Ông Trần Mai Châu là nhà giáo về hưu. Ông là dịch giả tập “Thơ Pháp thế kỷ 19”, đoạt giải văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997. Và ông cùng với nhà thơ quá cố Trần Dần, nhà triết học Vũ Hoàng Địch (em trai nhà thơ lớn đã quá cố Vũ Hoàng Chương) lập ra nhóm “Dạ Đài”. Tờ "Dạ Đài” là tiếng nói tiêu biểu của nhóm, mới in được số 1, đang chuẩn bị ra số 2 thì Toàn quốc kháng chiến (1946) đành bỏ, và mỗi người một nẻo suốt 9 năm dài kháng chiến.
Từ lâu tôi đã nghe nữ sĩ Ngân Giang nói về thân thế của Vũ quân. Nhất là tài nội trợ của bà Thục Oanh. Bà nói nhiều lần đến chơi với nhà thơ Vũ Hoàng Chương nơi phố Hàng Điếu, khi ông còn ở Hà Nội. Hai người mải nói chuyện thơ phú, chẳng để ý đến thời gian, Bà Thục Oanh sau khi pha trà rồi ý tứ ngồi cạnh nữ sĩ Ngân Giang. Nhưng bà lui ra ngoài lúc nào chẳng ai hay. Và tới lúc Vũ quân mệt mỏi, vừa đói thuốc vừa đói cơm, thi sĩ đứng dậy đi loanh quanh trong phòng, cũng là lúc bà Thục Oanh bê ra một mâm cơm thịnh soạn. Nữ sĩ Ngân Giang cho tới nay vẫn chưa hết ngạc nhiên: “Tôi không hiểu chị ấy đi chợ và làm cơm vào lúc nào? Bởi tôi có cảm giác như lúc nào Thục Oanh cũng ngồi cạnh tôi”.
Bà Thục Oanh đã ngoài 70 tuổi, dáng người mảnh khảnh. Tóc để buông, tấn áo dài màu trang nhã hợp với tuổi của bà. Ở bà, phảng phất nét đẹp tinh tế của các cô gái Hà Nội cách đây già nửa thế kỷ. Bà là em ruột của nhà thơ tài danh Đinh Hùng.
Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vỹ, Trần Huyền Trân, Ngân Giang, Lê Văn Trương... là một trong những nhóm các bậc văn tài được đương thời mến mộ. Trong đó, Lê Văn Trương là người lớn tuổi hơn cả. Và nơi ông có phong thái một người hùng, một người hào hiệp và trượng nghĩa kiểu Mạnh Thường quân. Nhà ông lúc nào cũng đầy ắp khách.
Vũ Hoàng Chương trước yêu Tố Uyển. Tố Uyển phụ ông đi lấy chồng. Ngày cưới vào 12 tháng 6. Ông làm bài “Mười hai tháng sáu” để khóc cho mối tình tan vỡ. Trong đó có những khổ thơ rất thống thiết, chứng tỏ ông không chỉ là một đấng tài hoa, mà còn là một tài năng trác việt.
“Tháng sáu, mười hai, từ đây nhé Chung đôi, từ đây nhé lìa đôi ! Em xa lạ quá, đâu còn phải Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi.
Men khói đêm nay sầu dựng mộ Bia đề tháng sáu, ghi mười hai, Tình ta, ta tiếc! cuồng, ta khóc. Tố của Hoàng nay Tố của ai?...”
Theo nhà văn Mạc Lân (con trai nhà văn quá cố Lê Văn Trương) thì bài này lúc đầu có tựa đề “Kiều Thu đệ nhất khúc”. Còn bài khóc thứ hai với tựa đề “Kiều Thu đệ nhị khúc”. Cả hai bài, anh Mạc Lân đều đọc thuộc lòng cho tôi nghe. Vào dịp khác, tôi sẽ trở lại bài thơ này và mối giao hảo giữa nhà thơ Vũ Hoàng Chương với gia đình nhà văn Lê Văn Trương.
Trong mối giao tình của các bậc văn thi sĩ mà ta quen gọi là “lớp tiền chiến”, quả thật có nhiều điều muốn nói. Trước hết là về văn tài của họ. Sau đó là tấm lòng của họ đối với bạn bè và thời thế.
Qua trao đổi, tôi được biết bà Thục Oanh hiện sống rất thanh bạch, nếu không nói là thanh bần với con người trai lớn của bà. Và chỉ bằng một suất lương giáo viên trung học của anh.
Trước 1975, Vũ Hoàng Chương sống tàm tạm, là nhờ ở sự tần tảo và cần kiệm của bà Thục Oanh. Nhà nghèo thế mà khi ông Vũ Hoàng Địch (em trai nhà thơ) vào thăm sau 30.4.1975, Vũ Hoàng Chương còn có gom góp đủ tiền mua được mười mét gấm, gởi tặng nữ sĩ Ngân Giang ngoài Hà Nội.
Thật là tinh tế, tại sao ông không gởi cho nữ sĩ chiếc quạt hay một vật dụng vào khác, thiết thực hơn. Bởi vì, ông biết Ngân Giang là một nữ sĩ đài các. Vào thập kỷ sáu mươi, bảy mươi, phải quét lá làm củi đun. Mở quán bán nước trà xanh với vốn đăng ký 5 đông bạc, ở cận bến sông.
“Quán nước bên sông cuối phố nghèo Miếng trầu bát nước có bao nhiêu...” (Thơ Ngân Giang)
Ấy vậy mà khi tiếp khách thơ, nữ sĩ vẫn cứ xài trầm, kiểu cách như trong thơ bà :
“Khơi đỉnh trầm lên kìa thái giám Cho hương tỏa quyện điệu tì bà...” Với bà, dường như trầm là hương vị của thơ.
Bà Ngân Giang kể tiếp: “... Ý anh ấy gởi cho tôi mười mét gấm, là để tôi may áo. Mà lại là gấm mầu nâu nữa. Tôi hiểu như là Vũ quân khuyên tôi hãy dẹp bỏ lòng trần, trở về với Phật. Tôi không thể làm theo ý anh được. Bởi lẽ gạo ăn hàng ngày còn thiếu, sao có thể mặc áo gấm. Con cái còn trông cậy cả nơi mình, làm sao mà rảnh rang miền tục lụy. Thế là tôi đành phải bán mười mét gấm đó, mua được 5 yến gạo, và còn đủ tiền may một bộ quần áo thường. Nói ra điều này, tôi thấy tủi cho mình, và cũng tội cho vong linh của Vũ quân lắm!”.
Cái tình nghệ sĩ thương nhau nặng sâu là vậy đó. Tôi còn được biết, thi sĩ Vũ Hoàng Chương chơi rất thân với nhà giáo Trần Mai Châu. Cũng dễ hiểu, vì ông Trần Mai Châu cùng ông Vũ Hoàng Địch (em ruột Vũ Hoàng Chương) đã là bạn rất thân với nhau từ thuở “Dạ Đài”.
Tôi đã được nghe đôi lần bác Trần Mai Châu đánh giá rất cao các thi phẩm của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Và ngay trong buổi tao ngộ này, nhiều người nói về Vũ Hoàng Chương, như nói về một nhà thơ lớn. Các vị tuổi cao, nhưng nhớ và thuộc thơ của Vũ Hoàng Chương, có lẽ chẳng ai chịu nhường ai.
Tuy nhiên, nhớ được những bài thơ chưa được in của Vũ Hoàng Chương, có lẽ bác Trần Mai Châu là đệ nhất. Hai người bạn vong niên này trân trọng nhau, tựa như nhà thơ Trần Lê Văn lưu giữ tác phẩm của nhà thơ quá cố Quang Dũng vậy.
Nhà thơ Quang Dũng mỗi lần làm được bài thơ mới, đều ghé đọc cho nhà thơ Trần Lê Văn nghe. Biết tính bạn, mỗi lần như vậy, nhà thơ Trần Lê Văn đều lấy sổ tay ra chép. Có lần nhà thơ Quang Dũng gặp lại người yêu từ thuở còn trai trẻ. Lục vấn những kỷ niệm xưa, ông viết được bài thơ “Vườn ổi” rất hay. Sợ phu nhân đọc được thì mệt lắm, ông đốt bài thơ ấy đi. Sực nhớ vẫn còn một bản nơi sổ tay của nhà thơ Trần Lê Văn, ông bèn gặp nhà thơ Trần Lê Văn đòi lại. Nhà thơ Trần Lê Văn hỏi:
- Ông đòi làm gì?
Tần ngần một lát, Quang Dũng khẽ nói:
- Mình đốt đi, kẻo bà xã đọc được lại phiền ra.
Nhà thơ Trần lê Văn nhất định không trả. Và sau khi nhà hơ Quang Dũng mất, ông đã đưa bài “Vườn ổi” vào “Tuyển tập thơ Quang Dũng”
(Bút tích của Vũ Hoàng Chương - Ảnh: tienphong.vn)
Những thi phẫm của thi sĩ quá cố Vũ Hoàng Chương mà bác Trần Mai Châu lưu giữ được, phần nhiều không có tựa đề. Tôi chép lại một trong những bài đó. Bài thơ lập tứ từ bài “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu đời Đường:
Đã bao giờ có hạc vàng đâu Mà có người tiên để có lầu Tưởng hạc vàng đi, mây trắng ở Lầm Thôi Hiệu trước Nguyễn Du sau Hạc chưa thoát khỏi mê hồn kịch Tiên vẫn nằm trong vạn cổ sầu Trăng gió hão huyền như khói sóng Nồi kê chửa chín nghĩ càng đau.
Nghe nói sinh thời đại thi tiên Lý Bạch có ghé lầu Hoàng Hạc; thấy cảnh đẹp định viết một bài tức cảnh, chợt nhìn thấy bài thơ của Thôi Hiệu đề trên vách; ông buồn bã thốt lên:
“Trước mắt có cảnh đẹp mà không tả được Bởi đã có thơ của Thôi Hiệu trên vách rồi!”.
Thật ra Nguyễn Du viết “Hoàng Hạc lâu” không phải để so tài với Thôi Hiệu, mà chính là ông tự giải tỏa nỗi niềm. Hãy nghe ông tự sự:
“...Trung tình vô hạn bảng thùy tố? Minh nguyệt thanh phong đã bất tri”. “...Tình trong lòng vô hạn, bầy tỏ cùng ai được? Trăng trong gió mát cũng chẳng biết.”
Trở lại những thi phẩm cuối cùng của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, viết vài ngày trước khi ông vĩnh biệt thế gian. Bà Thục Oanh với vẻ buồn sâu lắng. Dường như bà đang nhớ lại những gì về ông trong những ngày cuối. Giọng rầu rầu, bà kể:
“Tôi nhớ, bữa ấy nhằm ngày 9 tháng 9 năm Ất Mão (13.10.1975) anh ấy cảm thấy trong người hơi dễ chịu, thế là ngồi vào bàn viết. Một lát anh ấy lại về giường nằm. Tôi ngó vào bàn, thấy anh đã viết xong bài thơ. Đây là nguyên ý của anh ấy, kể cả những chữ viết hoa ở giữa dòng:
Trùng cửu thơ trao bè Mây đã nát Thu - phong từ, trùng cửu thơ còn trao ngất ngư. tháng Cuối mùa Trăng ngày Hội hữu, năm Đầu gác bút động Hoa lư, thơ không thoái vị, trà say khướt, người vẫn đăng cao, mộng ngọt lừ. Nam- Bắc sương in đầy bóng nhạn, may ra bệnh cũng xuống dần ư. 9.9 Ất Mão
Đấy là sau những ngày anh ấy đi học tập về, người rất yếu. Tôi cứ ngỡ anh ấy “đi” lúc nào không biết. Thế nhưng kỳ lạ thật. Sau bài “Trùng cửu”, bệnh anh ấy giảm hẳn. Tinh thần phấn chấn hẳn lên. Vài ngày sau đã lò đò đi thăm bạn. Có nhẽ người đầu tiên anh ấy đến thăm là ông Trần Mai Châu.
Thế nhưng tới giữa năm sau (1976), anh ấy lại ngả bệnh. Thật ra thì nhà tôi không có bệnh gì trầm trọng. Anh ấy vốn đã mảnh sức, nay lại suy nhược. Và rất buồn chán. Hay nói về cái chết. Lo cho những năm tháng cuối đời tôi, sau khi anh ấy ra đi, sẽ cô đơn như thế nào.
Tôi nhớ bữa ấy vào khoảng chiều ngày 9 (lại ngày 9) tháng 8 năm Bính Thìn (2.10.1976). Vũ gọi tôi lại gần, với giọng nhẹ nhàng, anh bảo:
- Này mình, ngày mai Mùng mười tháng Tám là ngày giỗ Nguyễn Du đấy. Mình đi kiếm ít hoa trái về để mai anh làm giỗ Nguyễn.
Sớm hôm sau, tôi bầy hoa, bánh và ít trái cây lên bàn thờ, pha thêm ấm trà cúng. Tôi vừa xong các việc thì anh đã áo quần tề chỉnh, đứng trước bàn thờ, tự tay thắp nhang, rót trà. Và anh khấn Nguyễn Du bằng thơ.
Nghe giọng anh xúc động, khiến tôi rơi nước mắt. Tôi cảm như có sự hiện diện của cả Nguyễn Du nữa. Lạ lắm, lúc ấy tôi không nghĩ Nguyễn Du đã khuất từ hơn hai trăm năm, mà chỉ nghĩ tới một người khách của anh Vũ vừa đến thăm nhà mình. Thay vì sợ hãi, tôi thấy lòng ấm áp.
Nguyên văn bài thơ Vũ khấn như sau:
Đọc lại người xưa Văn tự hà tằng vi ngã dụng Cơ hàn bất giác thụ nhân liên. Nguyễn Du
Chẳng dùng chi được nhân tài Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ Phút giây chết điếng hồn thơ Nét đau mặt chữ bây giờ còn đau Chắc gì ba trăm năm sau Đã ai vào nổi cơn sầu nằm đây Nếu không cơm áo đọa đầy Như thân nào thịt xương này bỗng dưng Chết theo vào đến lưng chừng Say từng mảnh rớt, mê từng khúc rơi Nửa chiều say ngất mê tơi Khúc đâu lơ láo mảnh đời Thi vương.
Mấy ngày sau đó, tôi thấy anh hay ngâm bài thất ngôn Đường luật, viết nhân dịp vào thăm Huế từ lâu lắm, nhưng nghe vài lần tôi đã thuộc. Hình như bài này không có tiêu đề.
Anh ấy đã yếu lắm. Nhiều lúc ngâm nghẹn lạc cả giọng, chỉ thấy phát ra những âm thanh rời rạc như tiếng rên đau đớn:
Nửa gánh gươm đàn tới cố đô,(1) Sông liền mưa tạnh tưởng vào Ngô. (2) Bìm leo cửa khuyết ai ngờ rứa, Rồng lẩn mây thành chẳng thấy mô. Lăng miếu tỉnh chưa hồn cựu mộng, Vàng son đẹp nhỉ bức dư đồ. Hồi chuông Thiên Mụ riêng hoài niệm, Tốt đã vào cung loạn thế cờ.
Ngừng một lát, bà Thục Oanh như nhớ lại, đoạn bà tiếp:
- Sau đó tôi còn thấy anh ấy viết một bài về Nguyễn Thị Lộ, một bài về Hồ Xuân Hương, bài nào cũng da diết lắm.
Bốn ngày sau giỗ Nguyễn Du, tức ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn (7.10.1976), Vũ “đi”!
Tựa như các bậc thiên tài Nguyễn Du, Victor Hugo, sáng tạo đến hơi thở cuối cùng; những bài thơ chót của thi tài Vũ Hoàng Chương, vẫn như những hạt kim cương nặng trĩu tình người và mãi còn tỏa sáng.
Láng Thượng 01.11.1998 HOÀNG QUỐC HẢI (126/ 08 -99)
----------------------------------------------------------------------- (1),(2) Hai câu này lấy tứ từ hai câu thơ Đường cổ: Hàn sĩ liên giang dạ nhập Ngô Bình minh tống khách Sở sơn cô
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét