Về nữ văn sỹ của miền Nam Nguyễn Thị Thụy Vũ
- An Nam
- Gửi cho BBC Tiếng Việt từ TP Hồ Chí Minh
Cụ bà tuổi 80, tóc bạc trắng, tai đã lãng, nhưng lối nói chuyện vẫn sắc sảo với chất giọng rặt Nam Bộ, cứ ngơ ngác hỏi đi hỏi lại cho rõ tên mấy độc giả mê văn thời cũ trước khi đề vài chữ vào bộ sách làm kỷ niệm.
Trước 1975, cụ bà đó, Nguyễn Thị Thụy Vũ, tên thật: Nguyễn Thị Băng Lĩnh, là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất miền Nam (bốn người khác: Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Trùng Dương).
Gái bar và những người mẹ cao quý
Tháng 3/2017, công ty Phương Nam Book liên kết với nhà xuất bản Hội Nhà văn cho in lại 10 cuốn sách của nữ văn sĩ miền Nam một thời, gồm ba tập truyện ngắn: Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông và bảy tập truyện dài: Khung rêu (giải thưởng Văn học miền Nam 1971), Thú hoang, Nhang tàn thắp khuya, Ngọn pháo bông, Như thiên đường lạnh, Cho trận gió kinh thiên, Chiều xuống êm đềm.
Cũng lần đầu tiên sau 42 năm, toàn bộ tác phẩm của nhà văn miền Nam này được in lại đầy đủ. Khác với các tác giả miền Nam trước đây, mỗi lần xuất hiện trở lại, báo chí thường dè dặt, nhưng với Nguyễn Thị Thụy Vũ, báo chí chính thống trong nước truyền thông nhiệt tình, có cả những bài báo muốn lái tác phẩm của bà về hướng "đấu tranh giai cấp".
Buổi ra mắt bộ 10 tác phẩm này tại đường sách Nguyễn Văn Bình (chiều 20/3) là một sự kiện đặc biệt.
Cụ bà Nguyễn Thị Thụy Vũ giờ đây cũng không ưa nói nhiều về chuyện viết lách. Bởi đơn giản, nhìn lại cuộc đời văn chương của mình cùng những bể dâu, bà rốt cuộc cũng chỉ coi chuyện viết là "cày chữ nuôi con".
Sinh năm 1937 ở Vĩnh Long, trong một gia đình khá giả. Cha bà là nhà văn Mặc Khải, cô là thi sĩ Phương Đài đều hoạt động kháng chiến.
Khoảng 1960-1965, bà dạy tiểu học tại Vĩnh Long, rồi không chấp nhận được môi trường sư phạm bó hẹp, khăn gói lên Sài Gòn học Anh ngữ ở Hội Việt Mỹ. Tại đây, ngay từ năm đầu tiên học tiếng Anh, bà được một bạn học (về sau mới biết, anh ta thuộc giới 'ma cô') giới thiệu đi dạy tiếng Anh cho các cô gái làm snack bar, những phụ nữ Việt Nam cặp kè binh lính, sĩ quan Mỹ.
"Mấy cô gái cặp kè Mỹ để nuôi thân giữa Sài Gòn lúc đó tôi dạy thường ít học. Có khi một chữ 'Hello' dạy một tuần không thuộc. Tui mới nhận ra, họ đi học vì cần người tâm sự là chính.
"Có cô kia đã có năm đứa con với người chồng Việt, chiến tranh chồng chết nên phải đi làm nghề này kiếm sống. Cổ gửi con về bên ngoại, hằng tháng gửi tiền về nuôi. Tụi nhỏ ăn học và lớn lên, có đứa học tới đại học, nhưng không hề biết mẹ nó làm nghề đó.
"Theo con mắt của tui, đó là một người mẹ cao quý. Cũng có cô đến mùa đông mặc một cái áo len cũ rách nhàu nhĩ. Tui hỏi thăm sao có tiền không chịu chưng diện, cô ấy nói chiếc áo len rách này là kỷ vật của mối tình đầu ở quê nhà", nhà văn Thụy Vũ kể.
Thực tế trần trụi, khốc liệt và cũng thấm đẫm buồn đau về đời sống những cô gái làm ở các snack bar, dan díu với lính Mỹ đã đi vào những trang viết của Nguyễn Thị Thụy Vũ, gây chấn động dư luận vào khoảng cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970. Với các tập: Mèo đêm, Lao vào lửa, Ngọn pháo bông,… Nguyễn Thị Thụy Vũ trở thành một hiện tượng văn học gây ngạc nhiên trên văn đàn miền Nam.
'Như gái có chồng còn đi ăn sương'
Về sau, Võ Phiến viết trong Văn học niềm Nam tổng quan nói về sách của Thụy Vũ là dạng sách mà "các thế hệ phụ nữ nước ta trước đó không mấy kẻ dám đọc, đừng nói đến chuyện viết".
"Mình tưởng tượng nhưng cũng từ trên thực tế. Truyện của tui, như Khung rêu, có thiệt trên 70%. Nên viết xong tui với ông già lục đục với nhau vài năm, ổng nghĩ ổng là nhân vật địa chủ trong truyện.
"Truyện viết về gái điếm, gái bar tui viết xong có anh lính miền Nam tìm đến nhà xô cửa đi vào ôm tui vì tưởng tui là gái bar thì mới viết được như vậy. Cũng có anh cầm lựu đạn qua nói tui viết về ảnh và kêu tui phải lên tiếng xin lỗi," bà nhớ lại.
Mộ tài, chung sống với nhà thơ Tô Thùy Yên (một sĩ quan tâm lý chiến của chính quyền Sài Gòn, một trong những nhà thơ quan trọng bậc nhất của văn học miền Nam trước 1975) và có đến bốn mặt con, Nguyễn Thị Thụy Vũ chấp nhận một mình viết văn nuôi con.
Bà kể: "Hằng ngày tui phải chạy đến các tòa soạn báo viết truyện feuilleton (truyện dài kỳ). Đến báo này viết ba trang rồi lại tất tả chạy qua báo khác, cứ như vậy. Trăm hay không bằng tay quen. Đẻ con thì tự cho mình được nghỉ ba ngày để vào bệnh viện. Đẻ xong lại giao con chạy đi viết.
"Có chủ báo trả mỗi feuilleton ra là 20.000 đồng (tiền Việt Nam Cộng hòa), nhưng có ông chủ thì kì kèo bớt một thêm hai. Đó là cái nhục. Mình đi làm thuê cho người ta mà người ta coi đồng tiền to quá."
Bà coi Võ Phiến là người thầy, đàn anh nâng đỡ trong nghề văn. Những truyện đầu tiên bà gửi đến tạp chí Bách Khoa và được ông khuyến khích viết tiếp.
"Việc viết feuilleton như là gái có chồng rồi vẫn đi ăn sương. Tôi coi tờ Bách Khoa chỗ ông Phiến khác nào ông chồng già hiền lành nghiêm túc lặng lẽ luôn chờ tui về. Viết cho Bách Khoa của ông Phiến, tui có cảm giác mình được làm văn chương," bà Thụy Vũ kể lại.
Hỏi, các nhà văn nữ thời đó có chơi với nhau không? Nguyễn Thị Thụy Vũ: "Không, tụi tui mỗi người một thế giới; ít gặp nhau đàm đạo văn chương như mấy ông. Tụi tui chỉ thăm nhau lúc đẻ.
"Ông Thanh Tâm Tuyền nói rằng, phụ nữ không nên léo hánh chấn văn đàn, cần phải đuổi mấy bà vô bếp nấu ăn. Tui không tán thành. Nhưng mà thiệt tình tui lúc nào cũng thấy thua kém đàn ông về mặt sâu sắc. Lúc nào tui cũng nhượng bộ đàn ông chút xíu."
"Vậy bà có quan tâm đến nữ quyền không, ở thời điểm đó?" một người trẻ hỏi. Đáp: "Tui ít biết về cái đó. Nhưng nếu có nữ quyền trong truyện tui thì đó là viết một cách tự nhiên."
'Giải phóng'
Cũng như nhiều người, bà quen dùng từ "giải phóng" để nói đến mốc sự kiện chính trị 30/4/1975. "Tui có chừng chục truyện viết xong xuôi rồi chưa kịp công bố thì "giải phóng". Mỗi đêm, thằng Công an Khu vực ở làng báo chí Thủ Đức đến gõ cửa nhà tui lục soát ba lần. Tui thấy phiền phức quá nên đem mớ bản thảo đi đốt. Sau lại tiếc, mình cũng ngu, phải chi mình gửi về quê cho bà già là xong."
Bà kể tiếp về giai đoạn bị tra xét lý lịch, quan điểm: "Các ông Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức thương tình, dặn tui ra trước cán bộ phải nói vầy, nói vầy để được cảm thông, nhưng tui vẫn nói thẳng thắn mọi chuyện theo cách của tui. Về sau ông già tui nói, 'tao đã mở đường cho nó nhưng nó cứ chui vào chỗ khó' nhưng ổng tự hào về tui vì tui có lý tưởng riêng.
"Cuộc sống sau 'giải phóng' vô cùng khó khăn. Tui một mình nuôi bầy con nheo nhóc, có đứa bị thiểu năng nằm một chỗ. Tui phải để nó cho mấy đứa lớn cho ăn, chăm sóc còn mình thì đi làm thuê bán vé xe bus cho một người bạn.
"Xe chạy tuyến Thủ Đức - Sài Gòn, từ sáng đến tối mịch mới về nhà. Về đến nhà thấy con cái đứa thì nằm ngủ trên vũng nước đái, đứa lêu lổng đi chơi không cho em ăn… nhìn cái cảnh đó tui muốn chết đi cho rồi. Khó khăn quá, năm 1980 tui bồng bế tụi nhỏ về Bình Phước nương nhờ má cho đến bây giờ," bà kể.
Làm nhiều nghề kiếm sống nuôi con, từ chăn dê, buôn bán, trồng tiêu…, cây bút nữ dấn thân nhất của văn đàn miền Nam trước 1975 đã không còn viết gì nữa kể từ sau "giải phóng". Bà kể: "Ổng (tức, Tô Thùy Yên) thì theo gia đình vợ con ổng đi sang Mỹ, có đời sống riêng. Tui làm đủ nghề lo cho con.
"Ba đứa con tui cũng thành nhân, yên bề gia thất. Có một thằng làm thơ, người ta nói nó có chịu ảnh hưởng của cha nó. Nhưng mấy con tui, đứa nào cũng nghèo, chẳng giúp gì được mình. Tui sống nhờ đứa con bị tàn tật.
"Xưa tui bỏ nó ở nhà đi làm báo, nó bị té, ảnh hưởng não nên nằm một chỗ đến giờ, vậy mà giờ nó nuôi tui bằng tiền từ thiện bạn bè, các nhà hảo tâm thương tình giúp đỡ…"
Người mô tả về xã hội bên lề Sài Gòn khốc liệt một thuở lại cũng chính là người chịu đựng những hệ lụy mà chiến tranh để lại.
Trở lại văn đàn trong nước sau gần nửa thế kỷ, trong bối cảnh sách vở văn chương đang ở vào một giai đoạn hỗn loạn và phân hóa mạnh mẽ, thì tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ minh chứng rằng, những gì là chân giá trị sẽ không bị phủ lấp dưới bụi thời gian và những định kiến.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả sống ở Sài Gòn.
source: BBC Tiếng Việt
============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét