Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

đọc thêm (2) : " nhà nghiên cứu 98 tuổi xuất hiện, nói về học giã Nguyễn Hiến Lê "/ Hoà Bình -- trích:https://viettimes.vn/ (12/ 01/ 2019)

 


Nhà nghiên cứu 98 tuổi xuất hiện nói về học giả Nguyễn Hiến Lê

VietTimes – Nhà nghiên cứu 98 tuổi Nguyễn Đình Tư cười rất tươi, nói về người thầy của những người thầy – học giả Nguyễn Hiến Lê.

Nhà nghiên cứu 98 tuổi Nguyễn Đình Tư (mặc áo dài màu vàng) bên cạnh ông Nguyễn Quyết Thắng, người đại diện gia đình quản lý 120 đầu sách của học giả Nguyễn Hiến Lê

Nhà nghiên cứu 98 tuổi Nguyễn Đình Tư (mặc áo dài màu vàng) bên cạnh ông Nguyễn Quyết Thắng, người đại diện gia đình quản lý 120 đầu sách của học giả Nguyễn Hiến Lê

Sáng 12/1, rất đông các nhà nghiên cứu, nhà văn và độc giả đã tề tựu tại đường sách TP.HCM trò chuyện về học giả Nguyễn Hiến Lê trong chương trình “Nguyễn Hiến Lê – con người và tác phẩm” do NXB Tổng hợp TP.HCM tổ chức.

Bất ngờ xuất hiện tại đường sách, nhà nghiên cứu tuổi 98 với mái tóc bạc trắng Nguyễn Đình Tư cười rất tươi nói: “Học giả Nguyễn Hiến Lê không khuyên hết thảy mọi người nên làm nghề cầm bút nhưng ông cho rằng ai cũng nên tập viết văn, bởi vì luyện văn tức là luyện tư cách, nâng cao nhân phẩm lên”.

“Được viết ra cách thời nay ngót 40 năm mà từng cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê vẫn vẹn nguyên tính thời sự, da diết nỗi niềm cảm thụ cái đẹp của tri thức, của hiểu biết, mời gọi người tiếp nhận mở lòng đón nhận những hương sắc tâm hồn bốn phương” – Nhà nghiên cứu tuổi xấp xỉ một trăm xúc động ghi nhận.

Nhà nghiên cứu 98 tuổi xuất hiện nói về học giả Nguyễn Hiến Lê ảnh 1

 Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (trái) và nhà nghiên cứu tuổi 98 Nguyễn Đình Tư 

Nhiều người gọi học giả Nguyễn Hiến Lê là người thầy của những người thầy. “Sống giản dị, nghiêm cẩn, ẩn dật, ông âm thầm làm việc trong suốt 40 năm, cho đến khi mất. Không bài bạc, rượu chè, không ham nhảy đầm như đa số thanh niên thời đó, ông gần như chỉ có một thú vui duy nhất: đọc sách và tự học thêm. Ông đem sở học ra để giúp đời, đặc biệt là giáo dục thanh niên” – Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói.

Hai vợ chồng nhà điêu khắc Kim Thanh và Nguyễn Sang cùng có mặt với bức tượng học giả Nguyễn Hiến Lê vừa hoàn thành vì ngưỡng mộ những cuốn sách học làm người của người sáng lập tủ sách Khai Trí.

Nhà nghiên cứu 98 tuổi xuất hiện nói về học giả Nguyễn Hiến Lê ảnh 2

 Rất đông các học giả tề tựu đông đủ trò chuyện về học giả Nguyễn Hiến Lê

Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng say sưa nói về “Cánh hồng bay bổng đường mây tuyệt vời”. Ông ví học giả Nguyễn Hiến Lê như con chim hồng: “Chim hồng đến bến nước, rồi đậu lại ở hòn đá lớn, rồi tiến đến đất bằng, rồi đậu lên cây cao, cuối cùng bay bổng vào đường mây…”

Gia tài khổng lồ của “tượng đài văn hóa” – học giả Nguyễn Hiến Lê lên tới 120 đầu sách, ở đủ mọi lĩnh vực, tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật về giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế,...

Nhà nghiên cứu 98 tuổi xuất hiện nói về học giả Nguyễn Hiến Lê ảnh 3

 "Kim chỉ nam của học sinh" của học giả Nguyễn Hiến Lê là cuốn sách đổi đời đối với tôi" - Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ 

Sách của học giả Nguyễn Hiến Lê cuốn nào cũng là những kho kiến thức vô tận cộng với trải nghiệm thực tế phong phú và cách dùng từ rất “đắt”, được trau chuốt cực kỳ cẩn thận.

Nhắc tới các sách dịch của Nguyễn Hiến Lê, độc giả thường nhớ nhiều tới hai cuốn "Quẳng gánh lo đi và vui sống" và "Đắc nhân tâm" của Dale Carnegie. Bắt đầu xuất bản ở Việt Nam từ năm 1951 bởi Nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, “Đắc Nhân Tâm” nhanh chóng gây chú ý và trở thành hiện tượng trong ngành xuất bản khi liên tục được tái bản rất nhiều lần. “Đắc nhân tâm – Bí quyết để thành công” là dấu son nổi bật nhất mà học giả Nguyễn Hiến Lê đem tới với độc giả Việt Nam.

Nhà nghiên cứu 98 tuổi xuất hiện nói về học giả Nguyễn Hiến Lê ảnh 4

 Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng say sưa nói về tác giả của 120 đầu sách học làm người

Học giả Nguyễn Hiến Lê là người đặt cái tên đầu tiên cho dịch phẩm này bằng tiếng Việt. “Đắc Nhân tâm” là sự sáng tạo tài tình từ tên gốc (How to win friends and influence people). Rất nhiều bản dịch sau đã học tập Nguyễn Hiến Lê sử dụng tên “Đắc nhân tâm”.

Ngoài ra, ông còn rất nhiều tựa sách ấn tượng khác như “Thư ngỏ gửi tuổi đôi mươi”, “Săn sóc sự học của các con”, “Kim chỉ nam của học sinh – Phương pháp  học tập khoa học đạt hiệu quả cao”, “Dạy con theo lối mới”…

Nhà nghiên cứu 98 tuổi xuất hiện nói về học giả Nguyễn Hiến Lê ảnh 5

 Cuốn "Kim chỉ nam của học sinh" (NXB Phạm Văn Tươi) đang được bảo quản tại ngôi nhà cũ tại tỉnh Long Xuyên của vị học giả quá cố 

Xuất thân trong một gia đình nhà nho, Nguyễn Hiến Lê quê gốc ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây trước đây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Ông sinh ngày 8 tháng 1 năm 1912 tại số 4 ngõ Phất Lộc, Hà Nội, thuở nhỏ học Trường tiểu học Yên Phụ, Trường Bưởi, Trường Cao đẳng Công chánh (Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công Chánh năm 1934, ông chuyển vào phía Nam làm việc ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, suốt gần nửa thế kỷ gắn bó với đất Phương Nam. Năm 1945, ông thôi làm công chức, đi dạy học ở tỉnh Long Xuyên. Năm 1952, ông chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, tập trung vào công tác biên dịch sách, sáng tác, viết báo.

Ông Nguyễn Quyết Thắng – nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm TP HCM, người đang thay mặt gia đình quản lý bản quyền sách của học giả Nguyễn Hiến Lê cho biết hồi cuối năm 2018, ông đã đồng ý chuyển lại quyền ấn bản 120 đầu sách của học giả quá cố cho công ty MCBooks, với mong muốn các tựa sách hay lần lượt đến tay bạn đọc trở lại.

Nhà nghiên cứu 98 tuổi xuất hiện nói về học giả Nguyễn Hiến Lê ảnh 6

 "Quẳng gánh lo đi và vui sống" (NXB Phạm Văn Tươi) 

Nhà nghiên cứu 98 tuổi xuất hiện nói về học giả Nguyễn Hiến Lê ảnh 7

 Rất nhiều đầu sách có giá trị vượt thời gian đã được ấn bản bởi NXB Nguyễn Hiến Lê

Nhà nghiên cứu 98 tuổi xuất hiện nói về học giả Nguyễn Hiến Lê ảnh 8

 Cuốn "Giúp chồng thành công" có thủ bút của học giả Nguyễn Hiến Lê viết tặng người vợ Long Xuyên của ông, bà Nguyễn Thị Liệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét