Hai nữ văn sĩ ở một nhà (nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và Nguyễn Thị Thu Huệ)
Hai nữ văn sĩ ở một nhà
Chân Dung Văn Học
Chi chút với chữ, thẳng tuột với đời
Nhà ở trong ngõ chợ Khâm Thiên, Hà Nội, nhưng có thời Nguyễn Thị Ngọc Tú làm người đọc nhầm tưởng bà là người nông thôn. Tại cái đề tài bà đã chọn. Những cuốn tiểu thuyết đậm chất nông thôn từ cái tên: Đất làng, Hạt mùa sau… Đất làng(1974) là chuyện thời hợp tác hóa nông thôn, Buổi sáng (1976) là chuyện một đội máy kéo thời cơ giới hóa nông nghiệp, Hạt mùa sau (1984) là vấn đề đưa khoa học kỹ thuật vào nghề nông… Cuốn nào cũng dày dặn như cục gạch trên giá sách: Đất làng và Hạt mùa sau mỗi cuốn xấp xỉ 600 trang, Buổi sáng 750 trang. Lại còn có giai thoại Nguyễn Thị Ngọc Tú phải mang va li đi lĩnh tiền nhuận bút cuốn Buổi sáng. Nhắc đến tiểu thuyết về nông thôn của Nguyễn Thị Ngọc Tú, người ta thường nhớ những chữ dùng bình thường mà rất gợi. Câu đầu tiên của cuốn Đất làng: “Chị Thầm gọi: – Chúng may đâu, cho gà ăn đi không tối rồi kìa! Ngày tháng mười chưa cười đã tối!” Chúng may chứ không phải chúng mày. Một câu khác, nhân vật giơ con cá lên bảo: “Cá này ăn vào rất là không còi xương”. Có những câu văn cứ nằm mãi trong trí nhớ như vậy.
Về hưu, cố gắng leo qua cái tuổi sáu mươi, rồi bảy mươi, nặng nhọc hơn leo dốc. Một nhà thơ nữ cùng tuổi vẫn đều đặn sáng đi bơi chiều đánh tennis, vui vẻ trẻ trung như một bà Phó Đoan. Nguyễn Thị Ngọc Tú thì đã “thần sầu” ngay từ độ tứ tuần, khi mọi đam mê và giông tố trong đời bà đã lắng, rồi lắng hẳn cho đến bây giờ. Bà đã sống hết mình và hết mình cả cho những trang viết trong những năm tuổi trẻ. Một nhà văn viết khỏe, hàng vạn trang sách như vậy phải là một người rất khỏe về trí não mới có thể cày cuốc lâu bền trên những trang viết. Nếu như coi tâm sức nhà văn là cái vốn cố định thì Nguyễn Thị Ngọc Tú đã chi dùng quá hào phóng cho việc viết lách trong những năm tuổi trẻ. Nhưng nói như vậy cũng không đúng hẳn. Sang những năm đầu của thập kỷ mới, bà còn cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết gần 500 trang. Những tập kịch bản phim truyền hình nhiều tập sừng sững trên mặt bàn như Cỏ lồng vực, ảo ảnh trắng, Câu chuyện dưới tán lá rợp… uy hiếp bất cứ ai dám bảo bà chỉ dồi dào sức sáng tạo ở trước tuổi năm mươi mà thôi.
Theo đuổi đề tài nông thôn trong những năm bút lực sung sức nhất, về sau này Nguyễn Thị Ngọc Tú trở lại viết về Hà Nội. Bà có nhiều kỷ niệm với ngõ cây bàng, nhiều hiểu biết về một Hà Nội của người lao động nghèo. Hình bóng cuộc đời cuốn tiểu thuyết rất gợi về những ngày đêm Hà Nội đánh máy bay B52 Mỹ ném bom rải thảm năm 1972, Ảo ảnh trắng là cuộc chiến đấu với thần chết trong bệnh viện, rồiHai người và những con sóng, Những đoạn đường lầy… Đặc biệt tiểu thuyết Chỉ còn anh và em là những kỷ niệm với người bạn thân thiết, nhà thơ Xuân Quỳnh. Tiểu thuyết này được những người cảm thông với số phận của nhà thơ Xuân Quỳnh đọc và giải mã như một cuốn hồi ký đáng tin cậy.
*
* *
Nguyễn Thị Ngọc Tú có đóng góp lớn ở một phía khuất: làm biên tập văn học. Nhiều năm bà làm biên tập văn xuôi ở báo Văn Nghệ, sau này sang tạp chí Tác phẩm Văn học (rồi đổi lại là Tác Phẩm Mới, rồi thành tạp chí Nhà Văn). Đấy là một nhà biên tập tinh tường, thao tác rất nhanh khi sửa đổi hoặc cắt xén những đoạn văn thừa lời thiếu ý. Cũng rất nhạy cảm với những vấn đề chính trị xã hội. Trong khi biên tập, bà chứng tỏ là người có gu, lại cũng biết tìm cách nói khi từ chối một bản thảo. Tôi nhớ có lần đem đến một truyện ngắn gửi đăng báo Văn Nghệ, bà đọc rồi bảo: Truyện buồn quá. Buồn quá rồi thôi luôn, chả bao giờ thấy đăng lên. Mà tôi khi ấy mười tám tuổi, khó hiểu cái lý do truyện ngắn buồn thì không in được. Vài năm sau, bà đưa tôi đọc bản thảo của một tác giả khác, phân tích cái non yếu của nó, rồi kết luận là viết thế không thể in được. Đúng lúc ấy tác giả xuất hiện. Bà trả lại anh ta bản thảo và bảo: Truyện buồn quá.
Người thú vị hôm ấy là tôi. Giải mã được câu nhận xét của Nguyễn Thị Ngọc Tú. “Truyện buồn quá” là một cách nói, có thể làm cho tác giả còn hy vọng, không in được vì truyện của tôi buồn quá, không hợp với xu hướng lạc quan cách mạng đang thịnh hành, không phải vì tôi viết không hay. Chẳng biết có bao nhiêu người viết ngày ấy được nghe câu “truyện buồn quá” của Nguyễn Thị Ngọc Tú? Nhưng có lẽ chỉ mình tôi biết nó có nghĩa là: truyện dở, không in được.
Không phải tôi không có lúc ấm ức với những đoạn bị bà cắt xén, không phải không so đo khi thấy trên báo vẫn in những truyện nhàng nhàng như cái truyện “buồn quá” của mình. Nhưng tôi tỉnh ra thật nhanh. Chỉ vài năm sau đã có cảm giác may quá, cảm giác thoát thân nhẹ cả người, nhờ những truyện ấy không được bà cho in ra. Bây giờ nghĩ lại, càng thêm biết ơn sự nghiêm khắc bà dành cho riêng tôi.
Một lần khác, bà góp ý cho những trang viết đầu tiên của tôi: Văn viết sao cho nó khỏe lên một tí. Giật mình. Đọc đi đọc lại. Dần dần cũng hiểu. Văn mình kể ra vẫn còn hơi rườm rà miên man. Rồi lại đọc trong nước ngoài nước để tự ý thức về mình. Đúng như thuở ban đầu Nguyễn Thị Ngọc Tú tinh tường chỉ ra.
In những truyện đầu tiên trên Văn Nghệ, tôi đến tòa soạn, được cả ban văn xuôi xúm vào xem mặt. Ở nhà Nguyễn Thị Ngọc Tú thì được cả nhà quý, từ ông Chánh chồng bà cho đến bé Thu Huệ. Một ngày cuối tuần nào đó không đến chơi thì cả nhà nhắc. Có khi hai mẹ con đèo nhau đến thăm tôi ở trường, có khi lại còn đem cho chút thực phẩm trong những năm bao cấp thiếu thốn. Cho những cuốn sách hay mà ông Chánh quen biết mua được trong những năm cũng thiếu đói cả sách… Cái tính thật thà ngây ngô của bà người thương thì nhiều mà người giận cũng không ít. Những khi giận quá, tôi lại nghĩ đến những điều ân cần thành thật bà đã làm cho mình mà không giận được nữa. Một lần như thế, thấy tờ báo nước ngoài in cái truyện ngắn của Nguyễn Thị Ngọc Tú, tôi mang về. Bà nhận mà cứ lặp đi lặp lại: Thật không ngờ… Thật không ngờ… (Thật không ngờ là nó không giận mình).
Đấy là người đàn bà có lẽ chỉ khi ngồi trước trang giấy mới chi chút với từng chữ, như chi chút từng mũi kim đan. Còn ở ngoài đời nhiều khi ý nghĩ thẳng tuột ra miệng. Đã phải đắn đo câu chữ khi viết, ngoài đời cũng đắn đo như thế nữa thì căng thẳng quá. Ngoài đời nhà văn cần phải được thả lỏng chút ít. Chắc hẳn bà là người thích sống như vậy. Ngồi trong rạp xem phim cùng mấy bà bạn, mấy bà chốc chốc lại bình phẩm: Úi giời, đẹp giai quá. Thằng này định giết con này à? Giết đâu mà giết, tốt thế giết làm sao được.
Cái cách nói năng bình phẩm hỏi han này đôi khi tràn vào những trang viết khi nhà văn lỏng tay: “Khuôn mặt nhạt nhòa trong tấm ảnh nhỏ bằng bao diêm mưa nắng và ngày tháng dầu dãi. Anh cất nó trong ví. Thỉnh thoảng vô tình chợt giở ra và ai đó nhìn thấy lại hỏi: “Người yêu anh đấy à?” Anh đáp vội: “Không. Đây là người yêu của người khác”. “À, thế à?” Một chuỗi cười nổi lên. “Người yêu của người khác, cậu giữ ảnh làm gì?”… Anh lảng chuyện, không trả lời. Không phải là khó. Chẳng muốn nói, thế thôi…” (Ảo ảnh trắng)
Nhà biên tập sắc sảo không tự biên tập được văn mình. Mấy câu “À, thế à?”, “Người yêu của người khác, cậu giữ ảnh làm gì?” là thừa. Hỏi như chỉ đơn thuần để đưa đẩy gợi chuyện, kiểu khai thác tài liệu của chính bà. Bà chạy sang nhà hàng xóm hỏi chuyện nuôi lợn tăng gia cũng thế. Hỏi chuyện làm ăn ở hợp tác xã nông nghiệp này, xí nghiệp kia cũng thế. Đi đường, thấy đám người xúm đông xúm đỏ cũng xuống xe ngó vào hỏi han. Có lần đạp xe sau một cái xe bò. Thằng bé đánh xe giơ cái xẻng đập xuống lưng bò bồm bộp. Bà đạp xe dấn lên: Nó nuôi mày sao mày đánh nó? Thằng bé lại phang cái má xẻng xuống lưng bò, không nói. Sao mày ác thế? Nó lại phang một cái nữa. Bà vẫn lằng nhằng đi bên cạnh. Mày không sợ kiếp sau lại làm bò cho người ta đánh à? Đến thế thằng bé quát: Bà tắt loa, đi đi.
Vẫn chuyện đạp xe. Con gái yêu một người bà không thích, bà đạp xe bám theo sau. Hai đứa chở nhau đi trước, bà đạp ở đằng sau, rõ ràng ngang nhiên thế mà cứ tưởng chúng không nhìn thấy. Chúng dừng lại, giả vờ xuống xe nắn săm nắn lốp. Bà cũng xuống xe nắn săm nắn lốp. Chúng lên xe đi, rẽ ngoắt ngoéo, bà cũng ngoắt ngoéo bám theo.
Một buổi sáng, bà đến gặp tôi. Xám lạnh bơ phờ sau một đêm thao thức. Trong một cơn giận, bà lỡ lời nói với con gái rằng anh chàng người yêu đã nói xấu về mẹ. Sao mẹ biết? Anh Thái kể thế. Bà lỡ lời thêm một lần nữa. Bà mất ngủ, mong trời sáng để đến gặp tôi. Bà bảo tôi phải nhận đã nói điều ấy, nếu không thì từ nay biết nói thế nào cho con gái nghe đây… Thật may, chuyện ấy Huệ không bao giờ hỏi đến.
Mọi sóng gió rồi cũng qua. Làm tổng biên tập tạp chí Nhà Văn, khi về hưu rồi, thấy hóa ra hưu trí cũng nhẹ nhàng, không đến nỗi kinh khủng như nhiều người đến tuổi hưu vẫn sợ. Tự biết, không lảng vảng cơ quan cũ quấy rầy mọi người. Hàng ngày dò dẫm đi bộ tập tành. Góp ý cho con cháu. Nhiều khi góp ý theo kiểu nghĩ thật thà đơn giản của mình. Quan trọng là bà vẫn chi chút viết, như những bà già về hưu khác ngồi thêu thùa may vá đan len. Kể, cô vẫn đang viết tiểu thuyết đấy, khi nào xong, mang đi in cho cô nhé. Nhưng cũng có khi tôi đến nhà chơi với Huệ và các cháu, thì cô tránh. Hiểu, đang ốm đau, mà cô chỉ muốn xuất hiện trong trạng thái khỏe mạnh và thật là tươm tất trước mắt mọi người.
Bé Huệ ngày trước
Ngày ấy gia đình nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú ở khu tập thể Kim Liên. Phía trước nhà, ngay cạnh lối đi lên cầu thang có cái máy nước công cộng. Tôi đi qua cái máy nước có mấy người đang râm ran chuyện trò thì gặp bà đứng đón. Nguyễn Thị Ngọc Tú chỉ tay về phía máy nước:
– Cháu Huệ đấy.
Một con bé chừng mười hai tuổi bẽn lẽn chào chú. Tròn tròn mập mạp. Răng sún vì kẹo. Không lâu sau, tôi viết một truyện ngắn có đoạn mấy chàng sinh viên chỉ về phía một con bé bên máy nước tập thể mà trêu nhau:
“- Nàng đấy à?
– Cái con bé tẹo teo sún răng ấy à? Ừ, nàng đấy”.
Đoạn này rõ ràng nhân vật là hình ảnh bé Huệ. Nhưng mấy chàng sinh viên còn đi xa hơn. Một chàng bình phẩm:
“- Tạm được, cho sáu điểm!
Con bé cứ tưởng người ta nghĩ về mình còn thấp hơn thế. Nhưng dù sao thì vẫn không thể im lặng được. Nó quay phắt lại, trân trộ nhìn mấy anh con trai:
– Các anh thì đẹp lắm đấy. Tôi mà cho điểm thì dưới trung bình hết”.
Câu này chỉ là của nhân vật, tôi chưa nghe Huệ nói vậy bao giờ. Nhưng giá mà rơi vào cảnh huống ấy, dám chắc cô bé cũng chan chát đối đáp không kém.
Huệ hay bị tôi cho vào truyện. Cứ thích trêu cô bé bằng cách ấy. Mười lăm mười sáu tuổi, tinh nghịch đáo để, có lần lại điệu đàng tiểu thư. Ông bác cho mấy con gà con mới nở, thế là bỏ vào lồng nuôi, ra vẻ yêu chiều gia súc. Chi tiết ấy được tôi bê vào ngay cho nhân vật Nguyễn Thị Ê Li trong truyện Những cuộc kiếm tìm:
“- Chíp chíp kiu kiu, các em xinh xắn ơi. Hạnh nhìn này, đây là Natasa, đây là Matinđơ, đây là Ăngtoanet.
Tên của ba cô gái xinh đẹp được đặt cho ba con vịt mới nở, trông như ba túm tơ vàng óng. Và Ê Li kiên nhẫn trình diễn màn yêu gia cầm trong khoảng mười lăm phút”.
Huệ không yểu điệu õng ẹo như Ê Li. Chỉ giả vờ yêu gia cầm một cách hài hước mà thôi. Nhưng tình yêu ấy chỉ một lần cho mãi mãi. Chẳng khi nào thấy Huệ lại tỏ vẻ yêu gia súc nữa.
Nhưng việc tôi trêu Huệ lại bị bà Ngọc Tú hiểu một cách đơn giản là tôi chê Huệ đủ điều, tôi kiêu căng ngạo mạn, dẫn đến chuyện bà bất bình với tôi trong công việc. Nhưng tôi cứ trêu, bản tính khó thay đổi. Và cô bé Huệ cũng tỏ ra biết đùa, chẳng hề lấy đó làm điều để bụng.
Vui vẻ, nhanh nhẹn. Bé tí ra đường đã bị bọn con trai trêu chọc. Có hôm đi học về, thông báo luôn: Bị giật mất sách rồi. Bà Tú tra khảo: Lại cái tội vừa đi vừa cười loe toe chứ gì? Con có cười gì đâu, chúng nó bảo mai chúng nó trả. Chuyện trong nhà ngoài phố gì cũng biết. Kể chuyện ông hàng xóm có bà nhân tình, một ngày không gặp mặt nhau một lần không chịu được. Ông nghĩ ra cách qua mặt bà vợ La Sát: Sẩm tối xung phong mang rổ rác ra đổ ở góc khu tập thể, đấy là nơi hẹn của tình yêu. Huệ thấy hết. Kể hết. Như một đứa em gái. Lâu lâu tôi chở cô bé đi xem phim. Cho vào trường Đại học Ngoại giao xem sinh viên chúng tôi diễn kịch. Lớn rất nhanh. Việc tôi phải đổi cách xưng hô có lý do chính là cô bé lớn rất nhanh. Ban đầu tôi gọi ông Chánh bà Tú là anh chị, sau phải đổi là cô chú, chỉ vì không thể để một cô gái gọi một anh chàng vừa mới hai mươi là chú được nữa. Chuyện yêu đương của cô ta tôi biết hết, rất cảm thông san sẻ. Nhưng rốt cục Huệ không cưỡng được nguyện vọng của cha mẹ. Hai mươi tuổi, năm thứ ba đại học, Huệ lấy chồng, lấy chính người cha mẹ đã chấm. Tôi bảo tảo hôn, lạc hậu. Nhưng có khi thế mà yên.
Huệ lấy chồng, một hôm tôi gặp cô văn thư đánh máy một nhà xuất bản nọ, cô chao chát: “Anh lấy vợ, không mời em, nhưng ma chê cưới trách, em chẳng giận đâu”. Hồi ấy còn lâu tôi mới lấy vợ, tôi sửng sốt hỏi lại, cô kia bảo: “Anh lấy con bà Ngọc Tú, cả Hà Nội biết, anh lại giấu em”.
Đấy là chuyện những ngày xa xôi. Còn mãi sau này, một anh bạn viết văn nghe tôi bảo Huệ như là em gái thì tròn mắt hỏi: “Huệ mà là em cậu? Nói thế nào ấy chứ, nó chẳng nuốt sống cậu thì thôi”. Khi tôi kể lại chuyện từ những ngày Huệ như đứa em gái, anh lại có cách giải thích khác: “Thì cô ấy còn giữ lại một chỗ, xem cậu như một người anh đàng hoàng, cô ấy đi nuốt sống người khác”. Tôi kể lại cho mụ (chúng tôi gọi nhau là mụ là lão), Huệ cười lúng liếng: “Đã thế mụ sẽ cho lão ấy chết”.
*
* *
Từ bé Huệ đã đọc rất nhiều. Cả tủ sách của cha mẹ. Sau năm 1975, Nguyễn Thị Ngọc Tú đi công tác miền Nam, mang ra hai bao tải sách, trong đó có rất nhiều tác phẩm của Erich Maria Remarque mà bà rất thích. Sách bị thu, sau phải đưa giấy tờ chứng nhận được đọc sách nghiên cứu, người ta mới trả cho một ít. Bà tiếc của, đòi thêm mấy cuốn Rơmác, anh chàng bàn giao sách cuối cùng cũng gật gù, ghi vào giấy: Trả thêm 2 rơmóc. Thế là bé tí Huệ đã được đọc hết mấy cái rơmóc ấy. Hết cả tủ sách thì lục bản thảo của báo Văn Nghệ mẹ mang về nhà đọc. Bản thảo của tôi, Huệ cầm lên nhìn thoáng qua đều bảo đã đọc rồi. Đọc trộm trước đó trong những chồng bản thảo biên tập của bà Tú.
Nghe con kể chuyện trong nhà ngoài phố, chuyện lạ lùng sinh động, Nguyễn Thị Ngọc Tú bảo: Viết đi. Tôi ngầm không hài lòng. Chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ cô bé hợp với nghề văn. Thu Huệ cũng chẳng tỏ vẻ muốn viết. Vẫn hồn nhiên vui chơi, nhìn ngó nghe ngóng như đám bạn bè. Đùng một cái, in truyện Mưa trái mùa trên báo Văn Nghệ. Truyện dễ đọc. Sau đó truyện Điểm chết xuất hiện ở báo Độc Lập. Nhà thơ Vân Long kể một cách trân trọng nội dung truyện khi thấy tôi chưa đọc. Có sự trân trọng ấy chắc là vì anh Vân Long bản tính đôn hậu, bao giờ cũng trân trọng thành quả của người khác. Tôi thì thấy những truyện ngắn ấy còn non nớt gò gẫm lắm. Huệ đang phải gồng mình loạng choạng giữa những câu chữ bướng bỉnh. Không sao hình dung được rằng Huệ sẽ viết văn. Mà Huệ cũng im luôn, lâu lâu không thấy viết.
Tới đầu những năm 1990 Nguyễn Thị Thu Huệ mới xuất hiện liên tục cùng với dòng văn học phụ nữ ồ ạt. Người ta tấm tắc những Hậu thiên đường, Minu xinh đẹp, Giai nhân, Cõi mê… Cũng là kể chuyện, nhưng chuyện có duyên, ngôn ngữ linh hoạt, ào ào không tiếc lời. Cốt truyện éo le có thể làm các bà các cô ngồi xa lông hoặc vừa bán hàng vừa phập phồng không dứt ra được. Cũng dễ lấy được nước mắt hoặc những cái chép miệng ái ngại thương cảm.
Phụ nữ viết văn là một xu thế chung. Đã có những sóng gió nghiêng nước nghiêng thành như thế trong các nền văn học Trung Quốc, Mỹ, châu Âu… Xuất hiện nhiều nữ tác giả làm những nghề thật là xa lạ với nghề văn. Họ viết trong trào lưu đấu tranh cho nữ quyền đang ngày càng lên mạnh. Phụ nữ ngày nay đọc sách nhiều hơn đọc báo, một thị trường đáng kể cho nhà văn nữ. Họ viết vì nhà văn nam giới hay lảng tránh những cảm xúc tế nhị của giới tính, mà độc giả nữ lẫn những độc giả nam thóc mách lại cần chính cảm xúc đó.
Dù có thế nào, tôi vẫn thầm phục Nguyễn Thị Ngọc Tú, từ rất sớm bà đã nhìn thấy một người kể chuyện bẩm sinh ở con gái mình. Nguyễn Thị Thu Huệ hôm nay quả đã thành một nhà văn sắc sảo, đáo để và có nhiều người đọc ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét