Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

đọc thêm (2) : " xuất bản sách viết về LỄ THÀNH HẦU NGUYỄN HỮU CẢNH / [ Trần ] ĐÌNH BA / tphcm ] -- trí ch: vietnamnet>

 VietNamNet

x

Xuất bản sách viết về Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

ĐINH BA
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người có công trong công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII.

Bộ sử đồ sộ nhà Nguyễn, sách Đại Nam thực lục, ghi một sự kiện quan trọng diễn ra năm Mậu Dần (1698) đời Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).

Đó là "Sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. 

Mở rộng đất được nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những dân xiêu bạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn phường ấp, chia cắt giới hạn, khai khẩn ruộng nương, định lệnh thuế tô dung, làm sổ đinh điền”.

{keywords}

Bìa sách Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Chỉ vài dòng ngắn ngủi nhưng là dấu mốc quan trọng trong việc xác lập sự hiện diện chính thức của hệ thống chính quyền chúa Nguyễn nơi đất Đồng Nai – Gia Định xưa.

Người có công lớn trong việc mở mang, xác lập cương vực lãnh thổ mới cho đất Đàng Trong của chúa Nguyễn được nói tới ở đây, là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Kính).

Khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mất vào năm Canh Thìn (1700), ghi chép trong Đại Nam chính biên liệt truyện cho hay: “Chúa thương tiếc quá. Tặng phong Hiệp tán công thần, đặc tiến Chưởng doanh, thụy Trung Cần, cho vàng, lụa, hậu táng. Người Chân Lạp lập đền thờ ở đầu bãi Nam Vang. Lại ở chỗ đóng quân, và ở sông Đông Khổn đạo là chỗ ông đi qua, nhân dân nhớ công đức, đều lập đền thờ…”.

Những việc này đủ thấy vị quan dòng Nguyễn Hữu không chỉ nhận được sự tin yêu của đấng bề trên mà cả sự ngưỡng vọng của dân lành. Nhiều đền thơ Lễ Thành hầu đã được dựng lên thờ phụng ông nơi đất Nam Bộ, việc kỵ húy tên ông mà gọi như cây kiểng, kiếng, Tân Kiểng… đến nay vẫn còn. 

Sách vở nghiên cứu, ghi chép về công lao, sự nghiệp của vị công thần nhà Nguyễn, cũng đã được xuất bản dẫu chưa nhiều. Trong đó, có tác phẩm Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII của nhà văn Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành trong Quý IV năm 2016. .

Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII đã góp phần phục dựng một bức tranh khá hoàn chỉnh về cuộc đời, sự nghiệp của tiền nhân. Từ tiểu sử, thân thế dòng tộc Nguyễn Hữu Cảnh cho tới vùng đất quê hương Quảng Bình.

Quan trọng hơn cả, chính là công nghiệp của ông trong việc mở đất Nam Bộ cũng như những chính sách an dân, đối ngoại với ngoại bang của vị Chưởng cơ dòng Nguyễn Hữu. Những nội dung ấy, sẽ được lần mở khi bạn đọc tiếp xúc với tác phẩm này.

Sách được chia thành 9 chương cùng 3 phụ lục. Nguồn tư liệu không chỉ được tác giả tham khảo từ những tài liệu thành văn mà còn thu thập qua quá trình điền dã thực tế qua nhiều vùng miền Tổ quốc, từ Quảng Bình, đến Đồng Nai, An Giang… những nơi có sự hiện diện của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cách đây hơn 300 năm. 

Đây là một cuốn sách có giá trị, đáng để có mặt trên giá sách của những độc giả ham tìm tòi, học hỏi về một mảng lịch sử vùng đất Nam Bộ nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung thế kỷ XVII-XVIII.

Đình Ba

1 nhận xét: