Hai chị em ruột cùng nổi danh trên văn đàn
Minh Đức Hoài Trinh cùng người chị Linh Bảo là một trong những trường hợp mà anh, chị, em là người trong gia đình cùng theo văn nghiệp và nổi danh trên văn đàn.
Trên văn đàn Việt Nam thời tiền chiến có cụ Quách Tấn sau này có con là Quách Giao chung nghề viết lách và có viết cùng nhau một quyển sách.
Cũng nên phải kể thêm ba anh em gia đình Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) và Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) chưa kể đến hậu duệ. Đây là trường hợp hiếm có trong lịch sử văn học Việt Nam.
Văn học Sài Gòn thời kỳ 1954-1975 ghi nhận có gia đình mà hai anh em hoặc chị em cùng viết văn và đều thành danh trên văn đàn. Đó là hai chị em Linh Bảo, Minh Đức Hoài Trinh. Gia đình nhà văn Mặc Khải và hai con là Nguyễn Thị Thụy Vũ (chị), Hồ Trường An (em trai)...
Phần này chỉ xin nói sơ lược về hai chị em nhà văn Linh Bảo và Minh Đức Hoài Trinh. Cả hai là con của cụ Võ Chuẩn - nguyên Tổng đốc Quảng Nam - và mẹ thuộc dòng hoàng tộc.
Linh Bảo tên thật là Võ Thị Diệu Viên (sinh năm 1926). Lúc trẻ qua Quảng Châu, Trung Quốc du học, năm 1950 sang Hương Cảng và lập gia đình với một người Hoa, quốc tịch Anh tên Trần Linh Bảo. Bà Diệu Viên đã lấy tên chồng làm bút hiệu suốt đời văn của mình.
Bản thảo đầu tay của Linh Bảo là một tự truyện được viết theo ngôi thứ nhất mang tên Gió Bắc.
Bà nhờ Nguyễn Thị Vinh đọc giùm bản thảo. Sau khi đọc xong, Nguyễn Thị Vinh đưa bản thảo của Linh Bảo cho nhà văn Nhất Linh đọc. Nhất Linh đã viết thư khuyến khích Linh Bảo đi vào con đường văn chương và sửa lại tên quyển sách là Gió Bấc. Vào năm 1953, quyển truyện dài Gió Bấc được Nhà xuất bản Phượng Giang (của nhóm Tự lực Văn đoàn) ấn hành.
Về nước năm 1957, bà trở thành ngòi bút chủ lực ở tạp chí Văn hóa ngày nay của Nhất Linh (chỉ có Nguyễn Thị Vinh và Linh Bảo là hai cây bút nữ trong nhóm Văn hóa ngày nay - được xem như là hậu thân của nhóm Tự lực Văn đoàn ngày xưa), Tân phong, cộng tác với tạp chí Bách khoa… Tập truyện ngắn Tàu ngựa cũ của bà đoạt giải Văn chương năm 1961. Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã viết một lá thư riêng nhận xét:
“… Tôi ngạc nhiên lắm. Bề ngoài chị rất là đờn bà, nhưng sao văn chị như văn đờn ông thế. Đọc xong bốn kỳ Những đêm mưa, tôi ngán sợ chị ghê lắm, sợ cái tài quan sát nội tâm và ngoại cuộc của chị rất là bất ngờ, mà nhất là sợ cái cười bình thản của chị vô cùng. Sợ đây không phải là phục. Đành là phục rồi, khỏi phải nói, mà sợ bị chị quan sát và cười, mặc dầu chỉ cười thầm thôi…”.
Đáng chú ý là truyện Con chồn tinh quái. Truyện dài này bắt đầu in từng kỳ từ Văn học số 3 (Xuân 1963). [...]
Không hiểu sao Linh Bảo là một loài chim thiên di thì cô em Minh Đức Hoài Trinh cũng sống một cuộc đời ly hương từ khi còn trẻ và phải nói là cuộc đời bà khá ly kỳ.
Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, những bài viết đầu tiên bà chỉ lấy bút danh hai chữ gọn lỏn là Minh Đức. Năm 1955 đã thấy bút hiệu Minh Đức xuất hiện trên Văn nghệ tập san (Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Thục) với loạt bài về “Nghệ thuật hóa trang” và truyện ngắn Một cái Tết (Xuân 1956) với nội dung nói về một cái tết Việt ở Paris.
Sau này, trên tạp chí Bách khoa số đầu tiên (15/1/1957) bút hiệu Minh Đức lại xuất hiện dưới truyện ngắn Sau giấc ngủ mười năm. Còn tại sao là Minh Đức Hoài Trinh thì theo lời bà kể vì sau này thấy có một người viết khác ký tên là Minh Đức nên bà thêm vào hai chữ Hoài Trinh để dễ phân biệt.
Tổng hợp từ một số tư liệu, được biết bà tham gia kháng chiến từ năm 1945 và được theo học một lớp văn nghệ tại Khu IV (Quần Tín - Thanh Hóa) do Trung tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Khu IV đứng ra mở lớp mà thầy dạy là Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh, Vũ Ngọc Phan, Sỹ Ngọc.
Bạn cùng lớp là nhà văn Vũ Tú Nam, Nguyễn Mạnh Cầm (nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao). Nhạc sĩ Phạm Duy có gặp bà trong thời kỳ này (năm 1948) đã kể lại trong hồi ký Vang vọng một thời.
“Tôi bấy giờ đang là quân nhân... bỗng gặp lại Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được mười bảy tuổi từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đèn pha ô tô”..
=============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét