Hoàn toàn không ngoa chút nào cả khi nói rằng nhà Văn Nghệ của Từ Mẫn Võ Thắng Tiết là nhà xuất bản lớn nhất, có uy tín nhất và cũng có công nhất trong sinh hoạt văn học hải ngoại từ sau năm 1975.
Vị thế của nhà Văn Nghệ rõ ràng và hiển nhiên đến độ ngay cả những người nhiều hoài nghi và đố kỵ nhất của không thể nói khác điều đó được.
Trước khi nhà Văn Nghệ được ra đời vào cuối năm 1985, ở hải ngoại đã có một số nhà xuất bản hoạt động mạnh, trong đó, mạnh nhất là Đại Nam và Xuân Thu, nhưng cả hai đều thuần tuý có tính chất thương mại với một mục tiêu khá đơn giản và dễ dàng: In lại các tác phẩm cũ của miền Nam trước năm 1975 cũng như một số tác phẩm “tiền chiến” và cổ điển.
Nhiều người phàn nàn hai nhà xuất bản này về vấn đề tác quyền, nhưng dù sao họ cũng khá có công ở chỗ, nhờ tài buôn bán của họ, người Việt Nam trong những năm tháng đầu tiên của cuộc sống xa xứ được đọc lại những tác phẩm văn học thân thuộc ngỡ đã bị tiêu huỷ hoàn toàn trong ngọn lửa phần thư của chế độ mới.
Ngoài Đại Nam và Xuân Thu, trước 1985, ở hải ngoại cũng có một số nhà xuất bản khác, văn nghệ hơn, nhưng tất cả đều cò con, lâu lâu mới in một tác phẩm mới với lượng và tầm phát hành khá hạn chế.
Việc ra đời của nhà Văn Nghệ là một đột biến. Và cho đến nay, mặc dù đã bị đóng cửa, nó vẫn là một nhà xuất bản không có đối thủ. Khoảng cách của nó với những nhà xuất bản hạng hai, hạng ba ở hải ngoại rất xa.
Xa về số lượng: Trong gần hai mươi năm hoạt động, từ 1985 đến khoảng 2003, nhà Văn Nghệ đã cho xuất bản trên 140 đầu sách, trong đó có một số đầu sách được tái bản đi tái bản lại nhiều lần. Không có nhà xuất bản văn học nào, từ An Tiêm đến Thanh Văn, Tân Thư, Văn Khoa, Tổ hợp xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, Trình Bày, Văn, Văn Học, Làng Văn, Quê Mẹ, Người Việt, Văn Mới, v.v… có được tới một nửa, thậm chí, có rất nhiều nhà không có được tới một phần ba, số đầu sách của nhà Văn Nghệ.
Xa về tầm phổ biến: Hệ thống phát hành của Văn Nghệ rất tốt. Tốt đến độ nó đảm nhiệm cả vai trò phát hành sách cho nhiều nhà xuất bản thân hữu khác, kể cả An Tiêm và Thanh Văn. Sách của nhà Văn Nghệ được gửi và bày bán ở hầu hết các tiệm sách Việt ngữ trên thế giới, một điều mà trừ Đại Nam và Xuân Thu, hầu như không có nhà xuất bản nào khác làm được.
Xa về chất lượng: Trừ giai đoạn cuối cùng, vào mấy năm đầu tiên của thế kỷ 21, có một chút chệch choạc với vài tác phẩm ít nhiều có tính chất thương mại, nói chung hầu hết các tác phẩm do Văn Nghệ in đều được chọn lọc kỹ.
Văn Nghệ hầu như là nơi độc quyền xuất bản tác phẩm của một số tác giả hàng đầu ở hải ngoại, từ Võ Phiến đến Nguyễn Mộng Giác cũng như các tác phẩm được hoàn tất sau năm 1975 của Nguyễn Hiến Lê.
Nhiều cây bút khởi nghiệp sau năm 1975 và có nhiều đóng góp cho sinh hoạt văn học hải ngoại có tác phẩm đầu tay được ra mắt từ nhà Văn Nghệ, gồm: Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Phan Thị Trọng Tuyến, Trần Thị Kim Lan, Ngô Nguyên Dũng, Bùi Vĩnh Phúc, Thuỵ Khuê, Nguyễn Ý Thuần, Hồ Đình Nghiêm, Mai Kim Ngọc, Ngu Yên, Thường Quán, Dương Như Nguyện, Hoàng Ngọc-Tuấn, v.v… (Cũng có thể kể thêm Kiệt Tấn, trước 1975 đã xuất bản một tập thơ ở Sài Gòn, nhưng sau đó ngưng viết một thời gian khá lâu. Ở hải ngoại, ông chuyển qua viết truyện ngắn. Những tập truyện đầu tiên đều do Văn Nghệ in.)
Xa về mức độ đóng góp: Với sự xuất hiện của nhà Văn Nghệ, rõ ràng sinh hoạt văn học hải ngoại trở thành sôi nổi hơn và cũng tập trung hơn; rất nhiều người trong giới cầm bút cảm thấy hứng thú hơn khi biết chắc tác phẩm của mình sẽ được in và phát hành đàng hoàng, từ đó, họ tự tin và say mê sáng tác hơn.
Nói về số đầu sách và tầm phát hành chủ yếu là nói về năng lực quản lý. Nói về chất lượng của các ấn phẩm là nói về sự nhạy cảm trong việc đánh giá. Nói về việc duy trì chất lượng ấy một cách lâu dài chủ yếu là nói đến tính cách của người điều hành nhà xuất bản, yếu tố quyết định trong quan hệ với giới cầm bút. Cả ba đều liên quan đến con người. Bởi vậy, nói đến vị thế và công lao của nhà Văn Nghệ, không thể không nói đến người chủ trương và điều hành nó: Từ Mẫn Võ Thắng Tiết.
Có thể nói Từ Mẫn Võ Thắng Tiết sinh ra để làm nghề xuất bản.
Thời trẻ, ông đi tu nhưng dường như mối đam mê chính lại dành cho sách.
Không hề viết lách, ông tự nguyện là bà mụ để giúp bao nhiêu cuốn sách được ra đời.
Tuy nhiên, về ông, cần phải viết một bài riêng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét