TRẦN THỊ NGUYỆT MAI
XIN NHỮNG TÌNH THÂN ÁI / CÒN HOÀI NHƯ HÔM NAY…
Phỏng vấn nhà văn NGÔ THẾ VINH, tác giả “Vòng đai xanh”
NGUYỄN MAI
thực hiện
Nhà văn Ngô Thế Vinh
NHÀ VĂN tuổi trẻ Ngô Thế Vinh ở trong một căn nhà khang trang, vùng ngoại ô Hòa-Hưng, mang một con số rất khó tìm, — không phải vì số nhà có nhiều cái xuyệt, mà khó tìm vì con số dẫn đầu lại nhằm một căn phố không dẫn theo một con hẻm nào cả.
Ngô Thế Vinh đã tiếp chúng tôi trong căn-nhà-khó-tìm đó bên một bàn giấy nhỏ, trên bàn đồ “văn phòng tứ bảo” không có gì khác hơn là một bàn máy đánh chữ loại xách tay (chắc nó đã theo anh đi khắp vùng tam biên, cũng đã vượt biên sang Căm-pu-chia, và những đâu nữa ai mà biết được,—với một y sĩ phục vụ trong Biệt Cách Nhảy Dù?) và một mẩu bút chì, một tách lớn dưới đáy còn đọng cặn cà phê. Thú thật, khi anh Chủ bút trao cho tôi cái địa chỉ của Ngô Thế Vinh, tôi đã tưởng sẽ gặp anh trong một phòng mạch hay ít nữa một phòng khách loại sang. Không khí “văn nghệ cật lực” nơi anh tiếp tôi, may thay, đã giúp cho câu chuyện giữa anh và chúng tôi thật cởi mở và thân mật.
Hẳn độc giả còn nhớ, mới trước Tết Nhâm Tý, khi còn bận hành quân trấn giữ Kontum, nhà văn y sĩ Ngô Thế Vinh đã không rời đơn vị để về Sài Gòn lãnh Giải thưởng Văn chương Toàn quốc 1971, trao tặng cho cuốn Vòng đai xanh của anh. Sau Tết, khi được đổi về Sài Gòn để chuẩn bị xuất ngoại tu nghiệp thì anh lại nhận được trát gọi ra hầu tòa về bài “Mặt trận ở Sài Gòn đăng trên tạp chí Trình Bầy số 34 vì tội “có luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội.” Ngày 18 tháng 5 vừa qua, Tòa Sơ thẩm Sài Gòn, ông Chánh Án Nguyễn Huân Trình đã xác nhận tội trạng của tác giả bài báo và phạt án (treo) 100.000 đồng tiền vạ, cùng là bồi thường 1 đồng bạc danh dự cho Bộ Nội vụ. Ngô Thế Vinh đã kháng cáo, và nội vụ sẽ được xét xử lại, ngày gần đây tại Tòa Thượng thẩm. Mặc dù vụ án xảy ra giữa tình hình dầu-sôi-lửa-bỏng, dư luận báo chí (dân sự cũng như báo quân đội) và dư luận quần chúng đã nhất trí bênh vực nhà văn có một lập trường dấn thân minh bạch cũng như một ý thức vững vàng về sứ mệnh của người làm văn nghệ trong giai đoạn lịch sử khó khăn này.
Chúng tôi coi như một vinh dự khi được phỏng vấn Ngô Thế Vinh, nhà văn mở đầu cho loạt bài phỏng vấn từ nay sẽ được đăng thường xuyên trên Chính Văn.
NgM — Xin anh cho biết sơ qua về cuộc đời anh?
NTV — Tôi sinh năm 1941…
NgM — Thưa, có phải ngày 1 tháng 4?
NTV — Sao anh biết?
NgM — Tôi biết nhờ tài liệu trong tập Từ điển các “Tác giả Hiện đại” của anh Trần Phong-Giao.
NTV — Như thế, chắc hẳn anh Trần Phong Giao còn viết rõ hơn, nhiều hơn rồi.
NgM — Thưa anh, theo anh Trần Phong Giaoi, thì anh sinh ngày 1 tháng 4 năm 1941 tại Thanh Hóa. Anh học trung học rồi theo Đại học Y khoa Sài Gòn. Anh viết nhiều trong thời gian làm Tổng thư ký Tòa soạn Nguyệt san Tình Thương, cơ quan của anh em sinh viên trường Thuốc (1963 — 66). Anh ra trường năm 1968, tình nguyện phục vụ trong Lực lượng Đặc biệt, giữ chức vụ Y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt cách Nhảy dù. Hiện nay anh đang làm việc tại một bệnh viện trên Thủ Đức.
NTV — Nhún vai và trên môi thoáng một nụ cười.
NgM — Vẫn theo anh TPG, các tác phẩm anh đã cho xuất bản gồm 4 cuốn tiểu thuyết: Mây bão, Bóng đêm, Gió mùa và Vòng đai xanh. Ba cuốn trên đều do nhà Sông Mã xuất bản liên tiếp trong ba năm 1963-64-65. Cuốn sau chót, nhân đây xin được anh cho biết, lại do nhà Thái Độ ấn hành (1970), cũng xin anh cho biết thêm là tại sao anh không có cuốn nào xuất bản trong những năm 1966-69?
NTV — Thật ra, từ năm 1966, nghĩa là từ sau khi tờ Tình Thương số 30 bị Nội các Chiến tranh đóng cửa, tôi không còn có những bận rộn về tờ báo đó nữa. Tôi đã có nhiều thì giờ hơn để sáng tác nhưng, xin anh cũng ghi nhận thêm là từ năm 1968, phục vụ trong Lực lượng Đặc biệt tôi bận hành quân nhiều. Vì sống xa Sài Gòn nên tôi đã nhờ anh em lo liệu việc ấn hành cuốn Vòng đai xanh. Trước hết là anh Thế Nguyên, nhà Trình Bầy. Sau anh Thế Nguyên, anh Thế Uyên đã “đấu tranh tích cực” với Sở Phối hợp Nghệ thuật, được sự hỗ trợ của báo chí thân hữu, và như anh thấy, Vòng đai xanh đã mang nhãn hiệu Thái Độ, trong tủ sách Văn nghệ Xám.
NgM — Thành ra, sau chót, không như ba cuốn trước, tác phẩm mà anh khổ công nhất lại không được mang tên con sông kiêu dũng của quê hương anh?
NTV — Cười buồn và phác một cử chỉ bâng quơ trước mặt.
NgM — Xin anh cho biết kể từ cuốn tiểu thuyết thứ nhất của anh tới cuốn VĐX, quan điểm sáng tác của anh có thay đổi nào không?
NTV — Tôi nghĩ là không. Từ cuốn tiểu thuyết Mây Bão (1963) tới VĐX (1971) cũng vẫn duy nhất một ý hướng của người viết. Chỉ có sự thay đổi ở khung cảnh và khí hậu của mỗi cuốn tiểu thuyết.
NgM —Anh đã trải qua những cảm tưởng nào về cuốn VĐX kể từ khi bắt đầu viết đến khi được giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1971?
NTV — Khi còn ở trong nhóm chủ trương tờ Tình Thương (1963-66), với tư cách một nhà báo sinh viên đã có dịp đi nhiều nơi, một trong những biến cố đã làm tôi bị xúc động sâu xa là những vụ đổ máu và mâu thuẫn Kinh Thượng ở Cao nguyên. Không có hoàn cảnh trình bày trên báo chí, tôi dự định viết sách. Bản thảo VĐX được hình thành với nhiều sự gián đoạn, giữa khoảng thời gian65-70 do bởi hai mối ám ảnh: thứ nhất là ám ảnh về đề tài và thứ hai là cái giới-hạn-có-thể-khai-thác về đề tài đó. Tôi muốn nói tới mối ám ảnh về kiểm duyệt. Dù VĐX được viết với rất nhiều tự chế và cả cắt xén của chính tác giả nhưng vẫn bị kiểm duyệt một thời gian cấm đoán, để rồi thì giải tỏa ở cấp Bộ sau khi đã có một áp lực đáng kể của dư luận Báo chí lúc đó. Với giải VCTQ 71, sự kiện VĐX được chọn — ngoài tính cách văn chương, đối với tôi còn có ý nghĩa một khêu gợi mối quan tâm chung đối với tương lai vùng Đất Hứa Cao nguyên. Nhưng có lẽ thực tế không được như vậy. Tưởng cũng nên nhắc lại đây một “hiện tượng” về kiểm duyệt: Dù đã được Sở Phối hợp Nghệ thuật cho xuất bản, những dòng chữ VĐX vẫn có thể bị “phối hợp” một lần thứ hai, Thế Uyên đã cho tôi biết như vậy khi anh phải nhượng bộ Thông tin bỏ đoạn văn trích VĐX cho cuốn sách giáo khoa mới của anh.
NgM — Trên Bách Khoa số 370, anh có cho biết đã phải tự cắt xén mất gần nửa số trang của cuốn sách. Xin anh cho một tóm tắt về phần đó. Và như vậy anh có định viết lại vào một dịp thuận tiện nào khác không?
NTV —Phải nói là tôi rất tiếc về sự cắt xén này, khiến nội dung cuốn sách có thể thiếu sót. Đó là một thái độ tự chế để VĐX có hoàn cảnh được ra mắt sớm. Phần cắt đi có tính cách như những tài liệu mật — một thứ Highland Papers, liên quan tới những biến động gần xa của Cao nguyên. Chẳng hạn sự xúi giục của người Pháp lập một nước Cao Nguyên tự trị trước khi họ ra đi năm 54, sự móc nối và can thiệp trực tiếp của người Mỹ mới tới sau đó, kế hoạch chiêu dụ dài hạn của Hà Nội với các sắc dân thiểu số bằng những tổ chức “Tuần Du” ra Bắc, lập Trung tâm Huấn luyện ở Gia Lâm để đào tạo những cán bộ Thượng cao cấp của Mặt trận Tây Nguyên Tự Trị. Đó là chưa kể tới sự giản lược nhiều chi tiết “quá thực” nhưng có vẻ tàn nhẫn trong các diễn biến đầy khúc mắc chính trị ở Cao nguyên. Cho tới bây giờ hoàn cảnh cũng không thuận tiện gì hơn để viết lại những điều này. Vả lại theo tôi không phải chỉ có vấn đề Cao Nguyên, một phần của bối cảnh cuộc chiến tranh VN rộng lớn, hiện tại tôi đang có những mối quan tâm khác cho những chương sách của “Mặt Trận ở Sài Gòn”.
NgM — Đứng trước phiên tòa vào sáng ngày 18-5-72 xử thiên bút ký “Mặt trận ở Sài Gòn”, anh đã có những cảm tưởng nào?
NTV — Không còn là thứ cảm tưởng bị xúc phạm như khi mới biết tin bị truy tố. Cũng là lần thứ ba đứng trước tòa. Trong phiên xử sáng ngày 18-5-72 cùng với bao nhiêu vụ án báo chí khác, kể cả vụ “Tiêu Lang là ai?” liên quan tới Tối cao Pháp viện, tôi chỉ có một ý nghĩ là đang bất đắc dĩ phải tham dự một thứ “Trò chơi Dân chủ” mà ở đó không có đối thoại, không có chỗ cho tiếng nói của những “niềm tin”.
NgM — Trong binh chủng LLĐB ngoài vấn đề đồng bào Thượng, qua cuốn VĐX, anh còn thấy một vấn đề nào khác cần trình bày nữa không?
NTV — Lực lượng Đặc biệt là một thứ tổ chức quân đội “ngoại lệ” để đương đầu với một loại chiến tranh “không quy ước” mà ở VN địa bàn chính hoạt động là Cao nguyên. Thực ra vấn đề đồng bào Thượng chỉ là một chủ điểm quan trọng của cuốn VĐX nhưng cũng còn nhiều vấn đề khác xoay quanh đó. Tôi muốn nói đến một chiến tranh chìm đắm giữa một cuộc chiến tranh khác với phản ảnh sâu sắc tấn thảm kịch trong mối tương giao Việt Mỹ. Hiện nay đã không còn binh chủng LLĐB trong tổ chức quân lực VN, cả những người lính “Mũ Xanh” Hoa Kỳ cũng đã ra đi. Trước và sau ngày ra đi của họ dĩ nhiên còn những khía cạnh cần trình bày, nhất là ảnh hưởng của một giai đoạn đặc biệt của cuộc chiến tranh được mệnh danh là Việt hóa.
NgM — Hình như anh là một tác giả ít cho phổ biến bài viết trên các tạp chí ở Sài Gòn. Nhân đây, xin anh cho biết ý kiến của anh về văn chương VN từ đầu năm 1971 trở lại đây?
NTV — Với hoàn cảnh khách quan như hiện tại, tôi tự thấy được cái giới-hạn-có-thể để cho phổ biến những bài viết trên báo chí. Do đó tôi thường chú tâm tới việc xây dựng trọn vẹn một tác phẩm để nếu có cơ hội thuận tiện thì cho ra mắt.
Khi anh hỏi về văn chương Việt Nam, tôi cũng nghĩ tới một nền văn chương của miền Bắc, mà tôi biết rất ít.
Với bề thế của một Thư viện Quốc gia, tôi đã nghĩ tới sự cần thiết của một Thư viện cho miền Bắc. Tôi hy vọng sẽ có dịp nói nhiều hơn về vấn đề này. Riêng tại miền Nam, hình như văn chương những năm trở lại đây đã phản ánh một cách khá trung thực cái bối cảnh đầy mâu thuẫn của xã hôi hiện tại: có đủ văn chương của thời đại nhàn rỗi đến những sáng tác mang đầy máu lửa chiến tranh. Tôi vẫn nghĩ khi thời cuộc giông bão đã qua đi, sẽ là một giai đoạn kết tinh, đó là sự hình thành và xuất hiện những tác phẩm lớn tiêu biểu cho nền văn chương VN hiện đại.
NgM — Hiện anh đang kháng án lên Tòa Thượng Thẩm. Xin anh cho biết anh sẽ tự biện hộ những gì?
NTV — Cũng như dưới Sơ thẩm, phát biểu của tôi trước tòa trên nếu có sẽ không phải những lời tự biện hộ, mà là một công khai xác nhận trách nhiệm với tư cách là tác giả nội dung “Mặt trận ở Sài Gòn”. Lựa chọn sự có mặt trước tòa, thái độ của tôi là chấp nhận, và không mấy quan tâm tới hậu quả của bản án, cả sự khó khăn về phía quân đội khi tôi đang là một thành phần trong đó. Bởi quan niệm đây là một trường hợp xâm phạm quyền tự do sáng tác của nhà văn, tôi không muốn chấp nhận một bản án khuyết tịch. Dầu sao cũng phải tin rằng vẫn còn một lương tâm sáng suốt của nền luật pháp VN trong quyết tâm bảo vệ những quyền tự do căn bản, với nhà văn đó là quyền tự do diễn tả. Điều này cũng còn phụ thuộc vào phẩm cách và sự nhất trí của tất cả giới cầm bút.
NgM — Trong tương lai, những điều anh viết hẳn vẫn là những điều anh quan tâm cho tương lai và hy vọng của xứ sở?
NTV — Có dịp sống giữa những biến cố, so sánh những điều xuất hiện trên báo chương ngoại quốc, tôi không mấy tin tưởng ở những phát biểu của các ngòi bút quốc tế “chuyên viên” này. Không ai hiểu những vấn đề của VN hơn chính những người Việt. Tôi nghĩ rằng tương lai và hy vọng của xứ sở đối với nhà văn VN sẽ không chỉ giới hạn trong sự diễn tả mà còn là nỗ lực truy nguyên những biến cố của đất nước.
Đã có lần tôi bày tỏ sự ao ước một ngày nào đó, có hoàn cảnh viết được một tác phẩm thật nhẹ nhàng và thơ mộng, nhưng hiện tại thì không. Chính thân phận người cầm bút cũng đang bị de dọa cuốn hút vào trong sự nghiền nát của guồng máy.
NgM — Xin anh cho biết một dự định gần nhất của anh?
NTV — Nếu không quá bận rộn với công việc chuyên môn, tôi mong có thì giờ hoàn tất cuốn sách đang viết dở dang vào cuối năm. Đó là một tiểu thuyết mà “Mặt Trận ở Sài Gòn” chỉ là một chương trong đó.
NgM — Anh có điều nào muốn nói thêm với độc giả của anh không?
NTV — Không. Với độc giả tôi đã có những gửi gắm tới họ qua các trang sách.
“Qua các trang sách”. Đáng tiếc là những trang sách chứa đựng nhiều nhất những điều anh muốn gửi tới độc giả thì chính anh lại đã phải “tự cắt xén (…) gần như một sự phá hỏng tác phẩm với mục đích để được xuất bản…” (Bách Khoa số 370). Giữa những hàng chữ được phép in, không hiểu độc giả đã đọc được những gì mà Ngô Thế Vinh muốn gửi tới họ? Thắc mắc đó còn ám ảnh tôi mãi sau khi đã chia tay anh sau một cái siết tay thật chặt, với một nụ cười “nào đó” trên môi, và một thoáng gì đó, như ngậm ngùi, như buồn bã mà tôi bất chợt bắt gặp trong đôi mắt sáng, trong, và thông minh của anh.
NGUYỄN MAI
thực hiện
(19-6-1972)
Nguồn: Chính Văn số 1 Bộ Mới tháng 7-1972.
- Tài liệu do nhà văn Trần Hoài Thư sưu tập.
===============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét