Thương tiếc nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp (trong ảnh) sinh ra tại Thái Nguyên nhưng là người gốc thôn Khương Hạ, xã Khương Ðình, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Năm 20 tuổi, tốt nghiệp khoa Sử Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ông được điều lên dạy học ở Tây Bắc. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là thời gian tích lũy vốn sống, nội lực và nghề nghiệp quan trọng cho những sáng tác sau này của ông. Chính Nguyễn Huy Thiệp cũng thừa nhận đó là 10 năm "úp mặt vào núi đọc sách".
Năm 1980, ông chuyển về công tác tại Bộ Giáo dục và Ðào tạo, rồi Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ, thuộc Cục Bản đồ, cho đến khi rời cơ quan nhà nước vào năm 1992, làm người sáng tác tự do. Ðến với văn học từ khá sớm, như có lần tự bạch: "tôi đọc sách từ năm 10 tuổi", viết những truyện ngắn đầu tiên cũng khá sớm (một số truyện ngắn trong Những ngọn gió Hua Tát viết năm 21 tuổi), nhưng Nguyễn Huy Thiệp chỉ vụt sáng từ những truyện in trên báo Văn Nghệ năm 1986, khi đã 36 tuổi. Rồi chỉ một năm sau đó, với Tướng về hưu, ông đã có một vị trí xác lập trên văn đàn.
Nguyễn Huy Thiệp là hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới (bắt đầu từ năm 1986), và có lẽ sẽ để lại sức ảnh hưởng và dấu ấn lâu dài trên văn đàn. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, tiểu luận văn chương, kịch... nhưng đặc sắc nhất là truyện ngắn. Truyện ngắn của ông có cấu trúc, nhân vật, ngôn ngữ, cách triển khai riêng biệt, tạo thành một từ trường nghệ thuật mạnh tới mức một thời gian dài, nhiều cây bút trẻ bị hút vào từ trường ấy, chỉ thoáng đọc đã nhận ra ngay "chất Nguyễn Huy Thiệp đặc sệt" trong sáng tác của họ. Ðó là những câu văn ngắn, tốc độ nhanh, ngữ pháp đơn giản, nhưng sắc lẹm, nhiều ẩn dụ, có lúc thật tinh khôi, có lúc thật ám ảnh, ma mị. Nhiều nhà phê bình gọi đó là lối văn tự sự, mang xu hướng tự thuật, cô đọng, ngắn gọn, gọi thẳng tên sự việc hiện tượng, rất ít dùng phương pháp uyển ngữ. Văn xuôi của ông, cứ đọc một đoạn là lại gặp những lập ngôn, rất nhiều lập ngôn, có thể độc giả đồng ý hoặc không đồng ý với tác giả, nhưng nó đã tạo nên cá tính sáng tạo mạnh mẽ, không lẫn vào đâu. Ðó là điều rất khó trong văn chương mà người viết là ông đã sớm làm được.
Một trong những mảng đề tài đặc sắc nhất của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là viết về nông thôn. Chảy đi sông ơi (1985), Những bài học nông thôn (1988), Thương nhớ đồng quê (1992, đã dựng thành phim), Chăn trâu cắt cỏ (1996), Chú Hoạt tôi (2001)... đã khiến nhiều thế hệ độc giả thổn thức. Ðó là một nông thôn ta chưa từng biết, khác hẳn trong những tác phẩm văn học trước đó, là những câu chuyện mà ta từng nghe nhưng dường như chưa hề biết, đọc lên vừa thương cảm, vừa kinh ngạc và yêu quý nhói lòng. Mảng đề tài thứ hai cũng rất đặc sắc của ông là viết về miền rừng núi, mang dấu ấn 10 năm ông dạy học ở Tây Bắc. Ðó là những truyện ngắn xuất sắc: Những ngọn gió Hua Tát (1971-1986), Muối của rừng (1986), Những người thợ xẻ (1988, đã dựng thành phim)... Và một mảng đề tài nữa là truyện ngắn về cuộc sống thị dân: Huyền thoại phố phường (1983), Tướng về hưu (1986, đã dựng thành phim), Không có vua (1987)..., tuy được viết về khía cạnh ngột ngạt, bức bối nhưng vẫn đặt ra được những câu hỏi về lẽ sống, nhân cách và lấp lánh lòng yêu thương con người.
Ðã có nhiều nghiên cứu về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, nhưng người viết bài này cho rằng, tác phẩm của ông có sức hút và sức sống bền lâu vì ông luôn viết về thân phận con người, trong đó ông vừa là nhân vật, vừa là nhân chứng. Dù đó là những nông dân chất phác bình thường, những ông giáo làng hay các nhân vật lịch sử, văn nhân, thi sĩ, những người ôm giấc mộng thời cuộc hay văn chương đều được ông đào sâu, đi đến tận cùng bằng tài năng văn chương và lao động bền bỉ của người cầm bút.
Bắt đầu viết văn khi rời trường đại học lên Tây Bắc, nhưng phải đến quá tuổi "tam thập nhi lập" ông mới xuất hiện với tư cách tác giả và trở thành một trong những nhà văn quan trọng của thời kỳ đổi mới đất nước và đổi mới văn học, nghệ thuật. Ðương nhiên, giá trị và sự thành công của tác phẩm đến từ tài năng của nhà văn. Nhưng có thể khẳng định, chính ngọn gió Ðổi mới đã giúp cho văn tài Nguyễn Huy Thiệp cất cánh, và chính ông cũng làm rạng danh cho thời kỳ văn học này.
Sinh thời, Nguyễn Huy Thiệp như tôi biết là người khá lặng lẽ. Ông ít nói trước đám đông, những khi buộc phải lên tiếng thì ông thường diễn đạt một cách khá khó khăn điều muốn nói. Nhưng nếu lắng nghe kỹ và chịu khó nắm bắt thì đó là những điều khác thường và sâu sắc. Bởi ông là một người từng trải, đọc nhiều biết rộng, tài năng văn chương độc đáo của ông gửi cả vào trang viết.
Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài. Ông đã được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tiểu luận văn chương Giăng lưới bắt chim (2006), Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), Giải thưởng Premio Nomino của Ý (2008),... Hiện ông đang được Hội Nhà văn Việt Nam đề cử vào Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2021 cho hai tập truyện ngắn Tướng về hưu và Những ngọn gió Hua Tát.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã qua đời tại nhà riêng ở phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân, Hà Nội, hưởng thọ 71 tuổi (1950 - 2021). Tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức vào sáng nay 24-3 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Thương tiếc vĩnh biệt ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét