40 Năm Hải Ngoại,  Một Nén Hương,                  \  Một Bông Hồng  : 

               cho Những Nhà Văn,                Nhà Thơ Đã Khuất Núi


                           NHẬT TIẾN

 

(Chân dung những Nhà Văn – Nhà Thơ đã khuất núi)

 

 

 

     (Đã cập nhật danh sách tới tháng 6/2017)


Thời gian 40 năm chỉ là một khoảnh khắc trong lịch sử, nhưng tuy vậy cũng đủ để cho con người hoàn tất một sự nghiệp hay từ giã cõi đời.

Trong suốt 40 năm qua, kể từ khi miền Nam sụp đổ trước sự xâm lấn của CS miền Bắc, nhiều văn nghệ sĩ vốn đã tạo dựng nên một nền Văn Học rực rỡ của miền Nam cũng đã vượt thoát ra đi để mưu tìm một cuộc đời tự do đáng sống. Trên phần đất tự do thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, bên cạnh những nỗ lực để hội nhập vào xã hội mới, các nhà văn, nhà thơ gốc Việt vẫn tiếp tục miệt mài sáng tạo, duy trì và phát triển Văn Học Miền Nam trên đất tạm dung để có thể coi là đã có một nền văn chương VN hải ngoại. Và cũng ròng rã trong suốt 40 năm tận tụy với ngòi bút ấy, nhiều người đã lặng lẽ ra đi, bỏ lại phía sau những công trình có thể chưa hoàn tất nhưng cũng đã gieo nhiều nỗi ngậm ngùi, xót xa trong lòng của nhiều người ở lại

Nay nhân dịp kỷ niệm 40 năm hội nhập, mặc dù không thể thu góp đầy đủ danh xưng của tất cả những nhà văn, nhà thơ đã khuất bóng, phần liệt kê dưới đây xin coi như một nén nhang, một bông hồng cho tất cả những nhà văn, nhà thơ đã mất ở hải ngoại mà trong suốt 40 năm qua đã góp phần cung ứng cho đời những tác phẩm quý giá để các thế hệ sau khi nhìn lại không thể không biết tới.
Danh sách dưới đây xếp theo thứ tự thời gian mà các vị đã khuất núi.

 

 

 



THANH NAM

(1931-1985)

Nhà văn/nhà thơ Thanh Nam tên Trần Đại Việt, người làng Mỹ Trọng tỉnh Nam Định, thân phụ là Tổng Giám thị trường Cao đẳng Kỹ thuật Hà Nội ngày trước.

Năm 1946, mới 15 tuổi, Thanh Nam đã được tờ báo Thiếu Nhi tại Hà Nội đăng thơ và mời cộng tác, và viết một số Sách dành cho tuổi trẻ cho nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh.

Năm 1953 ông vào Sài Gòn, được mời làm Tổng Thư ký báo Thẩm Mỹ, viết truyện ngắn, truyện dài, bình thơ độc giả, phụ trách nhiều mục khác như Phụ nữ Gia Đình, Gỡ Rối Tơ Lòng … và còn ký nhiều bút hiệu như Sông Hương, Cô Hồng Ngọc, Bà Bách Lệ, Tôn nữ Đài Trang, Thợ Cạo. Năm 1960, ông hợp tác với nguyệt san Hiện Đại do Nguyên Sa và Thái Thủy chủ trương, và là Tổng Thư ký tuần báo Nghệ Thuật, cùng viết bài trên tuần báo Kịch Ảnh.

Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, ông tạm cư tại tiểu bang New Jersey rồi năm 1976 định cư tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Ở đây ông cộng tác với tờ Đất Mới và một trong vài tờ báo Việt ngữ đầu tiên xuất bản tại Hoa Kỳ . Ông mất vào ngày 2 tháng 6 năm 1985 do chứng ung thư thanh quản.

Tác phẩm đã xuất bản :

Hồng Ngọc (1957)
Người Nữ Danh ca (1957)
Buồn Ga Nhỏ (1962)
Giấc Ngủ Cô Đơn (1963)
Còn Một Đêm Nay (1963)
Cho Mượn Cuộc Đời, Bầy Ngựa Hoang (1965)
Giòng Lệ Thơ Ngây (1965)
Những Phố Không Đèn (1965)
Mấy Mùa Thương Đau (1968)
Gã Kéo Màn, ….
Đất Khách (1983)

 

 

 


VŨ KHẮC KHOAN
(1917-1986)

Ông sinh năm 1917 tại Hà Nội, theo học trường Bưởi, nhập học trường Y Khoa nhưng rồi đổi sang Cao đẳng Canh Nông, tốt nghiệp kỹ sư sau chuyển sang văn học và lịch sử, dạy học ở trường trung học Chu Văn An.

Ông là tác giả những vở kịch Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (1948), Thành Cát Tư Hãn, và Giao thừa (1949). Hai vở Giao thừa và Thằng Cuội đã được trình diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội vào những năm 1951 và 1952. Bài vở của ông cũng được đăng trên báo Phổ thông và Quan điểm.

Sau năm 1954 ông di cư vào Nam viết cho các báo Tự do, Quan điểm rồi làm chủ nhiệm nguyệt san Vấn đề. Ông là giám đốc kịch nghệ của Trường Quốc gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ ở Sài Gòn.

Ông tỵ nạn sang Mỹ năm 1975, định cư ở Minnesota nơi ông dạy Pháp văn ở đại học Minnesota và thành lập Hội Phật giáo Việt Nam tại đây. Ông mất ngày 12 tháng Chín, 1986.

 

 

 

ĐÀO ĐĂNG VỸ
(1908-1997)

Đào Đăng Vỹ là nhà văn, nhà văn hóa, nhà từ điển học rất nổi tiếng ở Huế từ những năm cuối của thập niên 40. Ông cũng là dịch giả có tiếng của Việt Nam. Riêng trong lãnh vực từ điển, ông đã biên soạn những cuốn như Pháp Việt Đại Từ điển (1949-52, 1963, 1970), Việt Pháp Đại Từ điển ( 1956, 1963, 1970), Pháp Việt Từ điển Phổ thông (1954-1956, 1960, 1963, 1965, 1970), Pháp Việt Tiểu Từ điển (1961, 1963, 1966, 1970), Việt Pháp Tiểu Từ điển (1962, 1964, 1966, 1970), Việt Nam Bách Khoa Từ điển (Cuốn I cuốn II, III…; 1959-1963).

Ông sinh ngày 1 tháng 2 năm 1908 tại Huế, và mất ngày 7/4/1987 tại California – Mỹ.

 

 

 

BÌNH NGUYÊN LỘC
(1914-1987)

Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, là một nhà văn lớn, nhà văn hóa trong giai đoạn 1945-1975. Ngoài bút danh Bình Nguyên Lộc, ông còn có các bút hiệu khác như Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn, Tôn Dzật Huân, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Diên Quỳnh…]

Ông đã sáng tác khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn và bốn quyển sách nghiên cứu, trong đó quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam chỉ được in phần đầu, phần còn lại độ 800 trang viết tay coi như bị thất lạc.

Ông cũng từng viết tiểu thuyết bằng thơ trường thiên như Thơ Ba Mén, Việt sử trường ca, Luận thuyết y học, Thơ thổ ngơi Đồng Nai, Ca dao… Ông còn có công sưu tầm được hàng nghìn câu ca dao kèm theo chú thích về đặc điểm của mỗi câu.

Tháng 10 năm 1985, ông được gia đình bảo lãnh sang Mỹ chữa bệnh. Ngày 7 tháng 3 năm 1987, ông từ trần tại Rancho Cordova, Sacramento, California, vì bệnh cao huyết áp, thọ 74 tuổi

 

 

 



HOÀI ĐIỆP TỬ

(1941-1987)

Tên thật Phạm Văn Tập. Sinh năm 1941 – Tân Tỵ – tại Bạc Liêu.

Ông dùng nhiều bút hiệu khác nhau như Điệp Yên Hà, Lê Thăng, Kép Độc, Kiều Linh Khanh. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 14 tuổi, chính thức viết văn vào năm 1958 với truyện dài đầu tiên “Mớ tóc gái Phù Sa” viết trên nhật báo Chuông Mai của ông Huỳnh Hoài Lạc.

Lần lượt cộng tác với các nhật báo, tuần san như Chuông Mai của Huỳnh Hoài Lạc, Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, Dân Đen của Nguyễn Duy Hinh, Tiếng Dân, Tia Sáng của Nguyễn Trung Thành, Tiếng Nói Dân Tộc của Lý Quý Chung, Độc Lập của Hoàng Châu, Tin Sáng của Ngô Công Đức, Thách Đố của Đặng Văn Bé v.v…

– Năm 1966 ông sáng lập Nhà xuất bản Sông Hậu cùng với các thân hữu như Trương Đạm Thủy, Ngô Tỵ, Phan Yến Linh, Phương Triều, Tâm Đạm Dương Trữ La.

– Khi sang Mỹ từ năm 1981, nhà văn Hoài Điệp Tử làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Mai (Nam California) từ năm 1982 đến 1987.

Ông bị sát hại tại tòa soạn nằm trên đường Westminster (Nam California) lúc 2 giờ 15 sáng chủ nhật ngày 9 tháng 8 năm 1987. Vụ án mạng này đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Các tác phẩm đã xuất bản tại Việt Nam : – Vũng Lầy (1964) – Trái Cấm – Tuổi Tình Yêu, nhà xuất bản Sống Mới phát hành, 1965. – 16 Phiên Buồn (1966) – Lửa Đạn Về Thành – Tình Biển (1968) – Đỉnh Núi Sương Mù – Còn Xanh Kỷ Niệm (1969) – Bến Đục – Giọt Máu Cho Cánh Đồng Mùa Hạ (1970) – Tặng Phẩm Của Đêm – Bụi Thành Phố (1971) – Mặt Trời Mọc Cho Ai – Hành Lang Đen (1972) – Cao Ốc Số 8 (1973) – Sóng Hoang, nhà xuất bản Sông Hậu phát hành (1974)…. và một số thơ cùng truyện ngắn.

Tác phẩm đã xuất bản tại Mỹ : – Truyện dài: Trên Đầu Sóng, nhà xuất bản Hải Ngoại phát hành, 1982.

 

 

 



NGUYỄN TẤT NHIÊN

(1952-1992)

Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30-5-1952 tại xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hoà..

Ông là một thi sĩ bẩm sinh, tài hoa, suốt đời cuồng nhiệt, đam mê với thơ, đặc biệt là thơ tình. Biết làm thơ từ rất sớm: Mới 14 tuổi (1966,) đã có tập thơ đầu tay“Nàng Thơ Trong Mắt” và hai năm sau, 16 tuổi (1968,) viết tiếp tập thơ“Dấu Mưa Qua Đất” (cả hai tập thơ nầy đều ký bút danh Hoài Thi Yên Thi). Năm 1970, ông tự ấn hành tập thơ“Thiên Tai,”lần đầu tiên lấy bút danh Nguyễn Tất Nhiên. Năm 1978, ông vượt biên và định cư tại Pháp. Tại đây, nhà xuất bản Sud-Asie đã ấn hành tập“Thơ Nguyễn Tất Nhiên”gồm những bài thơ sáng tác từ 1970 – 1980. Sau đó, ông sang Hoa Kỳ, định cư tại Nam California, tiếp tục sáng tác thơ, nhạc, cho ấn hành các tập thơ“Chuông Mơ” (NXB Văn Nghệ,1987,)“Tâm Dung”(NXB Người Việt, 1989,)“Minh Khúc” (1990, đã hoàn tất bản thảo, phổ biến hạn chế.)

Ông mất ngày 3-8-1992 tại California.

 

 

 



DUYÊN ANH

(1935-1997)Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, những bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Lệnh Hồ Xung, Thái Anh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Bếp Phụ và Độc Ngữ. Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tỉnh Thái Bình.

Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề: bán thuốc sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ xe đạp hội chợ, dạy kèm, dạy đàn ghi ta, dạy sáo.

Năm 1960, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy…. viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt.

Sau đó ông trở thành một ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây Dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc…ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi.

Năm 1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo trong Chiến dịch bắt văn nghệ sĩ miền Nam (tháng 4, 1976). Sau khi ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11 năm 1981 ôngvượt biên đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở Hải ngoại được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn. Thời gian này, ông cũng có viết thơ và soạn nhạc.

Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.

 

 

 

NGUYÊN SA
(1932-1998)

Nguyên Sa sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932, tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng từ thập niên 1950 với những tác phẩm như“Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em”, “Tuổi mười ba”, “Tháng sáu trời mưa”, v.v.

Những câu thơ mà Nguyên Sa đem từ Pháp về Việt Nam năm 1956 đã thay đổi rộng khắp cảm nhận thi ca của đa số thanh niên Việt Nam. Giống như một nhạc cụ mới, có âm hưởng sâu và đánh thức giác quan thẩm mỹ của thời đại (Mặc Lâm –RFA).

Ông đi Pháp du học vào năm 1949. Năm 1953, ông đậu tú tài ở Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này. Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thuý Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước. Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời. Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998.

 

 

 

MAI THẢO
(1927-1998)

Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý, bút hiệu khác: Nguyễn Đăng, ông sinh ngày 8/6/1927 tại huyện Hải-hậu, tỉnh Nam-định. Thuở nhỏ học trường làng, trung học lên Nam-định rồi Hà-nội (học trường Đỗ Hữu Vị, sau là Chu Văn An). Năm 1945, theo trường sơ tán lên Hưng-yên. Khi chiến tranh bùng nổ năm 1946, gia đình từ Hà-nội tản cư về quê chợ Cồn, từ đó Mai Thảo rời nhà vào Thanh-hóa theo kháng chiến, viết báo, tham gia các đoàn văn nghệ đi khắp nơi từ Liên-khu-ba, Liên-khu-tư đến chiến khu Việt-bắc. 1951, Mai Thảo bỏ kháng chiến vào thành, đi buôn. 1954, di cư vào Nam. Viết truyện ngắn trên các báo Dân Chủ, Lửa Việt, Người Việt. Chủ trương báo Sáng Tạo (1956), Nghệ Thuật (1965) và từ 1974, trông nom báo Văn. Tham gia chương trình văn học nghệ thuật của các đài phát thanh tại Sài-gòn từ 1960 đến 1975. Ngày 4/12/1977, Mai Thảo vượt biển. và định cư ở Hoa-kỳ. Ít lâu sau ông cộng tác với tờ Đất Mới của Thanh Nam và một số báo khác tại hải ngoại. Tháng 7/1982 ông tái bản tạp chí Văn, làm chủ biên đến 1996, vì tình trạng sức khỏe trao lại cho Nguyễn Xuân Hoàng; hai năm sau ông mất tại Santa Ana, California ngày 10/1/1998.

Tác phẩm Mai Thảo đã xuất bản:

Đoản thiên


Đêm giã từ Hà Nội (Người Việt, 1955)
Tháng giêng cỏ non (1956)
Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời (Sáng Tạo, 1963)
Bày thỏ ngày sinh nhật (Nguyễn Đình Vượng, 1965)
Căn nhà vùng nước mặn (An Tiêm, 1966)
Đêm lạc đường (Khai Trí, 1967)
Dòng sông rực rỡ (Văn Uyển, 1968)
Người thầy học cũ (Văn Uyển, 1969)
Chuyến tàu trên sông Hồng (Tuổi Ngọc, 1969)

Tùy bút (1970)


Mưa núi (tập hợp những truyện tuyển trong Đêm giã từ Hà Nội và Tháng giêng cỏ non, Tân Văn, 1970)
Ngọn hải đăng mù (Làng Văn, Toronto, 1987)
Một đêm thứ bảy (Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 1988)
Hồng Kông ở dưới chân (Xuân Thu, 1989)
Chân bài thứ năm (Nam Á,Paris, 1990)
Chuyến métro đi từ Belleville (Nam Á, 1990)…

Truyện dài:


Mái tóc dĩ vãng (Tiểu thuyết tuần san, 1963)
Cô thích nhạc Brahms? (phóng tác)
Khi mùa thu tới (Thái Lai, 1964)
Viên đạn đồng chữ nổi (Văn, 1966)
Đêm kỳ diệu (?)
Cùng đi một đường (1967)
Sau khi bão tới (Màn Ảnh, 1968)
Tới một tuổi nào (Miền Nam, 1968)
Cũng đủ lãng quên đời (Hồng Đức, 1969)
Lối đi dưới lá (1969)
Mười đêm ngà ngọc (Hoàng Đông Phương, 1969)
Thời thượng (Côi Sơn, 1970),
Sống chỉ một lần (Nguyễn Đình Vượng, 1970),
Hết một tuần trăng (Tủ sách Văn Nghệ Khai Phóng, 1970),
Sau giờ giới nghiêm (Tủ sách Văn Nghệ Khai phóng, 1970)
Trong như hồ thu (Tủ sách văn Nghệ Hiện Đại, 1971)
Mang xuống tuyền đài (Tủ sách Văn Nghệ Khai Phóng, 1971)
Một ngày của Nhã (1971)
Để tưởng nhớ mùi hương (Nguyễn Đình Vượng, 1971)
Sóng ngầm (Hoa biển, 1971)
Sống như hình bóng (Tiếng Phương Đông, 1972)
Hạnh phúc đến về đêm (Nguyễn Đình Vượng, 1972)
Một đời còn tưởng nhớ (Hải Vân, 1972)
Gần mười bảy tuổi (Nguyễn Đình Vượng, 1972)
Chỉ là ảo tưởng (Sống Mới, 1972)
Suối độc (Nguyễn Đình Vượng, 1973)
Tình yêu màu khói nhạt (Nguyễn Đình Vượng, 1973)
Bên lề giấc mộng (Ngày Mới, 1973)
Chìm dần vào quên lãng (Tiếng phương Đông, 1973)
Cửa trường phía bên ngoài (Đồng Nai, 1973)
Ánh lửa cuối đường hầm (Anh Lộc, 1974)
Ôm đàn tới giữa đời (Gìn Vàng Giữ Ngọc, 1974)
Những người tình tuổi song ngư (Xuân Thu, 1992)…

Thơ:
Ta thấy hình ta những miếu đền (Văn Khoa, California, 1989)

 

 

 

LÊ ĐÌNH ĐIỂU
(1939-1999)

Nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Lê Đình Điểu, người bạn lớn của nhiều sinh hoạt văn hóa, giáo dục, truyền thông Việt Nam từ hơn 40 năm qua.

Ông sinh năm 1939 tại Ngọc Hà, ngoại thành Hà Nội. Ông làm thơ, viết văn từ thời niên thiếu với bút hiệu Y Dịch. Năm 1967, ông tốt nghiệp khóa Báo Chí học tại Viện Báo Chí Quốc Tế ở Kuala Lumpur, Mã Lai. Sau đó, ông làm đặc phái viên Việt Tấn Xã, và là Phụ Tá Học Vụ Ban Báo Chí học ở Đại Học Chính Trị Kinh Doanh, Đà Lạt. Năm 1972, ông đứng đầu ngành Thông Tin Quốc Nội trong phủ Tổng Ủy Dân Vận, sau đổi thành Bộ Dân Vận-Chiêu Hồi. Năm 1974 ông làm ở Phòng Báo Chí của Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo.

Từ 1975 đến 1981 ông bị đi tù cải tạo. Năm 1985 gia đình ông qua Mỹ, và ông làm chủ bút nhật báo Người Việt, đến năm 1988 thì trở thành Tổng Giám Đốc Công Ty Người Việt. Năm 1991 ông là chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ 21. Ông cũng là chủ tịch trong nhiều năm Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA). Năm 1995, ông làm chủ tịch đài phát thanh VNCR mà ông là một sáng lập viên.

Ông đã dịch các cuốn sách “Kỹ Thuật Tòa Soạn”, THN xuất bản ở Sài Gòn năm 1969, và “Ký Giả Chuyên Nghiệp”, Hiện Đại xuất bản năm 1974, Người Việt tái bản năm 1977. Gặp chứng bệnh nan y, ông đã từ trần ngày 24-5-1999.

 

 

 



NGHIÊM XUÂN HỒNG

(1920-2000)

Cư sĩ Tịnh Liên NGHIÊM XUÂN HỒNG sinh năm 1920 tại Hà Đông, Bắc Việt.

Năm 1953, hành nghề Luật Sư.

Năm 1954, đất nước chia đôi, di cư vào Nam.

Nguyên Luật Sư Tòa Thượng Thẩm Saigon, Cựu Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng năm 1965, thời Nguyễn Khánh.

Sáng lập viên nhóm Quan Điểm, Saigon.

Năm 1975, miền Nam Việt Nam mất, di cư sang Hoa Kỳ.

Trước năm 1975, viết sách về Chính Trị, Triết Học và Văn Chương.

Sau năm 1975, chuyên đọc Kinh Đại Thừa, tịnh tu, viết sách Phật và giảng dạy Phật Pháp tại chùa Trúc Lâm Yên Tử, Santa Ana và chùa Liên Hoa, Garden Grove, California.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN Ở VIỆT NAM:
01. Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng, 1957.
02. Lịch Trình Diễn Tiến của Phong Trào Quốc Gia Việt Nam, 1959.
03. Xây Dựng Nhân Sinh Quan, 1960.
04. Luyến Ái Quan qua Triết Thuyết và Tình Sử, 1961.
05. Cách Mạng và Hành Động, 1962.
06. Người Viễn Khách Thứ Muời, Kịch, 1963.
07. Từ Binh Pháp Tôn Ngô đến Chiến Lược Nguyên Tử, 1965.
08. Việt Nam, nơi Chiến Trường Trắc Nghiệm, 1966.
09. Biện Chứng Giải Thoát trong Tư Tưởng Ấn Độ, 1966.
10. Biện Chứng Giải Thoát trong Giáo Lý Trung Hoa, 1967.
11. Nguyên Tử Hiện Sinh và Hư Vô, 1969.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN Ở HOA KỲ:
01. Lăng Kính Đại Thừa, 1982. 02. Tánh Không và Kinh Kim Cang, 1983.
03. Lăng Nghiêm Ảnh Hiện, 1983. 04. Nguồn Thiền Như Huyễn, 1984.
05. Mật Tông và Kinh Đại Thừa, 1986. 06. Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 1, 1988
07. Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 2, 1989. 08. Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 3, 1991.
09. Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 4, 1992. 10. Ma Tâm và Ma Sự của người tu, 2001

Ông mất ngày 07 tháng 05 năm 2000 tại Orange County, California, Hoa Kỳ.

 

 

 

TRẦN HỒNG CHÂU
(1921-2003)

Thi sĩ TRẦN HỒNG CHÂU tức Giáo sư NGUYỄN KHẮC HOẠCH, sinh năm 1921, tại Hưng Yên, mất năm 2003 tại California, Hoa Kỳ.

Học tại Trung Học Khải Định, Huế (1936-1943) rồi Trường Đại Học Luật Hà Nội cho tới năm 1945.

Xuất ngoại: Học Đại Học Sorbonne, Paris, đậu Cử nhân Văn Chương năm 1950, và Tiến Sĩ Văn Chương Quốc Gia (Doctorat d’Etat) năm 1955.

Tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Quốc Tế Học thuộc Đại Học Luật Khoa Paris (Institut des Hautes Études Internationales de la Faculté de Droit), Paris, 1952.

Tốt nghiệp Trung Tâm Âu Châu Học thuộc Đại Học Nancy (Centre D’Etude Européennes, Université de Nancy) Pháp quốc, 1957.

Về nước năm 1957, gia nhập ban giảng huấn Đại Học Văn Khoa Saigon, phụ trách các môn Văn chương Pháp và Văn chương Việt Nam. Đồng thời cũng giảng dậy tại Đại Học Sư Phạm Saigon, Học Viện Quốc Gia Hành chính và Viện Đại Học Huế.

Được bầu làm Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Saigon từ 1965 đến 1969.

Giáo sư biệt thỉnh về văn chương Pháp và văn chương, văn hoá Việt Nam tại Southern Illinois University trong thời gian 1970-1974.

Thành viên của Ủy Ban điển chế văn tự và Ủy Ban soạn thảo từ điển Bách khoa Việt Nam (1968-1970). Thành viên Hội Đồng Viện Đại Học Saigon từ 1958 đến 1970. Được tưởng thưởng Văn Hoá Giáo Dục Bội Tinh (1968).

Thành viên của các hiệp hội văn hoá giáo dục tại quốc ngoại và quốc nội: Modern Languages Association từ 1971, Association of American University Professors từ 1973, Association for Asian Studies từ 1971, American Oriental Society từ 1973, Societé des Etudes Indochinoises (1961-1970), Hội Việt Nam liên lạc Văn hoá Á châu (1958-1961).

Đã dự một số hội nghị về văn hoá giáo dục ở trong và ngoài nước: Nhật (Đại Học Keio, 1960), Ấn độ (New Delhi, 1965), Đài Loan (Đài bắc, Việt Trung Hoa học, 1969). Tham quan một số Đại học Đại Hàn (1967) và Hoa Kỳ (1966 và 1968).

Khai đường mở lối cho Viện Việt Học: Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch đã được Hội Đồng Viện Việt Học mời vào Ban Cố Vấn từ ngày thành lập Viện, 26 tháng 2, năm 2000 và được mời làm Viện Trưởng Viện Việt Học (2001-2003), California.

Le Japon et le Traité de Paix (Nhật Bản và Hoà Ước), Paris, 1952.
Le Roman Vietnamien au 18e et 19e Siècle (Tiểu Thuyết Việt Nam Thế Kỷ 18 và 19), Paris, 1955.
Les Relations Américano-japonaises depuis 1951 (Quan hệ Nhật-Mỹ từ 1951), Paris, 1957.
Xây Dựng Và Phát Triển Văn Hoá Giáo Dục, (biên khảo, phê bình), Lửa Thiêng, Saigon, 1970.
Thành Phố Trong Hồi Tưởng (tùy bút), An Tiêm, Los Angeles,1991.
Nửa Khuya Giấy Trắng (thơ), Thanh Văn, Los Angeles, 1992.
Nhớ Đất Thương Trời (thơ), Thế Kỷ, Los Angeles, 1995.
Hạnh Phúc Đến Từng Phút Giây (thơ) Văn Học, Los Angeles, 1999.
Dăm Ba Điều Nghĩ về Văn Học Nghệ Thuật (tiểu luận), Văn Nghệ, 2001.
Vietnam Culture Series (Series Editor), Việt-Học Publishing, 2001-2003
Để Tưởng Nhớ Nguyễn Du (thơ), Viện Việt Học, 2002
Suối Tím (thơ), Văn Nghệ, 2003
Tuyển tập Trần Hồng Châu (thơ, tùy bút, tiểu luận), Viện Việt Học, 2004

 

 

 



ĐẶNG TRẦN HUÂN

(1929-2003)

Đặng Trần Huân sinh ngày 7-6 -1929, cựu Thiếu tá QLVNCH, làm việc tại Cục Tâm Lý Chiến, ngành thông tin báo chí. Khởi viết năm 1953. Ông xuất thân sĩ quan Bảo chính đoàn từ Hànội trước 1954, (sau là Bảo An ), từng là cấp chỉ huy của sĩ quan báo chí Lê Cự Phách (tức Du Tử Lê ) – Ông chuyển sang làm báo chuyên ngành quân đội, phục vụ tại Cục Tâm lý chiến – Quân Lực VNCH. Bị đi tù cải tạo ở miền Bắc, khi được trả tự do, Ông sang định cư tại Hoa kỳ, diện H.O năm 1992.

Ông là tác giả CHUYỆN CẤM ĐÀN BÀ ( tập 1 và 2) , HẢI ĐẢO THẦN TIÊN (dịch), THÀNH PHỐ BUỒN THIU ( bút ký ). Sang Hoa Kỳ, tự xuất bản HÀNH TRÌNH MỘT HÁT-Ô (Văn Mới 1995 ) NHỮNG NGƯỜI THÍCH DẤU HUYỀN ( 1998) CHỮ NGHĨA BỀ BỀ ( 2000). Ông qua đời ở Hoa Kỳ ngày 21 tháng 3 năm 2003.

 

 

 



ĐỖ NGỌC YẾN

(1941-2006)

Ông là người sáng lập và cũng là chủ nhiệm đầu tiên của Nhật báo Người Việt, tờ báo lâu đời nhất và cũng lớn nhất tại hải ngoại. Ông cũng là một trong những người góp phần tạo lập ra khu Little Saigon tại Quận Cam, California.

Ông bắt đầu viết báo khi còn đi học và là chủ bút tờ báo ở trường Trương Vĩnh Ký. Khi vào đại học Văn khoa, ông trở thành một đại diện trong ban Chấp hành Sinh viên và đã tổ chức những cuộc xuống đường đòi lật đổ tướng Nguyễn Khánh năm 1964. Năm sau ông bắt đầu làm việc với International Voluntary Service (IVS), một hội thiện nguyện Hoa Kỳ, vận động và tổ chức thanh niên sinh viên giúp tổ chức này phân phối thực phẩm cho đồng bào bị nạn bão lụt ở miền Trung.

Từ năm 1964 ông Ðỗ Ngọc Yến viết bài cho các nhật báo Sống, Sóng Thần, Ðại Dân Tộc, tạp chí Văn Nghệ, tuần báo Ðời, và nhiều tờ báo khác. Bắt đầu từ thập niên 1970 ông cộng tác với nhiều phóng viên các báo ngoại quốc hoạt động tại Việt Nam. Ngày 26-04-1975, ông và vợ cùng 3 con rời Việt Nam và định cư ở Hoa Kỳ.

Ông thành lập tờ báo Người Việt (vào cuối năm 1978 ban đầu là tuần báo, tới 1985 thì trở thành nhật báo). Ông cũng đứng vai trò trung gian chuyển đạt quan điểm người Việt tị nạn đến với người Mỹ qua báo chí Mỹ. Ông mất ngày 17 tháng 8- 2006 tại bệnh viện Fountain Valley, miền Nam California.

 

 

 



THANH TÂM TUYỀN

(1936-2006)

Nhà thơ, nhà văn Thanh Tâm Tuyền, tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13-3-1936, tại Vinh, Nghệ An. Từ 16 tuổi đã đi dạy học tại Hà Đông, viết truyện đăng trên báo Thanh Niên tại Hà Nội. Từ 1954 ông hoạt động trong Tổng Hội Sinh viên Hà Nội, chủ trương nguyệt san Lửa Việt, rồi vào Nam.

Tại Sài Gòn, ông làm cho các báo Dân Chủ, Người Việt và tham gia ban biên tập tạp chí Sáng Tạo (1956-1960) do Mai Thảo đứng tên, có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam suốt một thập niên.

Do động viên năm 1962, Ông hoạt động trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, công tác huấn luyện văn hóa, cấp bực cuối cùng là đại úy. Từ 1975 bị đi học tập nhiều năm tại nhiều trại cải tạo miền Bắc. Sau đó sang định cư tại Hoa Kỳ.

Đã xuất bản khoảng mười tác phẩm. Ba tập thơ : Tôi không còn cô độc (1956), Liên – Đêm – Mặt trời tìm thấy (1964, Sài Gòn), Thơ ở đâu xa (1990, Mỹ). Ba truyện : Bếp Lửa (1957) ; Khuôn Mặt (1964), Dọc đường (1967).Ba tiểu thuyết : Cát lầy(1966), Mù Khơi (1970), Tiếng động (1970). Một vở kịch ngắn : Ba Chị Em (1965). Một phiếm luận(1970). Ông còn nhiều tác phẩm chưa xuất bản, như tiểu thuyết Ung Thư đăng nhiều kỳ trên báo Văn, Sài Gòn.

Ông qua đời lúc 11 giờ 30 ngày 22-3-2006 tại thành phố St Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, nơi ông cư ngụ, hưởng thọ 70 tuổi.

 

 

 



HOÀNG ANH TUẤN

(1932 – 2006)

Hoàng Anh Tuấn là một nhà đạo diễn và nhà văn sinh năm 1932 tại Hà Nội. Năm 17 tuổi ông du học sang Pháp đến năm 1958 thì về lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp trường điện ảnh IDHEC (L’Institut des hautes études cinématographiques) ở Paris.

Ông đóng góp nhiều bài vở cho các báo chí ở Sài Gòn. Năm 1965 ông được bổ nhiệm làm Quản đốc Đài Phát thanh Đà Lạt. Tên tuổi của của ông gắn liền với ngành điện ảnh trong vai trò đạo diễn. Bốn cuốn phim có sự đóng góp của ông là

Ngàn năm mây bay(1963), dựa theo tiểu thuyết của Văn Quang, hãng Thái Lai sản xuất với các diễn viên Lê Quỳnh, Bích Sơn, Bích Thủy, Phạm Huấn
Hai chuyến xe hoa(1961) dựa trên tiểu thuyết Hai chuyến xe hoa của Nguyễn Bính Thinh và tuồng cải lương của Thái Thụy Phong; hai diễn viên chính trong phim là Thanh Nga và Thành Được
Nước mắt đêm xuân với các diễn viên Mai Trường, Nguyễn Long, Lệ Quyên và Khánh Ly.
Xa lộ không đèn(1972) với các diễn viên Thanh Nga, Hoài Trung, Trang Thanh Lan, Năm Châu

Sau năm 1975 ông bị đi tù cải tạo đến năm 1979 thì xuất cảnh sang Pháp. Năm 1981 ông sang định cư ở Hoa Kỳ rồi mất năm 2006 ở San Jose, California.

Tác phẩm của Hoàng Anh Tuấn :

Ly nước lọc– kịch
Hà Nội 48– kịch
Về Provence– tập thơ
Yêu em, Hà Nội– tập thơ
“Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội” – nhạc soạn cùng với Phạm Đình Chương.

 

 

 

VƯƠNG ĐỨC LỆ
(1937-2008)

Ông tên thật là Lê Ðức Vượng, sinh ngày 15 tháng 11, 1937 tại Bạch Mai, Huyện Hoàn Long, Tỉnh Hà Đông.

– Học Trung Học Chu Văn An Hà Nội và sau 1954, tại Sài Gòn. Đã theo học Luật Khoa và Văn Khoa.

– Năm 1962, ông bắt đầu đi dạy, sau đó làm Ký Giả cho Việt Nam Thông Tấn Xã, rồi làm Giám Đốc Đài Phát Thanh Long An rồi làm Biên Tập Viên cho Đài Phát Thanh Sài Gòn.

– Năm 1989, ông tham gia nhóm Diễn Đàn Tự Do (Đoàn Viết Hoạt), bị bắt và bị giam cho tới cuối năm 1995.

– Định cư tại Hoa-Kỳ, Tiểu Bang Virginia từ năm 2000, hoạt động với nhà xuất bản Tủ Sách Tiếng Quê Hương (Uyên Thao), Tổng Thư Ký Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới – Hoa Thịnh Đốn, và viết bài bình luận cho Đài Phát Thanh Sài Gòn Houston (Texas).

– Ông qua đời ngày 20 tháng 1, 2008 tại Annandale, Virginia.

TÁC PHẨM ÐÃ XUẤT BẢN:

– Hoa Mười Phương, tuyển tập thơ với 14 tác giả, Sài Gòn 1959
– Ðường Lên Thiên Thai, Thơ, Sài Gòn 1962
– 40 Bài Thơ của Mai Trung Tĩnh và Vương Ðức Lệ, Sài Gòn 1960 [Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc (1960-1961)]
– Tình Thơ Vương Ðức Lệ, Sài Gòn 1970
– Thiên Nga Trên Ngọn Ðỉnh Trời, Sài Gòn 1974
– Thơ Vương Ðức Lệ, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia 2000
– Thơ Tình Vương Ðức Lệ, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia 2003
– Thơ Giữa Đời Thường, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia

 

 

 



PHẠM VIỆT TUYỀN

(1926-2009)


Nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà báo Phạm Việt Tuyền, bút hiệu Thanh Tuyền, sinh ngày 15 tháng Tám, năm 1926. Ông từng là Chủ nhiệm nhật báo Tự Do kiêm Giám đốc Cơ sở Báo chí và Xuất bản Tự Do. Ông cũng là Tổng Thư Ký của Trung Tâm Văn Bút VN trong nhiều nhiệm kỳ. Tác phẩm của ông gồm những cuốn“Trên Ðường Phụng Sự,” (Kịch, Xb năm 1947) “Nghệ Thuật Viết Văn,”(Biên khảo, Xb năm 1952) “Phá Lao Lung,” (Thơ, Xb năm 1956) “Quan Ðiểm Về mấy Vấn Ðề Văn Hóa,” (Biên khảo, Xb năm 1953) hay “Phương Pháp Nghị Luận, Phân Tích và Phê Bình Văn Chương,” (Biên khảo, Xb năm 1969).. vân vân…

Trong lãnh vực giáo dục, ông là giáo sư dạy chứng chỉ dự bị ban Việt Hán, ở Ðại Học Văn Khoa, Sài gòn; hay chứng chỉ Văn Chương Việt Nam, cho năm thứ nhất ở Ðại Học Văn Khoa, Huế. Ðầu thập niên 1980, ông chọn định cư tại thành phố Strasbourg, Pháp. Ông mất ngày 16 Tháng Hai, năm 2009.

 

 

 



TRẦN TAM TIỆP

(1928-2009)

Nhà báo Trần Tam Tiệp sinh ngày 11-11 -1928.

Ông tốt nghiệp khoá 2 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và được đi tu nghiệp sĩ quan phi hành tại Pháp.

Trước 1975, với cấp bậc Trung Tá và bút hiệu Đạo Cù, ông là một trong những chủ biên tập san Lý Tưởng của Không Quân và là người viết quen thuộc của báo giới Việt Nam.

Sau Tháng Tư 1975, ông cùng với một số nhà văn định cư tại Pháp như Minh Đức Hoài Trinh, Nguyên Sa Trần Bích Lan, Trần Thanh Hiệp… nhanh chóng thành lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, liên lạc cộng tác và được Văn Bút Quốc Tế chính thức nhìn nhận, liên tục cho tới ngày nay.

Trần Tam Tiệp được Chủ Tịch Văn Bút Thế Giới thời ấy là Thomas Von Vegesack đặc biệt quí trọng, vì những cống hiến không mệt mỏi của ông trong việc kêu gọi quốc tế tranh đấu bảo vệ các nhà văn miền Nam bị cộng sản bắt giam không xét xử.

Chính là nhờ sự vận động bền bỉ của ông mà tổ chức “The International PEN Writers in Prison Committee (WiPC) đã dành cho các nhà văn, nhà báo Việt Nam bị CS cầm tù nhiều trợ giúp ý nghĩa hoặc can thiệp bảo trợ.

Ông bỏ tiền túi và kêu gọi anh em gởi tiền về để giúp đỡ các đồng đội và văn nghệ sĩ đang bị cộng sản cầm tù trong những năm đó và còn vận động các quốc gia Âu Châu như Ý Đại Lợi và Thụy Điển cho cuộc tranh đấu về Tự do và Hoà Bình cho nhân loại.

Ông đã tạ thế vào ngày 23 tháng 12 năm 2009, Paris, Pháp quốc, hưởng thọ 81 tuổi.

 

 

 

TRƯƠNG BẢO SƠN
(1916-2010 )


Ông tên thật là Trương Cam Bỉnh. Sinh ngày 02 tháng 03 năm 1916 tại Hà Nội . Ông hoạt động cách mạng trong Việt Nam Quốc Dân Đảng dưới danh xưng Trương Bảo Sơn và văn hóa với bút hiệu Bảo Sơn. Ông còn có vài bút hiệu khác như Cẩm Bình, Ngọc San, Trường Sơn. Ông là Hội viên Trung tâm Văn Bút VN trong Hội Văn Bút Quốc Tế (P.E.N International).

Ông cộng tác với nhà văn Nhất Linh thành lập nhà xuất bản Phượng Giang, Đời Nay, xuất bản giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay. –

Năm 1959, Chủ nhiệm giai phẩm Tân Phong.

Năm 1965, Giám đốc chính trị tạp chí Đông Phương (Chủ nhiệm Nguyễn thị Vinh)

Năm 1978 ông vượt biển tới Pulau Bidong (Mã Lai) và định cư tại Gia Nã Đại từ 1979.

Năm 1988, ông cùng Nguyễn Khắc Ngải và Đỗ Quý Toàn thành lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, trung tâm Quebec Canada. –

Ông mất ngày 23 tháng 05 năm 2010 tại Montréal-Canada

Tác phẩm dịch:

1. Tình Nghĩa Vợ Chồng.
2. Con Nai Tơ
3. Một Bản Đàn.
4. Gió Đông, Gió Tây.
5. Ngư Ông Và Biển Cả.
6. Đỉnh Gió Hú.
7. Chiếc Lá Cuối Cùng.
8. Viên Ngọc Trai.
9. Trà Đạo.
10. Cuộc Đời Bác Sĩ Arrowsmith
11. Mặc Cho Gió Dập Tuyết Vùi.
12. Ngược Dòng Thời Gian.
13. Nội Cỏ Của Thiên Đường.

 

 

 



CAO XUÂN HUY

(1947-2010)


Cao Xuân Huy sinh tháng 9 năm 1947, quê nội ở Bắc Ninh, quê ngoại ở Hà Nam. Sau hiệp định Geneve 1954 chia đôi đất nước, gia đình ông cũng bị chia ly. Thân phụ ông theo kháng chiến, trở về Hà Nội, chị ông không vô Nam, ở lại với bố. Còn ông thì theo mẹ di cư vào Nam.

Ông nhập ngũ năm 1968, là cựu Trung Úy Ðại Ðội Phó ÐÐ 4 thuộc Tiểu Ðoàn 4 Thủy quân Lục chiến. Tại mặt trận Quảng Trị vào tháng 3, 1975, ông bị bắt làm tù binh và bị cầm tù 5 năm.

Năm 1982 ông vượt biên và đến Mỹ một năm sau đó.

Năm 1985, ông in cuốn hồi ký “Tháng Ba Gãy Súng”, là cuốn hồi ký được viết năm 1985, ghi chép lại những diễn biến của mặt trận Thừa Thiên- Huế cho đến khi tác giả bị bắt làm tù binh. Cuốn sách đã được tái bản đến 10 lần và có mặt trên 58 thư viện lớn trên toàn thế giới.

Năm 2005, nhà văn Cao Xuân Huy làm chủ biên tạp chí Văn Học (kế tục vai trò của nhà văn Nguyễn Mộng Giác) đến tháng 4 năm 2008 Văn Học phát hành số 236 thì đình bản vì lý do ông bị ung thư mắt, sức khỏe suy yếu nên không thể chăm lo cho tờ báo. Ngày 12-11-2010 nhà văn Cao Xuân Huy từ trần sau một thời gian dài bệnh nặng. Bốn tháng trước khi qua đời, ông cho ra mắt cuốn “Vài mẩu chuyện” do tạp chí Văn Học xuất bản.

 

 

 



THẢO TRƯỜNG

(1936-2010)

Nhà văn Thảo Trường tên thật Trần Duy Hinh, sinh ngày 25-12-1936 (giấy tờ ghi 1938) tại Nam Định trong một gia đình đông con, ông là người thứ chín. Thân phụ ông mất sớm, năm 1954 ông di cư vào Nam để lại mẹ và người chị ở quê nhà lo phụng dưỡng ông nội và coi sóc mồ mả tổ tiên. Nhưng sau đó, mẹ ông bị đấu tố, bị tịch thu hết nhà cửa ruộng vườn, phải ra ở ngoài gò đất giữa cánh đồng nước mênh mông. Vào Nam, nhà văn Thảo Trường gia nhập quân đội theo học khóa 6 Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, và chính thức viết văn.

Truyện ngắn “Hương gió lướt đi” là tác phẩm đầu tiên của ông đăng trên tạp chí Sáng Tạo do nhà văn Mai Thảo làm chủ bút. Nhà văn Thảo Trường tham dự chiến tranh Việt Nam suốt 17 năm. Ngày 30/4/1975 ông đi tù gần 17 năm, trải qua 18 nơi giam giữ. Sau khi ra tù một năm, ông sang Mỹ đoàn tụ với vợ con. Ông đã qua đời tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ, ngày 26-8-2010 vì bệnh ung thư gan, thọ 74 tuổi

Các tác phẩm đã xuất bản gồm:
Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Chung Cuộc (1969, xuất-bản chung với Du Tử Lê), Th. Trâm (1969), Bên Trong (1969), Ngọn Đèn (1970), Mé Nước (1971), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Bên Đường Rầy Xe Lửa (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Lá Xanh (1972), Hà-nội, Nơi Giam Giữ Cuối Cùng (1973) , Cát (1974), Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002) , Miểng (2005), Những miểng vụn của tiểu thuyết (2008).

 

 

 

PHẠM CÔNG THIỆN
(1941-2011)


Phạm Công Thiện sinh ngày 1 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho trong một gia đình Thiên Chúa Giáo. Từ tuổi thiếu niên ông đã nổi tiếng thần đồng về ngôn ngữ, năm 15 tuổi đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, và Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Sancrit và tiếng La Tinh.

Năm 1957, 16 tuổi, ông xuất bản cuốn tự điển Anh ngữ tinh âm, nhưng từ vài năm trước đó cho đến khi rời Việt Nam vào năm 1970, ông đã cộng tác với các báo và tạp chí như Bông Lúa, Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ. Cuối thập niên 1950 ông đi dạy Anh ngữ tại một số trường tại Sài Gòn. Năm 1960, ông khởi sự viết cuốn Ý thức mới trong văn nghệ và triết học khi chưa được 19 tuổi.

Ðầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang sống để an dưỡng sau một cuộc “khủng hoảng tinh thần.” Tại đây ông quy y ở chùa Hải Ðức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn.

Từ năm 1966-1968, ông là giám đốc soạn thảo chương trình giảng dạy cho tất cả các phân khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh. Năm 1968-1970, giữ chức trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện đại học này. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Ông rời Việt Nam từ năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Ðức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Tại đây ông lập gia đình và sau đó làm giáo sư triết học Tây phương của Viện Ðại học Toulouse. Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles, làm giáo sư ở College of Buddhist Studies. Từ khoảng năm 2005, ông sang cư ngụ tại Houston, tiểu bang Texas cho đến lúc qua đời ngày 8 tháng 3 năm 2011.

 

 

 

NGUYỄN CHÍ THIỆN
(1939-2012)

Nguyễn Chí Thiện sinh ngày 27 tháng 2, 1939 là một nhà thơ phản kháng chính thể CSVN. Ông đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản bắt giam tổng cộng 27 năm tù vì tội “phản động”.

Sinh trưởng tại Hà Nội, ông có một thời dạy học. Trong một bài giảng môn Sử năm 1960 do giảng bài không theo quan điểm nhà Nước nên ông bị bắt vì tội “phản tuyên truyền”.

Ông được thả năm 1964. Đến năm 1966 ông lại bị bắt giam vì làm thơ đả phá chế độ. Lần này ông bị giam đến năm 1977.

Năm 1979 Nguyễn Chí Thiện tìm cách chuyển tập thơ do ông sáng tác cho nhân viên sứ quán Anh tại Hà Nội. Vì lý do trên ông lại bị bắt. Đến ngày 28 tháng 10 năm 1991 ông được ra tù.

Năm 1994 ông được tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải thưởng Hellman/Hammett.

Tháng 1 năm 1995 ông được xuất cảnh sang Hoa Kỳ qua sự vận động của Đại tá Không quân Hoa Kỳ Noboru Masuoka. Nhưng số phận nghiệt ngã, tên tuổi của ông lại bị những ý đồ đen tối vùi giập một thời gian dài cho đến khi ông qua đời ngày 2 tháng 10 năm 2012 tại Santa Ana, quận Cam, California, Hoa Kỳ. Sau đây là lời nhận định của nhà phê bình văn học Thụy Khuê :

“Nguyễn Chí Thiện, trong sâu thẳm của thi ca, hình hài, và ngôn ngữ, trong tác phong, trong cách diễn đạt, là một nhân cách thật, một con người thật. Chỉ vì nói thật mà mắc vòng tù tội. Một con người ngây thơ, thành thật, ngơ ngác, vấp ngã trước bao giả trá, tàn ác của chế độ độc tài. Tính thật ấy toát ra trong lời nói, trong câu văn, không hoa mỹ, không vòng vo. Chất thật ấy bao trùm không gian, bọc lấy người nghe, như một điệu buồn, như một hồn ma không đất đậu trên quê hương mà gian dối đã thở thành sự thật. “

 

 

 



TUẤN HUY

(1933-2012)

Nhà văn Tuấn Huy tên thật là Nguyễn Năng Toàn sinh năm 1933 tại Hà Nội. Về sự nghiệp văn chương, Tuấn Huy được ghi nhận là thành công rất sớm. Trong 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, ông có một số tiểu thuyết vẫn được nhiều người nhắc đến như: Nỗi Buồn Tuổi Trẻ, Ngày Vui Qua Mau, Yêu trong bóng tối, Hương Cỏ May, Vòng tay Chờ Ðợi, ..v…v…

Vượt biển tìm tự do, trong thời gian tạm trú tại trại tỵ nạn, Tuấn Huy viết truyện dài“Bến Lỡ.” Sau khi định cư ở Hoa Kỳ, ông đã xuất bản thêm nhiều tác phẩm mới như “Dòng Sông Trong Giọt Nước,” “Thềm Sương Mù” (tiểu thuyết).“Xuôi Dòng Trầm Cảm” (tâm cảm) và, “Những Sợi Mưa Hư Ảo,” tiểu thuyết. Tác phẩm này tuy đã được in thành sách, nhưng ông chú thích “Ấn phẩm đặc biệt này dành riêng cho tác giả không bán.” Ngay nơi trang đầu của tiểu thuyết (có thể coi là sau cùng), nhà văn Tuấn Huy ghi “Thương nhớ Uyển Hương và gửi các con…” Tưởng cũng nên nói thêm, Uyển Hương là khuê danh người bạn đời của tác giả “Vòng Tay Chờ Ðợi.” Bà mất trong chuyến vượt biên hồi tháng 7 năm 1981 ở Biển Ðông.

Ông qua đời ngày 24 tháng 2 năm 2012, tại miền Nam California.

 

 

 



NGUYỄN MỘNG GIÁC

(1940-2012)

Ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1940 tại tỉnh Bình Định, miền Trung Việt Nam.

Thời kháng chiến chống Pháp 1946 đến 1954, ông học tiểu học và trung học tại vùng kháng chiến. Sau Hiệp định Genève 1954, ông tiếp tục học tại trường Cường Để (Quy Nhơn), trường Võ Tánh (Nha Trang), rồi học năm chót của bậc trung học tại trường Chu Văn An (Sài Gòn).

Sau khi học một năm ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ông ra Huế học Đại học Sư phạm ban Việt-Hán. Năm 1963, ông tốt nghiệp thủ khoa, khóa Nguyễn Du. Ngay năm ấy, ông được điều đến giảng dạy tại trường Đồng Khánh ở Huế. Năm 1965, ông được đổi vào Quy Nhơn làm Hiệu trưởng trường Cường Để.

Năm 1973, ông được thăng làm Chánh sở Học Chánh tỉnh Bình Định. Năm 1974, ông chuyển vào Sài Gòn làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục thuộc Bộ Giáo Dục cho đến 1975.

Về sự nghiệp văn chương, ông bắt đầu viết văn từ năm 1971, đã cộng tác với các tạp chí: Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức. Năm 1974, truyện dài Đường Một Chiều của ông được giải thưởng Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Tháng 11 năm 1981, sau khi vừa viết xong trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ, ông cùng con trai vượt biển, đến được đảo Kuku của Indonesia. Trong mấy tháng ở đây, ông đã viết một số truyện ngắn mà sau này xuất bản thành cuốn Ngựa Nản Chân Bon, và tập I của bộ trường thiên tiểu thuyếtMùa Biển Động.

Tháng 11 năm 1982, ông đến Hoa Kỳ, định cư tại Nam California, cộng tác với các báo: Đồng Nai, Việt Nam Tự Do, Người Việt, Văn, Văn Học Nghệ Thuật.

Từ năm 1986, ông làm Chủ bút tạp chí Văn Học ở California, Hoa Kỳ. Đến tháng 8 năm 2004, ông phải ngưng công việc làm báo vì phát hiện bị ung thư gan.

Ông đã qua đời ngày 2 tháng 7 năm 2012 tại tư gia ở thành phố Westminster (Orange County, California, Hoa Kỳ), thọ 72 tuổi.

 

 

 



THẾ UYÊN

(1935-2013)

Nhà văn Thế Uyên tên thực là Nguyễn Kim Dũng, sinh năm 1935 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn học. Mẹ ông là em ruột các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, và là chị nhà văn Thạch Lam.

Cùng với người anh ruột là nhà văn Duy Lam, Thế Uyên khi vừa qua tuổi 20, tên tuổi đã hiện diện trong làng báo. Ông là người sáng lập tạp chí Thái Độ, như là một điểm khởi hành mới trong hành trình chữ nghĩa của chính bản thân ông. Ông là tác giả các tác phẩm nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, như Mười Ngày Phép của một người lính, Tiền Đồn

Nhà văn Thế Uyên tốt nghiệp Trung học Chu Văn An, theo học tại Đại học Văn Khoa và Sư Phạm, trở thành giáo sư Việt văn, dạy tại nhiều trường trung học công lập ở miền Nam, rồi thuyên chuyển lên dạy ở Ban Mê Thuột trước khi được động viên vào khoá 14 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Trước năm 1975 ông đã xuất bản 21 cuốn sách, kể cả dịch cuốn Exodus của Leon Uris qua tiếng Việt là tác phẩm Về Miền Đất Hứa rất nổi tiếng được nhiều người tìm đọc

Sau 1975 ông bị đi tù cải tạo rồi đi định cư tại tiểu bang Washington Hoa Kỳ vào năm 1987. Ở đây ông vừa viết văn vừa đi học rồi đi làm. Ông đã có thêm mười tác phẩm được xuất bản: Sài Gòn sau mười hai năm, Con đường qua mùa Đông, Nghĩ trong mùa Xuân, Tuyển tập truyện ngắn Thế Uyên, Tuyển tập dâm tình của các nhà văn nữ Hoa Kỳ, Khu vườn mùa mưa, Nhà văn già và cô bé gù, Không một vòng hoa cho người chiến bại, Những người Mỹ chung quanh chúng ta.

Nhà văn Thế Uyên đã qua đời ngày 11 tháng 6, 2013 tại tư gia ở Bothell, tiểu bang Washington thọ 78 tuổi.

 

 

 

NGUYỄN XUÂN HOÀNG
(1940-2014)


Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 7 tháng 7 năm 1940 tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Thời niên thiếu, ông học ở trường Võ Tánh (Nha Trang), trường Petrus Ký (Sài Gòn).

Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Văn Khoa (Triết học), Viện Đại học Đà Lạt (1958-1961), rồi giảng dạy môn Triết tại trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hoà (1961-1962), tại trường Pétrus Ký ở Sài Gòn (1962-1975). Ngoài ra, ông còn làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn (1972-1974).

Năm 1985, ông đến Hoa Kỳ và định cư tại San Jose.

Năm 1986-1997, ông làm tổng thư ký báo Người Việt Daily News California).

Năm 1989- 1994, ông còn là tổng thư ký tạp chí Thế kỷ 21 (California) thuộc công ty Người Việt.

Năm 1994, ông ở trong ban chủ biên tạp chí Văn Học. Tháng 9 năm 1996, ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Văn, đồng thời ông làm tổng thư ký cho báo Việt Mercury trực thuộc nhật báo San Jose Mercury News của Hoa Kỳ từ tháng 11 năm 1998 đến tháng 11 năm 2005. Sau đó ông chủ trương báo Việt Tribune.

Ông cũng từng là giảng viên (lecturer) giảng dạy môn Văn học Việt Nam đương đại tại Đại học California-Berkeley. Sau một thời gian định cư tại San Jose (Bắc California), ông qua đời tại đây vào ngày 13 tháng 9 năm 2014.

Tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng đã xuất bản gồm:

Tập truyện ngắn
Mù sương (1966)
Sinh nhật (1968)
Truyện dài:
Bụi và rác (1996)
Khu rừng hực lửa (1972)
Kẻ tà đạo (1973)
Người đi trên mây (1987)
Sa mạc (1989)
Các thể loại khác
Ý nghĩ trên cỏ (tiểu luận, 1971)
Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu (tùy bút, 1974)
Căn nhà ngói đỏ (tạp ghi, 1989)…

 

 

 



NGUYỄN HỮU NHẬT

(1942-2014)

Nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật sinh ngày 22 tháng 6 năm 1942 tại La Khê, Hà Ðông, sống tại Hà Nội từ khi lên bốn tuổi. Cùng gia đình di cư vào Nam năm 1955.

Từ năm 1967 đến năm 1975 ông phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Sau 1975 ông kết hôn với nhà văn Nguyễn Thị Vinh. Ông bị đi tù cải tạo hai lần: lần thứ nhất từ năm 1975 đến năm 1982, lần thứ hai từ năm 1984 đến 1988.

Năm 1989 ông được định cư tị nạn tại Na Uy, sống cùng gia đình tại Oslo. Tại đây ông điều hành tủ sách văn nghệ Sài Gòn Nghĩa Thư và tạp chí Hương Xa cho đến khi qua đời ngày 11 tháng 12 năm 2014.

Tác phẩm đã xuất bản:

Quán đời (tiểu thuyết, 1971)
Hạc sen (thơ, 1991)
Chí tôn ca (thơ, 1995)
Đã đời (thơ, 1995)
Cuộc chiến (thơ, 1998)
Hoa đào năm ngoái (tiểu thuyết lịch sử, 2009
)

 

 

Từ năm 2015 tới 2017

 

 

MẶC ĐỖ
(1915-2015
)



Mặc Đỗ — tên thật là Đỗ Quang Bình – là nhà văn, nhà báo, dịch giả, là một trong những tên tuổi của văn học Miền Nam trước 1975.

Ông sinh năm 1915 tại Hà Nội. Học Luật nhưng không hành nghề và chọn viết văn.. Khởi đầu viết các truyện ngắn, kịch và dịch sách đăng báo.

Sau 1954 di cư vào Nam, cùng với Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan thành lập nhóm Quan Điểm, xuất bản sách của các thành viên trong nhóm.

Ông cũng đã cùng với các nhà văn Vũ Khắc Khoan, Tam Lang Vũ Đình Chí, nhà thơ Đinh Hùng, Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu Lưu Đức Sinh sáng lập tờ nhật báo Tự Do đầu tiên ở Miền Nam.

Sau 1975 ông định cư ở Mỹ và từ trần ngày 20 tháng 9 năm 2015 tại Austin, tiểu bang Texas – Hoa Kỳ.

Tác phẩm:

Bốn Mươi (1956), Siu Cô Nương (1958),
Tân Truyện I (1967),
Tân Truyện II (1973),
Trưa Trên Đảo San Hô (2011),
Truyện Ngắn (2014),
chỉ trừ Tân Truyện II (1973) do Nxb Văn, sách Mặc Đỗ đều xuất bản với tên Nxb Quan Điểm.

Dịch thuật:

Lão Ngư Ông và Biển Cả / Ernest Hemingway (Quan Điểm 1956);
Con Người Hào Hoa / F.Scott Fitzgerald (Quan Điểm 1956);
Một Giấc Mơ / Vicki Baum (Cảo Thơm 1966);
Người Vợ Cô Đơn / Francois Mauriac (Cảo Thơm 1966);
Thời Nhỏ Trong Gia Đình Luvers / Boris Pasternak (Văn 1967);
Tâm Cảnh / André Maurois (Văn 1967);
Anh MÔN / Alain-Fournier (Cảo Thơm 1968);
Vùng Đất Hoang Vu / Leo Tolstoi (Đất Sống 1973);
Giờ Thứ 25 / Virgil Georghiu (Đất Sống 1973).

 

 

 

VÕ PHIẾN

(1925-2015)

 

Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1925 tại huyện Phù Mỹ, Bình Định; Ông là tác giả của 4 tiểu thuyết, 9 tập tuỳ bút, nhiều tập truyện ngắn, một tập thơ và nhiều tác phẩm phê bình tiểu luận. Ông còn có bút danh là Tràng Thiên.

Năm 1933 Ông theo học trường làng và sau đó học trung học ở Quy Nhơn.

Năm 1942, ông ra Huế học trường Thuận Hóa và bắt đầu viết văn.

Năm 1945, Võ Phiến đi bộ đội cho đến năm 1946 thì ra Hà Nội học trường Văn Lang.

Năm 1948, ông kết hôn với bà Võ Thị Viễn Phố và dạy học ở trường trung học bình dân Liên Khu V.

Cuối năm 1954, ông ra Huế làm việc tại Nha Thông Tin một thời gian rồi chuyển vào lại Quy Nhơn, tại đây ông tự xuất bản hai tác phẩm đầu là Chữ tình (1956) và Người tù (1957).

Sau đó ông vào làm việc tại Sài Gòn và cộng tác với các báo Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn, Khởi Hành, Mai, Tân Văn, Bách Khoa…

Năm 1962, lập nhà xuất bản Thời Mới.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông định cư tại Los Angeles rồi Orange County, California Hoa Kỳ.

Ông qua đời ngày 28/09/2015 tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi.

Tác phẩm :

Chữ tình (Quy Nhơn, 1956)
Người tù (Quy Nhơn, 1957)
Mưa đêm cuối năm (Sài Gòn, 1958)
Đêm xuân trăng sáng (Sài Gòn, 1961)
Về một xóm quê (Sài Gòn, 1961)
Giã từ (Sài Gòn, 1962)
Thương hoài ngàn năm (Sài Gòn, 1962)
Thư nhà (Sài Gòn, 1963)
Tiểu thuyết hiện đại (1963)
Hăm bốn giờ trong đời một người đàn bà (dịch Stefan Zweig)
Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại (dịch Andre Mourois)
Truyện hay các nước 1 (dịch với Nguyễn Minh Hoàng)
Truyện hay các nước 2 (dịch với Nguyễn Minh Hoàng)
Một mình (Sài Gòn, 1965)
Tạp bút 1 (Sài Gòn, 1965)
Tạp bút 2 (Sài Gòn, 1965)
Tạp bút 3 (Sài Gòn, 1966)
Đàn ông (Sài Gòn, 1966)
Ảo ảnh (Sài Gòn, 1967)
Phù thế (Sài Gòn, 1969)
Tạp luận (Sài Gòn, 1973)
Chúng ta qua cách viết (Sài Gòn, 1973)
Đất nước Quê Hương (Sài Gòn, 1973)
Ông chồng muôn thuở (dịch Dostoievski)
Thư gửi bạn (Hoa Kỳ, 1976)
Ly hương (viết với Lê Tất Điều, Hoa Kỳ, 1977)
Nguyên vẹn (Hoa Kỳ, 1978)
Lại thư gửi bạn (Hoa Kỳ, 1979)
Văn học Miền Nam, tổng quan (Hoa Kỳ, 1987)
Truyện thật ngắn (Hoa Kỳ, 1991)
Quê (Hoa Kỳ, 1992)
Đối thoại (Hoa Kỳ, 1993)
Viết (Hoa Kỳ, 1993)
Sông và Viết (Hoa Kỳ, 1996)
Thơ thẩn (Hoa Kỳ, 1997)
Văn học Miền Nam, truyện 1 (Hoa Kỳ, 1999)
Văn học Miền Nam, truyện 2 (Hoa Kỳ, 1999)
Văn học Miền Nam, truyện 3 (Hoa Kỳ, 1999)
Văn học Miền Nam, ký (Hoa Kỳ, 1999)
Văn học Miền Nam, tùy bút và kịch (Hoa Kỳ, 1999)
Văn học Miền Nam, thơ (Hoa Kỳ, 1999)
Cảm nhận (Hoa Kỳ, 1999)

 

 

 

DƯƠNG KIỀN
(1939-2015)


Tên thật cũng là bút hiệu, Ông sinh ngày 28.12.1939 tại Huế.

– 1962, tốt nghiệp đại học Luật Khoa rổi gia nhập Luật Sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm. Kết hôn với ái nữ của dịch giả Trương Bảo Sơn và nhà văn Nguyễn thị Vinh.

– 1961-1963, chủ bút tạp chí Văn Học.

– 1966, được giải thưởng Văn chương toàn quốc với kịch bản «Sân khấu».

– 1968, ông nhập ngũ và là Phó Ủy Viên tại tòa Án Mặt Trận Quân Sự – Nha Trang.

– 1975-1979, Tù cải tạo 3 năm trại Long Giao.

– 1979, vượt biên và định cư tại Na Uy (Norway).

– Ông mất ngày 17-11-2015 tại Oslo, Na Uy.

Tác Phẩm:

1. Thú đau thương (thơ) (Tự xuất bản 1960)
2. Sân khấu (kịch) (nhà x.b Văn Học 1965)
3. Biển trầm lặng (truyện dài) (nhà x.b Đông Phương 1965)
4. Kẻ xa lạ (dịch) (nhà x.b Bốn Phương 1965)
5. Máu của mẹ (truyện ngắn) (nhà x,b Thứ Tư 1966)
6. Người tù sa mạc (dịch) (nhà x.b Thứ Tư 1968)
7. Luật giá thú, tử hệ, và tài sản cộng đồng (biên khảo) (nhà x.b Khai Trí 1965)
8. Mùa gặt giữa hư vô (thơ) (nhà x.b Tiếng Việt 1991)
9. Thế Kỷ 20 (biên niên sử) (nhà x.b Tiếng Quê Hương 2005)

 

 

 

PHÙNG NGUYỄN
(1950-2015)

Nhà văn Phùng Nguyễn, tên thật Nguyễn Ðức Phùng, sinh năm 1950 tại Quảng Nam. Sau khi học xong bậc tiểu học ở trường làng, năm 1961 thi đậu vào lớp Ðệ Thất trường trung học Trần Quý Cáp tại Hội An.

– Năm 1968 nhập ngũ.

– Ðến Hoa Kỳ năm 1984, ông theo học cao học quản trị kinh doanh, từng sống và làm việc trong ngành tin học tại California, Hoa Kỳ.

– Ông bắt đầu viết văn từ năm 1994, đã cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, talawas.org, tienve.org, damau.org,…

– Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hợp Lưu (năm 2002), đồng chủ trương tạp chí mạng Da Màu (2006), chủ trương thư viện online Trên Kệ Sách (2008), chủ trương trung tâm ấn hành eBook Kệ Sách (2011).

– Ông qua đời ngày 17 Tháng 11-2015 vì bệnh tim, tại một bệnh viện ở tiểu bang Maryland.

Tác phẩm:

– “Tháp Ký Ức,” NXB Văn, 1998,
– “Ðêm Oakland và Những Truyện Khác,” NXB Văn, 2001.

 

 

 


NGUYỄN ĐỨC LẬP

(1945-2016)

 

Nguyễn Đức Lập, tự là Chánh Phương, sinh năm 1945 tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.

Bút Hiệu: Nguyễn Đức Lập, Chánh Phương, Hương Giáo, Ngô Phụng Anh, tên rừng Hướng Đạo là Sóc Vui Vẻ.

Ông là con của nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy, Bà Tùng Long Lê Thị Bạch Vân và là bào đệ của nhà thơ Trạch Gầm.

Ông học trung học ở trường Pétrus Ký, là cựu sinh viên luật khoa Đại Học Đường Sài Gòn, và nguyên luật sư Toà Thượng Thẩm, Sài Gòn.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, về làm rẫy ở ấp Phước Lập, xã Phú Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Ông vượt biên tháng 8 năm 1980, ở trại tỵ nạn Palawan, sau đó đến trại chuyển tiếp Bataan, Philippines rồi định cư tại Hoa Kỳ năm 1983.

Đã cộng tác với các báo Tin Việt, Làng Văn (Canada), Hoa Thạnh Đốn Việt Báo, Nhân Văn, Văn Học, Đường Sống, Hoa Sen, Sức Sống, Thời Báo, Trẻ (Dallas).

Ông là Trưởng Hướng Đạo, sinh hoạt trong phong trào Hướng Đạo Việt Nam.

Năm 1999, ông cùng nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nhà báo Du Miên, giáo sư Trần Lam Giang, nha sĩ Võ Trọng Di thành lập Thư Viện Việt Nam, tại Nam California, hiện tại vẫn còn hoạt động.

Ông từ giã cõi trần vào ngày 29 tháng Hai, 2016, tại Houston, Texas, hưởng thọ 71 tuổi.

Tác Phẩm Đã Xuất Bản:

Thơ:

Những Đêm Không Ngủ, 1986

Truyện Ngắn:

Cuộc Chiến Tàn Chưa, 1987
Cặp Mắt Quay Lại, 1992
Khung Rào Hẹp, 1992
Lớp Trước, Lớp Sau, 1994

– Truyện Dài:

Kiếm Đạo 1, Bảo Kiếm Tặng Anh Hùng, 1987
Kìếm Đạo 2 Thần Thư Trao Hào Kiệt, 1987
Ngắn Cổ Khó Kêu, 1989
Nhứt Biết Nhì Quen, 1990
Phong Vũ Tiêu Tiêu, Lôi Vũ Động, 1991
Giàn Đậu Mưa Rung, 1992
Trần Ai Khoai Củ, 1994
Mảnh Vụn Một Đời, 1999
Đi Trước Về Sau, 2009

Hương Giáo Đề Thơ, 2016 (Tập đầu tiên ấn hành năm 1990 gom những bài viết trong 5 năm đăng trên tờ Bách Khoa, sau đó Mục Hương Giáo Đề Thơ đăng đều đặn trên tờ Thời Báo của Du Miên). Thay Lời Tựa trong tập I nầy anh viết: “Đây là tập thư của vị thầy giáo làng gởi cho đứa học trò (Lê Văn Cui) cả đời không học hết được túi khôn của thánh hiền…”.

 

 

 

TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG
(1938-2016)


Tạ Chí Đại Trường là một nhà sử học và là nhà nghiên cứu văn hóa .

Ông sinh ngày 21 tháng 6 năm 1938 tại Nha Trang, là con của nhà Hán học Tạ Chương Phùng vốn là nhà hoạt động phong trào độc lập dân tộc trong thập niên 1940 – 1950 cùng với ông Ngô Đình Diệm.

Năm 1964 Tạ Chí Đại Trường tốt nghiệp bằng Cao học Lịch sử tại Viện Đại học Sài Gòn rồi nhập ngũ. Ông phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1964 cho tới năm 1974 với quân hàm Đại úy.

Năm 1964, Ông viết tác phẩm ‘Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802”, đặt lại vấn đề về vai trò của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Lịch Sử Nội Chiến tại Việt Nam 1771-1802. Cuốn này được tặng Giải Thưởng Tổng Thống VNCH năm 1970.

Sau năm 1975, ông bị đi cải tạo cho đến năm 1981.

Tháng 8/1994, ông đi định cư tại Hoa Kỳ, cộng tác với một số tạp chí như Văn, Văn Học, Hợp Lưu.

Đầu thập niên 2000, ông về Sài Gòn chữa bệnh và mất ở đó vào ngày 24-3-2016.

Tác Phẩm :

1 Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Nxb. Văn Sử học, Sài Gòn 1973.
2 Thần, người và đất Việt, Nxb. Văn Nghệ, Hoa Kì 1989; Văn Học xb., Hoa Kì 2000.
3 Một khoảnh Việt Nam Cộng hoà nối dài, Nxb. Thanh Văn, Hoa Kì 1993.
4 Việt Nam nhìn từ bên trong và bên ngoài, bài viết riêng được gộp chung với Nguyễn Xuân Nghĩa, Nxb. Văn Lang, Hoa Kì 1994.
5 Những bài dã sử Việt, Nxb. Thanh Văn, Hoa Kì 1996.
6 Những bài văn sử, Văn Học xb., Hoa Kì 1999.
7 Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt: Một lối nhìn khác. Bài viết cho Williams Joiner Center (UMASS/Boston) 2002.
8 Sử Việt đọc vài quyển, Văn Mới xb., Hoa Kì 2004.
9 Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam, bản thảo bắt đầu 2005. Văn Mới, USA 2009.
10. Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861-1945), bản thảo 1975. Nxb. Tri Thức & Nhã Nam, 2011.

 

 

 

VŨ HUY QUANG
( 1942-2017)

Vũ Huy Quang sinh ngày 9.7.1942 tại Hải-Phòng

Vào Nam năm 1954, đến California tị nạn sau năm 1975.

Trước năm 1975 là một đại uý trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và ông chỉ bắt đầu sự nghiệp sáng tác và biên dịch văn học tại Mỹ.

Ông cộng tác với nhiều tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại dưới các bút hiệu Diệu Phong, Tam Trương, Thăng Long Văn Sĩ.
Sau nhiều năm ở Nam California, ông đến sống tại Pacifica, Bắc California, và mất ở đó vào ngày 14 tháng Giêng năm 2017 sau một thời gian chống trả bệnh ung thư, thọ 74 tuổi

Tác phẩm đã xuất bản :

– Mười Tân Truyện Liêu Trai (1991).
– Câu Chuyện Triết Lý (1992).
– Chín Truyện Ngắn (1992).
– Nơi Trại Trừng Giới (dịch, 1988).
– Đường Lên Trời (dịch, 1989).
– Nhục Bồ Đoàn (dịch, 1990).

 

 

 

PHAN LẠC PHÚC

(1928-2016)

Nhà Văn, nhà báo Phan Lạc Phúc, bút hiệu Ký Giả Lô Răng, sinh năm 1928, là bào huynh của nhà văn Phan Lạc Tiếp.

Ông tốt nghiệp Khóa 2 Thủ Đức và năm 1955, ông mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TĐ 14 Việt Nam, tiếp thu Bình Định.

– Năm 1956 làm việc tại Phòng 5 Bộ TTM.

– Năm 1957, ông được gửi đi học khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí (Press Information Officer) tại Ft. Slocum, New York, Mỹ.

– 1958, ông là Phụ tá Trưởng Phòng 5 Bộ TTM và lần lượt đảm trách các chức vụ:

– Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh Hải Quân,

– Sĩ quan thuộc Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Thiếu Tướng Dương Văn Minh.

– Năm 1964, Trưởng Khối Huấn Luyện của trường Chiến Tranh Chính Trị.

– Văn phòng của Tướng Trung Hoa Dân Quốc Vương Thăng, cố vấn của Bộ TTM. VNCH về “Lục Đại Chiến.”

– Năm 1965, là Chủ bút của tờ nhật báo Tiền Tuyến và mở mục Tạp Ghi dưới tên Ký Giả Lô Răng.

– Năm 1973, học khóa Chỉ Huy Tham Mưu tại Long Bình.

– Tham Mưu Phó CTCT Quân Đoàn III tại Biên Hòa.

– Biên tập Tập san Quốc Phòng (trường Cao Đẳng Quốc Phòng).

Sau biến cố tháng Tư, 1975, Trung Tá Phan Lạc Phúc đã qua các trại tập trung Long Giao, Suối Máu, ra Bắc ở Liên trại 2 Sơn La, Phù Yên, Thanh Phong, Tân Kỳ (Nghệ Tĩnh), Hà Nam Ninh, sau cùng là Xuân Lộc Z.30D. Ra tù năm 1985.

Năm 1991, vợ chồng ông đến định cư tại Sydney, Úc theo diện đoàn tụ do ái nữ bảo lãnh.

Ông cầm bút trở lại, và cũng với thể loại tạp ghi xuất hiện trên nhiều tờ báo khác tại Úc Châu như Chiêu Dương, Văn Nghệ, Việt Luận, Dân Việt và Ngày Nay (Mỹ), Quê Mẹ (Pháp), Thời Báo (Canada).

Ông qua đời vào ngày 28 tháng 4 -2016 vì đột quỵ tại Sydney (NSW) Australia.

Tác phẩm:

– Bạn Bè Gần Xa (2000,)
– Tuyển Tập Tạp Ghi (2002).

 

 

 

BÙI BẢO TRÚC

(1944-2016)

Ông sinh năm 1944 tại làng Trình Phổ, tỉnh Thái Bình. Đi học ở tỉnh Hải Phòng năm 1952, sau lại dời lên Hà Nội vào năm 1953 để theo học Tiểu học tại trường Lý Thường Kiệt nằm ở phố Sinh Từ.

Năm 1954 ông di cư theo gia đình vào Nam, theo học nốt chương trình bậc Tiểu học ở trường Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn, sau đó tiếp tục bậc Trung học ở trường Chu Văn An, và tốt nghiệp Tú tài Toàn phần, Ban C năm 1963.

Sau đó ông du học ở Tân Tây Lan (New Zealand) và trở về nước năm 1965 để dạy Anh ngữ ở Hội Việt Mỹ và trường London School của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh.

Thời gian sau ông qua làm việc với Phủ Tổng Ủy Dân Vận và Chiêu Hồi của ông Hoàng Đức Nhã.

Năm 1973 ông đảm nhiệm chức vụ phát ngôn viên chính phủ VNCH.

Năm 1974, ông làm việc tại Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Anh Quốc, và sau biến cố tháng 4-1975, ông qua Canada vào tháng 6 cùng năm.

Năm 1977 ông làm việc cho đài VOA ở Hoa Thịnh Đốn cho đến năm 2001 thì nghỉ hưu. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục viết loạt bài Thư Gửi Bạn Ta cho nhiều báo, được rất đông độc giả tán thưởng.

Ông cũng cộng tác với đài Little Saigon Radio, Hồn Việt TV trong hai chương trình Ngày Này Năm Xưa, Chào Hoàng Hôn mỗi ngày, và Anh Ngữ Trong Đời Sống hằng tuần.

Sau vài tháng trở bệnh, ông từ giã cõi trần vào ngày 16-12-2016 tại Fountain Valley, California.

 

 

 



MINH ĐỨC HOÀI TRINH

(1930-2017)

Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, sinh ngày 15 Tháng Mười, 1930 tại Huế.

Năm 1945 Bà tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó bỏ về Huế tiếp tục học.

Năm 1964 bà đi du học tại Pháp về ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Đông Phương La Sorbonne, Paris.

Năm 1967 bà ra trường và làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF.

Năm 1972 bà được cử theo dõi và tường thuật cuộc hòa đàm Paris.

1973 Bà sang Trung Đông theo dõi cuộc chiến Do Thái, một thời gian sau bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Tháng 4 1975, bà trở lại Paris, nỗ lực tranh đấu cho những văn, thi nghệ sĩ bị cộng sản cầm tù. Bà cũng là người cùng với các văn nghệ sĩ đang sống ở Pháp như ký giả Trần Tam Tiệp, nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan, nhà văn Trần Thanh Hiệp đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhận là hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế tại Rio de Janeiro, Ba Tây vào năm 1979.

Trong sinh hoạt sáng tác, bà thường lấy các bút hiệu như Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử, và là một trong những ngòi bút nổi tiếng của miền Nam Việt Nam.

Bà từ trần ngày 9 tháng 6, 2017 tại Quận Cam, Nam California, hưởng thọ, 87 tuổi.

Tác phẩm đã xuất bản :

Lang Thang (1960), Thư Sinh (1962), Bơ Vơ (1964), Hắn (1964), Mơ (1964), Thiên Nga (1965), Hai Gốc Cây (1966), Sám Hối (1967), Tử Địa (1973), Trà Thất (1974), Bài Thơ Cho Ai (1974), Dòng Mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976), Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang Paris 1976), This Side The Other Side (Occidental Press USA 1980), Bên Ni Bên Tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985), Niệm Thư 1 (tái bản 1987), Biển Nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990).

 

 

Nhật Tiến 
biên soạn

Tổng hợp từ nhiều nguồn
nhavannhattien.wordpress.com


==============