PHAN CỰ ĐỆ – NHÀ PHÊ BÌNH XÃ HỘI HỌC MÁC XÍT
Giáo sư Phan Cự Đệ (1933 – 2008) thuộc vào thế hệ những người xây nền dắp móng cho ngành nghiên cứu văn học mác xít Việt Nam non trẻ, hình thành sau cuộc đấu tranh phê phán đánh đổ hết các bậc thầy trong vụ án “Nhân văn – Giai phẩm” năm 1956. Ông là nhà nghiên cứu văn học bám sát các nguyên lí mác xít và các chỉ đạo của Đảng, xem văn học là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, là công cụ đấu tranh giai cấp, và nghiên cứu văn học thì phải phục vụ cho công cuộc đấu tranh xã hội. Ông là nhà nghiên cứu xã hội học mác xít tiêu biểu nhất trong nghiên cứu, phê bình văn học thời kì này, uyên bác, có uy tín, làm việc có phương pháp.
Phan Cự Đệ quê ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống nho học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm 1957, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, chuyên trách về văn học hiện đại. Ông là một người có sức làm việc bền bỉ, kiên trì, quyết liệt, có niềm tin sắt đá và có nhiều thành quả, được dư luận một thời ghi nhận. Nhưng đối với tác phẩm cũng như con người ông đương thời vẫn có một luồng đánh giá khác. Trong 40 năm cầm bút ông đã lần lượt cho công bố 25 đầu sách độc lập lớn nhỏ, và hơn 200 bài báo gồm nhiều thể loại: sưu tầm, giới thiệu, khảo cứu, chân dung, lời tựa. Các công trình của ông được in lại sau thời Đổi mới đều đã được sửa chữa, bổ sung, có môt diện mạo khác hơn so với lần xuất bản đầu. Một nghiên cứu so sánh các sửa chữa sẽ cho thấy ông muốn khắc phục bớt những nhận định cực đoan, gay gắt một thời để theo kịp đà tiến bộ xã hội. Ở đây chúng tôi chỉ điểm qua một số công trình chính của ông để thấy khuynh hướng nghiên cứu và phương pháp cơ bản của ông đương thời.
Các công trình khoa học lớn của ông đều lấy các tư tưởng của Trường Chinh trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt nam hoặc các bài báo cáo kháclàm kim chỉ nam. Phong trào thơ Mới (1966, 1982, 1997) là chuyên luận thứ nhất viết theo quan điểm mác xít về phong trào thơ Mới, sau cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh. Chuyên luận này chủ yếu vận dụng các tiêu chí chính trị để đánh giá thơ mới. Sách có 7 chương, trừ 3 chương đặt vấn đề, chương kết luận, chương lịch sử phong trào, còn 4 chương có tên như sau: “Quan điểm mĩ học của thơ Mới”, “Con đường bế tắc của chủ nghĩa cá nhân”, “Những mặt tích cực và tiến bộ”, “Một số vấn đề về nghệ thuật”. Ông xuất phát từ nhân định thơ Mới như là thơ ca “thoát li đời sống”, tuy cũng đề cập tới quan niệm thẩm mĩ của thơ Mới, nhân tố yêu nước tiến bộ của phong trào thơ này, song cả cuốn sách tập trung phê phán “tác hại của thơ Mới” như một chủ đề ý thức hệ. Ông phê phán những ai “đề cao một chiều” thơ ca này, “đề cao quá mức, thổi phồng những thành tựu”, mà “chưa thấy hết những ảnh hưởng tiêu cực của phong trào thơ mới”. Ông xem thơ Mới chỉ là thơ lãng mạn “đắm chìm trong tháp ngà”, “đề xướng một cái tôi to tướng, đi lù lù giữa cuộc đời và ném đá vào những người xung quanh”. Thơ này “chủ yếu là tiếng nói của giai cấp tiểu tư sản”, “không thuần nhất và thế giới quan tiểu tư sản biến động rất phức tạp”. Người ta thấy rõ, đó là tiêu chí chính trị, giai cấp luận, không phải là các tiêu chí chủ yếu để đánh giá một phong trào thơ ca. Nói đến thơ Mới mà phủ nhận cái Tôi của nó coi như không còn gì để nói nữa. Có thể nhận thấy toàn bộ sự phân tích của ông nhằm minh họa các nhận định có sẵn về thơ ca lãng mạn, thoát li, hoặc minh họa các nhân định về yêu nước, tiến bộ của Trường Chinh trong bài báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam năm 1948, bởi đích đến của toàn bộ công trình không có gì khác với các kết luận đã có sẵn ấy. Phần nghệ thuật, ông nói “một nền thơ mới trên cơ sở truyền thống thơ ca cũ” cũng không cho thấy thực chất của cuộc cách mạng trong thi ca. Có thể nói thời đại chỉ trang bị cho Phan Cự Đệ các quy phạm chính trị để đọc văn học, chứ chưa trang bị tri thức nghệ thuật dể đọc nghệ thuật, cho nên ông chưa nhìn ra các sáng tạo của thơ Mới. Ông nhìn nó qua lăng kính của nội dung của thơ lãng mạn nói chung, mà Marx và Engels cũng đã bàn đến, cho nên không thấy được đặc trưng của nó như là thơ của tiếng Việt. Ông cho thơ Mới là một “một bước tổng hợp mới thơ phương Tây và phương Đông”, quan niệm này cũng không thỏa đáng, bởi tổng hợp như thế là cải lương, không đổi mới, bởi đổi mới thì phải phủ nhận cái cũ. Vì ngay ở Trung Quốc người ta cũng từ bỏ thơ cổ, làm thơ bạch thoại như Hồ Thích, Quách Mạt Nhược, Từ Chí Ma, Tang Khắc Gia…Có thể nói việc lấy các quan điểm chính trị công thức đương thời làm cơ sở nghiên cứu vốn là thông lệ một thời đã hạn chế rất nhiều đến cách hiểu nghệ thuật thơ ca của tác giả.
Chuyên luận thứ hai đồ sộ của Phan Cự Đệ, bao quát nửa thế kỉ văn học với hàng trăm tác giả và nhiều trăm tác phẩm có tên là Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, 2 tập gồm 800 trang, xuất bản lần lượt T. 1 năm 1974 và T. 2 năm 1975. Theo tác giả, đây không phải là công trình văn học sử, mà là công trình lí thuyết. Tuy vậy ông vẫn dựng lên ba dòng tiểu thuyết hiện đại Việt nam từ chủ nghĩa lãng mạn, qua chủ nghĩa hiện thực phê phán đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tiếng là viết về tiểu thuyết Việt nam hiện đại, nhưng trọng tâm là tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, còn tiểu thuyết lãng mạn và tiểu thuyết hiện thực phê phán chỉ là vật đối trọng để thấy tính ưu việt của tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cuốn sách được viết trong sự ảnh hưởng của lí luận xô viết, một lí luận không mấy quan tâm thể loại, mà chỉ quan tâm đến phương pháp sáng tác, nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình. Lí luân này dựa trên phản ánh luận, mà phản ánh luận thì xem mọi văn học đều có khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa, chủ nghĩa lãng mạn thoát li có nghĩa là không phản ánh hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên thì không điển hình. Ví thế bố cục cuốn sách gồm 4 phần. Phần 1 nói về quá trình hình thành tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, phần 2 nói về vấn đề điển hình hóa trong tiểu thuyết hiện đại, phần 3 những vấn đề thể lọai của tiểu thuyết, phần 4 nói về lao động của người viết tiểu thuyết. Thực ra phần 4 cũng nói về đặc trưng thể loại. Tiểu thuyết là một thể loại văn học lâu đời và hết sức đa dạng, chưa hoàn thành, rất phức tạp. Hiện vẫn chưa có định nghĩa nào được phổ biến chấp nhận. Nhìn qua bố cục ta thấy tác giả quan tâm trước hết đến tính điển hình, một vấn đề nội dung, mà nội dung này chỉ thuộc vào một loại tiểu thuyết hiện thực (lãng mạn là cái bóng phản chiếu ngược của nó), tức là thu hẹp thể loại vào ba khuynh hướng sáng tác. Còn có nhiều loại tiểu thuyết khác chưa được nói tới. Vấn đề điển hình thực chất là vấn đề phương pháp sáng tác, một vấn đề có ý nghĩa xã hội học của lí luận xô viết, không phải vấn đề của thể loại. Vấn đề thể loại thì chủ yếu ông nói đến tính văn xuôi, tính tổng hợp, tính đa phong cách và đa thanh. Các tính chất này hình thành trong lịch sử, ở những tiểu loại khác nhau, đem gộp chung vào một chỗ có phần bất tiện, bởi có tiểu thuyết đơn thanh, độc thoại, không đa thanh. Vấn đề tranh luận tiểu thuyết cũ, mới, chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vấn đề xây dựng nhân vật và kết cấu, cốt truyện tiểu thuyết đặt trong phần lao động của nhà văn với việc xây dựng thế giới quan và vốn sống, một vấn đề có tính chất chính trị, mà không thấy đó là các vấn đề hình thức quan trọng của tiểu thuyết, cho nên, cũng không có vấn đề người kể chuyện, không có vấn đề điểm nhìn trần thuật. Không thể đòi hỏi tác giả có một cách viết khác, vì như vậy là đòi hỏi phi lịch sử, nhưng các nhận xét trên cho thấy giới hạn nghiên cứu văn học của một thời mà ông vừa không thể thoát khỏi, vừa không thể tiếp cận. Nhà nghiên cứu Việt nam lúc ấy vừa hiểu biết rất hạn chế lại vừa lên gân chống lại đủ thứ di sản tiến bộ mà mình không với tới.
Đi sâu vào các trang phân tích các tác phẩm cụ thể trước 1945, ta có thể bắt gặp những định luận mác xít một thời, ví như “Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn về bản chất mang màu sắc tiêu cực và thoát li”[1] (tr.57), “đề cao những quan điểm nghệ thuật suy đồi” (tr.59), “nghệ thuật vị nghệ thuật” (tr.60), trong tiểu thuyết của họ “sự vận động của tâm lí không thực sự bắt nguồn từ sự vận động lịch sử khách quan” (tr. 67), Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao “chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên” (tr. 111), Nguyễn Công Hoan,Vũ Trọng Phụng thì “tiếng cười vô chính phủ, cười lung tung”, truyện Chí Phèo “cốt truyện và tuyến nhân vật hãy còn đơn giản” (tr. 123). Có thể thấy phần nhiều các nhận định mang tính chất công thức hoặc minh họa cho những nguyên lí đã có trước, các ý kiến của các nhà kinh điển hoặc nhà lãnh đạo. Vì thế nhiều chỗ tính chất xã hội học rất rõ. Phân tích tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, tác giả chê trách nhà văn “không đặt vấn đề đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Những màu sắc của chủ nghĩa cải lương Hồ Biểu Chánh đều mang tính chất bảo thủ, phản động, nó gây cho thanh niên những ảo tưởng nguy hiểm, khiến họ thoát li cuộc đấu tranh cách mạng để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc”[2]. Nói thế thì khác nào trách nhà văn không đi theo lí tưởng cộng sản, không có lập trường mác xít một cách phi lí. Tác giả dựa vào các tiêu chí của văn học xã hội chủ nghĩa để phê phán các nhà văn thuộc trào lưu khác. Chỉ một ví dụ này cũng cho thấy được phương pháp nghiên cứu của tác giả. Chương 3 Sư phát triển mạnh mẽ của tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tác giả vừa trình bày biểu dương tiểu thuyết HTXHCN Việt Nam, vừa phê phán kịch liệt các khuynh hướng Nhân văn – Giai phẩm, vừa đánh giá các tác phẩm như truyện ngắn của Kim Lân, tiểu thuyết Mười năm của Tô Hoài, Mở hầm của Nguyễn Dậu, Vào đời của Hà Minh Tuân, Phá vây của Phù Thăng, Những người thợ mỏ của Võ Huy Tâm, các tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan, đả phá quan niệm “con người bình thường”, “con người phổ biến”. Ông chê tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng thiếu các nhân vật trưởng thành từ giai cấp công nông (tr.361). Tác giả tỏ ra có khuynh hương xem văn nghệ là minh họa chính trị khi phê bình Nguyễn Đình Thi trong Vỡ bờ khi thể hiện các nhân vật “đã không làm rõ vai trò lãnh đạo của thành ủy và ủy ban khởi nghĩa, công nhân, nông dân chỉ là cái bóng mờ” (tr. 245). Trong sách cũng có những đoạn ca ngợi sự lãnh đạo văn nghệ của đảng mà người ta có thể nghĩ là “phê bình xu phụ”. Phần ba bàn về tính điển hình trong tiểu thuyết. Khái niệm “điển hình” là loại nhân vật mà tính cách có tính phổ biến, tên nhân vật trở thanh danh từ chung, là “người lạ quen biết” có tính toàn nhân loại. Từ V. Bielinski đến M. Gorki điển hình dùng cho nhiều loại văn học. Đến khi phát hiện giữa thế kỉ XIX F. Engels nói “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” là nói nhân vật phải tiêu biểu cho tính cách giai cấp trong lịch sử, nó liền trở thành phạm trù có tính xã hội học trong tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa, phản đối tính nhân loại siêu giai cấp. Nêu vấn đề điển hình hóa trong tiểu thuyết lãng mạn như Phan Cự Đệ, hoặc là quan niệm điển hình của ông có vấn đề, hoặc là việc làm của ông thiếu công bằng, vì chỉ cốt nêu cái yếu của sáng tác này khi nhân định: “do hạn chế về thế giới quan và phương pháp sáng tác các nhà văn lãng mạn tiêu cực và suy đồi ở việt Nam hầu như không thực hiện được yêu cầu của điển hình hóa”[3], trừ Gió đầu mùa, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt. Ba tác phẩm này trên thực tế yếu tố hiện thực rất đậm, nếu coi là tác phẩm hiện thực có yếu tố lãng mạn cũng không sai. Phân tích tính điển hình của nhân vật chị Dậu (Tắt đèn) lẽ ra có thể chê nhân vật bị lí tưởng hóa, trải qua nhiều biến cố mà không bị biến đổi, vẫn luôn xinh đẹp để các quan mê, thì lại chê “thiếu cá tính” (tr. 297), còn phân tích nhân vật Chí Phèo thì khen cá tính hóa cao độ, nhưng chê Chí “chưa thật tiêu biểu cho đại bộ phận nông dân lúc bấy giờ”, tức thiếu tính điển hình (tr.304), chỉ xem Chí Phèo là vấn đề nông dân, không phải vấn đề thân phận (tr. 301), ông chỉ xem bản chất giai cấp, chứ không quan tâm bình diện nhân loại. Xem Giông Tố “không vượt qua được bi kịch của một gia đình”, tức là chưa điển hình, mà còn có tính tự nhiên chủ nghĩa. Ông chê các nhà hiện thực phê phán Việt Nam “chưa miêu tả được cuộc đấu tranh tự giác dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân” (tr. 340). Đáng lẽ phải phân tích tác phẩm văn học rồi khái quát lên đặc điểm của chúng, thì Phan Cự Đệ lại đem văn học so với khái niệm lí luận để chứng minh sự yếu kém của nó. Rõ là tác giả đã gọt văn học cho vừa khung lí luận! Đến chương viết về Vấn đề điển hình hóa trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa tác giả không dựa vào một nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa nào làm cơ sở để khái quát, mà dựa vào truyền thống ưu tú của văn học và nhân loại để nêu lên những cái “nên” mà văn học phải theo: nào tính khái quát lớn, tính dân tộc, nào giá trị nhận thức, nào tính tạo hình, nào tính lí tưởng, tính tự giác, tính triết lí, đạo đức. Nó khá mơ hồ, chung chung. Tất nhiên, khi phân tích về tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam đương thời tác giả Phan Cự Đệ cũng không khen một chiều, ông vẫn thấy được những mặt hạn chế của chúng. Có thể xem các chương trên là viết về nội dung, từ Phần ba mới đi vào hình thức thể loại. Có lẽ do hình thức phải đi sau nội dung.Về đặc trưng thể loại tiểu thuyết, mặc dù tác giả đã rất cố gắng, nêu lên nhiều biểu hiện hình thức của tiểu thuyết hiện đại, song ông vẫn chưa nêu rõ đặc trưng của tiểu thuyết. Ngày nay người ta phân biệt tiểu thuyết như là thể loại tự sự phi quy phạm, bao gồm ba điểm mà M.Bakhtin đã nêu[4], giúp phân biệt tiểu thuyết với sử thi và các thể loại tự sự tiền tiểu thuyết. Do đó khi đã bàn về tiểu thuyết thì không cần bàn đến các thể loại truyện văn xuôi trước nó nữa. Tuy nhiên, Phan Cự Đệ và các học giả lúc ấy đã đi theo Hegel mà lẫn lộn tiểu thuyết với sử thi, gọi tiểu thuyết là “sử thi tư sản” một cách sai lầm, bởi đã là tiểu thuyết thì nó phản sử thi, chứ không thể ôm sử thi vào mình, trừ phi, đó là tiểu thuyết sử thi với các quy phạm mới. Đó là chưa kể, tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là tiểu thuyết Liên Xô, theo nhà nghiên cứu Ucraina E. Chernoivanenko, đại học Odessa, thì tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa trên thực tế đã lại quay về thể loại tiền tiểu thuyết với các yêu cầu của tu từ học quy phạm mới, kiểu như thể hiện con người mới, tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, tính đảng cộng sản, chủ nghĩa anh hùng, ca ngợi cao cả, mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển trong tiến trình phát triển cách mạng. Với các yêu cầu đó tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa trên thực tế đã gần với sử thi mà xa rời tiểu thuyết, suy giảm chất tiểu thuyết[5]. Vào thời của mình, Phan Cự Đệ và phần đông học giả chưa biết đến điều này, cho nên việc bàn đến các phương diện hình thức và nội dung tiểu thuyết đều đã rất lỗi thời. Chẳng hạn, ông viết: “Với nội dung của nó, tiểu thuyết có thể gọi là hình thức sử thi lớn, hình thức tự sự có đề tài cỡ lớn”[6].Thì ở đây ông đã nêu ra ít nhất hai quy phạm mới: hình thức sử thi cỡ lớn, hình thức tự sự có đề tài cỡ lớn. Nếu nhà văn viết cỡ vừa và nhỏ, không theo đề tài lớn thì sao? Các quy định như thế đều xa lạ với tiểu thuyết. Các tranh luận giữa các nhà lí luận Liên Xô với các nhà tiểu thuyết mới Pháp cũng đã thành câu chuyện lịch sử. Sau khi Liên Xô sụp đổ thì chúng không còn ý nghĩa gì nữa. Phần bốn của cuốn sách viết về việc bồi dưỡng thế giới quan Mác Lênin, phong phú vốn sống, các quy định về nhân vật, các kiểu kết cấu đều không hợp với tinh thần của thể loại. Phần viết về ngôn ngữ cũng thế, chưa có ý niêm về ý thức đa ngữ, lời người khác…Khi viết chuyên luận này, Phan Cự Đệ đã biết đến công trình Sử thi và tiểu thuyết của M. Bakhtin cũng như công trình Cội nguồn của tiểu thuyết (1963) của Vadim Kozhinov, nhưng ông đi theo con đường khác. Chúng tôi nêu điều này không nhằm đòi hỏi tác giả phải theo Bakhtin hay Kozhinov, mà chỉ muốn nói, lí thuyết của ông thời đó đã lỗi thời so với lí luận của Liên Xô.
Khi phân tích những nhược điểm của các sáng tác tiểu thuyết tác giả đều quy về nguyên nhân yếu kém về thế giới quan và vốn sống chung chung, mà không chỉ ra được nguyên nhân cụ thể trong từng trường hợp. Nhà phê bình văn học Ngô Thảo đương thời đã phê bình lối nghiên cứu máy móc, cơ giới, chỉ ra hàng ba chục lần tác giả đã dùng đến yếu tố thế giới quan và vốn sông để lí giải tình trạng chất lượng của tiểu thuyết.[7] Qua hai công trình lớn nêu trên, có thể thấy tính chất chính trị hóa văn học, khuynh hướng minh họa, máy móc, xã hội học khá nặng, làm giảm sút nghiêm trọng tính chất khoa học của công trình. Chính do những công trình loại này với uy tín của nó đương thời đã tạo nên bầu không khí xã hội học tràn ngập văn đàn. Phát biểu một ý kiến khác với các nhận định có sẵn, có thể sẽ bị ai đó phát hiện và gặp khó. Cách tốt nhất để an tòan là nói theo một chiều, lại được tiếng là trung thành kiên định với đường lối trên mặt trận tư tưởng, mà như thế thì cũng tự làm suy giảm tư cách nhà nghiên cứu của mình. Nói chung nhà nghiên cứu thời đó chưa có được tính độc lập tự chủ, nhưng Phan Cự Đệ thì quá tích cực nhập cuộc. Ngày nay, những ai muốn hiểu “tiểu thuyết Việt Nam hiện đại” là gì, thiết nghĩ là phải vượt qua các nhận định cũ như thế để tiến hành nghiên cứu lại theo cách tiếp cận khác.
Trên đây chỉ đề cập tới hai chuyên luận có tính lí thuyết của nhà nghiên cứu. Với tư cách là người nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại, công trình của Phan Cự Đệ rất phong phú, thể hiện sức lao động bền bỉ và đóng góp to lớn đáng nể phục của ông. Ông cùng Hà Minh Đức biên soạn tập Nhà văn Việt Nam hiện đại (1945-1975), hai tập[8], 1254 trang, gồm 29 tác giả trong hai cuộc kháng chiến. So với sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan thì ít hơn 50 người, mà phạm vi thì bao gồm cả các đồng chí lãnh đạo có làm thơ như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Xuân Thủy, Lê Đức Thọ. Nghiên cứu tiểu sử học đã thành truyền thống của Việt Nam. Tính chất chính trị của tập sách rất đậm. Phan Cự Đệ còn sưu tập, làm tuyển tập, toàn tập, viết lời nói đầu sách cho các nhà văn tầm cỡ như Ngô Tất Tố, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Bùi Hiển, nó chứng tỏ ông là nhà nghiên cứu có uy tín và một vốn văn học rất uyên bác.
Cùng với nghiên cứu, Phan Cự Đệ còn là một nhà phê bình văn học đương đại. Ông đã viết về rất nhiều hiện tượng văn học gây tranh cãi của thời đại mình. Viết về Từ ấy của Tố Hữu, ông phê phán những ai xem Tố Hữu là người chịu ảnh hưởng của thơ Mới. Ngày nay có lẽ ai cũng hiểu ảnh hưởng là chuyện thường, Phan Cự Đệ phủ nhận ảnh hưởng, ông muốn chứng tỏ, lập trường giai cấp khác nhau thì không thể ảnh hưởng nhau. Ông phê bình mạnh mẽ tiểu thuyết Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi nặng về chất tiểu tư sản, ông khẳng định nhiệt tình tiểu thuyết Vùng trời của nhà văn Hữu Mai. Đề cao các sáng tác của Nguyễn Khải, Anh Đức, Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thi. Phan Cự Đệ thuộc lớp nhà phê bình có khả năng áp đặt khuynh hướng phê bình của mình cho dư luận.
Là nhà lí luận, ông đề xướng phương pháp phê bình văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh tới quan điểm mác xít, đối lập gay gắt với các phương pháp phê bình văn học khác.
Vào thời kì đổi mới ông cũng là người đấu tranh quyết liệt chống khuynh hướng gọi là “phủ định văn học cách mạng”, trong khi chính các nhà văn như Nguyễn Minh Châu đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa. Sau thời đổi mới ông chuyển sang sưu tầm, nghiên cứu văn học trước 1945. Ông có cuốn Tự lực văn đoàn, con người và văn chương, thái độ không còn gay gắt như thời viết Phong trào thơ mới và Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại và sự đánh giá có phần thỏa đáng và trân trọng hơn. Ông cũng sưu tầm nghiên cứu về Hàn Mặc Tử, một hiện tượng thơ độc đáo, thách thức mọi phương pháp tiếp cận và xa lạ với lí tưởng văn học của ông. Nó cho thấy tuy theo mác xít thì ông phải phê phán, mà trong thâm tâm thì ông yêu thích văn học lãng mạn.
Là nhà giáo ông đã viết các Giáo trình lịch sử văn học Việt nam giai đoạn 1930-1945. Trong giáo trình ông cũng xem sự kiện chính trị có tính chất quyết định. Năm 2004 ông còn chủ biên sách Văn học Việt Nam – lịch sử và lí luận. Ông và các cộng sự đã bàn đến các vấn đề như trào lưu khuynh hướng văn học, sự phân loại tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, thơ, kịch, phê bình và ngôn ngữ văn học. Phần viết của ông có thiên hướng về nghiên cứu thi pháp thể loại, chứ không phải xã hội học như trước. Ông vẫn bàn về đặc điểm thể loại của tác phẩm Nguyễn Minh Châu thời đổi mới, tỏ ra có sự hiểu biết sâu sắc về thể loại tiểu thuyết. Trong những năm cuối đời ông tổ chức Câu lạc bộ giáo lưu văn hóa kinh tế quốc tế do ông làm chủ tịch, có những đóng góp nhất định, gop phần mở rộng giao lưu.
Hà Nội ngày 26 – 5 – 2022
[1] Phan Cự Đệ, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập 1, Nxb Đại học và THCN, Hà Nội, 1974. Số trang ghi trong ngoặc đơn.
[2] Phan Cự Đệ, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập 1, Nxb Đại học và THCN, Hà Nội, 1974, tr. 36 – 37.
[3] Phan Cự Đệ, tài liệu đã dẫn, tr. 290.
[4] Trong bài Sử thi và tiểu thuyết Bakhtin nêu ba điểm sau: ý thức đa ngữ, hệ tọa độ thời gian mới, tiếp xúc tối đa với cái hiện tại. Ba đặc điểm đó đối lập với mọi tu từ quy phạm. Do đó, truyện không bắt buộc phải viết bằng thơ, có nhiều hình thức ngôn ngữ, nhân vật không nhất thiết phải anh hùng, tư tưởng không nhất thiết phải cao cả, nhân vật không được bất biến, hình thức không bị đông cứng. (Những vấn đề văn học và mĩ học, M., 1975, tr. 454-455.
[5] E. M. Chernoivanenco, Tiến trình văn học trong ngữ cảnh văn hóa- lịch sử của nó, Nxb Maiak, Odessa, 1997.
[6] Phan Cự Đệ TLDD, tập 2, tr. 134.
[7] Ngô Thảo, Về một vấn đề thuộc phạm vi phương pháp trong lí luận, nghiên cứu văn học hiện đại, Tạp chí văn nghệ quân đội, số 4 năm 1979. Tr. 123-131.
[8] Tập 1, 1979, Tập 2 năm 1983.
=================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét