21-9-2010 | HỘI HỌATạ Tỵ
Tạ Tỵ sinh năm 1921 ở Hà Nội. Theo học Trường Mỹ Thuật Đông Dương năm 1938, ra trường năm 1943, đỗ đầu khi tốt nghiệp.
Những năm dồi dào sinh lực thời trai trẻ và trung niên, ông đã tổ chức được 3 cuộc triển lãm cá nhân vào các năm 1952 ở Hà Nội, 1955 và 1960 ở Sài Gòn. Người ta thường nhớ đến Tạ Tỵ vì tính cách mới mẻ của "lập thể Tạ Tỵ". Ông là người đầu tiên nghiên cứu và đưa không khí lập thể vào Việt Nam. Ông bị vây bủa bởi đường lối nghệ thuật này từng vang dội từ Âu Châu đầu thế kỷ, muốn sử dụng bút pháp này để xây dựng thế giới của mình, để tháo gỡ và đào sâu vào đối vật, làm thiên nhiên lệch lạc đi, phá vỡ tất cả những cách nhìn quen thuộc về sự vật để khám phá ra những khía cạnh mới mẻ nhất, muốn tạo được sự bỡ ngỡ và đưa người xem đến chỗ bất ngờ. Những người lưu tâm đến hội họa Tạ Tỵ vẫn nhắc đến các tác phẩm lập thể Vàng, Tím, Tồn Tại, Chiếu bạc ... thời ở Hà Nội, khoảng năm 1951. Phải nhận là Tạ Tỵ cũng có đôi phần tài hoa, nhưng tranh của ông chưa đủ trọng lực, không có gì sâu sắc, mới chỉ là những mảng trang trí đẹp, vui mắt trong thoáng chốc. Công của Tạ Tỵ chỉ là ở chỗ gây nên được những phản ứng sôi nổi, mà những phản ứng như thế thì bất cứ vào thời đạio nào cũng rất hữu ích cho sự tiến bộ chung. Trịnh Cung cho chúng tôi biết là vào khoảng 1974 và đầu 1975, Tạ Tỵ mới bắt gặp được ngôn ngữ lập thể đích thực, đã thực hiện được một vài tác phẩm có chiều sâu thực sự của nghệ thuật này, nhưng riêng chúng tôi, vì không nắm vững được sự kiện này nên không dám xác định điều gì mà chỉ xin ghi nhận lại đây một ý kiến đáng quan tâm.
Không khác mấy cách đánh giá của chúng tôi về Tạ Tỵ, Nguyễn Quỳnh cũng có viết mấy câu về Tạ Tỵ trong bài tổng kết ngắn Nhìn lại hội họa Việt Nam hiện đại (1930-1975): Một bài học để so sánh và tìm hiểu. (Tạp chí Hợp Lưu, số đã dẫn):
Tạ Tỵ không hiểu đã xem tranh lập thể ở đâu mà thường được coi là họa sĩ Việt Nam đầu tiên đưa hình khối vào tranh. Tuy rằng tranh lập thể của ông không đúng là lập thể kiểu Braque, Picasso hay Gris, nhưng ông đã có công thổi vào trong khung cảnh hội họa Việt Nam còn phôi thai trong lịch sử nhân loại, một luồng gió mới. Sau ông, ta thấy rất nhiều bìa nhạc mang màu sắc "lập thể". Hạn từ Sáng Tạo do nhóm của họa sĩ Tạ Tỵ nêu lên rất xúc động trong tâm hồn của thế hệ trẻ. Tranh lập thể của Tạ Tỵ lạ lùng như thơ mới theo kiểu Apollinaire và Prévert tại Việt Nam thuở ấy.
Nhân đây, chúng tôi cũng muốn nhắc thêm một chút nữa về Tạ Tỵ, ông có vẽ nhiều chân dung các văn nghệ sĩ, các người cầm bút, các nhà báo rất đẹp, lạ, có bút pháp và bản sắc riêng biệt, rất gần với loạt tranh có tên gọi Tinh tướng họa của Hoàng Lập Ngôn. Loạt chân dung của Hoàng Lập Ngôn vẽ văn nghệ sĩ, có điểm loáng thoáng giống Tạ Tỵ nhưng nhìn kỹ thì khác nhau rất nhiều. Tạ Tỵ và Hoàng Lập Ngôn đã lọc được cái thần của chân dung muốn vẽ, nắm được những nét chính rồi phóng bút theo cách riêng của mình. Chúng tôi in đính kèm một số chân dung các nhà văn, nhà báo được nhìn dưới mắt Tạ Tỵ để chúng ta có dịp nhớ lại và thưởng lãm.
Sau gần 20 năm lưu lạc ở Mỹ, năm 2003 Tạ Tỵ trở lại quê nhà, sống ở căn nhà cũ trên đường Phan Văn Trị, Quận 5, TP Hồ Chí Minh, và một năm sau, vào ngày 24 tháng 8 - 2004, ông qua đời sau một hành trình dài với nhiều hoạt động văn nghệ đa năng, đa dạng, làm hội họa, viết nhận định văn nghệ, làm thơ, viết kịch, viết truyện.
Hiện nay, rất may là bộ sưu tập của Bảo Tàng Mỹ Thuật Hà Nội cũng có một số tranh lập thể của ông, và Nhà Bảo Tàng Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh vẫn còn lưu giữ được bức sơn dầu đồ sộ Cất Cánh (1m70x3m50) ông thực hiện năm 1972 cho ngân hàng Chase Manhattan của người Mỹ ở Saigon. Đó là những phát biểu sinh động của một nhà hoạt động mỹ thuật tiền phong lưu lại, và đời sau còn có thể chiêm ngắm, suy nghiệm phần nào.
Huỳnh Hữu ỦyNghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại(VAALA 2008, trang 62 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét