22 CÔNG AN NHÂN DÂN - AN NINH THẾ GIỚI - AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG - VĂN NGHỆ CÔNG AN
Thái Thăng Long – Tóc trắng ru đời bên phố
- Nhà thơ Trần Gia Thái: Biển giờ không còn mặn
- Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm: Mắc nợ 40 năm giờ mới trả
- Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Cứ sống, cứ sống, sống đến cùng... và viết
- Nhà thơ Vũ Bình Lục: Người khát khao “giải mã” kho báu văn chương
Đọc thơ Thái Thăng Long, không khó hình dung cái dáng buồn lãng đãng của một gã đàn ông si mê lý giải cuộc sống mỗi ngày: "Tóc trắng ru đời bên phố/ Rớm những mùa đông gió/ Lã chã rong rêu/ Cho mấy cuộc tình…"
Sinh ra và lớn lên ở phố Đội Cấn - Hà Nội, chàng trai Thái Gia Trí vào bộ đội và chiến đấu ở chiến trường Nam bộ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giữa khói lửa, những câu thơ xuất hiện để an ủi một tâm hồn đa cảm, và bút danh Thái Thăng Long cũng xuất hiện để vỗ về một nỗi nhớ quê nhà. Non sông thống nhất, nhà thơ Thái Thăng Long định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh đến hôm nay, với không ít niềm riêng "Tháng Chạp mưa ưu phiền trên phố/ Mấy phong lưu nhuốm oan khuất bên mình".
Phần lớn công chúng biết đến Thái Thăng Long qua những bài thơ do Phú Quang phổ nhạc như "Chiều phủ Tây Hồ", "Muộn", "Mơ về nơi xa lắm", "Gửi một tình yêu", "Chiều hoang"… Mối duyên ấy, được nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ: "Có nhà thơ hỏi tôi: Thơ Thái Thăng Long có gì đặc biệt mà anh phổ nhiều bài thế? Tôi chỉ nói rằng: chỉ vì một điều đơn giản thôi, thơ Thái Thăng Long gần gũi với tôi. Có khi chỉ vì một tứ thơ làm tôi thấy xúc động cũng đủ để viết thành một bài hát. Khi gặp Thái Thăng Long và hàn huyên suốt ngày, qua những lần như thế tôi hiểu ra rằng để kiếm một người bạn thân và thấu hiểu mình cũng khó chả kém gì kiếm một người tình lý tưởng!".
Ngoài sự dan díu âm nhạc, phải thừa nhận Thái Thăng Long là một bút danh ấn tượng, chỉ cần đọc qua hoặc nghe qua một lần cũng khiến người ta nhớ đến ít nhiều. Có lẽ nhờ cái tên ấy mà tôi chú ý đọc anh từ lâu, và thú vị phát hiện anh lúc nào cũng như một người đi lạc trong chính thế hệ mình. Thái Thăng Long không ưa chuộng chữ nghĩa bóng bẩy, thơ anh mạnh ở nhạc tính và những ý niệm thế sự.
Nhà thơ Thái Thăng Long và bìa tập thơ "Kẻ ăn xin thời gian" của ông. |
Thái Thăng Long bước qua thời trai trẻ cũng bỏ lại khá nhiều câu thơ tài hoa như "ta cứ đi và cuộc tình ngắn ngủi/ chết cô đơn trên một sắc lá bàng". Sau bốn tập thơ "Ám ảnh", "Chiều phủ Tây Hồ", "Hà Nội của tôi" và "Thời gian huyền thoại", Thái Thăng Long có sự chuyển biến đáng kể về quan niệm thi ca. Ba tập thơ gần đây, "Đồng hành thế kỷ" gồm 162 bài, "Đàn cầm ở Tây Hồ" gồm 270 bài và "Kẻ ăn xin thời gian" gồm 333 bài chứng minh một Thái Thăng Long dằn vặt hơn và trầm lặng hơn.
Ở thế kỷ XXI nhộn nhịp, những vui buồn luôn vụt qua rất nhanh. Nếu không biết cách nắm giữ, chúng ta sẽ trở thành trắng tay khi muốn điểm danh những khoảnh khắc bất trắc từng hiện diện trên số phận mỗi người. Vì vậy, một nhà thơ muốn đồng hành cùng cuộc sống phải chấp nhận quăng tâm trạng ngổn ngang của bản thân vào dòng chảy ẩn giấu không ít nghịch lưu. Thái Thăng Long thú nhận: "Tôi là kẻ nhìn thế sự/ Bằng lăng kính của nhà thơ nhạy cảm/ Tiên định những điều gì sẽ khác".
Chọn lựa tư cách nhà thơ giữa chộn rộn và bất an, Thái Thăng Long nhận ra "ta bé nhỏ/ như hạt bụi trong vùng bão. Nước mắt buồn/ suốt cõi cần lao". Không khó khăn gì để phát hiện, Thái Thăng Long ngắt dòng hay điệp ngữ cũng không thể nào che giấu được những câu thơ buồn phấp phổng "Viết trong đêm"
"Ta viết trong cô đơn
Để vơi nỗi cô đơn
Ta viết trong nỗi buồn
Để vơi đi nỗi buồn…
Trang giấy trắng hiện ra bao gương mặt
Ào ạt say mọi cảm nhận phi thường
Đêm trắng như sương
Soi tất cả mọi cuộc đời lấm bẩn"
Một khi đã từ chối vần điệu đong đưa, thì để tồn tại, thơ phải gánh vác trách nhiệm công dân. Thái Thăng Long hiểu điều kiện đơn sơ và lương thiện kia, khi cúi xuống bản thảo vắng lặng tâm tư: "Nhìn người mà người không hỏi/ Nhìn người thấy giả mà thương/ Nhìn người nói suông lưu loát/ Xa xăm trống vắng trong lòng". Đứng hẳn vào hệ lụy hôm nay, Thái Thăng Long có được những câu thơ buồn bênh vực cho sự chân thành bị bao vây bởi sự tinh ranh của đời sống hiện đại, mà ở đó lờ mờ "những kẻ giết thời gian để giả làm người".
Những nhà thơ khéo léo thường dẫn dắt câu thơ đi vào khoảng giữa hữu ý và vô ý. Thế nhưng, Thái Thăng Long không còn đủ kiên nhẫn để xoa dịu những miền nhân phẩm đang tổn thương nữa, anh đề cập trực diện sự rối bời của một kẽ sĩ trước "Mặt mình" u uẩn: "Đôi khi ta nhìn mặt mình/ Yêu một nửa, ghét cũng dành một nửa/ Nửa kia giấu đi cái sợ/ Nửa kia ngây ngất cái hèn/ Nửa kia buông xuôi và trống rỗng/ Nửa kia câm lặng/ Cái câm lặng triền miên theo tháng theo ngày"
Đọc thơ Thái Thăng Long, không thể nào tìm ra những câu thơ đèm đẹp vốn thường làm trang sức cho những nhà thơ thành danh. Thái Thăng Long sốt ruột "liệu ai còn nhớ những gương mặt/ làm mòn mỏi thời gian/ những gương mặt làm dòng sông trong vẩn đục" khi muốn đi tìm những lời thơ cao cả, những câu hát hồn nhiên, những cái bắt tay không mảy may cảnh giác. Sự nhạy cảm khiến anh liêu xiêu chốn "Mơ hồ"
"Biển một chiều mà không thấy biển
Từng mùa thu câm lặng cả trời xanh
Sông một chiều mà sông không chảy
Đồng một chiều cỏ lút ngàn cây
Ta đi mơ hồ quá khứ
Ta về mơ hồ cơn gió
Gió lật tung những trang sách trống không"
Tôi cứ hình dung rằng, Thái Thăng Long đã đánh vật với những bài thơ một cách khó nhọc. Bởi lẽ, ở thơ anh, nước mắt không chảy ra được nữa. Nước mắt đã khô ngay trên bờ mi nhà thơ những trận tỉ tê, những cơn ngậm ngùi, những mùa nghẹn đắng. Mỗi khi lương tri bị đe dọa, thì thi ca chẳng có giá trị gì, nếu không dám gọi tên sự thật. Trước âu lo "đi tìm/ những chân lý/ và con đường đã thấy/ vẫn là vòng vèo/ khỏa lấp/ những gian trá mấy mươi năm" thì câu chữ thịnh nộ những dằn vặt "đối mặt những yếu hèn tiền kiếp" khôn nguôi
"Ai mang nỗi đau ném đi như đá
Nghe mưa rừng kẽ lá
Cái buồn triền miên
Sạt cả núi đồi
Đối mặt với đất đai rỉ máu
Trăm năm
Lưỡi gươm thề sáng quắc đỉnh non"
Thái Thăng Long có một người cha chí sĩ bị lưu đày biệt xứ, và chính anh cũng từng cầm súng bảo vệ giống nòi, nên hơn ai hết anh thấm thía nỗi "Mong manh" mỗi kiếp người gắn bó với mỗi khoảnh khắc của dân tộc. Anh làm thơ không còn để ngâm ngợi khuây khỏa nữa, mà làm thơ để sắp xếp lại ưu tư, sắp xếp lại bất hạnh: "Đổ xuống vai người/ Trầm luân nghèo khó/ Lịch sử là điều cám dỗ/ Dẫu có lừa ta, mùa thay lá vẫn còn/ Mong manh tháng năm/ Trốn trong bé nhỏ/ Nước mắt đời người/ Chan đầy đau khổ/ Mong manh mà vẫn mong manh".
Cuộc sống càng bon chen, thì sự tử tế càng cô độc. Một xã hội ganh đua danh lợi và giao thoa văn hóa, bao giờ cũng nảy sinh những mất mát trong mắt những người tha thiết với tiến bộ nhân sinh. Văn chương chênh chao với thực tại ấy và chuồi theo thực tại ấy. Và đây là cơ hội cho những câu thơ tâm huyết xuất hiện.
Không phải ngẫu nhiên tôi tin như vậy, ngay cả những nhà lý luận phương Tây luôn lấy sự rạch ròi làm nền tảng và đã trải qua quá trình công nghiệp hóa cao độ cũng thừa nhận, chỉ có thi ca mới có thể biểu trưng cho các mâu thuẫn mà không cần phải giải quyết. Thái Thăng Long bước đầu phơi bày mâu thuẫn ẩn nấp sau "Những gương mặt vô hồn"
"Vô hồn những gương mặt chiều
Vô hồn con phố bê tông choáng ngợp
Vô hồn con sông rách rưởi ùa về
Vô hồn những đôi mắt trong veo đam mê
Vô hồn câu hát nửa chừng buông thả
Vô hồn màu lá vàng không rụng
Quả chín trên cây thối nát đầu cành
Ta gửi mùa để mùa yên lặng
Ta gửi mắt mà mắt ai giá cóng"
Thơ biểu trưng cho các mâu thuẫn mà không cần giải quyết, vì bỏng rát giữa những câu chữ đã có xao xác của nhà thơ làm nhân chứng rồi. Đôi lúc sự tức giận nằm trong "Số trừ" mà phẩm giá thi ca lại được cộng thêm
"Trừ đi những triết lý giả vờ
Trừ đi dòng sông bên nhà cạn nước
Trừ đi cánh rừng chát khát
Và bao cánh đồng khô nẻ đợi cơn mưa
Trừ đi dối lừa
Thành điều có thật
Trừ đi cái ác
Cái thiện lấp ló sinh sôi
Trừ đi cuộc tình
Đầu non gió gọi
Để những bài thơ bất tận sinh ra".
Trong thơ Thái Thăng Long, những nghẹn ngào của tác giả cứ lũ lượt tuôn ra như nham thạch tâm hồn bị giăng bẫy thị phi. Tuy nhiên, cái đáng trân trọng nhất là nhà thơ Thái Thăng Long can đảm khẳng định rằng, thi ca không được phép ru ngủ người đọc nữa. Tôi ủng hộ quan niệm nhà thơ - công dân của anh, bởi đó cũng là một cách gìn giữ giá trị thi ca ở những "Nơi ta đi qua"
"Nơi ta đi qua
Cái đẹp không duyên
Đánh tráo thời gian cần mẫn
Nơi ta đi qua
Mấy cánh rừng còn lại?
Câu hát truyền đời giữ mãi
Tìm trong tim ai ngọn lửa thắp lên!".
Thơ Thái Thăng Long càng ngày càng thiên về ngẫm ngợi và thuyết giảng. Vì vậy, đôi khi anh sơ sảy để những câu sáo mòn rơi vào bài thơ mình, ví dụ "Cuộc đời như một dòng sông/ Chảy giữa hai bờ hư thực". Và ngược lại, giữa những bài thơ cao giọng, anh có không ít câu thơ nhẹ nhàng thấm thía: "Mẹ đi như lá vàng thu năm ấy/ Gió cuốn mây trôi về phía cổng chùa. Gồng gánh cả đời câu Kiều trên phố/ Trăng trên ngàn đã đón mẹ chưa?".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét