Nhà văn TRẦN ĐĨNH đã Bất Khuất bay theo Đèn Cù
Nhà văn Trần Đĩnh vừa qua đời lúc 19h05' hôm qua 12/5, hưởng thọ 93 tuổi. Linh cữu của ông được quàn tại Nhà tang lễ số 508 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM.
Nhà văn Trần Đĩnh từng được đào tạo Văn khoa tại Đại học Bắc Kinh - Trung Quốc và là thế hệ phóng viên đầu tiên của báo Nhân Dân.
Nhà văn Trần Đĩnh tham gia cách mạng rất sớm và có nhiều năm tháng cận kề với những nhân vật hàng đầu của Chính phủ Việt Nam buổi sơ khai như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Lê Văn Lương, Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ...
Lúc trẻ, nhà văn Trần Đĩnh đã viết hồi ký "Bất khuất" cho Nguyễn Đức Thuận. Về già, nhà văn Trần Đĩnh đã viết tự truyện "Đèn cù" hai tập, hơn 1000 trang. "Bất khuất" in đi đi lại trong nước, còn "Đèn cù" chỉ được xuất bản ở hải ngoại. Điểm chung là cả hai đều được viết bằng thứ văn điệu luyện, rất giàu hình ảnh.
Nhà văn Trần Đĩnh tài hoa, uyên bác và khảng khái. Ông đã "bất khuất" theo cách riêng và bị xoay như "đèn cù" theo thế cuộc. Một trí thức có công với kháng chiến từ thời Việt Bắc cỡ ông, nếu ngoan ngoãn thì hoàn toàn có thể vào Bộ Chính trị. Ngược lại, với sự ngang tàng thì vì sao ông không bị tù tội? Có lần tôi hỏi vậy, và ông trả lời thật thà: "Vì Lê Đức Thọ rất yêu tớ. Cho nên tớ chỉ bị nghỉ hưu sớm ở tuổi 48".
Nhà văn Trần Đĩnh là trưởng lão mà tôi được quen biết và kính trọng trong suốt gần 30 năm qua ở Sài Gòn. Tôi làm kẻ hậu sinh, chuyên chầu rìa bám theo hóng hớt các cụ. Giai đoạn đầu với nhóm Nguyễn Khải - Cao Xuân Hạo- Trần Đĩnh, giai đoạn sau với nhóm Thanh Tùng - Diệu Tiên - Trần Đĩnh. Các tiền bối lần lượt khuất núi, nghĩ mà thương, nhớ mà tiếc.
Đối với tôi, nhà văn Trần Đĩnh giống như cuốn từ điển sống, không chỉ chuyện hậu trường chính trị. Đặc biệt, mỗi khi lấn cấn với chữ Hán - Việt nào thì tôi thường gọi điện thoại nhờ tư vấn, và nhà văn Trần Đĩnh phân tích rất thấu đáo, gốc gác Hán thể nào, biến đổi Việt ra sao.
Bây giờ nhà văn Trần Đĩnh không còn nữa. Tôi ái ngại, không biết bao giờ trong làng cầm bút nước ta mới lại có được một gương mặt bản lĩnh khác, như Trần Đĩnh.
Bức ảnh in kèm bàu này, tôi chụp nhà văn Trần Đĩnh năm 2015, nhân ngày giỗ nhà văn Kim Lân tổ chức tại tư gia của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Lúc ấy, "Đèn cù" đang rất xôn xao dư luận, ông bảo: "Không viết ra thì buồn, mà viết ra cũng buồn. Cuộc đời vẫn ngàn năm mây trắng bay mịt mờ qua mỗi chúng ta".
LÊ THIẾU NHƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét