Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

" Lệ Hằng: người đàn bà nổi loạn "/ Trân Áng Sơn ( chết ) -- tản mạn văn chương ( 06/ 10/ 2012)

 


Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012


                    Lệ Hằng : 
       người đàn bà  nổi loạn


                                 trần áng sơn


                     
                            tác phẩm đã xuất bản:

                           -THUNG LŨNG TÌNH YÊU
                           -TÓC MÂY
                          - KINH TÌNH YÊU
                         - TÌNH YÊU NHƯ BĂNG SƠN
                         - SÓC NÂU
                         - BẢN TĂNG-GÔ CUỐI CÙNG
                          -NGỰA HỒNG
                          -MẮT TÍM
                                                  v. v . ...


- ... vẻ đẹp của lệ hằng, vẻ đẹp của mỹ: lộng lẫy, gợi cảm, khiêu khích, lại thực dụng ...
- ... giá mà các anh  giải phóng miền nam, trước khi lệ hằng cầm bút, thì lệ hằng đâu có lún sâu vào ...
-   ... lệ hằng  hiện đang định cư ở nước ngoài, cô nghĩ gi về ...


                Trong số  những nhà văn nổi tiếng ở  Sài gòn trước 1975, Lệ Hằng xuất hiện  muộn hơn cả.   Mãi tới 1971, người ta mới biết đến cô như 1 nhà văn.   Sự xuất hiện của Lệ Hằng như 1 trận cuồng phong ập đến, trận cuồng phong nhục cảm, cuồng loạn; chẳng mang 1 chút màu sắc triết lý nào cả; cũng chẳng theo học thuyết nào.    Sự yêu vội , sống vội, sẵn sàng chết vội, dễ bị ngô nhận là thuộc trường phái hiện sinh.

         Nhưng ở vào thời điểm Lệ Hằng xuất hiện, cơn sốt hiện sinh đã lắng xuống, cũng vừa mới lướt qua - hậu quả của nó đang bị  cơn sóng thần  nền văn hoá Mỹ trùm lấp.   Có thể nói, trường hợp Lệ Hằng là kết quả của nền văn hoá Mỹ thực dụng đang tràn vào nước ta, từ khi người Mỹ ồ ạt xuất hiện ở miền Nam . (  1965) .  Chẳng ai trong chúng ta  có tinh thần bài ngoại, nhưng đối với nền văn hoá Mỹ, chúng ta cần phải hấp thụ 1 cách tỉnh táo, có chọn lọc.   Lệ  Hằng không thế, không những cố hấp thụ, mà còn phổ biến nền văn hóa ấy , qua từng trang viết, trong tất cả tác phẩm của cô, xuất bản từ 1971 cho đến ngày cuối cùng của Sài Gòn ( 1975) .

          Nói về  những nhà văn nữ của Sài Gòn, mỗi người có 1 văn phong, điều này  rất dễ nhận thấy ở các nhà văn nữ Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thy Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng và sau cùng là Lệ Hằng.
 
           Về nhan sắc, cô là  người không may mắn , tuy NHÃ CA rất đằm thắm, rất đàn bà, nhưng tài, sắc đố kỵ.   THỤY VŨ cũng thế, TÚY HỒNG có khá  hơn.

           Ưu thế về ngoại hình thuộc về 2 nhà văn Nguyễn Thị Hoàng  ( ...) và LỆ HẰNG .  Vẻ đẹp của Lệ Hằng khác hẳn, có thể nói vẻ đẹp của cô là vẻ đẹp Mỹ: lộng lẫy, gợi cảm , khiêu khích, thực dụng.  
            Nói về văn nghiệp của Lệ Hằng, chỉ trong, 3, 4 năm, hàng chục tác phẩm xuất bản, mỗi một tác phẩm như đem đến 1 cơn địa chấn , đắm say, dữ dội, rã rời !

             Đôi lúc, tôi phân vân tự hỏi, nếu lịch sử không sang trang.  cùng với cây viết - không biết Lệ Hằng sẽ còn đi tới đâu ?  Chồng Lệ Hằng, một phi công  *  trong quân đội chế độ cũ , mẫu đàn ông rất hợp với típ phụ nữ  như Lệ Hằng.   Có lẽ, họ rất hạnh phúc trong 1 ngôi nhà trong khuôn viên rất rộng, ở Cổng xe lửa số 6, có những người hàng xóm  nổi tiếng, như vợ chồng nhà giáo-nhà văn Nhật  Tiến + Phương Khanh.  

             Khi tôi viết  tập đầu bộ Những trang khép mở, tôi nhớ ngay đến Lệ Hằng   - về danh tiếng- cô rất xứng đáng để tôi viết về cô.  Nhưng rồi, tôi gạt bỏ ngay ý định trên, vì những gì tôi biết về Lệ Hằng - sau khi  Sài Gòn trở thành tp. HCM,  vả lại được gặp cô nhiều lần.   Tôi tự nhủ, đây la típ phụ nữ mà những người đàn ông như tôi, không thể mon men tới gần.   Và, tôi cũng biết Lệ Hằng cũng nghĩ như tôi, về mẫu đàn ông chỉ thích hợp sống ở đầu thế kỷ đã qua.

             Sau 1975, tôi thường gặp Lệ Hằng ở Hội văn nghệ thành phố, cách trang phục của Lệ Hằng như Sài Gòn vẫn không thay đổi   Vẻ mặt rạng rỡ, áo dài thướt tha, đỏm hơn, với chiếc dù sặc sỡ.   Đặc biệt hơn nữa, mỗi bước đi của Lệ Hằng, như có tiếng chuông rung,  càng gây sự chú ý cho mọi người .  Tôi có cảm giác, như Lệ Hằng đi lại như ngòi bút cả trên mặt giấy ... Những hồi chuông rung ấy phát ra từ những chiếc vòng có gắn những chiếc chuông nhỏ đeo nơi chân Lệ Hằng.   
            Lệ Hằng đến Hội văn nghệ tp. HCM không phải để gặp các bạn văn nghệ cũ .   Cô ta chỉ reo lên, khi Trần Quang xuất hiện, sẵn sàng cùng Trần Quang biểu diễn vài động tác gây chú ý ngay trong khuôn viên Hội.   Cùng với những bước chân như thế, Lệ  Hằng bước lên từng bực thềm vào văn phòng Hội, gặp vài vị lãnh đạo, với nụ cười tươi như hoa nở trên môi.

            Chuyện muôn thuở  đàn ông và đàn bà mãi mãi vẫn là 2 cực khác nhau, luôn luôn thu hút lẫn nhau.   Lệ Hằng hiểu rõ ưu thế của mình, cô đã tận dụng và đã thành công nhanh hơn những người cùng cảnh ngộ rất nhiều !   Tiếng nhạc rung lên từ cổ chân Lệ Hằng đã có tác dụng, chuyện này ở trong nước chưa rõ, nhưng ở nước ngoài đã rất thông.   Từ 1 cây bút lúc đầu bị đánh giá lá đồi trụy, năm 1984, Lệ Hằng trở thành biên tập viên trong  1 xưởng phim  mang tính cách giáo dục rất cao.   Phải chăng, đó là kết quả học tập tốt, trong Khóa bồi dưỡng chính trị khoá 1 , tổ chức tại Hội văn nghệ tp. HCM ?

          Chúng ta   hãy xcùng đọcc 1 đoạn trong bài  tự kiểm của  Lệ Hằng :
          " ...ở  lứa tuổi của Hằng,  lớn lên ở miền Nam, đâu có hiểu gì về cách mạng, đâu có biết mình bị họ đầu độc tinh vi ...  Giá các anh giải phóng miền Nam trước khi tụi Hằng cầm bút, tụi Hằng đâu có lún sâu vào tội lỗi như vậy ...". 

         Một  bài  tự kiểm chân thành, có tố cáo, có ân hận, Lệ Hằng được chiếu cố là đúng.   Tôi chợt nhớ năm xưa, mẹ tôi thường bảo :
         "... Ở đời khôn chết, dại chết, biết thi sống !"

          Cổ nhân dạy cho người ta chữ thời đó sao ? 

           Bây giờ Lệ Hằng đang định cư ở nước ngoài.   Cô nghĩ  gì về những điều cô viết trong bài tự kiểm?  hay cũng  đổ cho tại, bị - nên mới viết  như thế !   
          Tóm lại, Lệ  Hằng  như thế nào, là bởi xã hội ấy như thế - đâu phải lỗi của  Lệ Hằng ?  hẳn cô đã nghĩ thế và sẵn sàng trút hết rác rưởi nào nơi cô đã từ bỏ, ra đi. 

          Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé Hội văn nghệ tp. HCM, ngồi nhâm nhi ly cà phê, nhìn những gương mặt cũ - có người đang đi về phía nấm mồ của mình.  
           Tôi lại nhớ đến tiếng lục lặc ở cổ chân Lê Hằng.
           Tiếc cho 1 tài năng. một nhân cách (  như Lệ Hằng ) .  Và , tôi cũng tiếc cho chính mình, đã viết những dòng này, về 1 người mà không còn muốn nhắc đến nữa * * ! 

           Sự im lặng mới đẹp làm sao !    

          TRẦN ÁNG SƠN 
         Sài Gòn 2002

         ( trích: Những trang sách Khép Mở
                    (tập 3/ trang 9- 14)



--------
*  riêng tôi, đặt dấu hỏi về người chồng" một phi công Không lực VNCH" -   mà theo tôi biết,  chỉ lá 1 trung úy an ninh thuộc Cục Tâm Lý chiến . (TP).
 
**   xin lỗi tác giả -  chữ của  biên tập. (TP) . 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét