Saturday, April 16, 2022
Nhớ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt dù chỉ ba lần gặp
Trần Yên Hòa
ANAHEIM, California (NV) – Vậy là đã hai năm nhà thơ Trần Tuấn Kiệt rời cõi tạm. Anh mất ngày 8 Tháng Mười, 2019, tại Sài Gòn, thọ 81 tuổi.
Trần Tuấn Kiệt sinh năm 1939 tại Sa Ðéc, bút hiệu chính là Sa Giang, có khi anh dùng luôn Sa Giang Trần Tuấn Kiệt ký dưới những bài thơ. Còn văn, anh chỉ thường ký tên Trần Tuấn Kiệt.
Sau năm 1975, vì những truyện của các nhà văn miền Bắc viết ca tụng đảng, ca tụng chế độ – thời đó gọi là văn chương minh họa – khiến độc giả “chán đến tận cổ” không muốn đọc nữa, thì một số nhà xuất bản tìm những sách cũ của miền Nam trước 1975 viết về tình yêu, về võ thuật, về kiếm hiệp… nghĩa là vô thưởng vô phạt, để in, thì Trần Tuấn Kiệt nhảy vô lãnh lãnh vực này ngay.
Anh lấy nhiều bút hiệu khác nhau như Việt Thần, Việt Long, Duy Thức, Hồng Lĩnh, để viết truyện võ thuật, kiếm hiệp, sách dạy nấu ăn, sách dạy võ. Mọi đề tài anh đều bao dàn cả, đầu nậu sách cần loại gì là anh có loại sách đó cho ra mắt độc giả chớp nhoáng.
Đó là cuộc sống của Trần Tuấn Kiệt, viết để câu cơm. Nhưng với anh, thơ vẫn là người bạn đồng hành chính. Anh viết tất cả mọi đề tài để nuôi sống anh, và nuôi thơ.
Cao điểm trong sự nghiệp của anh là đoạt giải nhất Giải Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa 1967-1969 công bố vào đầu năm 1970, bộ môn Thơ với tập thơ “Lời Gửi Cây Bông Vải.”
Anh còn viết trường thi. Những trường thi chính của anh là: Bài Ca Thế Giới, Ngôi Đền Cổ, Trường Ca Đất, Triền Miên Ngâm Khúc, Hồng Hạc, Niềm Hoan Lạc Của Thần Linh và Địạ Ngục, Lạc Đạo Thi… có bài dài đến ngàn câu.
Tôi thích thơ và truyện của Sa Giang Trần Tuấn Kiệt từ khi anh đăng trên tập san Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh (1958), cho mãi đến mãi bây giờ. Gia tài văn học anh để lại thật nhiều, rất đáng ngưỡng mộ.
1.
Năm 1969, tôi đi phép từ Đà Lạt về Sài Gòn với người bạn đồng khóa 2 Chiến Tranh Chính Trị là Trần Thanh Ngọc (anh làm thơ lấy bút hiệu là Triều Giang), để mua vé máy bay về Đà Nẵng. Trong lúc đợi ở Sài Gòn vài ngày chờ chuyến bay, Trần Thanh Ngọc rủ tôi tới thăm Trần Tuấn Kiệt, vì hai người là bạn thân từ lâu.
Nhà Trần Tuấn Kiệt lúc đó ở một con hẻm ngoằn ngoèo khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật hay Cao Thắng gì đó. Con hẻm có nhiều người bán hàng rong, đặt bàn ra ngoài đường, bán nào nghêu sò ốc hến, cóc ổi, mực khô, đồ nhậu, bún riêu, bún ốc… Chúng tôi đi vào sâu trong hẻm, đến một căn nhà nhỏ, theo đúng địa chỉ, Ngọc gõ cửa, một mái đầu bù xù thò ra. Trần Thanh Ngọc và tôi lách người bước vào, căn nhà tối om, không đèn đuốc. Người đàn ông đó chính là Trần Tuấn Kiệt.
Kiệt nhìn Ngọc thì biết là người quen nên nói luôn: “Trong nhà nóng quá, lại bị cúp điện nên tụi mình ra ngoài ngồi kiếm gì lai rai đi.”
Tôi đi theo Trần Tuấn Kiệt và nhìn anh. Anh trông thật bụi đời, áo quần lụng thụng, tóc tai bờm xờm, trông như một công nhân khuân vác hơn là một thi sĩ. Trong khi hình ảnh tưởng tượng trong đầu tôi về một Trần Tuấn Kiệt phong nhã, hào hoa, như dáng một nho sinh trong truyện cổ. Mọi tưởng tượng đều tan theo mây khói.
Trần Tuấn Kiệt kêu bia uống ngon lành, anh kêu thêm đồ nhậu. Ở đây chỉ có mực khô nướng, cóc ổi… Trần Tuấn Kiệt và Ngọc nói chuyện, tôi chỉ ngồi nghe và nhìn. Kiệt uống bia nhiều, hầu như là chỉ có anh uống, còn tôi với Ngọc chỉ nhắp môi.
Ngọc hỏi: “Bà xã anh nay làm gì?” Anh trả lời: “Bả ở đàng kia, ngoài đầu hẻm, đang bán bắp nướng và chuối chiên, nhờ bả buôn bán vậy mà nuôi cả gia đình.”
Tôi nhìn đàng xa, một người đàn bà đang cúi người nướng bắp, tôi tự nhiên thấy thương một người đàn bà phải lấy một người làm thơ.
Sau bữa nhậu, Trần Tuấn Kiệt say khướt. Trần Thanh Ngọc trả tiền, rồi chúng tôi ra về.
2.
Khoảng năm 1992, Nghiêu Đề từ Mỹ về Việt Nam, rủ tôi và Ngọc đến chỗ đình Ông Súng uống cà phê. Có lẽ Trần Tuấn Kiệt cũng có hẹn trước với Nghiêu Đề, nên chúng tôi ngồi khoảng mười lăm phút thì Trần Tuấn Kiệt đến.
Cũng trên 20 năm tôi mới gặp lại Trần Tuấn Kiệt. Tôi thì trải qua sáu năm tù “cải tạo” nên rách như xơ mướp. Còn Trần Tuấn Kiệt không biết bị vạ gì mà cũng bị nhốt gần mười năm. Lúc này, nhìn lại Trần Tuấn Kiệt, thấy anh xơ xác và già đi rất nhiều, hàm răng bị rụng gần hết.
Nghe Trần Tuấn Kiệt nói, lúc này anh hay bị đau đầu, nếu một ngày không uống ít nhất một chai bia, thì anh bị đau đầu lắm lắm, nên trong thời gian Nghiêu Đề về Việt Nam phải “bao” Trần Tuấn Kiệt ít nhất mỗi ngày một chai bia Sài Gòn, để chữa bệnh đau đầu cho anh. (lúc đó bia Sài Gòn rất quý và đắt giá hơn các loại bia lên men).
Lần thứ hai gặp Trần Tuấn Kiệt chỉ có thế.
3.
Thời gian trôi như nước chảy qua cầu. Một lần từ Mỹ trở về thăm Việt Nam, tôi (cũng) cùng Trần Thanh Ngọc chạy xe gắn máy trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, sau khi đi ăn cơm trưa tại một quán gần Thảo Cầm Viên. Xe chạy qua cầu Thị Nghè, bỗng Ngọc rủ: “Ghé vào thăm Trần Tuấn Kiệt chút nhe, nhà Kiệt ở gần đây.” Tôi ậm ừ, nửa muốn đi nửa muốn không, vì sắp đến giờ hẹn với một người bạn. Nhưng suy nghĩ, tôi nói với Ngọc, “Ừ thì đi.”
Nhà Trần Tuấn Kiệt nằm phía trong một con hẻm sâu khu Thị Nghè. Ngọc chở tôi chạy lòng vòng (mà đến bây giờ bảo tôi chạy lại con đường đó tôi cũng không nhớ ra). Dừng xe trước một căn nhà, nhìn vào như một tiệm uốn tóc, thì Trần Tuấn Kiệt hiện ra trong cánh cửa. Nhìn thấy Ngọc, Kiệt biết người quen nên mở rộng cửa đón khách. Cánh cửa hẹp nên xe phải để bên ngoài, Trần Tuấn Kiệt lấy mấy cái ghế nhựa cao đem ra mời khách ngồi và Trần Thanh Ngọc thì đi kêu cà phê.
Trần Tuấn Kiệt độ rày tôi thấy có khá hơn trước, tuy có già đi, nước da anh thấy hồng hào hơn, tuy anh nói độ rày sức khoẻ kém, không đi xa được, đi xa thì rất mệt, chóng mặt. Rồi anh nói qua thơ văn, những kỷ niệm cũ với các cuốn sách anh dự định in.
Lần này tôi rất vui là được gặp cô Hàm Anh, cũng tại nhà Trần Tuấn Kiệt. Hàm Anh là một cây bút nữ chuyên viết nghiên cứu, phê bình… trong nước.
Sau hơn hai giờ ngồi nghe Trần Tuấn kiệt nói đủ mọi chuyện. Sau đó chúng tôi giã từ, chúc anh sức khỏe, để có viết nhiều và viết hay.
Rồi Tháng Mười, 2019, anh ra đi. Buồn và tiếc thương.
Cho đến cuối đời, anh đã xuất bản khoảng 200 tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau: thơ, truyện dài, dã sử kiếm hiệp, tín ngưỡng thần đạo Việt Nam, biên khảo văn học và cả võ thuật. (Trần Yên Hòa)
Mời đọc hai bài thơ của Trần Tuấn Kiệt:
Đêm
Đêm lang thang lũ xì ke ma túy
Đời cũng buồn bụi bặm kém chi ai
Đêm đơn độc vuốt nanh chìa nhọn hoắt
Trăng xa xăm đầu bạc phếu bên trời
Đêm đĩ thõa ở trong lòng khát vọng
Đêm điếm đàng gió tạt lạnh mưa rơi
Đêm đỏ thắm tối tăm màu máu lệ
Đêm đi hoài đi mãi đi không thôi
Đêm ngồi lại giữa lộ buồn thăm thẳm
Ngã ba đường ôi lối rẽ quê hương
Đêm chó má đêm đái đường ướt đẫm
Đêm tụng kinh ma quỷ để xa đời
Đêm Phạm Cung với Bẫy Người nhục thể
Đêm cô hồn các đảng kiếm tìm xôi
Đêm tự do vô cùng trong đói rách
Đêm thê lương tàn bạo bóng ma người
Đêm cảm tưởng như phố sầu mở rộng
Đèn lưa thưa rắn rết bò lang thang
Đêm rực lửa trẻ em không cơm áo
Đêm già nua kể lể bóng ma chàm
Đêm thượng đế ngồi chơi sòng bạc mới
Thả rừng mây trên chiếu bạc lầm than
Đêm quỷ vương vẫn kêu gào địa ngục
Đêm nhà thờ kiểng lạnh bỗng khua vang.
Mùi tả đạo
Anh khổ hạnh trong đời tục lụy
Anh trầm tư trong thế giới vô cùng
Lời đã gởi vào gió ngàn mây nổi
Chút ưu sầu nhân loại giữa quê chung
Anh nhìn thẳng vào mặt Người – Lịch sử
Những vết thương đau khổ đã đời đời
Những tranh đấu kiêu kỳ vì quyền lực
Những cỗ bàn máu mủ quá tanh hôi
Có những phút thần tiên như chú khỉ
Trộm bàn đào nhậu thừa thãi rượu tiên
Có những cơn sầu mình đuôi cứ mọc
Dưới năm hòn núi Phật tổ đè nghiêng
Anh cứ thấy trần gian nhiều mộng ước
Vẫn như ngựa kỳ hí lộng đêm khuya
Tôi xin đặt hai bàn tay ô trược
Khoát tạ từ mộng huyễn giữa cơn mê
Để một nửa trái tim đời cạn máu
Trên đỉnh trầm thiên cổ núi Tu-di
Còn một nửa say mê mùi tả đạo
Tôi yêu em điên đảo lối đi về.
TRẦN TUẤN KIỆT
================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét