Nhạc sĩ Thanh Sơn, ông hoàng của những tình khúc mùa Hè
- Tuấn Khanh
19 tháng 4, 2022
Nói về những ca khúc mang dấu ấn mùa Hè, ông hoàng của những nỗi buồn mùa phượng nở, ít ai có thể sánh ngang với nhạc sĩ Thanh Sơn (1938-2012). Dân mê Bolero, hầu như ai cũng biết những bài hát tuổi hoa niên, ngập tràn những giai điệu thổn thức của ông như Nỗi Buồn Hoa Phượng, Hạ Buồn, Phượng Buồn, Ba Tháng Tạ Từ, Lưu Bút Ngày Xanh…
Dân trong làng âm nhạc coi nhạc sĩ Thanh Sơn là bậc đàn anh dòng nhạc về tuổi trẻ, nhớ thương và vụng dại. Nhiều năm sau 1975, ông thường ngồi trong một quán cafe nhỏ trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần, Quận 3) để trò chuyện với những người cùng thời như nhạc sĩ Hoàng Trang, Mặc Thế Nhân, Hàn Châu… và đồng thời để tìm bài vở, góp làm các album. Vốn từ năm 2000, nhạc sĩ Thanh Sơn nhận làm biên tập, tức vai trò thu thập bài vở, tổ chức các chương trình ca nhạc mới cho Trung Tâm Rạng Đông. Vào thời điểm những ca sĩ hải ngoại bắt đầu về Việt Nam, và một số bài hát cũ được duyệt để in vào CD, nhạc sĩ Thanh Sơn hay giúp cho anh em bạn bằng cách đưa những bài hát đã sáng tác từ thời trước năm 1975 vào chương trình.
Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, ông sinh năm 1938 (có tài liệu ghi là 1940) tại Sóc Trăng. Thanh Sơn được sinh ra trong một gia đình có 12 người con, ông là người con thứ mười.
Năm 1955, nhạc sĩ Thanh Sơn lưu lạc ở Sài Gòn, và bắt đầu học nhạc với nhạc sĩ Lê Thương. Nhưng lúc đầu, ông không nghĩ mình sẽ trở thành một nhạc sĩ mà mơ đến chuyện được đứng trên sân khấu như một ca sĩ. Ngoài giờ học nhạc và làm việc, nhạc sĩ Thanh Sơn cứ mở đài phát thanh để nghe những bài hát mới và tập hát theo.
Và rồi đến năm 1959, Thanh Sơn ghi danh tham dự cuộc tuyển chọn ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn. Lúc này ông trình bày nhạc phẩm Chiều Tàn của nhạc sĩ Lam Phương và đã đạt giải nhất trong cuộc thi. Tiếc là bây giờ không còn băng ghi âm lưu trữ để mọi người nghe lại, nhưng lúc đó, nhạc sĩ Thanh Sơn đã hát hay và vượt lên nhiều thí sinh, mà sau này đều trở thành những ca sĩ lừng danh như: Phương Dung, Chế Linh, Nhật Thiên Lan… Ban giám khảo trong cuộc thi đó là những người có tên tuổi như: Võ Đức Thu, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Nghiêm Phú Phi.
Sau khi đoạt giải nhất, Thanh Sơn được mời đi hát trong ban Tiếng tơ đồng của Hoàng Trọng. Ông được mời lưu diễn ở nhiều nơi, và mời ghi âm ở Đài phát thanh. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Sơn kể lại chuyện này với nụ cười mỉm “hồi đó, mình nghe người ta hát trên đài mà mê, không biết chừng nào mới có dịp đến mình. Đến khi nghe Đài phát lại mấy bài hát của mình, mới ngạc nhiên sao đời như giấc mộng”. Chuyện ca hát của nhạc sĩ Thanh Sơn thành công đến mức được mời vào diễn trong đoàn Văn nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Năm 1960, ông tham gia hát ở vũ trường Maxim’s và được tham gia đi lưu diễn ở một số quốc gia như: Lào, Miên, Tân Gia Ba, Mã Lai, Nam Dương…
Năm 1965, Thanh Sơn gia nhập quân đội và phục vụ trong binh chủng Quân Vận, sau đó ông được chuyển về Tổng Tham Mưu và vẫn tiếp tục công việc sáng tác. Trong thời gian này, Thanh Sơn đã cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng viết về đề tài người lính VNCH, nhất là ca khúc Mười Năm Tái Ngộ rất được mọi người yêu thích qua tiếng hát của nữ ca sĩ Phương Dung.
Chuyện sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn bắt đầu từ việc ông xin nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ hướng dẫn cho mình, đọc thêm các sách vở âm nhạc khác. Năm 1960, khán giả bắt đầu biết cái tên Thanh Sơn qua nhạc phẩm Lưu Bút Ngày Xanh. Đó cũng là giai đoạn khởi đầu việc hình thành nhiều bài hát học trò, mùa Hè… nổi tiếng của ông. Thích thú với vai trò sáng tác, nhạc sĩ Thanh Sơn bắt đầu cho ra hàng loạt các ca khúc mới, được nhiều nhà xuất bản nhạc giấy chào đón. Đặc biệt trong chuỗi Nỗi Buồn Hoa Phượng của ông được coi như là một nhạc khúc đi liền với giọng hát Thanh Tuyền, trở thành một di sản đặc biệt của tình ca mùa Hè, nền văn nghệ Việt Nam.
Sau năm 1975, phải mất một thời gian dài, nhạc sĩ Thanh Sơn mới sáng tác lại. Lập tức ông được khán giả đón nhận nồng nhiệt qua các tác phẩm như Gợi Nhớ Quê Hương, Hình Bóng Quê Nhà, Hương Tóc Mạ Non, Hành Trình Trên Đất Phù Sa, Bạc Liêu Hoài Cổ…
Cũng như các nghệ sĩ của miền Nam, nhạc sĩ Thanh Sơn cũng phải chịu đựng nhiều điều khó khăn và kỳ thị của chế độ kiểm duyệt. Vào năm 2001, có lần ông bị gọi lên Sở Văn hóa Thông tin (lúc bấy giờ Phó Giám đốc là Phạm Minh Tuấn, nhạc sĩ của chế độ mới), để tra vấn việc ông dùng chữ “phu quân” trong một bài hát. Về sau khi bị buộc thay chữ đó, nhạc sĩ Thanh Sơn buồn bực than rằng “chẳng lẽ họ không biết chữ phu quân là người chồng sao?”. Hóa ra, bên kiểm duyệt nghi ngờ ông muốn cài cắm chữ “quân” là ám chỉ… quân (đội) VNCH trong bài hát.
Những câu chuyện như vậy thường được than vãn quan bàn cafe của các nhạc sĩ Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang và Hàn Châu, lúc nhạc sĩ Thanh Sơn còn sống. Những người quen biết được kề cận, mới biết được nỗi niềm và cả những tâm sự nghề nghiệp của họ.
Khó mà tin được là những ngày tháng cuối cuộc đời ấy, những người nhạc sĩ vẫn đôi khi còn trách nhau về những nốt nhạc vụng dại đã từng viết ra hoặc vẫn chất vấn về một câu chữ không rõ nghĩa. Âm nhạc đối với họ không chỉ là nghề, mà là niềm vui, là trách nhiệm và sự đau đáu ước muốn được một lần quay trở lại thời của mình từng được sống tự do, để hoàn thiện nghiệp dĩ.
“Có những lúc nghĩ về một nốt nhạc đã lỡ viết ra, mình ân hận vì muốn sửa cho hay hơn nhưng tiếc là khán giả đã thuộc lòng cái sai của mình mất rồi” – trong một lần ngồi kể lại chuyện xưa, nhạc sĩ Thanh Sơn tần ngần nói như vậy.
Và bao giờ cũng vậy, khi nhắc về Nỗi Buồn Hoa Phượng, ánh mắt của ông bao giờ cũng lấp lánh niềm tự hào. Ca khúc tràn ngập tuổi trẻ, kỷ niệm và thổn thức riêng của mỗi người này vẫn được mọi người trong chiếc bàn ấy bình chọn vui là “quốc ca mùa Hè”.
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương,…
Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
Mỗi lần hè thêm kỷ niệm,
Người xưa biết đâu mà tìm.
Với những khán giả không thuộc dòng nhạc vàng, những âm điệu và ngôn ngữ này dường như có vẻ là “sến”, nhưng không ai có thể chối cãi rằng những hình ảnh và âm giai của bài hát này đã âm vang trong trái tim nhiều thế hệ, thậm chí làm không ít người phải ngẩn ngơ thổn thức khi nghe bài hát này.
“Phải chi được sống lại ở tuổi 30” – nhạc sĩ Thanh Sơn từng trầm ngâm nói. Tuổi 30 của ông với những bài ca đã tạo nên tên tuổi của ông và tạo nên một vệt dài độc đáo trong di sản văn hóa đặc thù của miền Nam. Tuổi 30, ông đem lại một khung trời giai điệu của tuổi học trò, đẳng cấp và khó quên một khi đã nghe và chiêm nghiệm về nó như Ba Tháng Tạ Từ, Màu Áo Hoa Phượng, Lưu Bút Ngày Xanh, Hạ Buồn, Ve Sầu Mùa Phượng…
Và rồi một ngày, cơn đột quỵ vào năm 2012 khiến chỗ ngồi quen thuộc vắng đi một người. Chiếc bàn nhỏ như một ký ức sót lại của vàng son bolero ngày càng lặng và buồn hơn. Ðôi khi nhạc vẳng lên từ chiếc loa cũ lại làm những người còn lại thở dài. Tiếng hát “giã biệt bạn lòng ơi…” dường như càng thấm thía hơn bao giờ hết.
Và rồi một buổi chiều Tháng Tư năm 2012, khi tin nhạc sĩ Thanh Sơn bỏ cuộc chơi lan đi, dù biết nhưng vẫn làm hụt hẫng nhiều người. Sau dòng nhạc của Thanh Sơn, khó có thể tìm được ai tiếp nối, những giai điệu ngọt đến nao lòng của Hát Nữa Đi Em, hoặc dân dã đến mức lịm hồn như Bạc Liêu Hoài Cổ?
Nền âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là miền Nam, đã mỗi lúc mỗi vắng hơn những cái tên quen thuộc. Mọi thứ đang mất dần. Giờ thì “Mỗi lần Hè thêm kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm…”
TUẤN KHANH
nhạc sĩ( Tp. HCM)
[ 1968- ]
===============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét