Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: "Mưu sinh và viết, tôi đam mê cả hai"
Mái tóc dài và ánh mắt đượm buồn là đặc điểm để bạn bè nhận ra chị. Bên trong cái vỏ bọc hiền lành, dịu ngọt của một người phụ nữ gốc Huế, là cái đáo để của một cô gái Hà thành.
Một mình chị là chỗ dựa của gia đình, nuôi 2 cô con gái lớn khôn, trong khi vẫn viết văn đều tay và “giật” khá nhiều giải thưởng vào bộ sưu tập của mình. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà là người lạc quan, biết cách vượt qua những trắc trở mà dường như bất cứ một kiếp người nào cũng phải trải qua. . Xin được bắt đầu với cuốn tiểu thuyết, Tường thành, chị có thể nói sơ qua về cuốn sách của mình? -Trước khi viết Tường thành, tôi định viết một cuốn tiểu thuyết khác nhưng tôi cảm thấy mình chưa đủ “vốn” để viết nó, nên tôi dừng lại. Ngay lúc đó tôi nghĩ đến một thực tế đập vào mắt tôi hàng ngày, đấy là cái bãi rác Thành Công, một “xóm liều” ngay cạnh nhà tôi. Ở đây có đủ mọi loại người: giang hồ, đĩ điếm, nghiện hút ma tuý, bới rác, ăn xin... Đó là của lớp người ở dưới đáy xã hội mà nếu không ở cạnh họ, ta sẽ không biết cuộc sinh tồn của họ ra sao. Đối lập với họ và sống cùng với tôi là thế giới của những trí thức, những nhà báo trẻ đang lăn lộn kiếm sống và khẳng định tên tuổi. Họ cũng phải đối mặt với vô vàn cạm bẫy, vô vàn sự cám dỗ, rồi nữa là bi kịch, là khả năng bị tha hóa là hoàn toàn có thể xảy ra... Cuốn tiểu thuyết hoàn tất trong vòng 2 tháng để kịp tham dự cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn (2002 - 2004), đã được vào chung khảo. . Được biết Tường thành hoàn thành cùng một lúc với Trong nước giá lạnh - một cuốn tiểu thuyết viết về giai đoạn sau chiến tranh ở Huế, với một giọng văn khác hẳn. Người ta vẫn bảo viết tiểu thuyết là phải tích tụ hàng năm trời, có khi cả một đời người chị có vội vã cho ra đời những “đứa con” của mình không? -Tôi nghĩ rằng đối với nhà văn, thời gian không phải là điều quan trọng. Cái quan trọng là mình phải lao động thực thụ, giây phút lao động ấy là của trời ban cho. Có ngày tôi viết được 8000 chữ trên máy tính, nhưng cũng có khi cả ngày không viết được một dòng nào. Viết văn, hình như là sự phân công lao động “kỳ quặc” nhất trên đời. Viết hay, là do ý chí, nghị lực và tất nhiên cần có chút ít tài năng. Tôi thì cố gắng làm việc, vào bất cứ lúc nào có thể, không phụ thuộc thời gian. Hầu hết các truyện trong tập Chuyện của con gái người hát rong tôi viết tại quán cà phê. . Hiện nay các nhà văn nữ trên thế giới nói chung (gần hơn là Trung Quốc) và Việt Nam nói riêng, thường hay khai thác những khía cạnh nhạy cảm đời sống, đấy là yếu tố sex. Nó lôi cuốn thị hiếu ít nhiều còn có tính bản năng của nhiều người và thường thì những cuốn sách ấy bán rất chạy? - Tôi không biết các nhà văn khác quan niệm thế nào chứ riêng tôi, khi viết một tác phẩm, tôi không nghĩ đến việc mình phải viết thật sex, để câu khách, để bán sách kiếm tiền. Tuy nhiên, nếu trong truyện của tôi có những đoạn liên quan đến giới tính và tình dục thì cũng là do cuộc sống nhân vật nó phải thế. Nói một cách chân thực thì cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta chắc chắn đều có yếu tố tình dục cũng như chuyện ăn uống, hít thở, làm việc... Với tôi, tình dục không có nghĩa xấu mà ngược lại! Nhân vật Cầm Kỳ của tôi cũng yêu đương hết mình chẳng kém gì các bạn trẻ thế hệ @ nhưng cô ấy sẵn sàng dừng lại ngay khi cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Tôi đồng ý rằng gần đây văn học Trung Quốc có ảnh hưởng đến mình song “tầm” của Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Cao Hành Kiện... thì đáng để học hỏi. Riêng các tác giả nữ như Vệ Tuệ chẳng hạn, thì không phải là một tiêu chí để so sánh. Trong tác phẩm của mình tôi luôn muốn và cố gắng nói được một điều gì đó, dù rất nhỏ, nhưng cũng phải chuyển tải một thông điệp nhân văn. Nhân vật của tôi dù có đê tiện, có ghê tởm đến đâu thì cuối cùng cái mà anh ta để lại trong lòng độc giả chính là niềm tin rằng anh ta sẽ tìm đến với cái thiện, vì vậy anh ta trở nên đáng thương, chứ không phải là đáng trách. . Quen biết chị, ai cũng ngỡ đã gặp một Võ Thị Xuân Hà tự tin và đầy bản lĩnh chứ không phải là “người đàn bà yếu đuối”?- Tôi đã trải qua nhiều năm tháng khổ sở và vất vả. Đang yên phận với nghề dạy học thì tôi chuyển qua làm báo, làm điện ảnh, rồi làm xuất bản... Đang yên ấm ở Huế cùng gia đình thì tôi theo chồng ra Hà Nội, đến khi gia đình riêng trắc trở, tôi một mình nuôi 2 cô con gái lớn khôn cho tới tận ngày hôm nay. Tôi vừa là mẹ, nhưng cũng vừa là cha. Ba người phụ nữ trong gia đình, chẳng lẽ tôi lại ủ rũ với một mớ ngổn ngang những đau khổ, dẫu chỉ là những thứ vặt vãnh. Tôi phải bước đi bằng đôi chân của mình, tự khẳng định mình. Phải kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình nuôi các con ăn học. Tôi đã làm được cả ba điều: Sống, nuôi dạy con cái và viết văn. Tôi phải tin vào tôi thì các con tôi mới tin vào tôi được chứ! . Người ta bảo nhà văn, nhà thơ mà tỉnh táo quá, lý trí quá cũng không tốt đâu, thưa chị! - Tôi cực lực phản đối quan niệm của một số người cho rằng nhà văn là phải cô đơn, phải khổ sở, phải nghèo túng, thì mới viết văn được. Tôi là người phấn đấu hết mình để làm giàu, để trốn cái nghèo và tôi vẫn hết mình với văn chương. Tôi chỉ ngồi vào bàn viết khi đầu óc hoàn toàn sảng khoái và minh mẫn chứ không phải buồn rầu, u ám. Phải lãng mạn bay bổng với thế giới câu chữ và sự phức tạp đầy biến động của nhân vật, nhưng tôi vẫn phải có một thế giới thực trên mặt đất. Tôi cùng nhiều bạn bè văn chương hiện nay đang ủng hộ một quan niệm hiện đại là trong cuộc sống, nhà văn cần phải sang trọng, phải sung sướng, nhưng không được lấy cái sang trọng, cái sung sướng của mình để đong đo người khác. Văn chương là cuộc đời thì trước hết nhà văn phải sống rất đời. Cũng như vậy, tôi không thích người ta phân định rạch ròi anh kia là nhà văn nam thì viết ra sao và chúng tôi là nhà văn nữ thì phải viết thế nào... Tôi nghĩ khi viết văn người ta không nên phân biệt giới tính, không nên quan tâm mình là nam hay nữ, mà điều quan thiết hơn cả là phải viết làm sao để có tác phẩm hay. . Hình như gần đây chị đang nuôi “ý chí làm giàu” với một dự định kinh doanh rất khả quan?
- Ngoài việc sẽ cho ra một cuốn tiểu thuyết mới, tôi đang định mở một Cty kinh doanh các ấn phẩm văn hóa. Mưu sinh và viết, tôi đam mê cả hai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét