Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

đọc thêm (4) " Tháng 4 Về, nhớ Nguyên Sa "/ Từ Lãng (Mỹ ) -- nguồn: www.nguoi-viet.com>

 Tháng Tư về, nhớ Nguyên Sa

                                TỪ LÃNG


Tôi biết đến thơ Nguyên Sa từ năm 16 tuổi, năm chính thức được gọi là “nữ sinh.” Không phải riêng tôi, mà hình như tất cả lứa con gái thời ấy, biết đến những vần thơ của Nguyên Sa từ khi chúng tôi bắt đầu đến trường với tà áo dài trắng, biết thẹn thùng khi nghe câu hát:

Từ trái, Trương Trọng Trác, Trần Tam Tiệp, Nguyên Sa, Du Tử Lê ở trại tị nạn 1975.-- (hình: Du Tử Lê)

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…”

Mặc dù, chiếc áo dài chúng tôi mặc thời ấy nào có phải là lụa Hà Đông.

Rồi, từ ca khúc “Áo Lụa Hà Đông” do nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyên Sa (1957) -qua tiếng hát nam ca sĩ Elvis Phương, tôi biết thêm một Paris bên kia địa cầu, có ánh trăng phủ bờ sông Seine, có sương mù trắng tựa màu áo, tan loãng giữa trời mùa Thu.

“Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một dòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?
Em có đứng ở bên bờ sông?
Làm ơn che khuất nửa vầng trăng
Anh về có nương theo dòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng…”

Rồi, từ “Paris có gì lạ không em” – tôi biết thêm một Nguyên Sa đã yêu và nhớ Paris như yêu và nhớ một người tình…

… tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn
Hơn một người yêu yêu một người yêu” (Paris)

Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, sinh ngày 1 Tháng Ba, 1932, tại Hà Nội, ông còn có bút danh Hư Trúc khi làm thơ, nhà báo. Ông còn là một giáo sư triết học nổi tiếng của Sài Gòn trước năm 1975.

Năm 1949, Nguyên Sa du học Pháp và ở tại Provins. Chính thời gian này, theo một số tài liệu về cuộc đời ông, chính những cuộc chia ly đã trở thành nguồn cảm hứng cho sự ra đời của “Mai Tôi Đi,” “Paris Có Gì Lạ Không Em,” “Tiễn Biệt.” Bút danh Nguyên Sa cũng ra đời trong thời gian này.

Ngày 17 Tháng Mười Hai, 1955, chỉ vài ngày trước khi về lại Việt Nam, Nguyên Sa lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris với lý do “Làm đám cưới để có thể cùng nhau hồi hương được thuận tiện hơn.”

Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời. Ông mất ngày 18 Tháng Tư, 1998.

Tôi đã được trải qua những tháng năm đẹp nhất đời, với Sài Gòn, với thơ Nguyên Sa, với những bài nhạc tình phổ từ thơ của ông. Thời đó, mỗi khi nói về chuyện yêu đương học trò, ngoài những câu “kinh điển” của Xuân Diệu như “Yêu là chết trong lòng một ít” thì trên những góc vở hay cuối trang tập, xuất hiện nhiều nhất là những vần thơ tình của Nguyên Sa.

“Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa…”

Hoặc những câu thơ rất “đời” với những hình ảnh bình dị trong cuộc sống:

“Hôm nay Nga buồn như con chó ốm,
Như con mèo ngáy ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển…” (Nga)

Ngày đó, chúng tôi nào biết “Nga” là ai, chỉ biết cái tên ấy được lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” trêu chọc bằng những cái tên… đáng yêu như Tâm, Trang, Thy… Tôi nhớ trong lớp học xưa, có cô bạn gái cũng mang tên Nga. Ngày đó, Nga cũng yêu. Tình yêu tuổi học trò đẹp như nắng Sài Gòn, trắng tinh khôi như hai tà áo. Ngày ấy, Sài Gòn còn rợp bóng hai hàng cây xanh mướt. Chúng tôi thường lén nhìn xuống cửa sổ lớp học mỗi đầu ngày, rồi cười khúc khích khi thấy cô bạn gái tên Nga dẫn xe đạp đi bên cạnh anh chàng học cùng trường, khác lớp. Những ngày tình yêu học trò bị “thử thách” bởi những lần giận dỗi, chúng tôi lại chọc ghẹo cô bạn gái bằng câu thơ Nguyên Sa: “Hôm nay Nga buồn như con chó ốm/ Như con mèo ngáy ngủ trên tay T.”

Mãi rất lâu sau này, khi có cơ hội tìm đến các tài liệu về Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam, tôi mới biết “Nga” là nhân vật có thật, là phu nhân của ông – bà Trịnh Thúy Nga. Bài thơ “Nga” còn có một chi tiết đặc biệt khác, đó là được in thay giấy báo tin thành hôn của hai người vào mùa Giáng Sinh 1954.

Thi sĩ Nguyên Sa và phu nhân trong Vườn Luxembourg, Paris, 1954.  -- hình: rfa.org)

Thơ của Nguyên Sa không hào nhoáng, không bay bướm. Trái lại, nó giản dị đến mức… trần tục. Nhưng đó là cái trần tục của một gã giang hồ lãng tử. Đó là cái trần tục của một gã say tình nhưng không dám chạm vào trái cấm.

“… Khi em đến nằm ngoan trên đồi cỏ
Có bỡ ngỡ là mặt trời bỡ ngỡ
Có xôn xao là núi lớn xôn xao
Cánh tay anh, anh đã dặn nằm im
Đôi mắt anh đã trở thành tinh tú
Đứng thật xa để canh chừng giấc ngủ
Đứng thật cao như ngọn hải đăng
Anh canh chừng con thuyền lạ đi ngang
Sẽ chở em về quê hương thần thoại…” (Kỳ Diệu)

Nguyên Sa đã dùng những hình ảnh mềm mại nhất nhưng cũng dữ dội nhất “đôi mắt, con thuyền, tinh tú…” để thổ lộ tình vào thơ. Một sự thổ lộ tinh tế và duyên dáng.

“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím…” (Tuổi Mười Ba)

Thơ của ông là một bầu trời tự do, tự do đến mức lạc vần, không điệu. Bài thơ Paris ông viết là một ví dụ:

“… Rồi cả người
cả Paris nhìn tôi qua một nụ cười nhắn nhủ
nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly
của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt đầu đi
những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau
với những tiếng kêu của một loài sắt lạnh
như những tiếng kêu của những chiếc đinh khô, những mình búa rắn
của những đôi mắt nhìn theo
và tôi cũng nhìn theo
không biết người ta vừa khâm liệm mình hay khâm liệm một người yêu
Dù người yêu không phải là người con gái có mớ tóc vàng…”
(Paris)

hay:

“Paris có gì lạ không EM?
Mai anh về em có còn NGOAN
Mùa Xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim…” (Paris Có Gì Lạ Không Em)

Trong một tài liệu về Nguyên Sa, trích dẫn lý giải của ông về điều này:

“NGOAN với EM là vần ép, SÔNG và TRĂNG thì lạc vận không còn gì để nghi ngờ. Tôi chấp nhận. Tôi nghĩ nếu có trách cứ về những vần cưỡng ép và vần lạc thì cũng đúng thôi, tôi không có gì để biện minh. Tôi chọn lựa nền âm thanh, chọn lựa sự xuất hiện của hàng loạt những tiếng đồng âm, tạo thành một nền âm thanh, để cho những vẫn chỉ có từ thông vận đến lạc vận, bay nhảy.

Tôi vẫn nghĩ là tôi có nhiều may mắn. Tôi không thấy người đọc nào than trách về những sử dụng vần điệu vượt ra ngoài khuôn khổ của vần điệu, hoàn toàn xây dựng trên sự mơ ước sáng tạo, sự phối hợp âm thanh của cả đoạn, của nhiều đoạn, của cả bài.

Chỗ dung thân của thơ phải chăng là sự bao dung có tên là tình yêu?”

Có lẽ, chính “sự bao dung có tên là tình yêu” đó mà rất nhiều mối tình học trò (trong đó có tôi) đã mượn thơ của ông để “nuôi tình mình khôn lớn.” Có những cuộc tình không trọn, nhưng chắc chắn nó đã được sống một khoảng đời rất đẹp với thơ của Nguyên Sa.

Cho đến ngày hôm nay, thơ của Nguyên Sa đối với thế hệ chúng tôi mãi mãi là ký ức ngọt ngào về một Sài Gòn tuy đã qua thời hoa lệ, nhưng vẫn là một Sài Gòn của tuổi đôi mươi với hàng cây me xanh thẳm, những buổi chiều tan học mưa trắng trời, những câu chuyện bất tận về một Paris lãng mạn vô cùng xa lạ ngày đó. Không thể phủ nhận, chính những cuộc tình trên sông Seine, những bóng dáng thướt tha trong sương mù, hay hè phố Saint Michel trong thơ Nguyên Sa đã chắp cánh ước mơ của các cô cậu học trò chúng tôi, ru chúng tôi vào những giấc mộng đời thật đẹp, bao dung và độ lượng

.Do đó, Tháng Tư về, lại nhớ Nguyên Sa ./.


TỪ LÃNG

nguồn: www.nguoi-viet.com ( Mỹ)


==================



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét