Một đời chuyên tâm nghiên cứu và viết sách, đến tuổi xế chiều, giáo sư Hoàng Xuân Việt phải nhờ một học trò là luật sư Hoàng Cao Sang đứng ra bảo vệ quyền tác giả cho mình. Ông chỉ vào những cuốn sách mới tái bản của mình và thở dài: “Những cuốn sách này là tôi tự bỏ tiền ra mua. Muốn tặng ai đó cuốn sách của mình thì cũng bỏ tiền ra mua”.

Giáo sư cho biết 10 năm trở lại đây, ông không hề chuyển nhượng quyền tác giả quyển sách nào. Thế nhưng tại một số nhà sách TP.HCM, có nơi sách của ông được bày không dưới 20 cuốn. Các nhà sách trên mạng cũng rao bán các tác phẩm của ông được tái bản trong thời gian gần đây: Người có nghị lực (NXB Thanh Niên - 2005), Người đắc lực (NXB Thanh Niên - 2006), Thất nhân tâm (NXB Văn hóa Thông tin - 2007)... Các thư viện điện tử cũng “tranh thủ” đăng hoặc trích đăng các tác phẩm của ông công khai.

Giáo sư Hoàng Xuân Việt: “Đau” với nạn xâm phạm bản quyền ảnh 1

Giáo sư Hoàng Xuân Việt thảo luận với luật sư bảo vệ tác quyền cho ông. Ảnh: TRÀ GIANG

Nhưng trong vòng hai, ba năm trở lại đây, tác giả không hề nhận được đồng nào. Thời gian trước đó, vài NXB cũng cho người đến nhà đưa cho ông chút tiền tượng trưng sau khi đã tái bản sách nhưng chưa NXB nào có thỏa thuận rõ ràng quyền tác giả trước khi tái bản. Cũng có lúc học trò ông đưa đến một cuốn sách tái bản ông mới biết mặt mũi “đứa con” của mình. Thậm chí có quyển sách tái bản còn bị đổi tựa sách, bị biên tập lại, hay bị chia nhỏ thành nhiều tập.

Giáo sư buồn rầu: “Tôi chỉ lo nghiên cứu và viết sách, không có thời gian nào để theo dõi nên cũng không biết bao nhiêu sách của mình bị xâm phạm quyền tác giả”.

Có được công trình sách đồ sộ với hơn 60 cuốn được xuất bản và gần 200 bản thảo chưa công bố như hiện nay, giáo sư Hoàng Xuân Việt đã dành toàn thời gian chuyên tâm nghiên cứu và viết sách. Từ năm 22 tuổi, cứ đúng 8 giờ là ông ngồi vào bàn viết đến 11 giờ 30, buổi chiều bắt đầu từ 13 giờ 30 đến 20 giờ. Sau bữa tối, ông đọc sách, ghi phiếu tư liệu và sắp xếp các phiếu có liên quan vào chung một thư mục để tích lũy tư liệu cho những cuốn sách tiếp theo.

Ông nói: “Tôi không dám khuyên tuổi trẻ bây giờ nên giống tôi. Nhưng với tôi, phải chịu khó đào sâu một cái lỗ thì mới nên cái giếng. Nếu đào nhiều lỗ quá thì chỉ thành lỗ, không thành giếng”. Vậy mà “cái giếng” cả đời ông bỏ công ra đào đã trở thành một nguồn lợi của người khác.

Luật sư Hoàng Cao Sang cho biết ông sẽ gửi thông báo đến các NXB đã từng tái bản sách của học giả Hoàng Xuân Việt để yêu cầu ngừng tái bản và trả tiền quyền tác giả. Nếu các NXB vẫn cố tình làm trái pháp luật, anh sẽ khởi kiện. Luật sư bùi ngùi: “Nếu ở nước phát triển, một người viết nhiều sách như thầy Hoàng Xuân Việt sẽ rất giàu nhờ tiền quyền tác giả. Còn thầy, cuộc sống rất đạm bạc”.

Công trình bản thảo của giáo sư Hoàng Xuân Việt hiện rất đồ sộ với hơn 200 bản thảo chưa công bố. Trong số bản thảo này có nhiều công trình lớn về lịch sử, văn hóa, triết học...: Lịch sử 1945-1975 (bảy quyển); Tuyển tập văn hóa, văn học Việt Nam (bảy quyển), Từ điển Việt-Bồ-La (2.000 trang)... và nhiều bản thảo về học làm người.

Vào 8 giờ 30 ngày 15-11, lễ kỷ niệm ngày Thầy trò và giới thiệu sự nghiệp 60 năm cầm bút của giáo sư Hoàng Xuân Việt sẽ diễn ra tại Cung văn hóa Lao động. Giáo sư Hoàng Xuân Việt sẽ giao lưu với độc giả và giới thiệu 170 tác phẩm của ông. Nhân dịp này, luật sư Hoàng Cao Sang cũng sẽ công bố quyền tác giả đối với tác phẩm của giáo sư Hoàng Xuân Việt.

TRÀ GIANG