĩ Hồng Nhiên, và (nhất là) trước lời chúc mừng nồng nhiệt của cô học trò lanh lợi miệng lưỡi.
Nhớ hôm mồng Một Tết Nhâm Dần (2022), nhận thư Uyên Thao: “Chúc TVân đi trọn trên con đường đã chọn”, tôi không tin, nhưng lòng tự nguyện “Sẽ cúi đầu đi hoài đến hơi thở cuối”. Thì hành động “quật mồ trái tim” đang làm hôm nay cũng là một chứng minh rõ rệt.
Mai kia nằm xuống thật sự, Những-Người-Cổ-Đại có được yên bình hiện hữu tiếp trong căn nhà, hay lê la tan tác trong các chợ bán đồ cũ, cũng đều là số phận! Chuyện muốn làm, tôi đã làm hết sức. Còn chuyện Âu Cơ, Vân San, Tài Hoa Giữa Chợ hay tất cả các đứa con tinh thần, từ lâu đã trở thành “cổ tích buồn” với tôi rồi, có gì đáng nói?
[]
Trần Thị Bông Giấy
(Những lời ghi vội chiều thứ Ba Aug. 9, 2022, sau một ngày tự cho phép nghỉ ngơi thân xác, không bước vào phòng Âu Cơ).
[]
--------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét