Phở xe lửa
Phạm Thành ChâuTiểu bang Virginia và các vùng phụ cận (Washington DC, Maryland) có độ, năm sáu chục nghìn người Việt, có thương xá Eden (gọi là chợ Eden) với hàng trăm cửa tiệm.
Mỗi cuối tuần hoặc ngày lễ, người Việt các nơi tụ về chợ Eden để ăn uống, mua sắm và lang thang trên các hành lang cho vui.
Trước năm 1980, người Việt chưa có bao nhiêu, chợ Eden gần như hoang phế, cỏ mọc tùm lum, vài cửa hàng lèo tèo.
Khi người Việt đến mướn chỗ để buôn bán, chợ trở nên sầm uất. Chủ chợ là người Do Thái, bắt đầu lên giá mướn, cứ lên giá liên tục, hiện nay hình như trên 60 đô la cho mỗi square foot và có thể sẽ lên giá nữa.
Tôi không biết giá đó mắc hay rẻ, nhưng đã có nhiều bà “tưng bừng khai trương” và ít lâu sau bán nhà để trả tiền mướn cho chủ chợ trước khi “âm thầm dẹp tiệm”. Bà này rút lui thì bà kia nhào ra làm con thiêu thân.
Tôi nói “bà” vì đa số các bà mở tiệm ăn.Ở nhà, nấu dở, nhưng chồng con “phải” khen ngon, các bà tưởng thật, bèn mở tiệm ăn, để rồi mất ăn, mất ngủ rồi mất nhà.
Mở tiệm ăn đâu phải dễ như các bà nấu cho chồng con. Phải có kinh nghiệm, có bí quyết và nhất là có cái mánh mà ai cũng giữ bí mật. Ngay cả thuê thợ nấu, họ cũng giấu nghề với chủ tiệm.
Chợ Eden là chợ duy nhất ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ không có “người ngoại quốc”, nghĩa là người bán, người mua và người đi chơi toàn người Việt. Hiếm hoi lắm mới thấy một bà Việt Nam dẫn ông chồng Mỹ đi ăn tiệm.
Chợ Eden có nhiều tiệm ăn, trong đó có tiệm phở Xe Lửa của ông Toàn Bò là nhiều người lui tới, vì đó thường được làm điểm hẹn của bạn bè phương xa đến Virginia.
Ông từ Florida lên, bà từ California qua, cứ hẹn gặp nhau ở tiệm Phở Xe Lửa của ông Toàn Bò là ai cũng biết, cũng đến đúng chỗ.
Ông chủ tiệm phở tên Nguyễn Thế Toàn nhưng mọi người gọi ông là Toàn Bò, mặc dù ông vẫn đi trên hai chân như người bình thường. Trong tiệm, ông dành sẵn một bàn riêng cho bạn bè.Họa sĩ, nhà báo, nhà thơ, nhà văn hoặc không “nhà” gì cả. Ai cũng có thể đến ngồi tán phét bao lâu cũng được. Lại có sẵn một bàn cờ tướng cho thiên hạ chơi, giống như quán cắt tóc bên đường ở Việt Nam vậy.
Có điều lạ là ngồi vào bàn đó, không ông nhà báo nào nói về báo chí, không ông văn, thi sĩ nào nói chuyện văn chương, thi phú mà toàn những chuyện tào lao thiên địa, mỉa mai, chọc ghẹo nhau để cười với nhau.
Riêng ông chủ Toàn Bò, vốn là luật sư trước 75, nên khi nói chuyện, ông ta lý luận rất vững chắc, “tam đoạn luận” đàng hoàng, cho nên dù bạn là nhà hùng biện, khi tranh luận với ông ta, bao giờ bạn cũng đuối lý.
Sau khi đã chiếm thượng phong, ông ta bồi thêm một câu mỉa mai để quý vị ngồi quanh bàn cười khà khà.Nhiều ông không biết đó là giỡn chơi nên tự ái, không đến nữa.
Ông Toàn Bò không bao giờ bước ra khỏi tiệm phở.Sáng đến mở cửa tiệm, tối đóng cửa tiệm, về nhà.Quan, hôn, tang, tế… không có ông ta.Bạn là bạn thân của ông ta, lăn ra chết, chưa chắc ông ta đến vĩnh biệt bạn. Lời chia buồn trên báo thì có.Nhưng đừng tưởng ông ta không ra khỏi tiệm mà kiến thức của ông ta không được cập nhật.
Cứ thấy ông ta ngồi lim dim mắt mà tưởng ông ta tham thiền nhập định, chuyện thế gian gác bỏ ngoài tai. Không phải vậy. “Thiên lý nhĩ” đấy! Ngồi trong “tiệm phở” mà biết chuyện ngàn dặm.
Bạn thử đến và khơi mào “Hôm qua, ông X. bị sao đó, nghe nói đã đưa vô bệnh viện rồi. Tôi định rủ vài ông nữa cùng đến thăm…” Tức khắc bạn sẽ được điều chỉnh “
Ông có muốn chia buồn thì ghi tên vào tờ giấy đằng kia, để đưa lên báo”… Nhiều lúc thấy một ông, bà nào đó thì thầm với ông Toàn Bò. Rất có thể (có thể thôi), tình báo nước ngoài đến mua tin tối mật của nước Mỹ đấy. Ông chủ tiệm phở Xe Lửa này, trước 1975, ở Sài Gòn, không ai dám gọi xách mé là “Ông Toàn Bò” mà phải gọi là: “Ngài luật sư Nguyễn Thế Toàn”.
Luật sư lợi hại vô cùng.Tôi đọc đâu đó câu “Luật sư, chỉ với cái cặp mà lấy của thiên hạ bằng một trăm tên cướp có võ khí”. Bây giờ, nơi xứ người, không thể hành nghề hùng biện, nhưng “cựu” luật sư Toàn mà mở miệng là có người tức chết được.
Đấu súng có thể thắng ông ta nhưng đấu võ mồm thì thua là cái chắc.
Phở Xe Lửa của ông Toàn Bò là tiệm duy nhất trên nước Mỹ có một tủ sách đồ sộ và trên tường treo đầy tranh. Không phải tranh trang trí như vẽ tô phở, con cá chiên, chai rượu hoặc tranh tào lao, rẻ tiền… mà là tranh nghệ thuật của các họa sĩ danh tiếng.Tranh chính gốc chứ không phải bản sao.
Hầu như họa sĩ nào đến tiệm phở của ông Toàn Bò đều phác họa cho ông ta một tấm chân dung. Bức nào cũng vẽ ông ta cười toét miệng đến mang tai. Vì dung nhan mùa hạ ông ta không khá lắm, nên gặp họa sĩ trừu tượng, ấn tượng, siêu thực hoặc hậu hiện đại… thì dung nhan đó được vẽ thành người Hỏa tinh hoặc người tiền sử.
“Ủy Ban Thường Trực” (ngồi nhiều nhất) ở phở Xe Lửa cũng khá đông. Ông Cò Ly, nhà (bán) báo, có sạp báo trước cửa tiệm, chỉ bán báo vào sáng thứ bảy và chủ nhật, ngày thường ông bận nhổ lông mày, đấm lưng cho người đẹp mới rước từ đảo Samoa qua (Vụ kiện tụng về người lao động ở đảo Samoa, được Mỹ cho vào Mỹ, ông cò Ly “dớt” được một em).
Họa sĩ Tấn Đức có tiệm khung hình giảm giá 75%. Ông Tấn Đức có biệt tài mà ai cũng nể. Ông ta có thể ăn phở suốt ngày, suốt đời. Buổi sáng, vào tiệm, thấy ông ăn phở. Buổi trưa thấy ông ngồi ăn phở. Buổi chiều, nhìn vào tiệm, thấy ông ngồi ăn phở. Ông ta là người duy nhất ăn nói điềm đạm, lịch sự, giọng Hà Nội, đúng là người Kinh Bắc.
Ông Bình Gió Mới đã đóng cửa tờ Gió Mới, thường yên lặng ngồi nghe và cười mím chi. Ông Bạch Thái Hồ, gặp ai cũng mở máy ảnh ra, đòi chụp hình “Ngồi yên… Xong rồi! Hình sẽ đẹp lắm đấy!” Nhưng hình thì chẳng thấy đâu? Ông Bạch Thái Hồ là cháu nội của thương gia Bạch Thái Bưởi, Hải Phòng ngày xưa.
Chủ báo Đời Nay là ông Trần Việt Tân, lúc nào cũng rất lịch sự, thấy ông bước vào tiệm, mọi người bảo “Ông chủ tịch Việt Tân đến!”, ông ta không cười vì không thích nói đùa, khi nào có việc, chỉ ghé vào là đi ngay.
Ông Ngô Đình Châu, “vũ sư điệu cha cha cha” vì bị stroke, đi lạng quạng như nhảy cha cha cha. Ông này vừa ngồi xuống lại lò mò ra ngoài tiệm “ba mươi giây khói lửa” (hút thuốc).
Ông “cựu” dược sĩ Thịnh, vô tiệm là mở máy nói. Thấy tôi thì kêu lên “Vua phiệu!” (phịa?) Coi bộ ông ta giỏi như bác sĩ, bịnh gì cũng biết, thuốc gì cũng biết. Bịnh hoạn, cứ hỏi ông ta miễn phí. Ngày xưa, ở Việt Nam, đau đầu, nhức răng, trẻ khóc đêm… bất cứ bệnh gì, cứ ra tiệm thuốc tây khai bệnh với dược sĩ, mua thuốc về uống, công hiệu như thần.
Ông bác sĩ Dương Quang Hớn, chuyên về mắt, nhưng bệnh nhân đến chữa trị phải chuẩn bị đôi tai để nghe ông ta nói liên tục những chuyện trên trời dưới đất. Đến vài lần thì thêm bệnh điếc tai và “điên cái đầu”.
Riêng họa sĩ Đinh Cường, tôi xin dài dòng một chút. Ông Đinh Cường rất nổi tiếng. Ông này ít nói nhưng vẽ thì đẹp. Ở Sài Gòn, đã có tranh giả của Đinh Cường. Người nào ra sách, thơ mà có cái tranh bìa của Đinh Cường thì tác phẩm trở nên sang trọng và giá trị ngay. Ông ta rất thiện chí, ai xin tranh bìa cũng cho, có khi đưa ra nhiều bức để người xin lựa chọn.
Tôi hỏi “Có cà phê, cà pháo gì không?”Ông cười “Chẳng có gì!” Nói thế nhưng không phải ai cũng vô ơn cả. Có nhà thơ Thái Thụy Vi, khi xin tranh làm bìa đều có cà phê, cũng chút chút, để tỏ lòng trân trọng và biết ơn. Ông nhà thơ này yêu màu tím vô cùng. Thi phẩm nào cũng tràn trề màu tím. Cái tranh bìa cũng mang màu tím. Một lần, đã xin được tranh bìa màu tím cho tác phẩm của mình, mấy hôm sau, nhà thơ lại xin được gặp họa sĩ ở tiệm cà phê. Trò chuyện một lúc, ông Thái Thụy Vi dúi vào tay ông Đinh Cường một tờ bạc, rồi thủ thỉ “Cái tranh bìa đẹp lắm, nhưng nhờ anh cho thêm màu tím vào cho tím hơn nữa”. Màu sắc trên tranh bìa được định giá bằng tiền!
Trở lại tiệm phở Xe Lửa của ông Toàn Bò. Chủ nhật nào tôi cũng rủ họa sĩ Đinh Cường ra đó uống cà phê. Tôi có viết linh tinh chút đỉnh, được quý vị ngồi ở bàn thường trực đó vinh danh là “nhà văn”. Tôi khoái lắm! Sau lại được thăng cấp thành “nhà tiểu thuyết”, tôi càng khoái, mặt vênh lên. Không ngờ cái mỹ danh “nhà tiểu thuyết” bị rút gọn thành “nhà tiểu”. Họa sĩ Đinh Cường cũng được vinh danh là “đại họa sĩ”.
Nhưng cũng được rút lại thành “Đại họa” Thế là mỗi khi chúng tôi bước vào tiệm phở Xe Lửa, quý vị đó nhao nhao lên “Chào nhà tiểu. Chào đại họa gia!” Ông Đinh Cường chỉ mỉm cười. Ai cũng cho rằng ông Đinh Cường hiền lành “chân chỉ hạt bột” Nhưng, chưa chắc “Tầm ngầm mà đấm chết voi” đấy.
Một buổi sáng, ở tiệm phở Xe Lửa, chúng tôi, có cả ông Đinh Cường, đang ngồi tán phét thì ông chủ báo Văn Nghệ, Nguyễn Minh Nữu bước vào, oang oang hỏi ông Đinh Cường. – Tối qua, lúc hai, ba giờ sáng, trên DC (thủ đô Washington DC), tôi thấy ông đi với cô nào? Ông trả lời yếu xìu. – Đi với ai đâu! Tôi đoán được người đẹp đó là ai nhưng không nói ra. Ông chủ báo Nguyễn Minh Nữu này là một người đặc biệt. Tuần báo của ông ta có tên là “Văn Nghệ” nên ông làm gì cũng văn nghệ, như giỡn chơi!. Văn, viết chút chút, thơ dăm bảy bài, cũng in sách, ra mắt sách, gọi là góp mặt cho vui với bạn bè.
Đa số báo chí ở hải ngoại đều sống bằng quảng cáo. Báo in ra, đem đặt ở các tiệm buôn, nhà hàng, khách tiện tay lấy một tờ, miễn phí. Nhờ miệng dẻo nên được các chủ tiệm vui vẻ móc túi trả tiền quảng cáo. Đối với ông ta, tiền quảng cáo đủ chi phí in ấn tờ Văn Nghệ là ông vui rồi.
Ông Nữu nầy, gì cũng biết, nói như máy, rõ ràng, khúc chiết, nên thường được mời làm MC (dẫn chương trình) Ra mắt thơ, ra mắt sách, tiệc tùng, hội xuân ở nhà hàng… mời ông đến. Nhưng việc gì ông cũng làm phất phơ, như bướm lượn vườn hoa, chỉ thích cùng bạn bè cà phê, đấu láo, vui cười. Đời còn gì vui sướng hơn? Ít ai biết ông Nguyễn Minh Nữu là con trai út của cụ phó bảng Nông Sơn Nguyễn Can Mộng. Cụ để lại cho văn học nước nhà nhiều tác phẩm giá trị, Xem ra Nguyễn Minh Nữu cũng là dòng thư hương, phong nhã.
Phần trên, tôi kể chuyện bọn già chúng tôi, mỗi sáng chủ nhật, tụ tập trong tiệm phở Xe Lửa của ông Toàn Bò, chợ Eden, Virginia, cà phê cà pháo, nói chuyện tào lao với nhau. Mới đó mà đã hơn mấy mươi năm rồi.
Thời đó, cái bàn mà ông chủ tiệm dành riêng cho bạn bè tụ tập, đặt ở góc tiệm. Ông ta ngồi đầu bàn, coi như chủ tọa. Hai bên là hai dãy những ông nhà báo, nhà văn, nhà thơ, “nhà họa”, và chẳng “nhà” gì cả, ít nhất cũng trên mười người.
Đôi khi đông quá, phải ngồi bàn bên cạnh, nghếch mặt qua “đối thoại!”. Nói nhiều nhất là mấy ông nhà báo. Các ông “nhà” khác ít nói chỉ ngồi nhe răng cười. Thời Đinh Cường còn sống, mỗi sáng chủ nhật tôi gọi ông Đinh Cường. – Châu đây. Tính sao? Bên kia đầu dây, giọng lè nhè. – Làm sớm nghỉ sớm. Tôi vừa ở Starbucks về đây. – Lên đường chưa? Độ chín rưỡi có mặt nghe! – Ông đến đón tôi được không? – Không sao. Tôi sẽ đón ông. Đến nhà đón ông ta, ra tiệm phở, gần chục cây số. Lại phải đưa ông ta về. Nhưng trên đường đi, có bạn chuyện trò thích hơn đi một mình. Xe chạy chứ mình đâu có chạy!
Tôi cũng gọi ông Bình Gió Mới. – Mươi phút nữa có mặt ở Phở Xe Lửa nghe! Bước vào đã thấy đủ mặt “bá quan văn võ” Ông Cò Ly, dược sĩ Thịnh, bác sĩ Dương Quang Hớn, giáo sư Như Hạnh, ông Bạch Thái Hồ
… Vừa ăn vừa chuyện trò, gần trưa, trả tiền, đứng lên.
Có ông móc trong túi ra tờ giấy nhỏ, có ghi mấy món vợ sai đi chợ, vài ông bày bàn cờ tướng “lên xe xuống ngựa”, các ông khác xúm lại làm “thầy dùi”. Một ông la lớn. – Tướng xuất tinh! Xuất tinh ngay kẻo chết! Ông khác. – Đừng có lo! Ông kéo con ngựa lên rồi chơi đòn Thượng mã phong cho tôi… Cãi nhau ỏm tỏi một lúc thì tan hàng, ai về nhà nấy, vợ chờ cơm ở nhà, còn lại ông chủ Toàn Bò tiếp tục mời khách, ghi thực đơn.
Đó là nói thời “hoàng kim”, cách nay đã lâu chứ bây giờ thì chỉ còn loe hoe mấy mạng. Những chiếc ghế cứ trống dần. Những người vắng mặt đi đâu? Ra nghĩa trang buồn nằm nghe dế kêu chứ đi đâu? Thực ra, cũng còn rất nhiều ông còn sống, nhưng nằm nhà, đi không nỗi. Đôi lúc nhớ bạn, nhớ tiếng cười, nhớ những câu nói móc ngoéo, chọc ghẹo nhau, quý ông này lại lọm khọm mò ra, cười như mếu với dung nhan đã “xuống cấp” quá thê thảm rồi.
Điển hình như ông nhà báo Ngô Vương Toại mỗi khi đi chữa trị ở bệnh viện, thường ghé tiệm phở Xe Lửa ngồi, nhưng khổ nỗi, với những cái bàn trống trơn, chỉ mình ông ta chóc ngóc với ông Toàn Bò. Thế nên cả hai ông, chẳng phải nhìn nhau mà cùng nhìn ra cửa tiệm, hi vọng có ông bạn nào bước vô chăng? Nhưng chẳng có ai!
Bây giờ tôi xin kể đến vài ông vắng mặt điển hình.Trước hết là nhà thơ kiêm nhà báo Giang Hữu Tuyên. Thời sinh tiền, ông thuộc hàng “ăn to, nói lớn”. Chân chưa bước vô tiệm phở đã nghe giọng ông Giang Hữu Tuyên ồn ào, náo nhiệt khiến không khí trong tiệm vui vẻ, sôi động hẳn lên. Rồi thình lình nghe tin ông Giang Hữu Tuyên đã từ giã cõi trần. Chuyện như thế này: Một buổi sáng, ông võ sư Vương Đình Thanh cùng với nhà thơ Giang Hữu Tuyên lái xe lên phi trường Dulles nhận báo từ Cali. gửi theo đường hàng không. Chờ một lúc thì ông Giang Hữu Tuyên bỗng kêu lên. – Đau đầu quá! Rồi gục xuống. Ông Võ sư Vương Đình Thanh cũng kêu lên “Help! Help!” Xe cứu thương đưa vô bệnh viện, không tỉnh dậy nữa. Cả tiệm phở Xe Lửa xôn xao, kinh ngạc “Giang Hữu Tuyên chỉ trên năm mươi, còn quá trẻ, sao đi sớm quá vậy?” Có ông phán “Tu mấy kiếp mới được chết như vậy. Chỉ đau đầu mấy phút là xong ngay, khỏi phiền đến ai. Bịnh hoạn nằm một đống, làm phiền bao nhiêu người, thà chết sướng hơn”.
Giang Hữu Tuyên có một bài thơ nổi tiếng “Trời Mưa Đi Phát Báo”.Nguyên nhân như sau. Sau 1975, ông Giang Hữu Tuyên qua Mỹ, ông cùng với bạn bè ra một tờ báo. Thời đó, những người Việt qua Mỹ thèm hai thứ: nước mắm và chữ Việt. Mấy ông cùng nhau bỏ tiền, bỏ công ra làm một tờ báo rồi đi phát không cho đồng bào đọc. Bấy giờ làm gì có computer, máy chữ thì không có dấu, phải thêm dấu vào, tiêu đề, chữ lớn thì cắt trong báo Mỹ, dán lên rồi đem in. Hoàn thành tờ báo xong còn đi đến những nơi có người Việt tị nạn phát không. Không phải chỉ những ngày đầu đến Mỹ mà cả chục năm sau, ông ta vẫn làm báo và đi phát không cho thiên hạ đọc (sau này, chi phí nhờ quảng cáo bù vào).
Sau đây là bài thơ “Trời Mưa Đi Phát Báo” của Giang Hữu Tuyên
“Chiều ngã năm đường năm bảy ngã.Ngã nào cũng ướt giọt mưa rơi.Bao mùa mưa đã im giông bão.Sao nước Trường Giang vẫn khứ hồi.Mười mấy năm làm tên phát báo.Lòng buồn theo thành quách xa xưa.Những trang tin dội từ quá khứ.Rớt ngập ngừng cùng những hạt mưa.Mưa lót ngót, đời loi ngoi mãi.Sáng chưa đi, chiều lại mưa về.Mưa ngả năm, từ năm bảy ngả.Ngả nào cũng mưa và mưa thôi.Xấp báo trên tay vừa ướt hết.Vậy mà cứ đứng dưới mưa bay.Hình như những mùa mưa thuở trước.Đang về làm ướt trái tim ai”…Phần cuối bài này xin kể về cố thi sĩ Vương Đức Lệ. Trước 1975, tôi tưởng là “cô”, sau mới biết là “ông” Lê Đức Vượng. Ông này bị ung thư phổi “ Từ lúc trẻ, tôi đã hút thuốc rồi” Ý nói là “Tôi chỉ trách tôi”. Quý vị bị nhức đầu, đau bụng hoặc đang bực mình điều gì xin thử viết một bài văn ngắn hoặc làm một bài thơ, có được không? Có thể được nhưng không hay.Ông Vương Đức Lệ bị ung thư phổi, bác sĩ lắc đầu, cho đưa về nhà “săn sóc” và “chờ”. Tôi thường cùng ông Đinh Cường đến thăm, thấy đeo cái ống dưỡng khí trên lỗ mũi. Điều kỳ lạ là Vương Đức Lệ đang ở điểm cuối của cuộc đời mà vẫn làm thơ được. Bịnh trở nặng, ngất xỉu, tỉnh dậy, làm thơ.
“Mong con, cha mẹ đợi?Nhớ em, ba chị chờ?”
Và chú em út cũng còn trông anh sao? Mong manh chỉ một đường sinh tử. Hai ngả âm dương một lối vào”Một lần khác, ông lại ngất xỉu, tưởng đi luôn, gia đình gọi xe cứu thương đưa vô bệnh viện cấp cứu. Ông tỉnh dậy, thấy mình còn sống, reo lên:
“Tử thần bắt hụt ta lần nữa.Bạn mới mừng chung khóa nỗi vui.Bạn cũ buồn riêng ly rượu phạt.Ôm vai bá cổ ngẩn ngơ cười!”Và rồi, ông bình tĩnh chờ đợi.”Bàn tay nào vuốt mắt tôi.Ngón nào bấm nút châm mồi hỏa thiêu?Trăm năm mộng ước còn nhiều.Trần gian nào dễ đủ điều nỉ non.Tử sinh nẻo thuộc đường mòn.Âm dương đôi ngả vuông tròn đó thôi!”
Vương Đức Lệ mất vào đầu năm 2008. Khi bài viết này đến tay bạn (2021) thì hơn hai mươi năm đã trôi qua. Tôi đã trên tám mươi. Thời gian đã đem các bạn của tôi vào cõi hư vô. Tiệm Phở Xe Lửa đã đổi chủ, ông Toàn Bò bị stroke, vào nhà an dưỡng, tuyệt tích giang hồ, có biết số điện thoại, gọi, ông cũng không trả lời. Đã lâu, không biết có còn sống hay cũng đã ra đi?Tôi ra chợ Eden, đi lơ ngơ. Chợ có đông bao nhiêu tôi cũng thấy vắng hoe vì các bạn tôi không còn nữa.Họ đã đi hết cả rồi. Đi vào một thế giới khác, và đang chờ tôi ở đấy. Tôi đi ngang qua tiệm phở, bảng hiệu đã đổi tên. Tôi không dám nhìn vào vì nhớ các bạn quá!
Có thể các bạn đang tụ tập trong đó, nhưng là các linh hồn, tôi không nhìn thấy được. Những khi ngồi một mình bên ly cà phê mới thấm thía nỗi buồn nhớ bạn. Nơi đất khách, chung quanh toàn xa lạ, có được một người bạn quý vô cùng. Tiệm phở của Toàn Bò là nơi các bạn tìm đến với nhau. Thương yêu, nhường nhịn, chia vui khi bạn có tin vui, an ủi khi bạn có chuyện buồn. Đến tiệm, ngồi nhìn ra cửa, thấy một bạn bước vào thì mừng rỡ reo lên chào hỏi như bạn đi xa mới về, rồi thì trò chuyện, chọc ghẹo, ríu rít, rạng rỡ, tưởng như mình còn trẻ như thuở học trò.
Nhưng rồi, các bạn lần lượt chia tay nhau trong im lặng. Chỉ còn mình tôi. Hỡi các bạn thân yêu của tôi. Các bạn có biết tôi đang nhớ các bạn đến ngẩn ngơ không?
Phạm Thành Châu
- forwarded message by PHAT NGUYEN ( Bolsa / Calif., ) to ...
( 24/05/ 2022 )
================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét