N - AN NINH THẾ GIỚI - AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG - VĂN NGHỆ CÔNG AN
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Một trí thức thiện lương
1. Được sống cho mình với Nguyễn Thị Hậu là trở lại với chuyên môn làm khảo cổ, như một cuộc trở về với cái tên "Hậu khảo cổ" mà chị đã sử dụng khi tham gia mạng xã hội. Khi đó, hễ có thời gian, chị lại cùng đồng nghiệp lên đường theo tiếng gọi của đam mê "đi và tìm trong đất".
"Các bạn đi làm khảo cổ ở đâu, nếu mình cảm thấy sức khỏe đảm bảo thì các bạn vẫn chào đón. Tôi không nghĩ gì về chuyện tiền nong mà điều quan trọng nhất là mình muốn tiếp tục cái nghề của mình, và các bạn cũng muốn một người làm nghề có kinh nghiệm đi cùng. Bởi vậy, tôi đi cùng các bạn, không chỉ các bạn vui mà mình cũng được vui!", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ.
Có thể nhiều người sẽ nghĩ chị "ôm việc" để khuây khỏa tinh thần lúc về hưu. Bởi cảm giác biết mình đã trở thành "người thừa" của xã hội, của gia đình không hoàn toàn dễ chịu chút nào. Đó là một thực tế đầy khắc nghiệt không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận. Đôi khi với một số người còn là cuộc khủng hoảng tinh thần, vậy nên phải "ôm việc" để mà quên.
Nhưng với những ai quen biết và dõi theo Nguyễn Thị Hậu đều hiểu rằng, ai khủng hoảng thì khủng hoảng, còn chị chắc chắn không! Chính lúc về hưu là khoảng thời gian khiến chị bận rộn hơn cả, và niềm vui cũng theo đó nhân lên. Bởi đây là lúc chị được làm những công việc mà mình đam mê.
Ngoài đi làm khảo cổ với đồng nghiệp, chị còn tham gia giảng dạy tại trường đại học, tham gia vào các đề tài nghiên cứu trong vai trò hướng dẫn hoặc phản biện. Thêm một đam mê nữa mà chỉ đến khi về hưu, chị mới có nhiều thời gian dành cho nó, đó là đọc sách và viết.
Thực ra, trước khi về hưu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đã có nhiều đầu sách cả chuyên ngành lẫn văn chương như Đi và tìm trong đất, Quay qua quay lại, Khảo cổ học bình dân Nam Bộ - Việt Nam, Buổi trưa trong quán cà phê, Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ.
Quãng mười năm trước, cái tên "Hậu khảo cổ" được cộng đồng mạng với đủ thành phần lứa tuổi theo dõi và tìm đọc. Từ những bài viết trên Internet, về sau được chị tập hợp in thành sách.
Nói không quá lời, chính mạng Internet đã "phát lộ" một nhà văn sau một Tiến sĩ Khảo cổ học! Đến lúc về hưu, viết trở thành thói quen hằng ngày của chị. Mỗi ngày chị đều dành thời gian ngồi vào bàn viết sau khi đã đọc sách, đọc báo.
Từ sự lao động nghiêm túc ấy, gần 3 năm qua, chị đều đặn có sách gửi tới bạn đọc: Thế giới mạng và tôi, Cách nhau chỉ một giấc mơ, Tập truyện 101 chữ, Chúng ta nói gì khi gặp lại nhau. Chưa kể, còn hai cuốn sách cũng đang chờ được ra mắt, gồm: Vẫn còn nhớ nhau và Nghĩ ngợi đường xa.
2. Tôi thích đọc tản văn của chị, với câu chữ rù rì như thương như yêu. Những bài viết với dung lượng chữ không nhiều nhưng lại có sự hài hòa giữa các vấn đề được viết một cách chỉn chu, mang tính khoa học bên cạnh sự tinh tế, xúc cảm của trái tim phụ nữ. Có thể bắt gặp điều này trong cuốn sách Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau xuất bản gần đây của chị.
Ở đó, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản được chị lồng ghép vào những bài tùy bút ngắn, đầy cảm xúc mà lẽ ra vấn đề này phải cần đến một công trình khoa học hết sức nghiêm túc. Trong vai trò của một trí thức, một người làm chuyên môn hay đơn thuần chỉ là một người viết, những bài viết mang đến hàm lượng thông tin chuẩn xác, nghiêm cẩn nhưng cũng đầy tinh tế, mềm mại. Nhờ đó, thông điệp bảo tồn và phát huy di sản trở nên gần gũi, dễ dàng đồng cảm với những người quan tâm.
Chỉ khi bảo tồn và phát huy di sản ngày hôm nay thật tốt, thì chúng ta mới có thể gìn giữ và làm "của nả" cho thế hệ tương lai; bởi một lẽ như chị đã viết: "Ai cũng biết bảo tồn di sản chính là gìn giữ mối liên hệ giữa quá khứ và tương lai thông qua những "vật chứng" như các di tích, di vật, lễ hội… thông qua ký ức lịch sử mà thế hệ trước di truyền cho thế hệ sau".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, những gì viết ra giúp bản thân nhìn được một khía cạnh nào đấy của chính mình mà mình chưa biết. Chị bảo: "Viết cũng giống như khi mình nói chuyện với một người, nó làm bộc lộ ra nhiều ý nghĩ. Có thể lúc mới bắt đầu đặt bút viết, mình không nghĩ rằng mình sẽ viết được ý đấy, đến khi tự mình tương tác với mình trong khi viết, tự nhiên lại bật ra những ý nghĩ mà mình thấy rằng nó đã nằm trong mình rồi.
Việc viết mang lại lợi ích đầu tiên là phát hiện trong bản thân mình có những suy nghĩ, kể cả xấu cả tốt. Đó giống như một cuộc khám phá bản thân, khám phá nhận thức của mình về xung quanh, về con người, và nó điều chỉnh mình".
Thời gian gần đây, cùng với rất nhiều trí thức trong xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng là một trong những người có nhiều bài viết mang tính phản biện mạnh mẽ, đăng tải trên các trang báo và trang cá nhân. Tiếng nói của chị cũng như của giới trí thức nói chung thực sự cần thiết trong xã hội đang có nhiều biến động, nhiều giá trị bị đảo lộn như hiện nay.
Chị kể: "Có lẽ giai đoạn làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển là giai đoạn cho tôi kiến thức và cách tiếp cận các vấn đề xã hội để mình nói một cách đúng mực và khách quan.
Tôi vẫn cho rằng, người có tri thức luôn luôn phải nhận thức cái gì đúng, cái gì sai, cái gì còn khiếm khuyết cần phải đổi mới, xây dựng. Nhưng trong vai trò của một người tham gia vào bộ máy chính quyền, thậm chí giải quyết một số vấn đề liên quan, đặc biệt về văn hóa xã hội thì tôi cũng có thêm một góc nhìn nữa, đó là nguyên nhân vì sao nó lại như thế hoặc những cản trở nào khiến việc đó không thể thay đổi được. Cách tiếp cận của tôi khi phản biện đều là chia sẻ về những hiểu biết của mình về nguyên nhân, những khó khăn cũng như giải pháp khắc phục.
Đương nhiên, những giải pháp ấy đều phải dựa trên những dữ liệu về mặt khoa học, chứ không phải nói theo cảm tính. Khi viết, tôi luôn đặt mình trong tâm thức đóng góp để câu chuyện trở nên tốt hơn. Ngoài ra, tôi đặt mình ở vị thế của những người đang làm việc đấy để chia sẻ với họ".
Chị nói, cũng có lúc chị không tránh được cảm giác bi quan nhưng chưa khi nào chị có ý nghĩ dừng lại. "Tôi nghĩ mình vẫn phải làm một điều gì đấy, dù nhỏ thôi nhưng góp phần thay đổi, giúp xã hội ngày một tốt hơn. Tôi vẫn sẽ tiếp tục vì những bài viết của tôi luôn hướng đến cho cộng đồng. Đã xác định được như vậy nên đương nhiên, tôi không nản và vẫn kiên trì làm như vậy".
3. Điều mà mọi người dễ dàng nhận thấy ở Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu là sự giao hòa giữa hai nền văn hóa Bắc - Nam rõ rệt. Ở chị vừa có sự tinh tế, nhẹ nhàng của người Hà Nội; vừa có sự thẳng thắn, mạnh mẽ của người Sài Gòn. Đặc biệt, giọng nói của chị vẫn "đặc sệt" Hà Nội. Đó có lẽ là dấu tích của thời gian sống ở Hà Nội, trước khi chuyển vào TP HCM.
Vào những năm 1954-1955, ba mẹ chị ra Bắc tập kết, chị được sinh ra và lớn lên trong thời gian ba mẹ trải qua cuộc sống gần nửa thế kỷ ở Hà Nội. Chị như nhiều đứa trẻ cùng hoàn cảnh được sinh ra vào thời gian đó, nghiễm nhiên trở thành thế hệ có hai quê.
Cuộc di dư mang tính lịch sử ấy với chị cũng là một may mắn, để sau này, khi xa Hà Nội lúc vừa bước sang tuổi 17, là thời điểm chị theo ba mẹ trở về Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975; trong ký ức chị vẫn lưu giữ hình ảnh về một Hà Nội thơ mộng. Lòng chị vẫn đầy thổn thức khi nhớ về cái lạnh đặc trưng vào mùa đông, tiếng ve ran inh ỏi suốt mùa hè, tiếng tàu điện leng keng khuya sớm…
Nỗi nhớ ấy tiếp tục dẫn dắt chị về những ngày tết của Hà Nội, khi phải xếp hàng mua đồ tết cho mẹ. Có khi là miếng bóng, hộp mứt, gói bột ngọt... Năm nào khá hơn thì mang bột đi làm bánh bích quy. Chị nhớ thêm về những nhành hoa mà chỉ dịp tết mới được chưng trong nhà.
Thời đó, chỉ dân phố cổ nhà có của ăn của để mới chưng đào; còn nhà chị năm này qua năm khác vẫn lựa chọn thược dược vì loại hoa đó rẻ, lại chưng được lâu. Sau này, khi đã thành thiếu nữ, biết mơ mộng hơn một chút, chị mới chuyển sang violet và lay ơn trắng…
Bằng cách này hay cách khác, ký ức về những ngày tết của Hà Nội vẫn in đậm trong tâm trí chị như vậy cho dẫu những cái tết sau này ở TP HCM đã không còn những thiếu thốn, không còn cảnh tem phiếu, xếp hàng. Thì lúc này, tết với chị là khung cảnh sum họp đoàn viên của gia đình.
Chị bảo, chị đồng ý loại bỏ những thủ tục rườm rà không cần thiết, kể cả việc con cái có thể đi du lịch nếu có điều kiện nhưng chị vẫn muốn giữ một cái tết truyền thống bởi tết trong chị vẫn là sự thiêng liêng.
"Tết là dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nói có vẻ hơi lãng mạn nhưng nó thực sự là như vậy. Ngoài ra đây cũng là dịp để trở về truyền thống; bình thường, một năm chúng ta có thể lướt qua rất nhiều dịp nhưng ba ngày tết, mối quan hệ giữa mình với bố mẹ, với gia đình, họ hàng sẽ rất khác. Bởi vậy, ngày tết là dịp sum họp của gia đình, nhất thiết vẫn phải có bữa cơm cúng ngày 30 đón ông bà rồi sau đó là bữa cơm tiễn ông bà đi", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu thủ thỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét