Nhà văn trinh thám Phạm Cao Củng: Nổi danh cùng “Tiểu thuyết ba xu”
Dịch giả Phạm Tú Châu, cháu ruột của nhà văn Phạm Cao Củng, cho rằng, đối với nhà văn Phạm Cao Củng, những ngày tháng làm việc trong lực lượng Công an nhân dân là những ngày tháng có ý nghĩa của cuộc đời ông, giúp ông có những trang viết thực tế và sắc sảo hơn trong các cuốn tiểu thuyết trinh thám của mình.
Nhà văn Phạm Cao Củng sinh năm 1913 tại Nam Định trong một gia đình giáo học, trọng chữ. Cụ thân sinh ra nhà văn Phạm Cao Củng là em của bà Phạm Thị Mẫn, vợ nhà thơ trào lộng nổi tiếng Thành Nam Trần Tế Xương (tức Tú Xương), là một giáo sư, dạy chữ nho (Hán tự) các lớp Nhất trường Tiểu học và các lớp từ năm thứ Nhất đến năm thứ Tư trường Thành Chung, tỉnh Nam Định.
Con đường ông đến với văn chương rất đỗi giản đơn như là định mệnh cuộc đời: Trong những năm tháng học trò nghỉ hè ở trường Thành chung, cứ vào buổi trưa, ông thường hay phải trông cửa hàng cho người cô ruột. Thường thì buổi trưa khách đến mua hàng rất ít nên ông ngồi trông hàng chỉ canh chừng kẻ cắp, chứ không phải để bán hàng. Ngồi không vào buổi trưa rất dễ buồn ngủ nên để khỏi ngủ gật, ông thường lấy giấy bút ra ngồi… viết văn.
Ông thích viết các truyện ngắn, phần lớn là truyện phóng tác tiểu thuyết Pháp. Viết xong, ông gửi đăng ở mấy tờ nhật báo, xuất bản tại Hà Nội và hết thảy đều được đăng tải. Qua bốn năm học trường Thành Chung, ông (và một người bạn học tên là Tràng Kiều) đã viết và đăng báo khá nhiều nên nghĩ cách gom một số tác phẩm của hai người in thành sách. Ông từng nghĩ rằng, chỉ có thế thì mới có thể thành một văn sĩ đích danh được.
Không chỉ có ý nghĩ về việc trở thành văn sĩ, mà ngay từ nhỏ ông cũng đã có máu lãng tử nên có lúc cũng định xuống làm thuê dưới tàu biển để chu du thiên hạ và viết những điều mắt thấy tai nghe thành những áng văn chương để đời. Ngay sau đó, tập truyện ngắn đầu tay "Hang gió" được mang đi “in chịu”, in xong ông và người bạn Tràng Kiều mang sách lên chợ phiên Hà Nội năm 1931 bán. Ai ngờ "văn chương hạ giới rẻ như bèo" nên sách của hai ông bị ế, hai chàng trai trẻ lâm vào cảnh vỡ nợ, buộc các cụ thân sinh phải lấy “hầu bao” thanh toán hộ sau khi đã mắng mỏ tơi bời các nhà văn danh tiếng của tương lai. Tuy nhiên, sau vụ việc này, máu văn chương vẫn không nguôi trong lòng chàng trai nhiều cảm xúc và có phần ưa mạo hiểm Phạm Cao Củng.
Nhà văn Phạm Cao Củng. |
Trong tập “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan (xuất bản năm 1943), nhà phê bình này nhắc đến Phạm Cao Củng khá trân trọng: “Cái đặc biệt mà người ta thấy ở tiểu thuyết trinh thám Phạm Cao Củng là những nhân vật và khung cảnh do ông sáng tạo đều có tính chất Việt Nam, hợp với trình độ người Việt Nam ta hiện thời, không như mấy nhà tiểu thuyết trinh thám khác đi nhặt những mẩu chuyện ly kỳ của Tây phương rồi cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt, lai Pháp... Nếu xét truyện trinh thám của Phạm Cao Củng trong phạm vi tương đối, người ta thấy đến nay ở nước ta, trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn cả”.
Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng Phạm Cao Củng là người hết sức chú ý tới bố cục của truyện. Vào cốt truyện, ông dẫn độc giả theo một con đường ngoắt ngoéo, đi ngược lại chỗ khởi đầu và dọc đường thỉnh thoảng lại làm như bị lạc cốt truyện buộc trí óc độc giả phải luôn luôn làm việc, suy đoán thế này thế khác, cuối cùng mới đi tới một đoạn kết không ngờ.
Dịch giả Phạm Tú Châu cũng đã nhận xét: Tiêu biểu nhất là nhân vật thám tử Kỳ Phát đã được Phạm Cao Củng gán cho những phẩm chất vốn được ưa chuộng ở phương Đông như coi khinh quyền thế giàu sang, đồng tình với người dân thấp hèn, không quản mạo hiểm nguy nan, thù lao nhiều ít để làm sáng tỏ chính nghĩa. Khác với Sherlock Homes, Kỳ Phát tôn trọng pháp luật, song càng tôn trọng tình cảm và đạo đức hơn, do vậy nhân vật thám tử này có bóng dáng của hiệp sĩ nghĩa khí trong tiểu thuyết cổ của Á Đông. Phi thường nhất là khi phá án xong, Kỳ Phát không bao giờ nhận tiền thù lao, thậm chí khi được hưởng một phần cái gia tài “không biết bao nhiêu là thoi vàng bạc và cả đống châu báu, chàng đã lẳng lặng bỏ đi…”.
Bản thân nhà văn Phạm Cao Củng cũng từng tâm sự: “Sự thực, viết truyện trinh thám ở nước ta rất khó, vì dân ta vốn tính bình dị, ngay trong xã hội ít thấy xảy ra những vụ trộm hay án mạng khả dĩ có thể gọi là ly kỳ, bí mật. Phần lớn dân ta chưa hề trông thấy chính mắt một khẩu súng lục bao giờ, hiểu biết rất ít về cơ khí và hóa học, lại rất hiếm ai có được một chiếc xe hơi riêng của mình. Vì thế cho nên những vai chính trong truyện trinh thám Việt Nam chẳng thể mỗi lúc giơ được khẩu súng lục ra hay bắn nhau, không thể có được những nhà hầm có cơ quan bí mật hay luôn luôn nhảy lên xe hơi theo dõi quân gian như ở trong nhiều truyện trinh thám Tây Âu. Chính vì thế mà luôn luôn tôi chỉ ao ước viết được những truyện trinh thám mà có thể xảy ra trong xã hội Việt Nam, và vai chính cần phải có được những tính cách hoàn toàn Việt Nam”.
Chính việc viết tiểu thuyết trinh thám mà sau này Phạm Cao Củng đã được mời vào làm việc tại Sở Công an Việt Bắc. Ông viết trong hồi ký: “Lúc ấy tôi đang làm trong nhật báo Tin mới của Mai Văn Hàm. Một hôm anh Thao Thao (tên thật là Cao Bá Thao) phóng viên chuyên lấy tin tại các sở cảnh sát và công an, về bảo cho tôi biết anh Lê Văn Lăng, Giám đốc Sở Công an Tư pháp Bắc Việt, muốn gặp tôi… Tôi đến gặp thì anh Lăng cho biết là anh muốn mời tôi về cộng tác với anh vì khi ngồi tù dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim anh có nghe nói nhiều về tôi. Tôi nói với anh rằng nghề chính của tôi là viết văn làm báo thì tôi làm sao mà có thể làm công chức sở Công an được. Anh Lăng thuyết phục tôi rằng chỉ cần phải đến sở Công an làm việc vào buổi sáng thôi, và anh dẫn tôi đến gặp Tổng Giám đốc Công an toàn quốc là anh Lê Giản.
Khi anh Lăng giới thiệu tôi thì anh Lê Giản đã xua tay: “Anh khỏi cần giới thiệu, tôi đã biết anh Củng lâu rồi và mỗi năm đều gặp nhau vài ba lần”. Anh Lê Giản để cho anh Lăng toàn quyền “định đoạt” tôi… Bấy giờ đúng là lúc tôi có thể mang ra thực tập những hiểu biết về nghề điều tra hình sự. Trong thời gian viết truyện trinh thám, muốn cho cách gỡ đầu mối được đúng với kỹ thuật điều tra, tôi đã vào thư viện P.Pasquier Hà Nội tìm đọc những sách dạy về khoa điều tra, lấy dấu vết, hỏi khẩu cung. Bấy giờ đúng là lúc tôi đem chút sở học ra thực hành. Ngoài ra tôi lại chú tâm học theo lối điều tra của ông cò mật thám Maigret trong những tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Simenon...”.
Trong phần này, ông cũng kể nhiều câu chuyện phá án thành công của mình: “Thực sự tôi cũng chỉ dùng khoa “dẫn dụ” trong khi hỏi cung mà thôi, và thường tôi dùng phương cách ngọt ngào ngồi hỏi cung, giống như hai người bạn ngồi nói chuyện với nhau vui vẻ, hết chuyện này đến chuyện khác, nhiều câu hỏi tưởng chừng không hề dính líu đến chút nào vụ án. Tôi ngồi hỏi lan man rất lâu… Nhiều chuyện hỏi đi hỏi lại nhiều lần làm cho kẻ tình nghi như bị lạc trong rừng rậm, khi tìm lối ra thường luôn bị trở về lối cũ mà không biết, cho đến khi nào tôi nắm được nhiều câu trả lời “tiền hậu bất nhất”, tôi mới bắt đầu nghiêm nét mặt “quay” đối thủ khiến hắn như kẻ đánh cờ bị “chiếu bí”, thế là thủ phạm phải nghe theo lời khuyên của tôi mà thú tội ngay, hy vọng sẽ được khoan hồng khi ra trước tòa xử án”…(Tr. 156 Hồi ký Phạm Cao Củng, NXB-HNV - 2012).
Nhà văn Phạm Cao Củng và vợ thời còn trẻ. |
Cuộc đời của nhà văn Phạm Cao Củng có nhiều điều phong phú. Không chỉ đối với nghề nghiệp, mà với những câu chuyện cuộc đời, tình yêu. Ông viết trong Hồi ký: “Thông thường, người ta khi kể về cuộc đời, thường nói tới Ái tình và Sự nghiệp. Nhiều vị không kể sự nghiệp nhưng lại thuật lại khá tỉ mỉ chuyện: “những người đàn bà đã đi qua đời mình”! Phần tôi không chối cãi cuộc đời khá “trăng hoa trác táng” (mặc dù trong số các nhà văn chuyên nghiệp, tôi được cho là người ít bê bối nhất vì không rượu chè thuốc sái)”.
Theo lời kể của dịch giả Phạm Tú Châu, ông có hai người vợ chính thức (người vợ đầu và cậu con trai đã mất), người vợ thứ hai lấy ông từ năm 17 tuổi và sinh cho ông 11 người con cả trai lẫn gái. Thực ra, đối với nhà văn Phạm Cao Củng để nuôi sống gia đình, ngoài nghề chính là viết văn, làm báo thì ông còn phải kiêm thêm nghề chụp ảnh, quay phim, tổ chức đoàn kịch, hội họa, thôi miên, tướng số… bất cứ nghề gì có thể kiếm sống nuôi gia đình. Có lúc ông còn phát hành theo lối bán lẻ 3 xu từng tập truyện dày 16 trang (từ đây mà có danh từ “tiểu thuyết ba xu”).
Theo như lời dịch giả Phạm Tú Châu, ông là người hào hoa và đào hoa. Bởi thế mà trong suốt cả cuộc đời mình, ông đã sống phong lưu và khỏe mạnh cùng các con cháu cho đến khi mất tại Florida, Hoa Kỳ, khi ông tròn 100 tuổi. Vào những năm cuối đời ông không viết tiểu thuyết mà chăm chút cho cuốn hồi ký của mình. Tuy nhiên, với những gì ông đã để lại cho đời thì chắc chắn tên tuổi của ông vẫn lưu danh, với ánh hào quang của một người tiên phong mở đường cho dòng văn học trinh thám vào giai đoạn đầu của văn học Việt Nam hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét