ăm 2022
Giáo sư Hoàng Như Mai, người thầy của các nhà báo
Bấy lâu nay, đặc biệt từ khi GS Hoàng Như Mai về với tổ tiên, đã có nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình và giảng dạy văn học viết về thầy. Cuộc đời và sự nghiệp của GS Hoàng Như Mai đã được mọi người biết đến như là một trong những cây đại thụ của nền giáo dục Việt Nam, một nghệ sĩ có tâm, có tài, một nhân cách lớn.
Là một trong những học trò của GS Hoàng Như Mai tại trường Đại học Tổng hợp TPHCM, sau này tiếp tục nhận được sự dìu dắt, giúp đỡ, chỉ bảo của GS, tôi có đôi điều cảm nhận về người thầy kính yêu, dưới góc nhìn nghề nghiệp: GS Hoàng Như Mai, người thầy của các nhà báo cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đến thăm GS Hoàng Như Mai nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2007-- ( a3nh: Mai Hải)
1.
Gần trọn thế kỷ (1919-2013), cuộc đời của GS Hoàng Như Mai hầu như dâng hiến hết cho sự nghiệp giáo dục - sự nghiệp trồng người.
Đã 6 lần thầy làm hiệu trưởng, nhưng mọi người lại nhớ mãi khoảng thời gian gần 30 năm (1960-1990), GS trực tiếp “đứng lớp truyền lửa” cho các thế hệ học trò, những sinh viên ngành ngữ văn - báo chí về văn học Việt Nam, cốt cách văn hóa Việt Nam và trách nhiệm của người cầm viết trước đất nước và nhân dân.
Vào những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, từ mặt trận, tôi về theo học khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TPHCM dưới sự dạy bảo trực tiếp của GS Hoàng Như Mai. Ngoài những giờ lên lớp, chúng tôi còn có dịp gần gũi thầy để được nghe thầy giảng giải không chỉ về thi ca, kịch nghệ mà còn cả về báo chí, công việc mà chúng tôi đang đảm nhiệm. Tôi nhớ mãi, một lần trong giờ giải lao, thầy hỏi tôi về công việc làm báo trong quân đội. Thầy bảo: Nhà báo là chiến sĩ, nhà báo quân đội phải hai lần chiến sĩ, bởi họ không chỉ dũng cảm trước ngòi bút, trang giấy mà còn phải dũng cảm trước cả “hòn tên, mũi đạn”.
Kết thúc khóa học, tôi may mắn được thầy nhận lời hướng dẫn viết luận văn tốt nghiệp. Khi xin ý kiến thầy về chọn đề tài, thầy nói, “anh là nhà báo quân đội thì chọn đề tài về bộ đội mà viết”. Từ lời chỉ dẫn của thầy, tôi đã viết luận văn tốt nghiệp Chân dung người lính qua thơ bộ đội ở Campuchia. Có dịp gần gũi thầy, không những tôi được thầy bồi dưỡng về kiến thức văn hóa, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo thi ca mà còn được thầy chỉ bảo nhiều điều về quan điểm, nhận thức nghề báo. Thầy bảo, xã hội ngày càng phát triển thì vai trò báo chí ngày càng cao. Báo chí không chỉ là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu của đời sống xã hội mà còn là diễn đàn của nhân dân, thể hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận.
Những năm làm việc ở Cục Báo chí Bộ Thông tin - Truyền thông, đặc biệt là khi trực tiếp làm Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, tôi vẫn thường xuyên đến thăm và lắng nghe lời chỉ huấn của thầy. Dù tuổi cao, bận công việc quản lý với vai trò hiệu trưởng, hàng ngày thầy vẫn đọc báo, xem truyền hình, trong đó có tờ Sài Gòn Giải Phóng. Thầy bảo, tôi đọc để xem từ khi anh về đây, có cái gì mới không? Tôi trộm nghĩ, đây là lời chỉ bảo, gửi gắm, giao nhiệm vụ của thầy đối với người học trò cũ. Làm báo, nhất là nhật báo, cái mới, tính chính xác, trung thực luôn là yếu tố hàng đầu, bảo đảm cho sức sống của tờ báo.
Được sống và làm việc bên thầy, dần dần tôi nhận ra rằng, GS Hoàng Như Mai là một nhà báo thực thụ. Thầy kể rằng, những năm đất nước còn chia cắt, Đài Tiếng nói Việt Nam mở chuyên mục “Phát thanh vào Nam”, sau này đổi thành “Các thành thị miền Nam”, thầy là cộng tác viên đặc biệt của chương trình này. Qua làn sóng, bạn nghe đài không chỉ nghe thầy giảng giải về các tác phẩm văn học do các nhà văn, nhà thơ miền Bắc sáng tác mà còn thấy được cả cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn chương do những nghệ sĩ sống trong vùng địch tạm chiếm sáng tạo.
Đất nước thống nhất, vào giảng dạy ở TPHCM và các tỉnh phía Nam, thầy lại tiếp tục làm cộng tác viên đặc biệt của các báo, đài. Hàng ngàn bài báo của thầy đã được các báo, đài sử dụng, mang đến cho bạn đọc hơi thở cuộc sống, những thông tin bổ ích, khơi gợi, hun đúc, lan tỏa tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Một đồng nghiệp kể rằng, năm 2002, nhân kỷ niệm ngày sinh của thầy, ông có dịp phỏng vấn GS Hoàng Như Mai. Trả lời câu hỏi: Nếu có kiếp sau, thầy chọn nghề gì? Thầy nói: Làm báo. Rồi thầy nói thêm: “Thú thực, nghề biên kịch, diễn viên, nhà giáo đến với tôi hết sức ngẫu nhiên. Tôi rất thích làm báo. Tôi thường xuyên cộng tác với nhiều nhà xuất bản, nhiều cơ quan báo, đài. Nghề báo ngày xưa oai lắm. Tôi làm báo không cần nhiều giấy bút đâu. Và, gần hết hạn nộp bài tôi mới viết. Hiện tôi vẫn tiếp tục viết báo…”.
Khi về làm Báo Sài Gòn Giải Phóng, tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, chúng tôi chú ý, đầu tư nâng cao chất lượng mảng chính luận. Không chỉ góp ý trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thầy còn cố vấn cho chúng tôi mảng chính luận với những ý kiến sắc sảo, thiết thực.
Như thế, rõ ràng, GS - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai không chỉ là một trong những cây đại thụ của nền giáo dục Việt Nam, một nghệ sĩ, một nhân cách lớn mà thầy thực thụ là một nhà báo, một người viết báo. Hơn nữa, GS còn là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam.
2.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng phẩm chất, đạo đức và sự hy sinh cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, nói chung và sự nghiệp giáo dục nói riêng của GS - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai còn mãi. Nghĩ đến thầy, chúng ta nghĩ đến một trí thức có tâm, có tài, đi theo Đảng, Bác Hồ từ những ngày đầu dựng Đảng, dựng nước. Nghĩ đến thầy, chúng ta nghĩ đến một tấm gương suốt đời phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, đúng như câu thơ thầy đã viết: Chúng ta trí thức đi theo Đảng/ Nào có bao giờ tính thiệt hơn/ Việc làm ngay thẳng lòng trong sáng/ Sống giản đơn và chết giản đơn.
Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ GS - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai, cây đại thụ của nền giáo dục Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, người thầy của các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam.
TRAN THE TUYEN
===============
TRẦN THẾ TUYỂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét