Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

đọc thêm (1) : " nhà văn NGÔ THẢO: ' Tôi thiếu lòng tham " / Dương Tử Thành / Hà Nội ] -- nguồn: VNExpress/

 

Nhà văn Ngô Thảo: ‘Tôi thiếu lòng tham’

DƯƠNG TỬ THÀNH
phỏng vấn



Tuy không gắn bó cả cuộc đời với lý luận phê bình văn học nhưng Ngô Thảo có sức làm việc đáng nể với số đầu sách dày dặn. Ông tâm sự, người có lý trí sáng suốt mà tình cảm nguội lạnh thì không viết được phê bình và cũng không nên viết phê bình.

Dương Tử Thành 


tuổi 70, Ngô Thảo vừa vượt qua bạo bệnh, trở lại đời thường ông vẫn còn nhiều dự định với nguồn tư liệu dồi dào nhờ chịu khó ghi chép và lưu trữ từ những năm tháng tuổi trẻ còn sung sức. Tập sách mới nhất có tên "Dĩ vãng phía trước" mà ông vừa công bố gồm nhiều tư liệu quý về các nhà văn nổi tiếng, về một thời những nhà văn Việt Nam sống và viết. Ông tâm sự lý do để nguyên tư liệu như những gì ghi chép được từ những năm tháng cách đây nửa thế kỷ là bởi không muốn sắp xếp, tô vẽ lại quá khứ, ông muốn để bạn đọc thấy cả cái hay cái dở mà biết rằng, có một thế hệ đã sống như thế.

Bài viết đầu tiên là… điếu văn truy điệu

- Có thông tin cho biết, Tư liệu Chuyện đời, chuyện văn một thuở có tên “Dĩ vãng phía trước” được ông hoàn thành trong khi chữa trị ung thư tại Singapore. Thực hư chuyện này thế nào thưa ông?

- Chỉ có Lời vào sách được viết khi tôi đang điều trị ung thư trong Bệnh viện (tại Singgapore). Còn toàn bộ tập sách là các tư liệu cũ: Mấy chục trang nhật ký ghi thời gian chiến đấu chống cuộc phản kích của Mỹ Ngụy ra căn cứ giải phóng phía tây Thị Thiên tháng 5/1969, còn lại là sổ tay, ghi chép khi tôi về Văn nghệ quân đội, trong đó có các buổi trò chuyện của các nhà văn Văn nghệ quân đội khi Tạp chí sơ tán về Hương Ngải - Thạch Thất, Hà Tây cũ, rồi các buổi trò chuyện của các nhà văn Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc… biên bản ghi chép một số bài nói, tham luận tại các Hội nghị của một số nhân vật có liên quan đến văn học, ghi chép những ngày đi theo các đơn vị quân đội... Tất cả tư liệu giúp bạn đọc có thể hình dung một phần cuộc sống, cách sống, cách viết của các nhà văn một thời.

- Tập sách có tên khá lạ - “Dĩ vãng phía trước”. Ông có thể cho biết tại sao dĩ vãng lại ở phía trước?

- Trong Lời vào sách và cả trong nhật ký tôi đã nói khá rõ: Lớp chúng tôi đi ra chiến trường từ một hậu phương đang có cuộc sống bình yên, đang được làm những công việc mình yêu thích. Đây không phải là một cách chơi chữ mà để diễn đạt một tâm trạng thật của nhiều người lính miền Bắc vào chiến đấu ở miền Nam: Chúng ta không đi xâm lược, không ai nghĩ sẽ đánh chiếm và giành một cái gì ở ngoài mặt trận. Ai cũng mong sớm đuổi xong giặc, được trở về quê hương. Ngoài mặt trận, quê hương với cuộc sống thanh bình cũ thuộc thế giới dĩ vãng. Muốn trở về thế giới cũ, gặp lại người thân cách duy nhất là xông lên phía trước.

Nhà văn Ngô Thảo.

- Người ta vẫn nghĩ những người bị ung thư như án tử đã được tuyên. Sượt qua lưỡi hái thần chết có khiến ông thay đổi suy nghĩ về cuộc sống?

- Thật ra không chỉ đến lần bị ung thư này, tôi mới giáp mặt với thần chết. Thuở hai mươi, ra trận, giữa chiến trường, bom đạn đầy trời, hành quân xe xích kéo pháo, rồi đói, rét, bệnh tật... Thuở ấy, thần chết luôn hiển hiện trong đội hình chiến đấu. Đơn vị tôi đi vừa tròn một tháng, đã bị ngay một trận B52 đánh vào đội hình. Lần đầu, tôi lo chôn cất đồng đội. Bài viết đầu tiên của tôi ở chiến trường là Điếu văn đọc trong buổi truy điệu của Đại đội. Trở về thời bình cũng đôi lần tai nạn suýt chết. Thành ra, khi vào tuổi thất thập, phát hiện bệnh mà sự sống phải tính ngày tính tháng, thì đã không có gì phải hoảng hốt. Chỉ có một số việc phải làm cho xong, trong đó có vài tập sách mà tư liệu đã có sẵn.


Thần chết đã thành… bạn thân

- Ông quan niệm thế nào về cái chết?

- Quan niệm về cái chết? Điều này thay đổi tuỳ lứa tuổi, tuỳ hoàn cảnh. Khi còn trẻ, ta còn nhiều điều để tiếc, cuộc sống có nhiều ước mơ, nhiều dự định, nhiều tham vọng, nhiều quan hệ ràng buộc về trách nhiệm, về tình cảm. Trước tuổi 60, một số điều trong đó còn ràng buộc, níu giữ mình. Còn khi đã thất thập thì thần chết đã thành bạn thân, bởi bao nhiêu người thân, bạn bè, đồng đội, đồng lứa đã ra đi trước mình. Khi viết về Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, tôi bỗng có ý nghĩ rất thật: Xem ra bây giờ, hai thế giới, không biết nơi nào đông vui hơn? Với tôi mọi nghĩa vụ với cuộc sống coi như đã hoàn thành. Con cái đều đã có gia thất. Nói chung là nhẹ gánh cả việc nước lẫn việc nhà, tôi đang chủ động cắt bớt dần những sợi dây neo mình với trần thế. Với riêng tôi, có lẽ vì quán tính của người lính, xưa nay vẫn coi nhà mình chỉ là nhà trọ, nên lưu luyến vừa phải. Sống được đến tuổi này, vợ con người thân đã đôi phen không tiếc công tiếc của cứu mình khỏi tai nạn. Trong cuộc đời, dẫu chỉ là tình yêu thương thôi mà mình cũng từng đau khổ và làm khổ bao người thân. Điều thiếu nam tính nhất ở tôi là không có lòng tham, chưa nói đến tham vọng.

- Nếu như biết rằng mình sẽ qua khỏi căn bệnh ung thư liệu ông có in “Dĩ vãng phía trước” theo kiểu “nói tất tần tật” như hiện nay không, bởi những điều “khó nói” vẫn sẽ còn cơ hội để nói ra vào một dịp khác?

- Nói sự thật là điều tôi muốn. Nhưng ai cũng biết, sự thật không phải là một viên gạch, hòn đá, cái bánh… để có thể cầm, nắm, chụp ảnh được.

Tôi từng bị phê phán gay gắt khi trích dẫn một câu ngạn ngữ Nga trong bài viết về nhận định mức độ chân thực của văn học viết trong chiến tranh: Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật đã là sự giả dối. Rất cẩn thận, tôi đã viết thêm: không thể nói văn học viết trong chiến tranh là giả dối, nhưng đó quyết chưa phải là sự thật chiến tranh như nó vốn có. Mấy năm sau, để cắt nghĩa điều đó, tôi giải thích, vì các tác phẩm văn học thời kỳ đó phải tuân theo kỷ luật nghiêm ngặt của chiến trường là phải ngụy trang để che mắt địch. Lại dấy lên một chiến dịch phê phán luận điểm Văn học ngụy trang.

Bây giờ thì những ấu trĩ đó đã được vượt qua rồi.

Không sắp xếp lại quá khứ

- Những câu chuyện của một thời dưới lăng kính của một người (dù người ấy có am tường và khéo léo đến mấy) thường dễ gây tranh cãi nhiều chiều từ những người trong cuộc hoặc những người có liên quan, với Ngô Thảo dường như lại không xảy ra điều ấy? Ông có bí quyết gì vậy?

- Có lẽ do tôi là người thiếu thông minh sắc sảo, nên nhìn các nhà văn với tất cả sự trân trọng, cảm phục. Một đời tôi không làm nổi một câu thơ, viết nổi một truyện ngắn. Nên nhìn người khác làm thơ, viết văn, viết lý luận phê bình, rồi vẽ tranh, viết nhạc… là tôi phục sát đất. Cũng có người cái này hại cái kia, nhưng nói chung, tôi kính trọng những người tài năng. Nên tôi lắng nghe họ nói, và gắng ghi lại cho thật. Trước sau đó là một cách học. Giờ, khi công bố, nó là Tư liệu. Có thể sau đó họ đã nghĩ khác, nói khác, viết khác nhưng chắc không mấy ai từ chối quá khứ. Bởi vì tôi chỉ ghi mà không bình luận gì.

- Nhiều người tái hiện quá khứ bằng cách viết hồi ký, tại sao ông lại giữ nguyên tư liệu thô khi in sách mà không viết lại ở điểm nhìn hiện tại?

- Người già hay tiếc nhớ những trang đời đẹp thuở đã qua. Người làm phê bình cũng vậy thôi. Nhưng người sống sau, cũng có ba bảy loại. Có người coi đó là lợi thế để tô vẽ, trang điểm lại quá khứ của mình. Thiên hạ đục cả, chỉ mình ta trong! Họ làm như họ là Khuất Nguyên cả. Nhưng, người trung thực không từ chối cũng không sắp xếp lại quá khứ. Hồi cố của tôi chỉ là giới thiệu lại một số tư liệu thô mộc còn giữ được mà không tân trang. Hay ở đó mà chắc cái dở cũng ở đó. Có điều, bạn đọc có thể biết, thời đó, chúng tôi đã sống như thế!

Nhạc sĩ Phạm Duy chúc mừng nhà văn Ngô Thảo nhận dịp ông ra sách.


Tình cảm nguội lạnh không viết được phê bình

- Ngòi bút phê bình Ngô Thảo từng tung hoành một thời, nhưng không thấy ông “thò bút” vào mảng văn học đương đại. Ông cho rằng, mỗi thế hệ làm phê bình sẽ có “thời của họ” hay ông ngại đụng chạm đến những vấn đề mình không thực sự tường tận?

- Bạn nhận xét đúng. Nhưng bạn ơi, tôi đã ngoài bảy mươi rồi.

Mỗi thế hệ sáng tác phải có những nhà phê bình của mình. Về một mặt nào đó, quan hệ giữa nhà văn với nhà phê bình phải là tri kỷ, tri âm của nhau. May mắn cho những nhà văn có được những nhà phê bình như thế. Với tất cả sự sắc sảo, đáo để của mình, khi đọc Thao thức của Krôn, một tiểu thuyết viết về trí thức của văn học Xô Viết, Nguyễn Khải thích một ý: Thậm chí, tôi không có một người mà vì họ mình có thể làm hỏng cuộc đời mình. Làm hỏng với hy sinh, với quên mình chỉ khi mình chọn được một tri âm, tri kỷ, với tình yêu là một hồng nhan tri kỷ. Bây giờ có bao nhiêu tác giả có khả năng lôi cuốn, hấp dẫn nhà phê bình đến độ ấy?

- Ông thấy làm phê bình thời xưa so với làm phê bình thời nay thế nào?

- Công việc phê bình thì thời nào cũng giống nhau. Nhưng đời sống văn học mỗi thời mỗi khác. Nhưng năm 70-90 thế kỷ trước, do rất nhiều lý do, mà số lượng tác giả cũng như tác phẩm hàng năm xuất bản có hạn. Cho đến 1985, cả nước có chưa đến 20 nhà xuất bản. Trung bình một năm, mỗi nhà xuất bản in được 10 đầu sách văn học. Có năm như 1982, một nhà xuất bản lớn như Thanh niên chỉ in được 4 tập, nhà xuất bản Công an in được 6 tập. Tất nhiên với một đời sống Văn học quy mô như thế, việc tổng kết cũng như chọn tác phẩm để phê bình không khó. Ấy là số lượng ít nhưng lại có được những tác phẩm và tác giả được chú ý.

Bây giờ, số lượng là hàng nghìn. Trong số lượng hàng nghìn ấn phẩm hôm nay, bao nhiêu cuốn là văn học, bao nhiêu cuốn cận văn học, bao nhiêu cuốn chỉ có hình thức một tác phẩm văn học? Tiêu chí cho một tác phẩm cũng không rõ ràng. Trong biển sách mênh mông hôm nay, người hành nghề phê bình quả là có nhiều việc để làm. Nhưng lắm khi phân vân lựa chọn đã làm hết một phần đời!

- Đã khoẻ mạnh trở lại, ông có tính sẽ tiếp tục ra sách sau “Dĩ vãng phía trước”?

- Ngoài 70 rồi, có lẽ tôi không nên trả lời câu này. Nhưng còn sống chắc vẫn còn duyên nợ. Trăm người nghìn chữ là tên tập sách tôi viết về một trăm người vì lý do này khác mình đã tiếp cận, nó sẽ như là món quà để lại trần gian.

Dương Tử Thành thực hiện

Ngô Thảo sinh năm 1941, quê gốc Vĩnh Linh, Quảng Trị. Hiện sống tại Hà Nội. Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu; Giám đốc NXB Sân khấu. Hiện là cố vấn nghệ thuật Công ty BHD và Hãng phim Việt. Tác phẩm đã xuất bản: Từ cuộc đời chiến sĩ (Phê bình và tiểu luận, 1978); Năm tháng chưa xa (Sổ tay ghi chép của Nguyễn Thi, sưu tầm, chỉnh lý, 1985); Chiến trường sống và viết (Sưu tầm, 1995); Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Thi, toàn tập (Sưu tầm, biên soạn, giới thiệu, 1996); Như cuộc đời (1996); Đời người, đời văn (2000); Mấy vấn đề của sân khấu Việt Nam trong cơ chế thị trường (2000); Văn học với đời sống, đời sống với văn học (2000); Văn học về người lính (2001); Mây bay về núi (2007); Thao thức với phần đời chiến trận (Phê bình văn học, 2009); Tiểu luận phê bình văn học (Tuyển, 2010); Dĩ vãng phía trước (Tư liệu Chuyện đời, chuyện văn một thuở, 2011).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét