phỏng vấn
nhà thơ
Nguyễn Thùy Song Thanh
lê thị huệ thực hiện
(Kỳ cuối)
Lê Thị Huệ: Với chị điều gì là hạt mầm của thơ ? Tứ thơ. Xúc cảm. Vạt chữ. Thao thức và băn khoăn ?
Nguyễn Thùy Song Thanh: Theo một số nhà thơ và nhà nghiên cứu thơ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Hưng Quốc, thì tứ thơ hay thi tứ là trọng tâm của bài thơ được phát triển từ một ý, ý xâm nhập vào trái tim thi sĩ, được thi sĩ cảm xúc, tư duy, ý sẽ tái sinh thành tứ thơ.
Vậy, từ một tứ thơ, thi sĩ sẽ vận dụng các khả năng liên tưởng, tưởng tượng để tạo hình ảnh, tình cảm cùng lúc với ngôn từ, nhạc điệu. Tất cả sẽ liên kết, hòa quyện để phát triển thành bài thơ. Do đó, một xúc cảm một vạt chữ (một từ, một cụm từ, một câu thơ, một câu văn…) hay một nỗi thao thức băn khoăn chỉ gợi lên một ý đối với mọi người, nhưng đối với thi sĩ, ý sẽ được tái tạo đẹp đẽ sâu sắc hút gợi hơn nhờ khả năng đặc biệt của nhà thơ, ý trở thành tứ thơ dẫn đến sự thành hình bài thơ. Tứ thơ là hạt mầm của thơ vậy. Xin lần lượt điểm qua một số những khởi điểm khác nhau trở thành tứ thơ.
- Xúc cảm thành tứ thơ : thơ khởi nguồn từ đời sống. Đời sống là vô thường là thiên hình vạn trạng chuyển đảo không ngừng. Nhà thơ hàng ngày trải nghiệm, cảm xúc, ngẫm nghĩ về đời sống. Loại hạt mầm này có mật độ dày đặt và mạnh mẽ phát triển. Một vài bài đặc biệt ra đời từ cảm xúc:
- Ngôi nhà ở phố Bluebonnet : là cảm xúc trong thời gian tôi vừa được làm khách quý vừa là bạn thân thiết cư ngụ trong ngôi nhà đầy ấn tượng, đầy hình ảnh, đầy sự kiện và đầy kỷ niệm hạnh phúc, đau khổ đóng dấu ấn lên đời hai bạn tôi ở Houston Texas, ngôi nhà của anh chị Tô Thùy Yên.
… Một cây sồi khác mấy trăm năm bên kia đường lặng lẽ ngắm ông đi
Cây thiên lý, cây ngọc lan và những cây quỳnh trước cửa
trút hương tầm tã áo bay.
Nơi ông hiện trường tâm thức mù mờ
Tất cả đều ngoại vực.
Ông không chọn ngồi dưới gốc cây sồi già
Sợ cánh rừng cổ thụ trong lũng ký ức hè nhau rung chuyển
tâm chấn sẽ xoáy mãi những vòng kín nghiệt ngã
không chỗ nứt thoát.
…
Nàng cột người đàn ông thiên tài của mình bằng sợi tơ đỏ
Một mặt trời chỉ mình nàng hướng dương
…
Vài lần ông đứng sững trên đường biên cõi chết
Thượng đế đã bứng ông lui về cõi sống.
…
Tim đã ngừng đập rồi lại nhịp
Trong tiếng reo hò của bốn cây sồi
Trong nước mắt ràn rụa mừng vui của cây
thiên lý, cây ngọc lan và những cây quỳnh
Phục sinh.
Ông bước đi trong nhà mình
Dõi nghe nhịp đời mình
Không có gì không còn gì để đền bù
Ngoài cửa đã rực những câu thơ lung linh
thắp tạ nhân quần *
Ông bước đi trong nhà một mình
Kẻ lạc loài bên kia ký ức
Mộng du nhịp sống phù trầm
Sinh hành vẫn là khúc ẩn mật.
* thắp tạ nhân quần: cụm từ trong thơ Tô Thùy Yên
- Người đàn bàn làm vườn : cảm xúc đong đầy tâm tư về cuộc đời bất hạnh hôn nhân của người bạn chí thiết ở Westminster, CA.
Bạn tôi dạy ở đại học Santa Ana, chăm sóc người chồng ngồi xe lăn và mảnh - vườn - thiền của mình. Bạn níu tôi ở lại cho kỳ hết 3 tháng du lịch của tôi.
…
Hoa chụm cụm hoa chạy luống hoa sắp thẳng hàng
hoa xoay vòng tròn – rúc rích
Sắc cười và hương ve vuốt
Bắt đầu giây phút bình yên vũ trụ nàng.
…
Bướm ơi đừng run rẩy
Cứ nhởn nhơ với hoa thơm
Sâu ơi đừng no căng trên lá non
Rồi mi sẽ hóa gì
Giun ơi đừng quằn quại trong đất
Cứ đào xới cho hết kiếp
Nàng lặng lẽ đào xới hư không
Gieo trồng hạt quên
Cắt tỉa nhánh ưu phiền
Hơi thở nào cũng mang theo hi vọng dù đang
tuyệt vọng
Nàng hi vọng gì
…
Ta còn ta trong mảnh vườn này
Một góc thiên đường hoang vu cõi náo loạn
…
Ngắm ngó vườn
Mở phới giác quan
…
Hồn tan rã vào cõi lãng quên của tịch mịch
Nàng dìm bất hạnh trong trái tim cỗi
Tràn lượng từ bi
- Bông hồng và những chuyến xe buýt trên đường Bolsa : đại lộ Bolsa có hàng phượng tím khóc đời hư hao. Tôi thường theo bà bạn ở Westminster, vừa giới thiệu ở trên, leo lên xe buýt để đến Santa Ana College. Bạn ngồi đìu hiu trên băng ghế như một bông hồng âm u. Trong khi bạn vào lớp dạy, tôi tha thẩn đi loanh quanh trong khuôn viên trường. Nghĩ về bạn. Nghĩ về những chuyến bus bạn thường đi, về, nhớ đến cô tài xế da đen rất nữ tướng luôn miệng hát ca
Xe cộ ùn ùn ngày trơ phiêu giạt
Một băng ghế đìu hiu
Một bông hồng âm u
Làn tóc rối cỏ
Lòng quạnh tàn xưa.
…
Những con đường nằm nghe gian lao
Những cây phượng tím khóc đời hư hao
Mỗi trạm dừng thả một bước chân xiêu đổ
Cali giàu có và Cali tan vỡ.
Ơi, xe, đừng dừng. Thôi cứ lăn
Còn muốn nghe cô tài xế hát khúc ca đen
Trân châu cùng sạn cát
Khua rền cõi thiên đường.
Chiều chưa đi chiều còn nấn ná
Bông hồng cao quí ơi chớ vội tàn
E nước mắt không kịp với hồn ta khóc lả
Black heaven.
Cali – 2006
- Người đàn bà quét đường :
Sáng sớm một hôm tình cờ tôi trông thấy một phụ nữ rất trẻ mặc áo công nhân đường phố đang quét đường. Rác từng đống, ngọn nhấp nhô trong nắng hồng soi nghiêng, trông như những con sóng vỗ, người nữ công nhân đưa xuôi từng nhát chổi, như đang chèo thuyền. Người phụ nữ chèo thuyền trên phố đó có vớt được tuổi xanh khô rụng của mình không, hay chỉ gom được những tia sáng xuân đầu đời cùng với rác thải.
Ngày tinh khôi
Chùm nắng non đầu tiên ùa vào đôi mắt
Còn him him giấc ngủ mòn đêm
Rác chờn vờn như sóng
Thuyền chèo khua một góc trời quen
Phố thị bềnh bồng
Có vớt được chăng tuổi xuân khô rụng
trôi nổi trên sông
Chị không thấy rác – mơ hồ thấy nước và
luồng sáng
Cuồn cuộn trên đầu chổi nặng tay
Ảo giác bất chợt
Ánh mai đời gom lại buổi sáng nay
- Vạt chữ thành tứ thơ : thỉnh thoảng một vạt chữ vụt hiện ra trước mắt hoặc trong tâm thức rồi đọng lại những cảm xúc, những nghĩ ngợi, manh nha một bài thơ mới, thôi thúc phải được viết ra. Như hai bài sau đây :
- Duy nhất : từ câu thơ Dao trì nhất phiến nguyệt của Mạc Đỉnh Chi trong bài thơ tế công chúa nước Tàu với tư cách sứ giả Việt Nam, nhú ra một tứ thơ, tôi viết :
Trời cao một thái dương
Biển cả một vầng trăng
Huyệt sâu một người nằm
Trăm năm tình một đóa
Thiên thu nở vì chàng
- Qua cầu Bình Minh : là cảm xúc khi qua cầu Bình Minh ở thị xã tỉnh Vĩnh Long. Bài thơ được viết với phong cách một bài đồng dao không theo logic sinh học. Răng sữa, răng sâu, răng khôn cùng có mặt nơi một nụ cười hé nở. Để làm gì,
Tôi qua cầu bình minh
Thấy người đó. Mới tinh
Tóc nối tia mặt trời
Miệng hé đôi vành nguyệt
Răng sữa vô ưu mọc
Răng sâu mục ký ức
Răng khôn buồn lao đao.
Chờ răng thơ đủ mặt
Cùng hát bài đồng dao.
- Thao thức và băn khoăn thành tứ thơ :
Đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, đất nước … luôn có những vấn đề khiến ta phải băn khoăn thao thức suy nghĩ tìm giải pháp, tìm câu trả lời. Loại hạt mầm này khi phát triển thành cây ít khi là cây thơ mộng, mà là một loại cây xù xì gai góc, lấn áp, đè nén tâm thức nhà thơ như hai bài sau đây :
- Một trăm lẻ một : ra đời trong hoàn cảnh có biến cố rối ren ở Tây Nguyên Việt Nam. Đồng bào dân tộc các tỉnh Gia Lai, Daklak, Kontum, nổi dậy chống đối (vào những năm đầu thiên niên kỷ 2000) và bị chính quyền đàn áp. Tôi cũng sáng tác bài thơ này theo phong cách đồng dao để đưa vào ý thức cách mạng, không theo truyền thuyết ngộp hơi hám người bạn láng giềng “bốn không tốt, mười sáu chữ đen sì” :
Ở hồ Trường Sinh
Không phải Động Đình
Trong thơ, tôi mang thân phận người con út, người em út thứ 101 (không phải 100 như truyền thuyết) của hơn bốn nghìn năm sau bày tỏ tình yêu với anh em đồng bào của mình trong thời hiện đại.
Ở hồ Trường Sinh
Không phải Động Đình
Khi hừng đông vừa đủ lộng lẫy trên mặt nước biếc
Trên rặng núi hùng vĩ chập chùng
Trên những đám mây trầm mặc phương đông
Cái trứng đầu tiên đã nở.
…
Bà Âu Cơ rạng rõ hạnh phúc đứng lên
Chợt thấy bên đôi bàn chân yếu lả của mình
Cải trứng thứ một trăm lẻ một
Trong chiếc bọc
Vẫn chưa nở
…
Hơn bốn ngàn năm sau
Mấy ngàn cơn mưa lũ cuốn qua
Cái trứng bỗng lộ
Còn phủ mờ bụi đỏ
Bỗng nở
Nở ra tôi.
…
Tôi là đứa con út côi cút
Là đứa em út côi cút
Ở bình nguyên
Thương nhớ khôn nguôi anh chị trên rừng xanh núi biếc
Ở cao nguyên
Thương nhớ khôn nguôi anh chị dưới đồng cạn
sông sâu
Và ngàn năm sau nữa
Còn nhớ thương vàng hổ phách.
- Bữa ăn sáng Việt Nam : bài này được viết ngay vào mấy ngày đầu tháng 5-2014 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 ở biển đông nước ta…
…
Bữa ăn uất nghẹn tâm tư
Sao chưa phải là những cây cọc Bạch Đằng
Đóng xuống giòng sông sấm sét
Sao phải im nghe núi sông gầm thét
…
Và bây giờ tất cả hãy đứng lên
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm ? *
(trích Bữa ăn sáng Việt Nam)
* Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm : thơ Lý Thường Kiệt
Ngô Tất Tố chuyển nôm “cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?”
Lê Thị Huệ: Chị gõ bàn phím ki bo hay viết lên giấy các sáng tác thơ văn của mình
Nguyễn Thùy Song Thanh: Tôi vẫn giữ thói quen từ xưa dùng một xấp mỏng giấy học trò thật tốt, một cây bút chì và một cục gôm cũng loại tốt để dễ viết, dễ xóa, dễ sửa và dễ thùng rác khi sáng tác. Khi hoàn tất tôi chép vào một tập giấy khổ A4 (21cm x 29.7cm). Có khi quên chép lại thì nó vẫn nằm hoài ở xấp nháp nào đó, có khi lạc mất. Bài nào gởi đi tôi nhờ dịch vụ gõ lên email và gởi. Trước kia tôi hay gởi qua nhà thơ Nguyễn Thanh Châu để nhờ chuyển đến Gió-O. Từ khi bạn Nguyễn Thanh Châu bận quá tôi tự tập gõ email tiếng Việt có dấu. Bài đầu tiên tôi tự gõ có dấu là bài Bữa ăn sáng Việt Nam trên
Gió-O. Ôi thật là vất vả và tốn thời gian. Từng mẫu tự, từng cái dấu. Móng cắt trụi rồi mà ngón vẫn còn dài lều quều, gõ nút nọ xọ nút kia. Bây giờ thì đỡ khổ rồi, nhưng nếu bài dài quá hai trang học trò là phải xe ôm đến dịch vụ.
Cô Lê biết không nhờ tập gõ email tôi khều được một miếng hạnh phúc ảo lơ lửng tầng không và mần được một bài thơ rất buồn vì ý thức cái ảo :
…
Mười ngón trổ bông trong vườn hư ảo
Tình lỡ bay xa vàng son áo não
Tập gõ email buồn như làm thơ
Gõ đau tâm tư đau đến dại khờ
(tập viết email)
Lê Thị Huệ: Hãy nói về hai điều : một, sự nên thơ nhất của đời sống, hai sự ác độc khủng khiếp nhất của đời sống.
Nguyễn Thùy Song Thanh: “nên thơ” là thuộc tính liên quan đến cảnh thiên nhiên, nếu cô Lê công nhận công thức này thì xin nói tiếp: cảnh đẹp + cảm hứng = cảnh nên thơ
Thấy cảnh đẹp là nhận thức khách quan, thấy cảnh nên thơ là nhận thức chủ quan.
“Người buồn thì cảnh cũng buồn”
Người đang có tâm trạng không vui đứng trước cảnh đẹp không thể thấy cảnh nên thơ được.
Đối với tôi, người nào được sống trong cảnh quê hương thái bình, (tôi không nói hòa bình), tâm hồn an vui, nếu bên cạnh còn có người yêu / chồng yêu / vợ yêu là người đang hưởng sự nên thơ nhất của đời sống.
Sự ác độc khủng khiếp nhất của đời sống là: tiến hành âm mưu diệt chủng, sử dụng bạo lực diệt chủng, gây chiến tranh diệt chủng.
Nguyễn Thùy Song Thanh
tên thật Nguyễn Bạch Tuyết
Sinh tại Sađec
Sống tại Sài gòn
Học tiểu học, trung học, đại học tại Sàigòn
Cử nhân Anh Văn
Dạy học các trường trung học công lập và các trung tâm ngoại ngữ. Nghỉ dạy hẳn từ tháng 9.2011
Có thơ đăng từ năm 1959 trên các tạp chí : Bách Khoa, Hiện đại, Nghệ thuật…
Sau 1975:
- Ngưng sáng tác hơn 25 năm
- Hừng Đông Sau Rừng (thơ), nxb Thanh Niên, Sài Gòn, 2003
- Cánh Cửa (thơ), nxb Trẻ, Sài Gòn, 2014
http://www.gio-o.com/NguyenThuySongThanh.html
================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét