Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

đọc thêm (3) ; " Gs Hoàng Như Mai: "muốn được chết với kịch thơ ' Kiều Loan' " / Văn Bảy -- trích: thethaovanhoa.vn> -- (29- 09- 2013 )

 

GS Hoàng Như Mai: Muốn được 'chết' với kịch thơ 'Kiều Loan'


VĂN BẢY
Chủ Nhật, 29/09/2013 09:30 GMT+7

    (Thethaovanhoa.vn) - Hoàng Như Mai (1919-2013) là một nhà giáo kì cựu, với 70 năm cống hiến cho ngành giáo dục, điều mà rất ít người làm được. Thế nhưng, đằng sau cặp “mắt kiếng” sư phạm ấy là một tâm hồn kịch nghệ dạt dào, nó giúp ông có những tiết giảng sinh động, thu hút.
    Trong lĩnh vực kịch nghệ, ngoài diễn kịch, Hoàng Như Mai còn viết vài kịch bản đáng nhớ như Tiếng trống Hà Hồi (1948), Dòng sông biên giới (1957), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (1982)…; theo nhà thơ Phan Hoàng thì ông còn viết Sát Thát, Người tù binh.

    Kịch sĩ “liều”
    Ở tuổi đôi mươi, hai vợ chồng Hoàng Như Mai đã khóa trái cửa nhà gửi hàng xóm để đi diễn kịch. Cơ duyên của điều này vì ông chơi thân với nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Sĩ Tiến [ SỸ Tiến ]  từ năm 1940. Năm 1946, họ rủ nhau Nam tiến để diễn kịch tuyên truyền chống thực dân Pháp. Đoàn kịch có tên Độc Lập, gồm Đào Mộng Long, Sĩ Tiến, Tô Hải, Thu Hà, Hoàng Như Mai và vài người khác.
    GS Hoàng Như Mai.-- ảnh: Nguyễn Đình Toán
    Ông kể: “Chúng tôi đi vào Nam bằng tàu hỏa. Đến Huế thì dừng lại, tập kịch. Tôi nhớ lúc sắp ra mắt đồng bào thì bỗng có lệnh bắt “Việt gian” Đào Mộng Long (sau đó mới biết là bắt nhầm). Anh Long tự ra nộp mình. Đã quảng cáo rồi, không thể thôi được và cũng cần phải diễn để kiếm tiền (đoàn chúng tôi tự túc), nhưng thiếu anh Long, không biết làm cách nào. Ai cũng có vai cả, chỉ còn mình tôi là người lo công tác giao dịch nên không nhận vai diễn. Vậy là tôi liều nhận đóng thay các vai của Đào Mộng Long. Cho đến lúc đó, tôi chưa một lần lên sân khấu”.
    Chỉ lần “cứu bồ” đó thôi mà ông thành diễn viên kịch dài cả chục năm, đi lưu diễn “chui” (nhằm tránh thực dân Pháp) ở miền Trung, miền Nam. Ông kể, bản thân cũng có tham gia diễn vở Tiếng trống Hà Hồi của mình một vài lần. Vở này lúc đó cũng được lưu truyền chui, nhưng nhiều nơi diễn và được nhiều người xem. Trong cuộc trò chuyện với Phan Hoàng, ông nhận xét: “Tôi nghĩ vở kịch cũng được thôi, không có gì xuất sắc, nhưng vì khán giả thấy ở nó tín hiệu tổng phản công quét sạch quân xâm lược cho nên nó thành ra nổi tiếng”.
    Chính quãng thời gian diễn kịch này đã là nguồn cảm hứng lớn để khi trở lại giảng đường, Hoàng Như Mai là người rất có duyên với nghiên cứu, giảng dạy về sân khấu. chuyên đề về kịch nói của ông lúc nào cũng thu hút rất nhiều sinh viên vào nghe, dù đó có thể không phải là tín chỉ của họ. Đọc những sách như Trần Hữu Trang - soạn giả ca kịch cải lương (1982), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986)… đã thấy thích thú, nghe ông giảng trực tiếp còn thú vị hơn. Đôi khi lên lớp, ông dành ra một hai tiết “xé rào” để đi sâu vào một vở diễn hay vấn đề sân khấu nào đó.
    Phiêu lưu cùng Kiều Loan  
    Thi sĩ - GS Đông Hồ bình giảng bài thơ Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang và chết đang lúc cao hứng trên bục giảng ngày 25/3/1969 tại giảng đường ĐH Văn khoa (Sài Gòn) là câu chuyện mà vài lần GS Hoàng Như Mai đã kể lại. Ông hay cảm thán: Còn gì tuyệt diệu hơn khi được trút hơi thở cuối cùng với tác phẩm mà mình cao hứng, với tôi thì có chết với kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm cũng xứng đáng.
    Cũng xin nhắc lại, Kiều Loan được viết từ 1942, năm 1946 diễn một suất duy nhất và “bị xếp xó” trong khoảng 59 năm, mãi đến 2005, Anh Tú mới tái dựng để làm vở diễn tốt nghiệp khóa đạo diễn. Cuộc đời hoạt động văn học của Hoàng Cầm và Hoàng Như Mai cũng khác nhau, vậy thì tại sao từ khá sớm ông đã giảng dạy Kiều Loan tại nhiều trường đại học? Không gì khác hơn, biết đâu là chân giá trị.
    Có vài nguồn tin cho rằng bản in Kiều Loan năm 1992, trước sự phê phán gay gắt của nhiều nơi, ông là người bênh vực hết lời, nên NXB thêm vững tin. Mà không chỉ có Kiều Loan, trong các tiết dạy, Hoàng Như Mai đã giới thiệu các kịch thơ khác của Hoàng Cầm - một hành động dũng cảm.
    Trong một tiết học, Hoàng Như Mai bỏ micro bước xuống giữa lớp, nơi có hơn 100 sinh viên đang tập trung, rồi ngâm lớn: “Vua ở đâu? Tôi chỉ ngủ một mình/ Nằm mê thấy vua nhà ai bỏ vợ/ Cưới ngay được một bông hoa bé nhỏ/ Một đêm trăng hoa đẹp nở người tiên/ Vội vàng hoàng đế phát điên/ Xé tan người ngọc, cười nghiêng bệ rồng”. Cả lớp sững sờ, vì chẳng biết thơ của ông hay của ai, thì Hoàng Như Mai nói đó là lời ai oán của Kiều Loan, kịch thơ Kiều Loan.
    Chuyện này xảy ra khi Kiều Loan đang là một cái tên còn bị phủ mờ trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại và cả tiểu sử của chính Hoàng Cầm. Để xiển dương tinh thần đại học, giảng đường luôn luôn cần những tấm gương vì chân lý, vì cái đẹp đích thực như GS Hoàng Như Mai.
    VĂN BẢY
    Thể thao & Văn hóa
    GS-NGND Hoàng Như Mai sinh ngày 3/8/1919 tại Bắc Giang, qua đời lúc 15h45 ngày 27/9/2013 tại Bệnh viện 175 (TP.HCM), hưởng thọ 95 tuổi. Tang lễ được tổ chức tại Nhà Tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3), lễ động quan lúc 7h30 ngày 1/10, an táng tại Nghĩa trang TP.HCM.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét