Ly này ta rót mời ta
Chưa uống đã thấy xót xa phận mình
Mới ngày nào tóc còn xanh
Mà nay đã bạc, đã giềnh, đã thưa.
Rót thêm ly nữa mời ai?
Chìa tay mời bạn cõi ngoài vân du
Cỏ xanh đất mát ngàn thu
Trong hơi gió thoảng ai ru hồn người.
Chiều cuối năm lá vàng rơi
Ly này ta rót mời người áo xanh
Lòng mưa ngâu, nắng hong hanh
Vàng rêu mái lá, buồn tênh mây trời.
Ly này em của ta ơi!
Gươm quăng hố thẳm, ta mời ta sao ?
Ngựa hồng tung vó trời cao
Áo sòng xưa đã giũ vào hư không…
Lưng trời giọt đại hồng chung
Quyện theo tiếng mõ mịt mùng quạnh hiu
Vô ngôn chiều ngẩn ngơ chiều
Vật vờ trôi giạt con diều đứt dây
Ly này uống nữa thì say
Trốn tà huân cánh én bay về nhà
Một mình ta uống cùng ta
Mộ hoài độc ẩm xót xa phận mình
Mới ngày nao tóc còn xanh.
_________
Trần Phong Giao sinh năm 1932, tại Nam Định. Năm 1954, ông di cư vào Nam.
Năm 1960 đến năm 1963, ông làm thư ký toà soạn báo Tin Sách do Trung tâm Văn Bút Việt Nam chủ trương.
Thời gian này, ông cũng bắt đầu dịch một số tác phẩm văn chương, triết học của các nhà văn nổi tiếng thế giới, như Albert Camus, Jean-Paul Sartre, Paul Gallico.
Cuối năm 1963, ông làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn (số đầu tiên là số xuân Giáp Thìn, 1964) tại Sài Gòn do Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm.
Năm 1971, ông thôi làm ở tạp chí Văn, lập nhà xuất bản Giao Điểm và xuất bản tạp chí Giao Điểm, nhưng chỉ được ít số thì đình bản. Sau đó, ông có thực hiện một vài giai phẩm khác nữa (trong đó có tờ Chính Văn với nhà văn Nguyễn MạnCôn), nhưng không thành công.
Ông mất năm 2005
source: Du Tử Lê Blog ( Mỹ )
================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét