Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

thêm bài viết đáng dọc ; " nhớ Lê Văn Nghĩa " / Phạm Chu Sa / tphcm ] -- trích: https://vanhocsaigon.com>

 

Nhớ Lê Văn Nghĩa

PHẠM CHU SA

 (Kỷ niệm 100 ngày mất nhà văn Lê Văn Nghĩa)

Bạn là nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Bạn mất vào thời điểm đại dịch bùng phát dữ dội phải cách ly, phong tỏa, bạn bè không thể tiễn bạn một đoạn đường…


Nhà thiết kế Minh Hạnh, vợ nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa vừa gửi tặng tôi và một số bạn thân, đồng nghiệp của Nghĩa mỗi người một bản đặc biệt tập sách “Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian”. Ấn bản thường đã phát hành trước đây được chị Minh Hạnh thiết kế thêm một bìa da màu xám trang nhã, đượm buồn với chân dung Lê Văn Nghĩa cười rất tươi – một hình ảnh cực hiếm của “Người bán nụ cười”- cùng chữ ký và thủ bút được scan mạ bạc với tiêu đề: Cám ơn cuộc đời. (Tôi nghĩ, cuộc đời phải cám ơn Lê Văn Nghĩa – người đã mang nụ cười và những ký ức đẹp đến nhiều thế hệ người đọc ). Ở trang bìa trong ghi vài dòng như là Nghĩa viết gửi những người ở lại: “100 ngày đã trôi qua / 100 ngày tui đã đi xa / 01.11.2021”. Lời đề tặng trên mảnh giấy dó và chữ ký Lê Văn Nghĩa scan ở trang đầu sách giống lúc sinh thời Nghĩa vẫn thường viết tặng bạn bè như thế. Như là Bạn ta vẫn còn đâu đây. Vẫn biết là do người bạn đời của Bạn viết thay chồng nhưng sao đọc vẫn cảm thấy rưng rưng!

Nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa

Tôi phải dài dòng về tập sách đặc biệt này vì đây là tác phẩm gần cuối đời Lê Văn Nghĩa viết về Sài Gòn với nhiều tâm huyết. Nghĩa viết về Sài Gòn như lấy đồ trong túi, bởi Bạn sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, yêu quý Sài Gòn từ những chuyện vụn vặt đời thường. Lê Văn Nghĩa khiêm tốn: “Tôi tủn mủn, vụn vặt ngồi viết ra những con chữ ghi lại những điều nhớ nhớ quên quên bắt đầu bằng hai chữ: “Hồi đó”…. Sài Gòn hồi đó cũng lắm điều hay và không ít cái dở nhưng tất thảy đều đáng yêu. Không yêu sao được một Sài Gòn – ái nhân tri kỷ…”. Ở bìa 3 ấn bản đặc biệt này có trích in mấy câu của Lê Văn Nghĩa: “Tôi viết để học, viết để biết về Sài Gòn mà tôi tưởng chừng như đã biết mà chẳng biết gì nhiều. Tôi như người thợ may vá lại tâm hồn mình, khâu lại mảnh thời gian của Sài Gòn tuổi nhỏ”.

Nhà báo Lê Văn Nghĩa gắn bó với báo Tuổi Trẻ từ ngày đầu thành lập. Anh là một trong những người đầu tiên làm bản tin của Thành đoàn trước khi trở thành báo Tuổi Trẻ phát hành rộng rãi cả nước. Anh cũng là người đề xuất lập ra tờ phụ san Tuổi Trẻ Cười và gắn bó với nó đến cả sau ngày về hưu. Lê Văn Nghĩa về hưu theo chế độ chứ không nghỉ hưu, bởi suốt mấy năm sau khi về hưu anh vẫn thường ghé tòa soạn, làm cố vấn và cộng tác với tờ báo trào phúng uy tín và “sống dai” nhất Việt Nam này. Song song với công việc làm báo, Lê Văn Nghĩa vẫn viết văn rất đều tay, vài năm lại ấn hành một tác phẩm mới. Trước kia là truyện trào phúng. Sau này là những truyện dạng hồi ức kể về thời học sinh, như “Sài Gòn dòng sông tuổi thơ”, “Mùa hè năm Pétrus”, “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”…

Hầu hết tác phẩm Lê Văn Nghĩa đều tặng tôi đủ cả. Thỉnh thoảng tôi cũng viết bài điểm sách hay giới thiệu sách của bạn trên một vài báo. Thời gian sau khi về hưu, Nghĩa thường vùi đầu trong thư viện lục tìm tư liệu để biên soạn cuốn “Văn học Sài Gòn…” và viết tập tản văn “Sài Gòn khâu lại…”. Trong khi lục tìm tư liệu, nếu tình cờ thấy thơ, bài của tôi in trong tờ tạp chí nào đó trước 1975, Nghĩa mượn photocoppy rồi mang tặng tôi. Tôi rất cảm động vì tấm lòng của Bạn.

Bút tích của nhà văn Lê Văn Nghĩa ký tặng sách cho nhà thơ Phạm Chu Sa

Tôi quen biết Lê Văn Nghĩa năm 1986 qua một người bạn chung, nhưng mãi đến cuối năm 1988, khi trở lại nghề báo tôi mới thỉnh thoảng gặp Nghĩa. Vẫn thường đọc truyện trào phúng của Lê Văn Nghĩa nhưng khi gặp mặt tác giả tôi hơi bất ngờ vì người viết truyện trào phúng nổi tiếng, mang những nụ cười thâm thúy đến người đọc nhưng cái mặt thì… khó đăm đăm. Nghĩa nói, tui bán nụ cười rồi. Khi trả lời một bài phỏng vấn, Nghĩa cho biết anh có biệt danh là “Người bán nụ cười”. Có lần Nghĩa nói nửa đùa nửa thật: “Tui có cái mặt ó đâm !”. Cái mặt ó đâm nhưng tâm hồn trong sáng, tính cách hiền lành dễ mến, chơi với bạn bè hết lòng. Gần mười năm qua, Lê Văn Nghĩa đau ốm, mổ đi mổ lại nhiều lần nhưng ít khi nói ra ra sợ bạn bè lo lắng. Tuy vậy, khi nào sức khỏe tạm ổn, cứ mươi bữa nửa tháng, Nghĩa lại gọi hỏi tôi: “Đại ca đang ở đâu đó, có lang thang ở Sài Gòn không ? Chiều nay có quỡn ra Đất Phương Nam làm vài ve”. Khó có thể từ chối, nên dù đang ở cách Sài Gòn mười mấy cây số tôi vẫn tranh thủ chạy qua. Nhà hàng Đất Phương Nam ở quận 3 cách nhà Nghĩa hơn cây số nên tiện cho Bạn. Có khi tôi hẹn Nghĩa ở cái quán đầu đường Thích Quảng Đức, gần tòa soạn Tuổi Trẻ để Nghĩa tiện tạt qua. (Dù đã về hưu nhưng Nghĩa vẫn thường đến tòa soạn cố vấn giúp đứa con tinh thần Tuổi Trẻ Cười. Và… viết sách).

Hai thằng thường gọi sáu chai. Bạn bệnh nên chỉ nhấm nháp hai chai, phần tôi bốn. Ngồi nhâm nhi ly bia, chủ yếu hỏi thăm sức khoẻ và hỏi đang viết gì? Viết tới đâu rồi ?. Hoặc nhắc vài chuyện cũ không đầu không đuôi. Đôi khi có thêm một vài bạn ghé vào cụng một hai ly. Cách đây khoảng ba bốn năm, Nghĩa rủ thêm Huỳnh Như Phương và Trần Văn Chánh – là hai bạn thân nhưng lâu nay Nghĩa vẫn ngồi riêng từng người, sợ không hợp nhau mất vui. Thật ra hai bạn này tôi cũng quen biết. Tôi đề nghị gom lại thành “bộ tứ” cho vui. Nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương là Giáo sư văn chương, Đại học KHXH&NV TPHCM. Dịch giả Trần Văn Chánh kiêm nhà biên soạn từ điển. Từ khi có thêm Huỳnh Như Phương và Trần Văn Chánh, “bộ tứ” bọn tôi thường hẹn nhau cà phê ăn sáng, vì Huỳnh Như Phương không khoái nhậu như tôi với Chánh, còn Nghĩa sức khỏe ngày càng kém nên cũng ngại nhậu.

Tháng 10 năm 2015 khi tôi đang giữ mục “Câu chuyện văn hóa” trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ Nhật, một hôm thư ký tòa soạn Hoàng Mạnh Hà gọi báo tin nhà văn Nhật Tuấn – người giữ mục “Hẻm buôn chuyện” vừa mất. Hà nhờ tôi giới thiệu nhà văn, nhà báo tên tuổi nào có thể thay nhà văn Nhật Tuấn. Tôi nghĩ ngay đến Lê Văn Nghĩa cũng vừa về hưu bên Tuổi Trẻ. Ban đầu Nghĩa từ chối vì làm báo bốn mươi năm rồi “oải quá”, để dành thời gian viết sách. Tôi bảo nghe bạn đang chuẩn bị tư liệu viết về Sài Gòn, có thể đề nghị báo đổi tên mục liên quan tới Sài Gòn để viết. Lê Văn Nghĩa đề nghị đổi tên mục là “Góc nhỏ Sài Gòn”. Thế là mục “Góc nhỏ Sài Gòn” ra đời kèm tên người phụ trách: Nhà văn Lê Văn Nghĩa. Thỉnh thoảng tôi cũng tham gia viết “Góc nhỏ Sài gòn” với Bạn. Một thời gian ngắn sau đó, người phụ trách mục “Thị dân” trên Pháp Luật TP.HCM Chủ Nhật lại đột ngột nghỉ vì lý do gia đình sao đó. Tôi gánh thêm mục này với bút danh Ph.Đ.Nguyên Chương và nhờ Lê Văn Nghĩa thỉnh thoảng viết giúp khi tôi kẹt. Cuối năm 2017, tờ Pháp Luật TP.HCM Chủ Nhật đình bản, tôi và Nghĩa cùng “hoàn thành nhiệm vụ”. Thật ra ban đầu sau khi tờ Chủ Nhật nghỉ, Ban biên tập dồn mấy mục do tôi và Nghĩa phụ trách từ số Chủ Nhật sang số thứ Bảy. Nhưng được mấy kỳ, thấy không thoải mái, tôi nghỉ cộng tác. Vài tuần sau Nghĩa cũng nghỉ luôn.

Năm 2018 Lê Văn Nghĩa đi hội chợ sách ở Đức cùng Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ. Sau đó sang Pháp. Lúc từ Pháp về, Nghĩa nhắn tin rủ tôi cùng Huỳnh Như Phương và Trần Văn Chánh gặp nhau vui vẻ vài ve. Rồi tặng tôi chiếc áo Montagut mua từ Pháp. Nghĩa bảo, mua ba cái hết ba trăm Euro đó. Tặng đại ca một cái. Có ba màu đỏ, đen, xanh rêu, lấy màu nào? Tôi xí cái màu xanh rêu – gout của tôi. Tôi hay mặc áo này khi hẹn cà phê, bia bọt với Nghĩa. Bạn rất vui.


Từ trái sang, các bạn văn: Huỳnh Như Phương, Lê Văn Nghĩa, Phạm Chu Sa và Trần Văn Chánh

Những năm cuối đời, Lê Văn Nghĩa tập trung viết về Sài Gòn. Đó là hai tác phẩm tâm huyết : “Văn học Sài Gòn 1954 – 1975 – Những chuyện bên lề” (biên soạn) và “Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian” (tạp bút – lời giới thiệu của Huỳnh Như Phương). Cuốn “Văn học Sài Gòn…” ngồn ngộn tư liệu quý cuả văn học Sài Gòn trước năm 1975 mà Nghĩa đã bỏ nhiều công sức mấy năm lục lọi trong các thư viện để biên soạn. Đúng một năm trước, sách mới in xong “còn nóng hổi và thơm mùi mực in”, Nghĩa hẹn ăn sáng cà phê và tặng tôi với lời đề tặng như thường lệ: “Quý mến tặng đại ca Phạm Chu Sa”. Nghĩa chỉ nhỏ hơn tôi mấy tuổi nhưng khi nào cũng gọi tôi là “đại ca” – kể cả trong lời đề tặng sách. Tôi rất áy náy bảo cứ gọi là bạn đi, nhưng Nghĩa nói, thôi quen rồi. Bạn biết tôi trước 1975 có làm báo chí văn nghệ, có quen biết một số nhà văn nhà thơ tên tuổi bấy giờ và cũng biết đôi điều về “hậu trường văn học”, nên Nghĩa nói thêm: “đại ca đọc xem có gì sai sót, ghi chú giúp để lần tái bản sẽ điều chỉnh và bổ sung”. Nhưng giờ Bạn đã từ giã cõi người thì sá chi sơ sót của những chuyện bên lề – nếu có…

Trước đại dịch vài tháng, một chiều cuối tuần tôi gọi rủ Nghĩa ra Đất Phương Nam vui vẻ vài ve, nhưng chàng bảo đang ở nhà Lê Minh Quốc với mấy bạn trẻ… Tôi nói đùa, giờ ông chơi với mấy bạn trẻ bỏ bê bạn già này rồi. Nhưng khoảng hơn một tiếng sau, Nghĩa đến, chậm rãi bước vào kéo ghế ngồi, vẻ mặt mệt mỏi nói, không ra sợ đại ca buồn. Tôi hết sức cảm động và áy náy về lời nói đùa kiểu hờn lẫy với bạn lúc nãy. Nghĩa ngồi hơn một tiếng mà nhâm nhi mãi không hết lon bia rồi lững thững ra về. Đó là lần cuối cùng tôi cụng ly bia với Nghĩa. Sau đó tôi còn gặp ăn sáng cà phê với Nghĩa, Chánh và Phương vài lần nữa, thấy Bạn mệt mỏi lắm. Rồi nghe tin bạn lại nhập viện, tôi lo quá. Gọi điện, không nghe; nhắn tin mấy lần, mãi chiều ngày 4 tháng 7, Nghĩa mới nhắn lại: “Mệt lắm. Cầu mong được như anh Lê Cung Bắc”. Bạn tôi – đạo diễn Lê Cung Bắc đã mất vì ung thư trước đó mấy tuần. Hôm tôi đi phúng Bắc, Nghĩa gọi nhờ tôi “thắp giúp cây nhang cho anh Bắc”…

Rồi tin dữ đến. Bạn mất vào thời điểm đại dịch bùng phát dữ dội phải cách ly, phong tỏa, bạn bè không thể tiễn bạn một đoạn đường về miền miên viễn! Hẹn thất tuần – 49 ngày, bọn mình – “bộ tứ” còn ba – sẽ cùng đến chùa nơi quàn tro cốt Bạn để chào lần cuối nhưng cũng không thể. Chị Minh Hạnh nói trước khi mất, Bạn dặn vợ, khi nào tiện nhắn ba chúng tôi đến nhà coi tủ sách của Bạn, cần hay thích cuốn nào thì cứ lấy, toàn sách hay, sách quý. Chúng tôi bàn nhau, hôm nào đến thăm chị và tham quan thư viện của Bạn, rồi mỗi người nhận vài cuốn làm kỷ niệm. Phần Huỳnh Như Phương sẽ bàn với chị Hạnh tặng những sách nào thấy cần cho các thư viện trường học.

Bạn hiền ra đi, mình viết lời ai điếu muộn màng. Bởi Nghĩa biết, những năm sau này mình rất ngại đám đông. Kể cả “đám đông văn chương chữ nghĩa”. Bạn là nhà văn, nhà báo nổi tiếng, khi Bạn mất có rất nhiều người, nhiều báo viết về Bạn, nên mình đợi đến 100 ngày mới viết mấy dòng nhớ Bạn…

PHẠM CHU SA


--------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét