Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

đọc thêm (2) " nhà văn Y BAN: ' tính thồi sư luộn hiện rõ trong từng tác phẩm"/ phỏng vấn: Đạt Lê -- trích: vanhocsaigon (23- 04- 2020 )

 

Nhà văn Y Ban: Tính thời sự luôn hiện rõ trong từng tác phẩm


ĐẠT LÊ
thực hiện

VHSG- Y Ban là nhà văn ghi dấu ấn với nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng như: Người đàn bà có ma lực (1993), Người sinh ra trong bóng đêm (1995), Miếu hoang (2000), Này hỏi thật thấy gì chưa đấy? (2011), Có thể có có thể không (2019),… Nhà văn Y Ban đã tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề và tác phẩm I am đàn bà (2019).


* Đạt Lê (ĐL): Người ta thường bảo sinh ra làm người đã khổ. Làm đàn bà khổ gấp hai lần. Phải chăng vì vậy nhà văn luôn đặt sự quan tâm  và hướng ngòi bút tới người phụ nữ?

– Nhà văn Y Ban (YB): Sắp tròn Hoa giáp chi niên, tôi nhận ra rằng, đôi khi mọi thứ quay lưng với mình, trở nên tồi tệ chẳng được như ý muốn và cảm thấy bế tắc, mệt mỏi. Nhưng chính những thăng trầm của cuộc sống sẽ giúp con người ta trưởng thành hơn từng ngày. Bởi được sống ở trên đời đã là hạnh phúc, cái mà thượng đế ban cho, vì cũng chẳng biết kiếp sau có được làm người nữa hay không?

Ngoài những kẻ sống đểu giả, cơ hội thì những người sống tử tế, có trách nhiệm luôn khổ! Song, bản thân cần có cách sống, thái độ sống tích cực, chắc chắn mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng, từ đó gánh khổ cũng sẽ nhẹ bớt đi

Đã hơn một lần những người đàn ông nói rằng, hơn 99% sức lực của anh ta dành để đối phó với đàn bà. Vậy đàn ông còn khổ hơn đám bà đấy chứ (cười). Bởi nhiều khi, đàn bà là một thứ rất quái chiêu, nhiều trò. Trong cuộc sống, vai trò làm vợ đôi khi người đàn bà còn chưa được bình đẳng, nhưng khi làm mẹ tất cả những đứa con đều sẽ phải quỳ gối trước mẹ đó thôi. Bởi vậy, người phụ nữ có một sức mạnh vô hình chỉ mà có những người phụ nữ không nắm bắt được điều ấy, hoặc họ đòi hỏi những thứ quá đáng. Từ đó, tự tạo áp lực cho bản thân, thậm chí gây nên bi kịch cho chính mình.

Là người viết tôi đã nhận ra những chân lý đó, bởi vậy trong các tác phẩm văn học của mình, tôi luôn gửi gắm những thông điệp đến người phụ nữ, họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc, được hưởng những điều tốt đẹp: bi kịch hay không là do họ gây nên!

Tuy nhiên những điều kiện khách quan tác động khiến không ít người rơi vào bất hạnh dù họ là người tử tế thông minh và cần cù… Thế nên trong các tác phẩm, tôi không bao giờ đẩy con người ta vào chân tường mà luôn mở cho họ lối thoát – đó chính chính lối viết lãng mạn của Y Ban. Sự nghèo đói dẫn đến không được học hành và cộng thêm ngu dốt thì đó chính là một bi kịch kinh hoàng không chỉ của phụ nữ mà là của loài người.

Nhà văn Y Ban

* Nhiều người cho rằng, tập truyện ngắn “I am đàn bà” ngôn ngữ văn chương có phần bị “báo chí hoá”. Là một nhà văn, nhà báo, chị có suy nghĩ gì về nhận xét trên?

– Thứ nhất các chi tiết trong câu chuyện của tôi bao giờ cũng phải hợp lý. Tôi không muốn trong tác phẩm có sự phi logic, khiên cưỡng. Đặc biệt, khi viết những vấn đề rất bi kịch, tôi không thể dùng “văn chương sến”, đó không phải tạng viết của tôi.Ví dụ như ngôn ngữ của một bà nông dân thì phải theo ngôn ngữ của người nông dân. Ngôn ngữ của trí thức thì phải theo giới trí thức. Ngôn ngữ của một xã hội đang bị tha hóa thì không thể dùng thứ ngôn ngữ sa lông…Vì vậy, khi đọc những tác phẩm của tôi thường sẽ có những hiệu ứng nhân lên. Việc “báo chí hoá” hay văn nói nhiều trong các truyện ngắn của tôi đều  phù hợp với nhân vật, không có sự kệch cỡm hay quá lên.

Thứ hai, tính báo chí, thời sự luôn có trong các tác phẩm của tôi là bởi lẽ, ngay từ đầu tôi đã là nhà văn của bụi cỏ ven đường chứ không phải nhà văn sa lông. Hiện nay, có không ít những nhà văn chỉ ngồi nghe và tưởng tượng ra bằng những thứ văn xa rời thực tế, mơ màng và quá lãng mạn, những tác phẩm như thế không có tính khai phá hay phản biện, nên dù có xuất bản nhiều nhưng chẳng có độc giả, nhanh chóng chết yểu.

Tại sao sau 30 năm cầm bút, tôi vẫn nhiều độc giả? Chỉ vì tôi dám dấn thân vào những vấn đề mà mọi người không nghĩ tới hoặc họ không dám viết. Vì vậy, những tác phẩm của tôi dù đã viết cách đây nhiều năm nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn mang tính thời sự.

Đặc biệt, mỗi tác phẩm văn chương của tôi đều viết cho bạn đọc chứ không viết cho giới nghiên cứu hay nhà phê bình, nên họ nói gì tôi đều “kệ và không quan tâm nhiều”. Bởi từ xưa đến nay tôi luôn coi trọng bạn đọc và luôn viết cho bạn đọc. Tôi nhận ra rằng, khi cái gì mình đau đáu thì mình sẽ được đền đáp, khi tôi cứ đau đáu viết cho độc giả thì được độc giả yêu mến, ủng hộ. Tôi cho rằng, nhiều người nói ngôn ngữ văn chương của tôi đang bị “báo chí hoá” có khi họ đang khen tôi ấy chứ.

* Cách đây gần 13 năm, Y Ban đã xuất bản cuốn sách “I am đàn bà”, song nhanh chóng bị thu hồi. Sau nhiều năm, điều gì khiến nhà văn cảm thấy nuối tiếc nhất khi xuất bản tập truyện ngắn trên?

– Đến bây giờ tôi đã xuất bản gần 30 đầu sách và chưa từng hối hận về cái gì cả. Bởi có hối hận hay không, nó không đợi đến khi xuất bản xong mà có từ khi đặt bút viết tác phẩm. Có một thời kỳ tôi cũng tự biên tập tác phẩm của mình. Về sau tôi nghĩ rằng, nếu cứ tự biên tập kỹ như thế những tác phẩm của mình sẽ bị méo mó. Cho nên khi đặt bút viết, tôi không biên tập mình mà luôn cố gắng đẩy mọi cao trào đến mức có thể. Và cũng giống như nhiều nhà văn khác, mỗi tác phẩm khi được viết xong đều mong mỏi được in, tôi cũng không ngoại lệ, tôi luôn nghĩ tác phẩm sẽ phải được xuất bản.

* Hiện nay cái nhìn về sex đã cởi mở hơn, nhiều nhà văn đã khai thác sâu hơn vấn đề này trong các tác phẩm của họ. Nhà văn Y Ban có nghĩ rằng, mình là một trong số những người ‘đi đầu’ về mảng đề tài này nhưng chưa đúng thời điểm nên bị phản ứng dữ dội?

– Trước đây trong một lần trả lời với truyền thông, tôi đã trả lời: ‘Sex cổ xưa như trái đất’, từ khi có loài người thì phải có sex. Vì đó là con đường duy nhất để duy trì nòi giống, cho nên chúng ta không thể đưa nó lên hoặc đánh chìm nó xuống, mà phải chấp nhận “sex là sex”. Bởi cho dù chúng ta có ca ngợi hay có chửi nó bẩn thỉu đến đâu thì sex vẫn là sex.

Ở xã hội phương Tây, sex được coi trọng vô cùng, ngoài vấn đề duy trì nòi giống thì trong cuộc sống hay tình yêu không thể thiếu được vấn đề tình dục, đã trở thành những thứ như cơm ăn, nước uống,… Dù khi không muốn nhắc tới thì hàng ngày nhưng sex vẫn luôn hiện diện. Và đã được chưng cất thành văn hoá, được ứng xử rất đẹp đẽ.

Trong cuốn sách “I am đàn bà” (2006) tôi đã chọn cái lối văn mà không ít người chỉ trích, đó là bày ra một cách trần trụi để chỉ thẳng cho nhiều người biết hiện nay đang đối xử với sex một cách thiếu văn hoá.

Như đã nói ở trên, tôi sẽ không bao giờ cảm thấy ân hận với bất kỳ những tác phẩm mà mình đã viết ra. Tôi thường so sánh những tác phẩm nghệ thuật như những đứa con, người mẹ sinh ra những đứa con lành lặn hay dị tật thì trái tim người mẹ vẫn luôn dành tình yêu thương vô bờ. Nhất là những “đứa con” làm cho mình đau khổ thì lại càng chú ý, quan tâm đến hơn.

Không phải ai cũng đủ bản lĩnh để đối mặt với những điều đó, có những người bị chỉ trích khiến họ không thể viết được. Nhưng tôi cho rằng, mình là người bản lĩnh, bởi khi bước những bước chân đầu tiên vào văn chương, tôi đoạt giải Nhất của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau đó, tôi thường xuyên phải đối diện với những lời nhận xét, Y Ban xuống dốc rồi, Y Ban viết kém hơn trước… Không ít những nhà văn đã không dám đối mặt với những nhận xét khắc nghiệt như vậy, nên đã không viết thêm gì nữa, bởi họ sợ những tác phẩm về sau sẽ không được như tác phẩm đã được khẳng định. Từng có khoảng thời gian tôi dừng viết, sau này tôi có một phương châm: ‘Một trăm bó đuốc sẽ bắt được một con ếch, chứ không phải gà đẻ trứng vàng’. Vì vậy, khi gặp sự cố “I am đàn bà” năm 2006 thì tôi vẫn vượt qua.

* Cuốn I am Đàn bà mà NXB Phụ nữ mới ấn hành vào quý 3.2019 có gì khác cuốn I am Đàn bà xuất bản năm 2007?

– Cuốn I am đàn bà vừa xuất bản tập hợp 10 truyện ngắn: I am Đàn bà, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ, Cái Tý, Chú Ngoẹo, Jo, Sau chớp là bão dông, Miếu hoang, Thằng bé và con rắn, Điều ấy bây giờ con mới hiểu. Điều đặc biệt đây là một tập truyện ngắn song ngữ Việt-Anh.

Với nhiều bạn đọc, họ có thể thích hai truyện ngắn “đình đám” vì đã làm nên thương hiệu Y Ban là Bức thư gửi mẹ Âu Cơ và I am Đàn bà. Nhưng bạn đọc đừng bỏ qua “Cái Tý” nhé, truyện ngắn này đã được dịch ra tiếng Nhật từ cách đây rất lâu! Và tại sao không thích Jo, Chú Ngoẹo, Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ.. Bởi khi đọc những truyện ngắn đó sẽ bắt gặp một Y Ban rất khác!


ĐẠT LÊ thực hiện


==============


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét