Tạm biệt bậc họa sĩ Đỗ Quang Em
Đỗ Quang Em, một trong các họa sĩ tranh cực thực hàng đầu Việt Nam đã ra đi vào lúc 23g30 ngày 3/8 vì bệnh tuổi già, hưởng thọ 80 tuổi. Thông tin khiến giới hoạ sĩ và khán giả yêu tranh của ông tiếc nuối.
Hoạ sĩ Đỗ Quang Em sinh năm 1942 tại Ninh Thuận. Ông tốt nghiệp ngành hội hoạ của Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Gia Định vào năm 1965. Một năm sau đó, ông cùng một số hoạ sĩ thành lập Hội Hoạ sĩ trẻ ở Sài Gòn. Hoạ sĩ Đỗ Quang Em cũng từng có thời gian giảng dạy tại ngôi trường mà ông theo học, Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Gia Định trong 2 năm. Một tên tuổi có dấu ấn lâu dài của hội họa miền Nam, vốn trưởng thành từ trước 1975 tại Sài Gòn.
Trong giới hội hoạ Việt Nam, hoạ sĩ Đỗ Quang Em được biết đến là một trong những hoạ sĩ theo đuổi khuynh hướng vẽ tả thực, thậm chí cực thực (vô cùng thực – hyperrealist). Có 2 đề tài được ông thể hiện nhiều nhất trong sự nghiệp là chân dung phụ nữ và tĩnh vật. Với tranh chân dung phụ nữ, ông thường vẽ về người vợ của mình, còn tranh tĩnh vật thường chuộng vẽ ấm trà. Ông được xem là họa sĩ Việt Nam có tác phẩm được bán với giá cao nhất, khi phòng tranh Galerie La Vong ở Hong Kong bán bức Ấm và tách trà của ông với giá 50.000 USD vào năm 1995. Trên báo The New York Times số ra ngày 29/11/1994 từng đưa tin bức Tôi và vợ tôi (vẽ năm 1989) của Đỗ Quang Em được bán công khai với giá 70.000 USD. Tổng thống Bill Clinton khi đến Việt Nam tháng 11/2000 đã từng nói: “Họa sĩ Đỗ Quang Em được giới thiệu tại nhiều triển lãm quốc tế…”.
Với họa sĩ Đinh Cường thì: “Đó là một tâm hồn lạ. Đỗ Quang Em cũng thật khắt khe và có quy luật trước đời sống, cho nên tranh anh được nhận ra bằng trái tim của một ẩn dụ không lời. Đỗ Quang Em đã vượt lên cái tân-hiện-thực mà nhiều người đã nghĩ, nhờ cách chơi bóng tối, cách đặt ánh sáng đầy quyền uy, tranh anh mãi quyến rũ và đắt giá”.
“Trong dòng nghệ thuật cổ điển, từ thời Phục hưng đến nay, đặt tranh anh bên cạnh các tác giả khác, chúng ta thấy ra ngay một thế giới riêng của Đỗ Quang Em, đó chính là đóng góp lớn và đặc biệt của anh vào nghệ thuật thế giới từ nghệ thuật hiện thực Việt Nam” – Nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy. Và thật vậy, trong dòng tranh hiện thực và tân hiện thực của Việt Nam thế kỷ 20, Đỗ Quang Em là một bậc thầy khó có người thay thế.
Các bức tranh của hoạ sĩ Đỗ Quang Em được đánh giá cao về đường nét và cách sắp đặt ánh sáng. Theo nhà nghiên cứu Lý Đợi, hoạ sĩ Đỗ Quang Em là một trong những tên tuổi có dấu ấn lâu dài của hội họa miền Nam. Tranh của ông hiện không dễ tìm kiếm trên thị trường, nên đã xuất hiện không ít tranh giả và tranh nhái.
Ông từng nói: “Tôi vẽ chân phương và chân thật, như những gì đã được học, nên khi được mua, được thích thì thấy rất vui. Bán tranh nghĩa là không còn tranh ở nhà, vậy là phải tìm tứ để vẽ bức khác, người mua gián tiếp giúp tôi tìm tứ mới”.
Tranh anh hiện không dễ tìm kiếm trên thị trường, nên đã xuất hiện không ít tranh giả và tranh nhái. “Mình có hay, người ta mới chép. Trên con đường tôi đi, nay đã có thêm bằng hữu. Như vậy, tôi không còn cô đơn nữa”. Ông nói với báo Lao động.
Ông là người “trăm phần trăm chỉ biết vợ biết con mình”, Cả nửa thế kỷ ông chỉ vẽ vợ con, tự họa và vài đồ vật dân dã của người Việt, nhưng thu hút rộng rãi giới sưu tập quốc tế.
Họa sĩ Đỗ Quang Em từng chia sẻ: “Nói thật, tôi chẳng biết trời cao đất rộng là gì, chỉ biết một vợ, bốn đứa con và vẻn vẹn vài người bạn. Bởi vậy, tôi có vẽ, có yêu thương ai, có ghét bỏ cái gì cũng trong phạm vi nhỏ hẹp đó. Tôi hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ trong chừng mực đó, còn những gì diễn ra bên ngoài bốn bức tường kia thì hoàn toàn xa lạ”.
Các triển lãm ông từng tham gia: Triển lãm chung “Tranh sơn dầu và lụa của bốn họa sĩ” tại TP.HCM. triển lãm “New space” của các họa sĩ Việt Nam và Singapore, triển lãm “36 tác phẩm mới” tại Bảo Tàng Mỹ thuật Thành phố HCM, trưng bày tại Galerie Lã Vọng, Hồng Kông từ năm 1993 đến 1996.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét