VŨ NGỌC PHAN – PHÊ BÌNH VĂN HỌC THEO NGUYÊN TẮC KHEN CHÊ
Trần Đình Sử
Nhà văn Vũ Ngọc Phan (1902-1987) sinh ra ở Hà Nội, nguyên quán làng Đông Cảo, huyện Gia Bình, nay thuộc huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Xuất thân trong một gia đình nho học lâu đời, thân phụ đỗ tú tài, là một huấn đạo mẫu mực. Thuở nhỏ ông học chữ nho, sau học chữ Pháp. Năm 27 tuổi ông đỗ tú tài Pháp và bắt đầu hoạt động văn hóa, xã hội. Lúc đầu cộng tác với các báo, dịch tiểu thuyết nước ngoài, viết bút kí, nhưng nổi bật hơn cả là phê bình văn học, mà kết tinh là bộ sách Nhà văn hiện đại gồm 5 quyển, quyển 1 in năm 1942, quyển cuối in vào năm 1945. Sau năm 1945 ông hăng hái tham gia kháng chiến, làm biên tập viên báo Tiên Phong, ủy viên thường trực đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu IV, sau đó công tác trong ngành văn nghệ ở Việt bắc. Sau 1954 ông làm việc ở Ban Văn Sử Địa, rồi Viện văn học. Ông chuyển sang sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian, mà công trình chính là bộ Truyện cổ dân gian các dân tộc Việt Nam và bộ Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, tái bản nhiều lần, trở thành sáng lập viên Hội nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam.
Sự nghiệp văn học của Vũ Ngọc Phan gồm 7 công trình biên khảo, 5 tác phẩm dịch thuật, đã được ghi nhận ở trong nhiều sách văn học sử và lịch sử phê bình[1]. Ở đây xin không nhắc lại mà chỉ tập trung xem xét về bộ sách phê bình của ông.
Bộ Nhà văn hiện đại của ông khoảng 1100 trang khổ lớn[2], viết về 79 tác giả, là một công trình đồ sộ của phê bình văn học nước nhà giai đoạn 1932 – 1945. Về quan niệm, trong Lời nói đầu ông khẳng định đây là tập phê bình văn học, chứ không phải là văn học sử, bởi vì ông viết về các hiện tượng văn học đang diễn ra, hoặc chưa có độ lùi cần thiết của thời gian để làm văn học sử. Vũ Ngọc Phan cũng là nhà phê bình có ý thức đầy đủ về nhiệm vụ và phương pháp phê bình. Ông hiểu văn học là hồn của một dân tộc, “Một dân tộc không biết trọng văn chương của mình chỉ có thể là một dân tộc man di hay sắp đến ngày diệt vong”. Trong bài Vì sao ta phải đọc họ? ông nêu mục đích phê bình là 1. “Nhận rõ trào lưu, tình hình xã hội và nhưng xu hướng về tinh thần, về vật chất, chính trị, tôn giáo, mà tác phẩm của họ chỉ là tấm gương phản chiếu.” 2. “Xét sự tiến hóa về đường nghệ thuật và tư tưởng”, “chỉ ra ai là hướng đạo, ai là chịu ảnh hưởng”, 3.“So sánh nhà văn hiện đại với nhà văn thuở xưa để thấy sự tiến bộ”, “định giá về địa vị các nhà văn hiện đại trong văn giới Việt Nam và hướng dẫn cho người đọc”. Ông đã tuyên bố theo “phương pháp khoa học và căn cứ vào những bằng chứng xác thực để phê bình, sự khen chê không bao giờ vu vơ cả”. Không thiên vị và đặt tình cảm ra ngoài. Thực ra Vũ Ngọc Phan xem phê bình như người luật sư biện hộ cho văn học, đồng thời là vị quan toà quyền uy phán xử nghiêm khắc. Ở phần Kết luận ông tự hào là người đã chứng kiến cuộc tiến hoá văn học rất nhanh ở nước ta, “một năm đã có thể kể như ba mươi năm ở nước người rồi. Chúng ta là lũ tý hon đi hia bảy dặm”, văn học Việt Nam “tiến hoá rất đều, và những văn phẩm trội hơn hết xuất bản gần đây, đều là những văn phẩm có tính chất Việt Nam, có cái xu hướng về dân tộc hoá”[3].
Vũ Ngọc Phan đã phác hoạ một bức tranh văn học Việt Nam hiện đại bao quát nhất, rộng lớn nhất, gồm 79 nhà văn hiện đại. Trước hết phải hiểu quan niệm nhà văn của ông ở đây rất rộng, không chỉ người sáng tác, mà còn gồm cả những nhà báo, dịch thuật, biên khảo, “có tính cách vĩnh viễn”, khác với báo chí, như quan niệm của các học giả Pháp và học giả Việt Nam đương thời như Thiếu Sơn, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai,…Quan niệm rộng như thế phê bình sẽ rất khó, vì phê bình dịch thuật khác với phê bình khảo cứu, đòi hỏi một trí tuệ bách khoa mà không dễ đáp ứng. Quan niệm đây là sách phê bình, chưa phải văn học sử của ông cũng có chỗ hợp lí. Bởi viết xong tháng 12/ 1942, nhiều tác giả chưa lộ diện, hoặc còn sáng tác nhiều năm nữa, chưa thể nhận định được. Sách của ông còn thiếu những gương mặt như các nhà phê bình Trương Tửu, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đổng Chi, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, đó có thể không phải là khuyết điểm của tác giả. Tuy nhiên nhiều nhà thơ độc đáo, tài năng trong số 44 thi nhân được Hoài Thanh nhắc đến, Vũ Ngọc Phan đã đọc mà ở đây chưa có mặt như Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp, Tế Hanh…thì đó là do nhà phê bình chưa nhìn ra được giá trị của họ. Dẫu cho phê bình không yêu cầu phải chặt chẽ như lịch sử văn học, thì đó vẫn là điều đáng tiếc đối với một công trình lớn, khiến cho phần thơ bị lép quá nhiều so với văn xuôi, không đúng với thực tế.
Nhìn một cách tổng quát, có thể xem Nhà văn hiện đại thuộc loại phê bình có tính bách khoa rất độc đáo chỉ có dưới ngòi bút của Vũ Ngọc Phan. Phê bình một số lượng nhà văn lớn như thế, dù có nhầm lẫn một số tác giả, tác phẩm, thì vẫn là một tài năng phi thường. Và cả cuốn sách là một công trình hữu ích lâu dài. Trong phần Kết luận tác giả cho biết bộ sách đã cho thấy mấy điều: 1. Văn học Việt Nam tiến hóa rất mau, phân ra đủ các loại thơ văn như ở những nước mà văn học từ lâu đã thành cơ sở; 2. Văn của các nhà văn đã tiến hóa rất nhiều, giữ lấy tinh thần dân tộc, không dùng nhiều chữ Hán. 3. Tác giả tự nhận thấy cuốn sách “chỉ mới tóm tắt được những điều cốt yếu”…để “tiện việc tra cứu và có thể biết qua về sự tiến hóa của văn học Việt Nam hiện đại.” Như vậy sách chỉ quan tâm chủ yếu về mặt thể loại và ngôn ngữ biểu đạt của cả nền văn học trong thời đại văn học hiện đại hóa, chuyển mình từ nền văn học trung đại sang văn học hiện đại, mà chưa có sự đi sâu (TĐS trích in nghiêng để nhấn mạnh.). Lời tự nhận xét ấy theo tôi là tương đối khách quan, nó giúp biết qua, tra cứu, nhưng còn thiếu. Nhưng làm thế nào để chứng minh được rằng văn học ta tiến hóa rất mau, đó là cả một vấn đề phương pháp văn học sử, mà cuốn phê bình chưa thể làm sáng tỏ được.
Đi vào lĩnh vực nhận định sáng tác của từng tác giả, thì Vũ Ngọc Phan không cung cấp thông in về bình sinh, thân thế, chỉ nói về tác phẩm, chủ yếu là liệt kê các tên sách, in hay xuất bản ở đâu, báo hay nhà xuất bản, năm nào, để ta biết toàn thể cái hoạt động văn học của mỗi người; đối với tác phẩm được coi là tiêu biểu thì thuật lại khái quát nội dung, trích đoạn, đánh giá hay dở rồi nhận định. Khi giới thiệu một tác giả, Vũ Ngọc Phan bao giờ cũng đem lại một nhận định tổng quát, để cho người đọc nắm được, sau đó mới chọn trích cho ta một vài đoạn văn ở một tác phẩm nào đó để ta hình dung cách viết, cách nghĩ của họ, rồi qua đó mà phê bình. Ví dụ giới thiệu về Khái Hưng, ông chỉ ra độc giả của ông là thanh niên trí thức mà phần đông là bạn gái. “Đọc tiểu thuyết của ông người ta nhận thấy lúc đầu ông là một nhà tiểu thuyết về lí tưởng, dần dần ngả về phong tục là loại ông có nhiều đặc sắc nhất, rồi đến khi viết Hạnh, ông bắt đầu khuynh hướng về tâm lí, cũng như Nhất Linh viết đến tập Bướm trắng vậy.” Viết về Nhất Linh Vũ Ngọc Phan viết: “ông là một nhà văn viết về những tục xấu của người Việt Nam và có cái tư tưởng khuyến khích người ta sửa đổi. Như vậy, nếu xét theo khuynh hướng của Nhất Linh ở những truyện đặc sắc nhất của ông, người ta phải đặt ông vào loại tiểu thuyết luận đề (romans à thèses) tuy ông đã đi từ tiểu thuyết tình cảm đến tiểu thuyết tâm lí.” Chỉ mấy câu như thế người ta biết được diện mạo sáng tác của nhà văn. Gặp nhà văn ông yêu mến, ông đã viết những trang sâu sắc và khá tinh tế, như về Nguyễn Tuân. Gặp tác phẩm dịch, thì ông trích một đoạn dịch rồi bình phẩm cách dịch hay dở thế nào. Nhờ thế, đọc các bài ông viết không khô khan. Ông cũng chú ý đánh giá tổng quát về phẩm chất công việc hay phong cách tác giả với lời văn cô đúc, lịch lãm. Gặp tác giả viết nhiều loại văn thì ông lần lượt nêu ví dụ giới thiệu từng loại như thế nào, khiến người đọc biết cái toàn thể. Cho nên có tác giả được viết rất dài, vài ba chục trang, có tác giả lại rất ngắn, chỉ vài ba trang. Gặp những tác giả biên khảo các vấn đề chuyên sâu như Nho giáo của Trần Trọng Kim, thì mượn lời đánh giá của nhà phê bình khác như Phan Khôi, Ngô Tất Tố. Nhưng ông vẫn chỉ ra chỗ ông Tố chưa thỏa đáng, chứ không dựa hẳn vào ý kiến người khác. Có những vấn đề mà các học giả chưa thông, có khi nhà phê bình cũng xông vào phân xử, theo tôi là không nên, nhà phê bình vẫn chỉ nên đứng ngoài mà mô tả sự kiện để người sau viết tiếp. Gặp tác giả viết về văn học cổ, sự đánh giá, phân tích của Vũ Ngọc Phan vẫn tinh tường, ví như bình về quyển Kiều của Bùi Kỷ. Gặp các tác giả mà nhà phê bình có vẻ không ưa thích thì sự phê bình vẫn rất lịch sự, thẳng thắn. Chẳng hạn, khi thấy Phạm Quỳnh chê bai nặng lời Giấc mộng con của Tản Đà, Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “Phê bình như vậy không còn là phê bình văn nữa, mà là phê bình người qua sách.” Những lời phê bình cuốn Trông giòng sông Vị và Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại cũng rất hữu lí, khi tác giả này lấy trí tưởng tượng thay cho các sự thật cần phải có để giải thích văn chương. Gặp tác giả mà sự phê bình còn non tay thì ông phê bình rất thẳng thắn, ví như Thiếu Sơn[4]. Gặp tác giả mà sự phê bình có chỗ trái lí thì ông tranh luận lại, như trường hợp Dưới mắt tôi của Trương Chính. Chính sự thẳng thắn, dứt khoát, có chủ kiến, khiến cho phê bình của Vũ Ngọc Phan hấp dẫn, không thể coi tất cả là nhạt nhẽo được. Nhưng phê bình của Vũ Ngọc Phan vẫn có nhiều chỗ thiếu công bằng. Ông coi Thi nhân Việt Nam chỉ là một tuyển tập thơ, mà bỏ qua, hoàn toàn không đánh giá phần bình thơ của Hoài Thanh một cách đáng tiếc, lại chê thái độ rào đón “như trong vụ tuyển cử”, nhằm ngăn đón sự công kích ồn ào. Rõ ràng ông không đánh giá đúng giá trị của Thi nhân Việt Nam. Ông cũng không đánh giá đúng văn của Thạch Lam, Theo giòng của Thạch Lam rất hay thì ông lại đánh giá rất thấp. Có vẻ như ông không đánh giá cao các nhà phê bình khác. Đọc vào các mục phê bình các nhà văn, như Hoàng Ngọc Phách, đề cập đến Tố Tâm, Vũ Ngọc Phan phê bình ngay lối văn sáo rồi trích mấy đoạn sáo dài, tiếp theo khẳng định đây là ái tình tiểu thuyết, chứ không phải “tâm lí tiểu thuyết”, tranh luận với quan niệm của nhà văn về thể loại, mà bản thân nhà phê bình cũng chưa có khái niệm rõ ràng về tiểu thuyết tâm lí. Ngày nay, nếu tra mục từ tiểu thuyết tâm lí trong từ điển văn học thì không thể phủ nhận yếu tố tâm lí của Tố Tâm. Vấn đề ong nêu ra ở đây có vẻ như một vấn đề giả. Tiểu thuyết tâm lí xuất hiện khi phát hiện ra con người cá nhân cùng với những biểu hiện mâu thuẫn giữa bên trong và bên ngoài, những tâm lí không hợp với logic, đạo lí, ở đây là mâu thuẫn giữa tình yêu cá nhân với đạo lí cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nên cứ phải che giấu, vụng trộm. Nhà phê bình không thấy hình thức trần thuật ngôi thứ nhất, trần thuật bằng thư và bằng thể nhật kí của nhân vật, một điều rất mới mẻ đối với văn học Việt Nam lúc ấy.
Vũ Ngọc Phan vẫn thường phê bình về văn, lối biểu đạt, cách dịch của không ít tác giả mà ngày nay một số người cho là hay sa vào bắt bẻ chữ nghĩa, nhưng theo tôi, nó phản ánh cái thời văn quốc ngữ đang hình thành, văn chương đang đổi mới, có thể coi là những hiện tượng đáng chú ý của thời ấy. Và phê bình vẫn có giá trị của nó. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều sự bắt bẻ lí sự quá đáng, chẳng hạn như bắt bẻ văn của Lê Văn Trương như sau: “Rồi đến những câu như câu: “Người ấy chết chết đi là tấm ái tình họ cũng chết, nhưng chết với người còn sống thôi, chứ hình ảnh người yêu họ đã chôn chặt trong tâm khảm”. Như vậy, ai biết tấm ái tình của họ chết hay không chết? Câu: “Trái tim dù là sắt, nhưng nếu sắt đã yêu, sắt cũng phải mềm”. Sắt mà biết yêu ư? Những câu như thế thật nhiều.” (Quyển 4, tập thượng). Đã đành các câu văn ấy không phải là hay, nhưng bẻ lí về nó là không cần thiết, bởi vì đối với phê bình một tác phẩm, vấn đề không phải là đúng hay sai, mà ở chỗ, nó nói cái gì. Một số bài thiên về chỉ ra cái sai, cái nhầm, biến bài phê bình thành một thứ “dọn vườn” nhạt nhẽo, mà không thấy ý nghĩa của tác phẩm, như bài viết về Đào Duy Anh, về chính tả của Trần Thanh Mại.
Nhưng xét về mặt sự phê bình chê của Vũ Ngọc Phan cũng rất đáng chú ý. Trong khi Hoài Thanh chỉ bình, khen chứ không chê, vì cái dở không tiêu biểu gì hết, nhưng Vũ Ngọc Phan chê cũng cần để làm cho văn hay hơn. Ông chê nhiều chỗ đích đáng, đáng quý. Nhất là văn dịch, dịch sai nhiều, các vị tên tuổi đều bị ông chỉ ra chỗ khiếm khuyết mà không thể cãi lại được. Và chê cũng bộc lộ trình độ của người chê, có thể trao đổi lại. Điều đáng quý là Vũ Ngọc Phan chê một cách hồn nhiên, không nhằm hạ bệ hay tiêu diệt đối phương như lối “đấu tố” sau này, chỉ chuyên vào đả kích và xuyên tạc cá nhân.
Như vậy có thể nhận thấy phê bình của Vũ Ngọc Phan trong khi mô tả các nhà văn hiện đại, xây dựng bức tranh hoành tráng của nền văn học theo quan niệm tiến hóa, vẫn mang tính chủ quan, áp đặt rất nhiều. Có thể nói nó chưa đạt được tính khoa học như ông mong muốn thể hiện.
Đánh giá chung về Nhà văn hiện đại, các nhà nghiên cứu có đánh giá khác nhau. Thạch Lam trong Theo giòng chê phê bình của Vũ Ngọc Phan nhạt nhẽo, chung chung, không theo một chính kiến rõ ràng. Lê Thanh trên tạp chí Tri Tân chê họ Vũ chỉ phê bình chỉ ra cái hay cái dở của tác phẩm mà không liên hệ thân thế tác giả, thời cuộc, khuynh hướng. Nguyễn Văn Trung xem đó là phê bình ấn tượng chủ nghĩa. Thanh Lãng, và tiếp sau nhiều người xem Vũ Ngọc Phan là phê bình giáo khoa kiểu Lanson, tức công thức, giáo điều. Đỗ Lai Thúy xem đấy là sự tranh chấp giữa khoa học và ấn tượng. Đặng Tiến khẳng định là chính. Các đánh giá ấy nói chung không thiếu cơ sở. Nhiều tác giả khác ở trường, viện văn học thì có người khẳng định thành tựu là chính, có người không bàn bạc gì. Các mặt thiếu khoa học có thể kể ra như sau. Viết về các nhà văn Việt nam trong một khoảng thời gian dài từ cuối thế kỉ XIX với TrươngVĩnh Ký (1837-1898) đến năm 1944, bộ sách khó tránh được những chỗ thiếu tính khoa học như tác giả đã tuyên bố.
Thứ nhất, thiếu quan niệm về văn học sử thì không thể chỉ ra được “sự tiến hóa” văn học một cách khách quan được, bởi vì tác phẩm thiếu đi ngữ cảnh lịch sử. Quan tâm đến “tính vĩnh viễn” của văn học, Vũ Ngọc Phan lúc này chưa có quan niệm về tính lịch sử của văn học. Ông chưa phân biệt cận đại, hiện đại, gọi tất cả là nhà văn hiện đại.
Thứ hai, thiếu phần thân thế nhà văn và bối cảnh đời sống thì khó lòng đánh giá nội dung và ý nghĩa cũng như giá trị của tác phẩm. Do chú mục vào tác giả cho nên khi nói đến Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo…, ông hoàn toàn không đề cập tới nhóm Tự lực văn đoàn, phong trào thơ Mới, các hiện tượng khuynh hướng, trào lưu của văn học. Ông không thấy khi mới xuất hiện, các nhà văn Tự lực văn đoàn ra sức bêu xấu các nhà văn tiên phong, đẩy họ vào hàng “cựu học”. Thành ra các tác giả chỉ như các yếu tố rời rạc của văn học, được đem đặt bên nhau.
Thứ ba, xét bố cục thì việc chia các nhà văn làm hai thế hệ “đi tiên phong” gồm 25 người (quyển 1, 2) thuộc văn học giao thời, cận đại, các thể loại nửa cũ nửa mới, tác phẩm phần nhiều thuộc phi văn học. Các “nhà văn hiện đại” 54 người trong quyển 3 và 4 xuất hiện từ 1932-1945 thuộc văn học hiện đại, lúc này văn học đã hình thành các thể loại mới hẳn hoi, cho nên chia nhà văn như vậy là hợp lí. Sự phân chia như vậy chỉ cần thiết để trình bày, nhưng nhà phê bình đã đưa các tác giả như Phan Khôi, Hoàng Ngọc Phách, Trần Trọng Kim vào nhà văn tiên phong là không hợp lí, vì các ông ấy còn hoạt động liên tục về sau. Nhà phê bình chưa có quan niệm các thể loại hợp lí để xếp những nhà văn nào vào thể loại nào cho khỏi trùng lặp, trong loại này đã hàm chứa loại kia. Ngày nay nhìn lại, có thể thấy sự phân loại tiểu thuyết của ông phần lớn đều chồng chéo, thiếu tiêu chí logic. Loại thì theo tiêu chí phương pháp sáng tác, loại thì theo đề tài, loại thì theo cốt truyện, loại thì theo phong cách, loại thì theo thể loại. Nếu lấy tả chân làm tiêu chí thì có thể xếp nhiều nhà văn vào đó nữa. Tiểu thuyết tả chân và tiểu thuyết xã hội khó mà tách biệt nhau. Tiểu thuyết lịch sử, một thể loại quan trọng, thì ông gọi là lịch sử kí sự, không phân biệt kí sự với tiểu thuyết, làm mất tính chất hư cấu của tiểu thuyết. Khi xếp Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố vào nhà văn viết phóng sự thì khó nói hết nghệ thuật tiểu thuyết của các nhà văn này và biến tiểu thuyết lịch sử Lều chõng thành tiểu thuyết phóng sự, biến Tắt đèn cũng thành tiểu thuyết phóng sự nốt. Khi xếp Trần Thanh Mại vào ô tác giả truyện kí, thì ông đã không xem đây là tác phẩm phê bình, chắc ông đã biết thế nào là phương pháp phê bình tiểu sử học của Sainte-Beuve và cứu ông Mại một bàn thua trông thấy. Khi phân biệt nhà tiểu thuyết tả chân với nhà tiểu thuyết xã hội thì khó tránh khỏi khiên cưỡng. Trong Lời nói đầu ông đã tự nhận là “đành tùy tiện” mà làm rồi thì ông cũng tự thấy có lúc phải lùi bước trước khoa học. Dù thế nào, thì đó vẫn là cách hệ thống hóa tạm thời đầu tiên của một nhà phê bình mà sau ông, cho đến tận bây giờ vẫn chưa thấy có ai nối tiếp. Quan niệm của tác giả về các nhà văn đi tiên phong có phần gần với quan niệm cận đại đối với văn học hiện đại khiến cho bức tranh văn học được rõ nét.
Thứ tư, khi đã chọn được tác giả rồi, đứng trước rất nhiều tác phẩm, việc chọn tác phẩm nào là tiêu biểu để giới thiệu phê bình cũng là một vấn đề khoa học. Khi phê bình Nguyễn Công Hoan, ông tập trung vào Cô giáo Minh, Tấm lòng vàng, Lá ngọc cảnh vàng, là các tác phẩm không tiêu biểu gì cho tả thực hết, trong khi đó không nói một lời đến Bước đường cùng, là tiểu thuyết tiêu biểu nhất cho lối tả thực của nhà văn. Điều này cho thấy nhà phê bình thiếu hẳn ý niệm về tả thực. Đâu phải hễ gọi nhà văn tả thực thì viết gì cũng đều tả thực cả.
Thứ năm, điều nhà phê bình tự hào nhất là “nói có sách, mách có chứng, chứ không khen chê vu vơ.” Đúng là nhà phê bình trích dẫn rất nhiều để khen, chê, nhưng đó chỉ là thể hiện tính khoa học ở bề ngoài. Vấn đề là trích dẫn ấy phục vụ cho những nhận định nào và nhận định ấy có khoa học hay không. D. S. Likhachev đã nói về tính chính xác trong nghiên cứu văn học chỉ thể hiện trong việc xử lí tư liệu, hệ thống hóa các hiện tượng văn học. Nhưng đi vào thẩm định phẩm chất văn học thì vấn đề then chốt là phán đoán tác phẩm nói gì, đưa ra thông điệp gì. Chỉ ra các yếu tố này, nọ mà không thấy thông điệp của nhà văn thì phê bình vẫn còn cách xa tác phẩm lắm. Khi đánh giá truyện ngắn Nguyễn Công Hoan hay Số đỏ của Vũ Trọng Phụng thì không có phương pháp nào giúp nhà phê bình được, ngoài cái tài lắng nghe tiếng nói của tác phẩm. Nói cách khác tính khoa học chính xác của ông Phan chỉ nằm ở bề ngoài, vấn đề là thiếu sự thấu hiểu được chiều sâu của văn bản. Hiểu tính khoa học như thế ta cũng thấy rất nhiều đoạn trích dẫn đã không cho thấy thực chất của tác giả và tác phẩm, cho nên cũng không có nhiều giá trị.
Quan niệm về văn học Việt Nam lúc ấy của nhà phê bình cũng còn rất sơ sài, thể hiện trình độ phê bình còn rất hạn chế của thời đó. Nhà phê bình lúc này chưa biết cách nghiên cứu nội dung văn học qua các mạch chủ đề, các mối liên hệ về cảm hứng, nhân vật, cốt truyện cho nên chưa có kết luận về các phương diện nội dung ấy. Quyển sách chỉ nghiên cứu về một số phương diện của hình thức bề ngoài của văn học mà thôi, quy công việc phê bình văn học vào việc khen chê một số chỗ, như Lê Thanh đã nhận xét[5].
Về phương pháp phê bình của Vũ Ngọc Phan, một số nhà nghiên cứu xem phương pháp của Nhà văn hiện đại là “phê bình giáo khoa” kiểu Gustave Lanson (1857-1934), thì phê bình giáo khoa ở đây nên hiểu như thế nào? Theo nhà nghiên cứu lịch sử phê bình văn học Pháp Roger Fayolle (1928-2006) thì G. Lanson không có một quan niệm thật rõ rệt để mà gọi là “chủ nghĩa lanson.” Ông phê phán Sainte- Beuve, nhưng cũng hoài nghi mọi quy nạp, khái quát, cuối cùng lại thích Sainte- Beuve. Tư tưởng của Lanson thể hiện tập trung trong câu sau đây: “Hoạt động chủ yếu của chúng tôi là tìm hiểu tác phẩm văn học, so sánh chúng với nhau, để từ trong chỉnh thể mà phân biệt được cá thể, từ truyền thống mà nhìn ra được cách tân; là phân biệt tác phẩm về thể loại, về khuynh hướng và phong trào; là cuối cùng xác định được mối quan hệ của các loại biệt ấy với đời sống trí tuệ, đạo đức và đời sống xã hội, và mối quan hệ của chúng với văn học và văn hóa châu Âu.” Đó là một quan điểm rất chuẩn mực. Về việc trích dẫn chứng cứ, theo ông “chỉ thuần túy là biện pháp. Lập phiếu cũng chỉ là công cụ để mở rộng tri thức, là khắc phục sự không chính xác của trí nhớ – mục đích của chúng nằm ngoài bản thân chúng. Bất cứ phương pháp nào đều không cho phép làm việc một cách máy móc, hơn nữa, theo cách hiểu nhân tạo, không có phương pháp nào là có giá trị. Chúng ta cũng cần tư tưởng, nhưng đó là tư tưởng chân thực.”[6] Cứ theo cách hiểu đó, thì có thể thấy, phương pháp thực tế của Vũ Ngọc Phan còn cách Lanson một khoảng cách khá xa, bởi ông chỉ quan tâm tới sự khen chê theo cảm nhận của ông. Ông chưa chú ý chỉ ra các cá tính, chưa chỉ rõ sự cách tân so với truyền thống, chưa quan tâm trào lưu, phong trào, cuối cùng, chưa chỉ ra được mối quan hệ văn học với đời sống trí tuệ, đạo đức và đời sống xã hội như Lanson đã nói. Trích dẫn chủ yếu để thấy được tư tưởng chân thực của tác phẩm, trong khi trích dẫn của Vũ Ngọc Phan chủ yếu chỉ để thấy chỗ hay và chỗ dở theo quan niệm riêng của nhà phê bình. Các nhà văn trước 1945 đều rất thông thuộc các tư tưởng văn học của các học giả Pháp, có thể do muốn phân biệt phê bình với văn học sử một cách đơn giản, mà Vũ Ngọc Phan đã tự làm nghèo công trình của mình. Rõ ràng phương pháp của Vũ Ngọc Phan không phải hoàn toàn là phê bình kiểu Lanson, mà chỉ là một kiểu của Vũ Ngọc Phan, phụ thuộc rất nhiều vào thị hiếu thẩm mĩ của ông, điều mà nhiều người xem là chủ nghĩa ấn tượng, chủ quan, giáo điều. Có thể coi đó là định luận.
Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, bên cạnh các công việc sự vụ, ông chuyển hướng dần dần sang sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian. Có thể đây là niềm yêu thích vốn có của ông, cũng có thể điều kiện phê bình văn học bấy giờ đã không như trước, nhất là qua các cuộc tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc cho thấy công việc phê bình văn học dễ gặp nhiều rủi ro, nên thay đổi công việc sẽ có lợi hơn. Có thể nói Vũ Ngọc Phan đã nhạy bén tìm chỗ để tránh phê bình văn học. Điều quan trọng là các công trình về truyện cổ tích người Việt và tập Tục ngữ ca dao, dân ca Việt Nam của ông đều có giá trị cao, được in đi in lại nhiều lần, đem lại nhiều vinh dự lớn cho nhà nghiên cứu. Song đó đã là một lĩnh vực khác, không phải phê bình văn học, ch nên chúng tôi xin phép sẽ không nói thêm nữa.
TRẦN ĐÌNH SỬ
-----------------
[ Chú thích ] :
[1] Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam quyển hạ, Trình Bày, Sài Gòn 1967; Mộng Bình Sơn, Đào Đức Chương, Nhà văn phê bình, Nxb Văn học, Hà Nội, 1989; Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, Nxb ĐHQG tp Hồ Chí Minh, 2004.
[2] Theo Vũ Ngọc Phan tuyển tập, 4 tập, Tập 1 và tập 2, Nxb Văn học, khổ 14×26, 2008. Theo Đặng Tiến, bài in trong Vũ Ngọc Phan tuyển tập, tập 4, cho biết sách non 1500 trang, đã bị kiểm duyệt Pháp cắt mất 200 trang. Không rõ đã cắt những chỗ nào.
[3] Phần Kết luận của Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan tuyển tập, 4 tập, tập, 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 2008, tr. 421-422.
[4] Xin xem mục Thiếu Sơn, trong Nhà văn hiện đại tập 3, quyển 1.
[5] Lê Thanh, Nghiên cứu và phê bình văn học, Lại Nguyên Ân sưu tâm và biên soạn, Nxb Hội nhà văn-Trung tâm văn hóa Đông Tây, Hà Nội, 2002, tr. 364, 374.
[6] Roget Fayolle, Phê bình – phương pháp và lịch sử, Bản dịch của Hoài Vũ ở Nxb Văn nghệ Bách Hoa, Thiên Tân, 2002, tr. 256-257.
nguồn: Trần Đình Sử Blog>
======================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét