Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

" gặp gỡ & phỏng vấn nữ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung " ( Mỹ ) / phỏng vấn : Hồ Trương An / Pháp ( chết) -- source : Làng Thơ ( Mỹ )

 

 Apr 21, 2022 log in
 

 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật

GẶP GỠ VÀ PHỎNG VẤN
 NỮ SĨ NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG 


 HỒ TRƯỜNG AN 

#1
Bấm vào hình
để phóng to


Tôi vốn thích văn chương viết về quê hương đất nước và văn chương viết về hồi ký. Tôi thích phong tục tập quán và văn minh Nước Trung Hoa. Có lẽ phong tục tập quán của Nước Việt Nam chúng ta chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn minh tập quán của đất nước có diện tích vĩ đại trên bàn đồ thế giới này chăng? Cho nên khi đọc quyển hồi ký Les Mondes Que J'ai Connus của Nữ Sĩ Pearl S. Buck tôi rất thống khoái. Bà nữ sĩ người Mỹ này sống một phần ba cuộc đời trên đất Nước Trung Hoa. Sự nghiệp văn chương vĩ đại của bà cùng Giải Nobel Văn Chương dành cho bà vào năm 1939 là ở công trình khai thác tập quán và phong tục của đất Nước Trung Hoa mà nơi ấy thân phụ của bà mang cả gia đình (trong đó có bà) đến truyền giáo Tin Lành.

Tôi chưa bao giờ ra khỏi Nam Kỳ Lục Tỉnh, nhưng ai cấm tôi mơ Miền Bắc từ thuở biết đọc tiểu thuyết. Nơi ấy có bốn mùa xuân hạ thu đông, có mưa phùn, có hoa đào, chim sơn ca, chim họa mi, có hoa sữa... Ðó là những đặc sản của Quê Bắc chúng ta qua nhiều tác phẩm văn chương của Nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, của các Nhà Văn Trần Tiêu, Tô Hoài, Mạnh Phú Tứ, Nguyễn Công Hoan... vào Thời Tiền Chiến và nhất là các tác phẩm (tiểu thuyết cũng như biên khảo) của Toan Ánh sau thời kỳ Nam Bắc chia đôi v.v... Tôi thèm ăn gạo Tám Thơm, nhãn Hưng Yên, dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Ðầm Sét, cá diếc, trái sấu, trái muỗm, trái nhót, trái hồng bì, chim ngói, mắm rươi qua hai cuốn Món Ngon Hà Nội và Thương Nhớ Mười Hai củaVũ Bằng. Lại còn thắng cảnh Hà Nội, Lạng Sơn, Ðồ Sơn, Sầm Sơn. Hai bãi biển Ðồ Sơn và Sầm Sơn này đã được Hoàng Ngọc Phách (qua cuốn Tố Tâm) và Khái Hưng (qua hai cuốn Trống Mái và Băn Khoăn) khai thác nữa chi! Ðấy, từ 12 tuổi tôi đã mơ Miền Bắc qua sách vở. Người ơi, những giấc mơ trên trang sách bao giờ mà chẳng lộng lẫy, chẳng hào hứng, hả người? Nhưng khi ra hải ngoại, hầu như chẳng ai viết về Miền Bắc, trừ những thi tập của Thi Sĩ Lê Ngọc Hồ. Tôi đợi chờ một cây bút gốc Bắc Kỳ nào đã từng di cư vào Nam vào thuở hoa niên của tôi có thể ôn lại dĩ vãng để viết về Hà Nội, viết về Miền Bắc. Nhưng sự chờ đợi đó như nàng cô phụ đợi người chồng lãng tử đã bỏ nhà ra đi, không còn gửi về một bóng chim tăm cá, rồi bặt tin biệt tức trải qua bao năm rộng tháng dài.
Thế rồi vào năm 1995, tình cờ đọc trong chương mục sách ốc của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ, tôi chợt thấy giới thiệu cuốn Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội. Có phải đây là quyển hồi ký với công trình thắp sáng thời hoa niên rực rỡ lẫn tuổi thanh xuân mộng ảo có biết bao kỷ niệm tươi thắm của tác giả hay chăng? Có phải đây là quyển tự truyện với những vận sự có thật như mảnh gương trong sáng trộn lẫn những đợt khói mơ màng phiêu diễu của óc tưởng tượng hay chăng? Nhưng tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung là ai? Một khuôn mặt chính khách phụ nữ? Một khuôn mặt trong các bộ môn nghệ thuật? Hay đây là một ái nữ của một nhân vật xênh xang trong chiếc cẩm bào, ngực đeo thẻ ngà và tay cầm hốt ngà vào thời xa xưa? Hoặc đây là một phu nhân của một ông tai to mặt lớn trong guồng máy hành chánh ở Miền Nam vào hai Thời Kỳ Cộng Hòa? Nhưng mà không. Ðây là người vợ cũ một nhà văn lừng lẫy và sau đó là đương kim phu nhân của một nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ.

Ở hình bìa sau của quyển Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội, tôi nhận thấy qua tấm ảnh màu, tác giả dùng màu xanh để phục sức và trang sức: áo màu bích lục chen hoa sậm màu thúy lục thúy lam, hoa tai nạm viên bảo thạch trong suốt màu bích ngọc (hoặc có thể là hai viên bích ngọc cũng không chừng). Người trong ảnh có cặp mặt hơi nhỏ, nhưng cái nhìn long lanh và bao la vời vợi. Nụ cười chị tươi sáng dưới lớp son màu hồng đào. Hàm răng chị ngắn gọn, đều đặn như hạt lựu và bóng lộn như hạt trân châu. Một người bạn hàng xóm có lần bảo tôi:
- Răng ngắn thì bền chắc và lâu rụng. Lại đẹp nữa.
Nguyễn Thị Ngọc Dung, một tên tuổi mới trong cõi văn chương Việt Nam vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ! Trong tấm ảnh chụp chung với Nữ Sĩ Cao Mỵ Nhân in ở bìa sau quyển Áo Màu Xanh (của Cao Mỵ Nhân), chị mặc áo xanh màu “saphir” (màu thúy ngọc/màu ngọc phí thúy) rất tươi sáng, rất hợp với màu trắng của chiếc quần xa-tanh tuyết nhung. Và nếu chị Ngọc Dung hợp với những màu xanh thì chị cũng hợp với màu vàng. Cứ xem tấm ảnh chị mặc áo màu hoàng yến đeo kiềng trơn bằng vàng trong tấm ảnh in trên bìa sau cuốn Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương thì rõ. Chiếc áo vàng như sóng sánh nắng ban mai làm chị rạng ngời vẻ mệnh phụ Xứ Huế hơn, cao sang thanh thoát hơn.

Qua trung gian chị Trương Anh Thụy, một thành viên của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ, tôi được làm quen vói chị Nguyễn Thị Ngọc Dung. Chị nhờ tôi viết bài Bạt cho quyển Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương và mời tôi cộng tác với Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm. Từ đó, cả hai liên lạc nhau qua những bức thư đánh máy ký tên trên giấy trắng nõn như lông cánh thiên nga, trong các cuộc điện đàm khá dài. Cả hai phương tiện đàm đạo đều ăm ắp những giai thoại, những huyền thoại, luôn cả những truyền kỳ trong giới văn nghệ sĩ kim cổ Ðông Tây. Thường là những huyền thoại hấp dẫn như tình tiết trong các pho thiên phương dạ đàm Xứ Ba Tư. Thường là những giai thoại sống động như trên những trang giấy ngọc cốt của quyển Úc Viên Thi Thoại của nhà thơ Ðông Hồ. Và những truyền kỳ thì hư lẫn thực, giả lẫn chân pha trộn vào nhau như những vóc gấm dệt chỉ tơ cùng với kim tuyến hoặc ngân tuyến. Gặp những đoạn hào hứng, chị cười dòn dã và trong sáng như những mảnh vỡ của pha lê. Chị hỏi bằng giọng ngờ vực:
- Thế à anh? Thật hả anh?
Than ôi, trong truyền kỳ và huyền thoại, vận sự có thật chỉ là một nhúm gạo móng chim đem nấu một nồi cháo, chỉ là một thìa nhỏ bột huỳnh tinh khuấy thành một soong hồ bột mà thôi!

Năm 1998, tôi qua Virginia ra mắt quyển Theo Chân Những Tiếng Hát do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ xuất bản. Lúc đó, bên Pháp vào mùa Ðông. Ngọn gió từ Bắc Cực thổi xuống cộng với ngọn gió vùng hoang dã Tây-bá-lợi-á thổi qua làm xứ Pháp lạnh cóng. Nhưng vùng Virginia thì vào gần cuối thu. Lớp lá vàng, lá màu cam, lá đỏ rơi rụng để cây cối trong rừng, trong rú, trên sườn đồi trơ cành xương xẩu. Tôi có dịp gặp chị Ngọc Dung, ảnh sao người vậy. Chị duyên dáng, lúc nào cũng cười điềm đạm. Nhìn chị, tôi cảm nhận ngay đây là một ý chí to lớn và cứng rắn trong một thể xác nhỏ nhắn mảnh mai. Tiềm lực và ý chí của chị như những hòn than ngún lửa hoài hoài dưới lớp tro mỏng, chỉ có dịp thuận tiện là khêu bừng bừng ngọn lửa thắp sáng, làm ấm áp căn bếp trong tiết hàn nhuận mùa đông. Mà quả vậy, tôi đoán không lầm: sau này dù bận việc nội trợ, chị vẫn vừa viết lách vừa chăm sóc Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm khi anh Lưu Nguyễn Ðạt tạm tách rời để chăm lo cho Tạp Chí Tư Tưởng Việt.

Kỳ viếng D.C. vào năm 1998 đó, chị đãi tôi bữa cơm tối với 3 cặp uyên ương: anh Nguyễn Huy Long & chị Trương Anh Thụy, anh Lưu Nguyễn Ðạt & chị Phùng thị Hạnh, anh Phó Hồng Hà & chị Thúy Diệm, lại thêm có chị Quỳnh Anh, anh Hà Bỉnh Trung. Món canh chua đậu bắp ở tiệm Việt Royale ngon tuyệt vời. Món sò xào tương đen rất lạ miệng. Nhưng nó là cái hướng để cho các nghệ sĩ ở Washington, D. C. đãi tôi liên tiếp vào các ngày hôm sau. Canh chua và sò xào tương đen! Ơi là canh chua và sò xào tương đen! Nếu không phải là người đang mắc chứng cảm cúm như tôi, đương sự sẽ rùng mình luôn! Sau đó, mọi người kéo đến anh chị Ðạt & Hạnh, dùng trà, ăn tàu hủ chan nước đường đặc sánh và thơm ngát mùi gừng. Và lại có cả tiết mục văn nghệ bỏ túi. Chị Ngọc Dung hát bài “Suối Mơ” của Văn Cao. Tiếng hát sáng lồng lộng của chị, sáng và ấm áp như ánh nắng, chứ không sáng lạnh lẽo như ánh trăng.
Cũng kỳ đó, chị Ngọc Dung đến nhà chị Trương Anh Thụy dự tiệc khoản đãi các thân hữu sau buổi ra mắt Theo Chân Những Tiếng Hát. Và trong bữa tiệc do vợ chồng Võ Sư Hồ Bửu khoản đãi tôi, chị cũng có mặt.

Vào dịp Tết dương lịch năm 1999, chị gửi cho tôi một băng cassette những bài chị hát. Phải nói là chị chọn những bản có giá trị nghệ thuật hợp với cảm quan của tôi như bản “Ðàn Chim Việt” của Văn Cao, “Nỗi Lòng” và “Chiều Vàng” của Nguyễn Văn Khánh, “Dư Âm” của Nguyễn Văn Tý, “Biệt Ly” của Doãn Mẫn, “Nửa Hồn Thương Ðau” của Phạm Ðình Chương v.v. Theo tôi nghĩ, chị chỉ chọn toàn những ca khúc sang trọng, quí phái để hát.
Giọng hát của chị Ngọc Dung nồng ấm, có vẻ chuyên nghiệp được máy karaoke tô điểm phần nhạc đệm với phần hòa âm tuyệt hảo nên càng tăng thêm âm sắc quyến rũ. Ðây là giọng hát ấm áp và nồng nàn như băng phiến, ở chót đuôi lóe lên âm vang thanh thanh và lảnh lót. Khi xuống trầm, giọng chị khàn và ấm nồng như quế, khi lên cao giọng chị ngọt như mật ong và sáng như pha lê, như gương báu. Có lúc giọng chị khoan thai dịu nhẹ như dòng sông chảy êm đềm dưới nắng. Giọng không điệu đà, không chơi fantaisie bừa bãi. Một giọng đơn giản như giọng của nữ danh ca Mộc Lan trước năm 1975 mà tôi nghĩ đó là giọng mệnh phụ. Cái lảnh lót lúc lên cao làm tôi nghĩ đó là những đợt gió chướng nổi lên xôn xao vào mùa Tết mát dịu. Và cái khàn khàn làm cho giọng chị thêm gợi cảm như mang âm hưởng tiếng đại hồ cầm.
Từ khi con chim ý nhi Ngọc Dung cất giọng líu lo trong các lớp của trường nữ trung học Trưng Vương đã được cố giáo sư Thẩm Oánh vốn là một nhạc sĩ tiền phong phải quan tâm chú ý. Giọng ấy sao mà mỏng, thanh và ngân vang từ các thanh đới dẻo mềm và buồng phổi tươi non thoát ra. Rồi đó, sau nửa thế kỷ trôi qua, thầy trò gặp lại nơi chốn Hoa Ðô (Washington, D.C.), tiếng hát ấy vẫn mỏng và thanh như thuở nào. Nhưng nó đượm thêm âm sắc khào khào và ấm cúng như khói nhang bạch đàn và nồng nàn như trầm hương bách hợp được đốt trong ngày rằm nguyên tiêu, khi bóng trăng tròn đầu tiên của một năm mới hiện trên nền trời lấp lánh sao. Tiếng hát đó khi ra hải ngoại được Cố Nhạc Sĩ Nhật Bằng uốn nắn thêm phần kỹ thuật để cất lên trong những cuộc tiếp tân hay trong các bữa dạ yến rộn ràng bằng hữu liên tài và sành điệu.

Văn chương, âm nhạc, hội họa vốn là ba sở thích rất bền bỉ đối với chị Ngọc Dung. Dù năm tháng trôi qua, dù mùa đông cuộc đời có tới hay không tới, chị vẫn bền lòng đeo đuổi chúng. Cả ba như ba cây cảnh không sợ tiết mạnh đông buốt giá. Nhánh thanh tùng vẫn phớt nhẹ một lớp tuyết nhung mỏng như phấn rắc. Lá thúy trúc được tráng một lớp băng mỏng lấp lánh ánh pha lê. Hoa hồng mai đỏ như son tươi rọi ánh mây hồng trên lớp giá cứng như gương.

Băng nhạc của chị là món quà quý cho bạn bè trong dịp Tết Kỷ Mão. Nội cái việc chị chọn nhạc phẩm để trình bày, người nghe cũng biết chị có khiếu thưởng ngoạn cao. Tôi tự hứa sẽ viết một bài về giọng hát này.

Năm 2001, tôi lại làm cuộc Mỹ du với 3 giai đoạn hành trình. Ở giai đoạn thứ nhất tôi ghé thăm các văn hữu ở Washington, D.C. và ăn Tất Niên tại nhà anh Lưu Nguyễn Ðạt có xen một buổi văn nghệ hào hứng. Kỳ đó, chị Ngọc Dung bị bịnh cúm, nhưng vẫn tươi cười thanh lịch trong chiếc áo tơ lụa màu xanh đặc biệt cùng màu với khăn phu-la. Màu xanh này thắm rực hơn màu bích ngọc, óng ả hơn màu ngọc thạch hoàng gia. Ðúng là màu xanh lông chim công, rất hòa hợp với tảng hoa màu hồng quế in trên khăn phu-la, với màu son hồng hạnh tô trên môi. Bởi đang lúc xanh xao vì bệnh, lại phải dự dạ hội nên chị mới tô son thắm đậm như thế, chứ thường nhật chị dùng màu son hồng đào tươi sáng mà thôi. Giai đoạn thứ hai, tôi đi California ra mắt hai cuốn sách Tập Truyện Ma (tập truyện), Chân Dung Những Tiếng Hát II (ký sự văn học nghệ thuật) và ở chơi tại Quận Cam 10 ngày. Sau đó, tôi trở về Virginia ra mắt cuốn bút khảo Tác Phẩm Ðẹp Của Bạn. Người đón tôi tại phi trường là chị Ngọc Dung. Chị lại đưa tôi dùng cơm với anh Lưu Nguyễn Ðạt và chị Phùng thị Hạnh trước khi tôi theo cặp Ðạt & Hạnh về biệt thất của họ ở thành phố Fairfax, Virginia. Cũng vẫn món canh chua đậu bắp bất hủ. Cũng vẫn món sò xào tương hột đen. Và có thêm vài món thịnh soạn nữa.

Hôm ra mắt sách, chị Ngọc Dung mặc áo màu tía pha xám; đó là màu rượu vang Côte du Rhône hơi tái rất trang nhã có thêu một tảng hoa trắng chen loáng thoáng hoa đỏ lá xanh phía trước. Chị dùng sưu bộ trân châu gồm đôi hoa tai và hai xâu chuỗi đeo cổ để trang sức. Chị ăn mặc trang điểm không gượng nhẹ mà cũng chẳng mạnh tay, cốt lấy cái sáng mát và tươi thắm cho nhân diện vóc dáng của mình. Theo tôi, chị mặc quốc phục đẹp hơn Âu phục vì chỉ có cái áo dài cổ truyền mới làm vóc dáng chị thon thả và mềm mại. Sau đó, một tuần, người đưa tôi ra phi trường để tôi trở về Pháp cũng chính là chị Ngoc Dung, nhưng lại có thêm phu quân chị vốn là nhà cựu ngoại giao, Ông Robert Senser đã từng làm việc tại Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Sài Gòn.

Từ tiệm bún ốc ở Falls Church, chị đưa tôi đến viếng nhà chị ở thành phố Reston để yết kiến đấng trượng phu của chị chỉ trong vòng năm phút, trước khi cả ba cùng ra phi trường. Nhà chị có nhiều món ngoạn hảo và vài tấm tranh sơn dầu của Nguyễn Trung. Tôi chưa kịp quan sát thì chị giục tôi ra xe kẻo không sẽ đến phi trường trễ nải. Hôm đó, trên đoạn đường đến nhà chị, tôi có bảo chị:
- Hồi mới lớn, bọn bạn bè chúng tôi ưa thói thời thượng, kiểu cách. Ði đâu tụi tôi cũng mang kè kè theo mấy cuốn sách của Ông Albert Camus hay vài cuốn sách của ông Jean Paul Sartre, dù tụi tôi chưa đọc nổi một câu. Nghĩ lại, sao tôi mắc cỡ đến rùng rợn!
Chị Ngọc Dung bảo:
- Giờ đây tụi mình lại thích đọc sách viết về quê hương đất nước. Chúng mình cũng chẳng cần tìm hiểu mấy ông ấy viết những gì, viết ra sao? Chúng mình đâu còn nhỏ dại gì mà tìm hiểu những điều không cần thiết cho văn chương mình. Hồi mới lớn, tôi thích xem xi-nê hơn.

Bốn năm trôi qua. Tạp Chí Cỏ Thơm và Cơ Sở Xuất Bản Cỏ Thơm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, dù vận nước bên quê nhà hãy còn cau mặt với tang thương. Trên sóng lớp phế hưng, tấm lòng yêu tha thiết văn chương cùng ý chí sắt đá đã hướng dẫn chị Nguyễn Thị Ngọc Dung sáng tác thêm tập truyện Một Thoáng Mây Bay (2001) sau thi tập Ðiểm Trang Làm Dáng Cuộc Ðời (1999). Cơ Sở Cỏ Thơm tới nay đã xuất bản gần 30 tác phẩm đủ loại (thơ, văn xuôi, biên khảo, bút ký). Chị đã hoàn tất quyển bút ký Non Nước Ðá Vàng, nhưng chưa xuất bản. Nhờ óc quan sát tinh nhuệ, nhờ niềm rung cảm sâu sắc nên lối viết bút ký của chị rất tươi, rất hứng khởi không kém lối viết bút ký của nữ sĩ Minh Quân qua cuốn Trời Âu Qua Mắt Việt hay của Nguyễn Hiến Lê qua cuốn Bảy Ngày Trong Ðồng Tháp Mười. Năm ngoái (2004), sau chuyến về Việt Nam ăn Tết, chị còn cho tôi biết:
- Tôi đang viết bút ký về chuyến về thăm Việt Nam đây, anh ạ.
Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội và Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương của Nguyễn Thị Ngọc Dung là hai tác phẩn ăn khách, phải tái bản hai lần, đã đủ sức đưa tác giả lên một cương vị sáng sủa trên văn đàn.

Ðọc hai tác phẩm đầu tay này, chúng ta bắt gặp sức sống thấm nhuần các mạch văn và chảy cuồn cuộn vào tâm hồn độc giả. Chị viết văn bằng kinh nghiệm sống chứ không bằng tài liệu chết chóc và khô cứng. Chị không nhồi nhét những vấn đề lớn lao như tôn giáo, xã hội chính trị, luôn cả thời sự nóng hổi hay các khoa học nhân văn khác vào văn chương. Chị chân thành và khiêm tốn, biết gì viết nấy, không làm dáng trí thức. Chị khác với những kẻ thời thượng kiểu cách (les snobs) khác, họ dám dùng bốn chân ngắn ngủn của con thằn lăn ôm cái cột nhà to tát, viết toàn chuyện trên trời dưới biển bao la và không tưởng trên các chương sách tràng giang đại hải, làm độc giả mệt khờ khạo ngất ngư. Còn chị chỉ viết những vấn đề tuy tầm thường mà gần gũi với tâm tình mình, không quờ quạng nắm bắt những ảo ảnh trí thức phù du.
Vào thời buổi này, thiên hạ hay đưa các vấn đề khoa học nhân văn to tát vào văn chương. Nhưng coi chừng đó. Nếu họ không xử dụng chúng đúng đắn, sắp đặt chúng đúng chỗ, không biến hóa chúng thành ngôn ngữ văn chương đúng lúc thì những vấn đề to tát đó chẳng những không làm cho tác phẩm không trở thành một văn phẩm vĩ đại, mà còn làm cho văn chương đương sự trở nên kệch cỡm, biến tác giả trở thành ngông nghênh, kẻ khoe khoang kiến thức một cách lố bịch. Văn chương cần sự sống hồn nhiên, lai láng, dồi dào. Nó rất kỵ những tài liệu khô khan, chết chóc, không gây rung cảm cho độc giả. Nó phải là một sinh vật ngập tràn nhựa sống. Những vấn đề chính trị, tôn giáo, xã hội v. v... nếu không được tác giả giúp chúng khoác lấy cái ngôn ngữ văn chương, nếu đương sự không dùng chúng để dựng nên những hoạt cách kết hợp bằng những nét tạo hình thì tác phẩm sẽ hỏng to, hỏng nặng một cách thê thảm! Và nếu chúng cứ bị tác giả lạm dụng bừa bãi tức nhiên đương sự làm cho tác phẩm mình nếu không biến thành cái xác thối tha hư vữa thì cũng thành cái xác ướp cứng đơ lạnh ngắt.

Ðọc xong PhượngVẫn Nở Bên Trời Hà Nội và Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương, chúng ta mới biết Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ tinh tế là dường nào khi chọn nó để xuất bản. Và chắc không nhiều thì ít các bạn độc giả khi đọc xong hai quyển này sẽ cảm thấy cái hơi mát phơi phới cùng dư âm ngọt lịm từ quyển sách thấm sang tâm hồn và trái tim mình.

HỒ TRƯỜNG AN


PHỎNG VẤN NỮ SĨ NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG

1.
HỒ TRƯỜNG AN: Xin chị cho biết sơ qua một chút tiểu sử?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Nguyễn Thị Ngọc Dung là tên thật, tôi sinh ngày 8 tháng 7, năm 1939 tại Hà Nội. Chắc anh ngạc nhiên tôi không giấu tuổi cao, vóc hạc của mình. Bởi vì tôi hy vọng tiểu sử Nguyễn Thị Ngọc Dung sẽ làm tài liệu chính xác, giúp người đời sau dễ dàng trong việc văn khảo.
Thân phụ tôi là Ông Nguyễn Văn Khôi, cựu học sinh Trường Bưởi, giỏi văn chương thi phú. Cô đầu Khâm Thiên rất thích ngâm thơ “anh” Phán Khôi.

Thân mẫu tôi là Bà Phạm Thị Ngọc Lan, giáo sư nữ công Trường Thăng Long, Hà Nội. Hiệu Trưởng Trường Thăng Long là Ông Phạm Hữu Ninh, con cô con cậu ruột với mẹ tôi. Bà cũng một thời mặc áo dài kiểu Le Mur do Họa Sĩ Cát Tường sáng chế.

Quê nội tôi Làng Xuân Canh, thuộc Huyện Ðông Anh, ở ngoại thành Hà Nội. Ông nội tôi là Cụ Huấn Nguyễn Văn Thanh có chức Huấn Ðạo trong làng. Bà nội tôi là Cụ Phạm Thị Hoàn, nổi tiếng một thời là thày dạy làm bánh mứt tại Hà Nội.
Quê ngoại tôi Làng Phượng Vũ, Huyện Phượng Dực, Tỉnh Hà Ðông. Ông ngoại tôi tên Phạm Ðình Trực, tục danh Cụ Bá Hà Ðông. Cụ có vườn lan mấy trăm cây. Bà ngoại tôi là Cụ Vũ Thị Hội.
Từ lúc chào đời đến năm 3 tuổi, Nguyễn Thị Ngọc Dung cư ngụ tại số 5 Phố Chả Cá với cha, mẹ, bà nội và các anh chị. Năm 1943, tôi cùng gia đình dọn về Làng Mọc Thượng Ðình, sinh quán của Thi Hào Ðặng Trần Côn, tác giả nguyên tác chữ Hán của thiên Trường Ca Chinh Phụ Ngâm. Cuối năm 1946, tôi cùng gia đình tản cư về Làng So thuộc Tỉnh Hà Ðông. Ðó là thời gian duy nhất trong đời tôi được hưởng cảnh thiên nhiên núi non, dân dã.

Giữa năm 1947, gia đình tôi trở lại Hà Nội và cư ngụ tại số 13 và 15 Phố Hòe Nhai trên con dốc lên Ðê Yên Phụ, phía mặt trời mọc rực rỡ buổi sớm mai bên kia Sông Hồng. Nguyễn Thị Ngọc Dung học Trường Tiểu Học Thanh Quan, Phố Hàng Cót từ lớp năm, chăm chỉ học hành đến hết lớp nhất, thi đậu bằng tiểu học rồi đậu vào Ðệ Thất Trường Nữ Trung Học Trưng Vương, năm 1952.

Sau Hiệp Ðịnh Geneva, tôi theo gia đình di cư vào Sài Gòn ngày 15 tháng 8 năm 1954 và tiếp tục học Trường Trưng Vương. Ngọc Dung bắt đầu làm thơ, viết nhật ký, thích đọc sách, báo.
Năm 1960, kết hôn với một nhà văn. Có bốn con: ba trai, Nguyễn Nguyên Thủy, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Thần Phong, và một gái, Nguyễn Thị Ngọc Hân. Nhưng tiếc thay, duyên nợ không bền, nên năm 1967 tôi đành phải xin ly dị ông thân sinh ra các con tôi.
Sau này, tôi học Anh Văn tại Hội Việt Mỹ, làm việc cho một hãng thầu xây cất Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Cuối năm 1971, tôi kết hôn với nhà ngoại giao Hoa Kỳ, Robert Senser. Cuối năm 1972 tôi cùng các con và phu quân về Mỹ. Năm 1977, tôi theo chồng đi làm việc tại Bỉ và Tây Ðức khi Bức Tường Bá Linh chưa sụp đổ. Năm 1984, chúng tôi trở lại Mỹ, định cư tại Virginia, học vẽ, đi làm, sáng tác thơ, viết hồi ký. Tôi có hai người con trai tốt nghiệp ngành Mỹ Thuật (Fine Arts), một người con trai tốt nghiệp Thần Học, kiêm nhiếp ảnh gia, một người con gái là Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học, hai con dâu, một con rể, hai cháu nội, hai cháu ngoại.

Từ năm 2001, tôi là Chủ Bút Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm và từ năm 2003, kiêm chức vụ chủ nhiệm thay thế Văn Thi Sĩ Lưu Nguyễn Ðạt từ chức, đồng thời là “vú bà”, hai ngày một tuần, của hai cháu nội ở gần nhà.

2.
HỒ TRƯỜNG AN: Suốt quãng đời thơ ấu, chị có ý nghĩ mai sau sẽ viết truyện thần tiên cho các thiếu nhi không? Hồi đó, chị có những sách nào để đọc?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Thuở chưa biết đọc, biết viết, tôi rất thích ngồi quanh bếp lửa với các chị, nghe bà nội kể chuyện cổ tích, nghe mẹ kể chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Lạc Long Quân Và Bà Âu Cơ Với Trăm Cái Trứng... Tôi thường được nghe mẹ ru em bằng những câu Kiều, Chinh Phụ Ngâm, nghe các chị đọc thơ Nguyễn Bính, TTKh... Khi vừa đến tuổi cắp sách đến trường thì loạn lạc bom đạn Nhật Mỹ, tiếp tới chiến tranh chống Pháp. Thời kỳ này, tôi chẳng trông thấy một quyển sách nào ngoại trừ những câu thơ của bố dạy tôi tập đọc.

Từ lớp tư, lớp ba tôi chỉ đọc sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư do các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Ðặng Ðình Phúc và Ðỗ Thận soạn... do nhà trường dạy và bố mẹ mua cho đọc thêm. Tôi thích tha thẩn tới các tiệm sách trong phố ngắm các sách tranh ảnh Bạch Tuyết Bẩy Chú Lùn, Cô Bé Quàng Khăn Ðỏ, Con Yêu Râu Xanh... được dịch từ cuốn Contes de Ma Mère L’Oye của Charles Perrault hoặc các truyện cổ tích khác được dịch từ cuốn Nouveaux Contes de Fées của bà Comtesse de Ségur. Tiền bố mẹ cho, tôi mua hết các sách này.

Vào thời kỳ Lớp Nhất Tiểu Học, cô bé Ngọc Dung thường mơ mộng thẩn thơ theo bước chân các nhân vật trong sách truyện đó nhưng vì bận học, lo thi Tiểu Học rồi thi vào Ðệ Thất Trường Trung Học Trưng Vương và nghĩ rằng không thể viết hay hơn, đẹp hơn, thần tiên hơn những cổ tích kia nên không bao giờ có ý định viết truyện thần tiên. Khi lớn hơn, dù có những mơ mộng khác, và cho đến bây giờ vẫn thích thú, ham mê xem lại những phim hoạt họa thần tiên.

3.
HỒ TRƯỜNG AN: Rồi đến tuổi hoa niên, tuổi thanh xuân, chị thích đọc thơ của ai, văn của ai? Xin cho biết đặc sắc văn chương của các tác giả đó.

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Thuở Lớp Nhì, Lớp Nhất, tôi cũng chỉ mua sách tuổi thơ, tuổi hoa, tuổi hồng, tuổi xanh, khi bà giáo ra đề tài phải đọc một truyện ngắn nào đó, rồi viết tóm lược và nhận xét truyện hay như thế nào, có rút tỉa được một ý nghĩa luân lý, xã hội, đạo đức, anh hùng nào không? Lên Lớp Ðệ Thất, Ðệ Lục, tôi bắt đầu mê đọc các truyện phiêu lưu, mạo hiểm đường rừng, hấp dẫn, nín thở, đăng từng kỳ trên báo như bộ Mắt Thần, Ðoan Hùng, Lệ Hằng Phục Thù của Trường Xuân, bộ truyện Người Nhạn Trắng, Thành Sầu Huyết Lệ, Bích Nga Phục Hận cũng của Trường Xuân, bộ Nhất Chi Mai, Mai Bình Liệt Kiếm của Thanh Ðình... Tôi chỉ nhớ mang máng tên tác giả những quyển truyện đó. Tôi cũng được nghe các chị lén bố mẹ thuê các loại truyện của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, của Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương... đem về nhà thay phiên đọc cho nhau nghe. Ðọc tiểu thuyết là điều cấm kỵ cho lũ con cái ở tuổi chúng tôi hay lớn hơn nữa trong mọi gia đình. Trong nhà chỉ có các bộ sách địa lý, sử ký, sách thuốc Tây, tự điển Petit Larousse, tự điển Việt Hán, Hán Việt bổ ích cho sự ham tra cứu học hỏi của tôi. Nhưng những bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây Du Ký, của bố tôi thì xin hàng, không nhét vào đầu óc tôi được.

Những năm Ðệ Ngũ, Ðệ Tứ tôi bắt đầu chú ý tới thơ, truyện ngắn, truyện dài đăng trên báo mà ông thân sinh mua hằng ngày. Bài thơ, đoạn truyện nào thích, tôi cắt dán vào quyển vở dầy. Tôi không nhớ tên các tác giả. Tôi bắt đầu võ vẽ làm thơ, theo thể lục bát, thể ngũ ngôn. Hai năm Ðệ Tam, Ðệ Nhị, tôi để dành tiền quà bố mẹ cho, mua vài cuốn sách trong chương trình phải học như Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân, Trống Mái của Khái Hưng, Gánh Hàng Hoa, Ðời Mưa Gió của Khái Hưng và Nhất Linh, Ðôi Bạn, Ðoạn Tuyệt, Lạnh Lùng của Nhất Linh... và mua chung, đọc chung với bạn những tạp san văn học. Tôi thích tiểu thuyết của Nhóm Tự Lực Văn Ðoàn vì cốt truyện thơ mộng, lãng mạn, có lý tưởng, người đọc tìm thấy một vài nhân vật có tâm hồn tốt đẹp, lành mạnh, cao thượng. Truyện của Tự Lực Văn Ðoàn có luận đề xã hội, đả phá những tục lệ, tập quán hủ lậu. Văn phong Tự Lực Văn Ðoàn nhẹ nhàng, ngắn gọn, dễ hiểu.
Theo chương trình trung học đệ nhị cấp, tôi phải học và tìm hiểu về Kiều của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thị Ðiểm, thơ của Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu... Thời kỳ văn chương trung học tôi tự nghiên cứu những bài thơ của những tên tuổi trên đây trong văn học sử và loay hoay làm thơ Ðường luật.

Văn chương trong nước và ngoại quốc tôi được biết cũng qua báo biếu và báo văn học mà tôi phải bóp bụng tiền quà mẹ cho để mua. Qua tạp chí Sáng Tạo, Bách Khoa tôi đọc Mai Thảo với “Ðêm Giã Từ Hà Nội, Tháng Giêng Cỏ Non”..., Doãn Quốc Sĩ với “Dòng Sông Ðịnh Mệnh”... Qua các báo hàng tuần như Kịch Ảnh, Văn Nghệ Tiền Phong, tôi đọc Văn Quang với “Thùy Dương Trang”, “Những Lá Thư Màu Xanh”, “Tâm sự Người Yêu”...; Hoàng Hải Thủy với Ðỉnh Gió Hú (phóng tác theo cuốn Les Hauts du Hurlevent của Emily Bronte), Kiều Giang (phóng tác theo cuốn Jane Eyre của Charlotte Bronte), Chiếc Hôn Tử Biệt (truyện phóng tác theo A Kiss Before Dying của Ira Levin); Thanh Nam với Buồn Ga Nhỏ, Hồng Ngọc... Về thơ, tôi bắt đầu chú ý tới các tên tuổi không có trong chương trình văn chương trung học như: Hàn Mặc Tử, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Văn Quang, Diên Nghị, Thái Thủy... qua sách vở tự tìm đọc, qua những mục thơ văn Tao Ðàn trên đài phát thanh. Tôi thích loại thơ trữ tình, có niêm luật, có vần điệu thấm nhập tâm hồn tôi hơn các bài thơ mới, thơ tự do mà lại không vần, không điệu. Trong thời kỳ này tôi bắt đầu làm những bài thơ tình ngây ngô, vụng dại 5, 7, 8, 9 chữ.

4.
HỒ TRƯỜNG AN: Hình như học sinh trung học ở Hà Nội vào thập niên 40, 50 đều thích xem chớp bóng. Chị thích loại phim nào? Tài tử nào? Xin chị cho biết đặc điểm của tài tử đó. Trong giấc mơ thầm kín kia, chị có nuôi hy vọng sẽ tham gia vào lãnh vực nghệ thuật thứ bẩy không?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Ðúng vậy, từ 10, 11 tuổi, chưa đến tuổi phải mua vé, tôi đã được các anh chị đưa đi coi nhiều phim ảnh. Một trong những phim Mỹ đầu tiên tôi nhớ đã xem là Gone With The Wind (Cuốn Theo Chiều Gió), Lime Light, Bạch Tuyết và Bẩy Chú Lùn, Cendrillon, Hằng Nga Ngủ Trong Rừng... Nhiều phim Pháp của anh béo, anh gầợy Laurel và Hardy, của anh chàng mặt ngựa, răng lừa Fernandel. Ðược đi xem chớp bóng là mừng rồi, nên phim nào cũng thích, tài tử nào cũng thương. Nhưng tôi không thích lắm những phim về chiến tranh Ðệ Nhất Thế Chiến, Ðệ Nhị Thế Chiến, có cảnh bom rơi, đạn nổ tơi bời. Ðến những đoạn đó, tôi thường lấy tay che mắt. Tới tuổi 12, đã có kinh nghiệm tự chọn lựa phim, có bạn rủ đi cùng, tôi thích xem các phim ca nhạc của Gene Kelly, Frank Sinatra, Fred Astaire, Leslie Caron, Jane Powell, Esther Williams..., phim cao-bồi với Roy Roger, Alan Ladd, phim dã sử Thánh Kinh với Robert Taylor, Charlton Heston, Elizabeth Taylor, Deborah Kerr... Tôi mê cái vẻ beau trai của Gene Kelly, Robert Taylor, cái vẻ nũng nịu, đẹp mộng mị của Liz Taylor, vẻ dịu dàng, hiền từ Deborah Kerr... Và, cô bé nào không thích phim Les Quatre Filles du Dr. March nhỉ? Phim này được thực hiện qua quyển tiểu thuyết Little Women của tác giả Mỹ Louisa May Alcott. Hồi đó, phim ngoại quốc của Mỹ thường được nhập cảng vào Việt Nam qua Pháp nên được chuyển ngữ sang tiếng Pháp.

Tôi không có mộng làm tài tử điện ảnh, chỉ mơ ước sẽ được học vũ ballet, học ice skating... Nhưng ông thân sinh nghiêm khắc, nên mộng mơ chỉ là một thoáng mơ mộng của tuổi hoa niên, không bao giờ thành sự thực.

5.
HỒ TRƯỜNG AN: Còn ca nhạc? Chị thích tác phẩm của các nhạc sĩ nào? Giọng hát của nam ca sĩ nào và của nữ ca sĩ nào? Xin cho biết đặc điểm giọng hát từng người. Và trong đáy thẳm của giấc mơ, có nuôi mộng làm ca sĩ không?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Có lẽ từ thuở mới nhập học Ðệ Thất tôi đã bắt đầu véo von theo anh chị, theo “radio”, theo cái máy hát của ông thân sinh, những bài hát của Văn Cao, Ðặng Thế Phong, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước... Bài hát dân ca, hành khúc, tình tự, vui hay buồn cứ tuôn ra miệng. Tôi không nhớ hết tên những ca sĩ nào tôi thích thuở Hà Nội trước năm 1954, hình như là Minh Ðỗ, Tâm Vấn, Hoàng Lan, Quách Ðàm, Canh Thân, Ngọc Long, Ngọc Bảo, Anh Ngọc, Hoài Bắc, Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc...
Tính tôi hay hồi hộp trước đám đông, nên tôi không bao giờ mơ ước trở thành ca sĩ, thêm vào đó, học “guitar” cũng bị ông “bô” suýt đập đàn, nên từ đó cạch không dám tơ tưởng tới hát hỏng ở đâu, có chăng là hát trong nhà bếp, trong nhà tắm, những lúc ông “bô” đi vắng. Nhưng nếu vì hoàn cảnh, vì định mệnh, và nếu tôi bắt đầu nghiệp cầm ca từ thời niên thiếu đó, không chừng cũng thành ca sĩ. Tôi đã được nhạc sĩ Thẩm Oánh cho nhất hát 2 năm Ðệ Thất, Ðệ Lục. Trước buổi vinh danh 65 Năm Âm Nhạc Thẩm Oánh tại Virginia hơn 10 năm về trước, trong lúc các học trò cũ tập đồng ca vài bài hát của ông, ông nghe giọng tôi và nói ngay: “Ðấy, đấy, giọng này được đấy.”

6.
HỒ TRƯỜNG AN: Chị có thích xem phim Việt Nam không? Nếu có thì phim nào chị thích nhất? Chị ái mộ đạo diễn nào? Diễn viên nào?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Những phim Việt Nam tôi xem có thể đếm trên đầu ngón tay: Bến Cũ, Cô Gái Việt trước 1954. Sau này tôi xem phim Ngàn Năm Mây Bay, Người Tình Không Chân Dung, Chân Trời Tím... Thuở đó kỹ thuật làm phim Việt Nam và diễn xuất chưa tới, nên tôi không thích một diễn viên nào và không chú ý đến tên đạo diễn nào. Tôi nghe nói tới tên đạo diễn Hoàng Anh Tuấn vì tôi quen biết. Ông cũng là nhà thơ có bài “Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội” được Phạm Ðình Chương phổ nhạc và là đạo diễn phim Ngàn Năm Mây Bay được thực hiện theo tiểu thuyết cùng tên của Văn Sĩ Văn Quang. Gần đây tôi có xem phim Mùi Ðu Ðủ Xanh, Xích Lô, Mê Thảo... Diễn viên và kỹ thuật khá hơn nên rất vui mừng cho điện ảnh Việt Nam. Nhưng rất tiếc, tôi cũng không nhớ tên diễn viên, đạo diễn, vì lâu lâu mới xem phim họ một lần. À, tôi nhớ tên tài tử Ðơn Dương vì mới xem phim Mê Thảo gần đây.

7.
HỒ TRƯỜNG AN: Xin chị tóm tắt nơi sinh quán (làng Mọc Thượng Ðình) của chị. Chị yêu thích những gì ở đó (đất đai, sông ngòi, ao chuôm, vườn rẫy, ruộng nương, con cá lá rau chẳng hạn)?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Làng Mọc Thượng Ðình không phải là sinh quán của tôi. Khi từ Hà Nội, được cha mẹ đưa về ở Làng Mọc, tôi đã ba tuổi. Chúng tôi chỉ ở đó ba năm. Trong thời chiến tranh Việt Pháp chúng tôi tản cư đến một vùng rừng núi cách Hà Nội khoảng ba mươi cây số, rồi hồi cư về Hà Nội độ nửa năm sau. Tuy nhiên, khoảng ba năm ngắn ngủi sống ở Làng Mọc Thượng Ðình là giai đoạn thần tiên nhất thời thơ ấu của tôi.

Làng Mọc Thượng Ðình thuở đó cách Hà Nội chừng sáu, bảy cây số, nhưng sao tôi thấy nó xa xôi thế. Tầu điện leng keng chạy từ Hà Nội qua Sông Tô Lịch thì ngừng tại trạm Cầu Mới cho hành khách lên xuống. Chúng tôi ngồi thêm một quãng ngắn nữa thì xuống trạm ở đầu Làng Mọc Thượng Ðình bên tay phải, trên đường vào Tỉnh Hà Ðông. Làng có ruộng mạ non xanh, đồng lúa chín vàng; có đường gạch đỏ từ đầu làng vào cuối xóm; có đàn trâu, đàn bò nghé ngọ ra đồng buổi sáng, nghé ngọ về chuồng buổi chiều; có lũy tre xanh, cây gạo hoa đỏ; có ao sen, ao rau muống, ao bèo hoa tím, ao cá; có giếng nước sâu, hàng rào xương rồng, râm bụt; có hàng cau cao vút, mái nhà tranh vươn sợi khói sớm, chiều; có sáo diều vi vu; sân chơi làng có cái đu mắc trên cành cây gạo, đu cao tít bổng trời; có nhà gạch ba gian, biệt thự Tây lớn.

Nhà chúng tôi là Biệt Thự Văn Khôi mang tên thân phụ chúng tôi, có vườn hoa hồng, hoa sói, hoa giấy, hoa soan, hoàng anh, ti-gôn. Cây trái có bưởi, khế, táo, ổi, cam, chanh, quất, chuối, đu đủ... Dưới mái ấm cha, mẹ, tôi chưa biết suy nghĩ, lo âu chuyện gì, những hình ảnh đó là cảnh thần tiên nhất đời tôi.

8.
HỒ TRƯỜNG AN: Chị học hỏi ở song thân chị những đức tính gì? Chị có bị ảnh hưởng bởi anh chị em trong nhà không?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Cha mẹ tôi cương trực, ngay thẳng, thương người. Tôi nghĩ rằng tôi cũng có tính vậy. Như hai bậc thân sinh, tôi không mê tín dị đoan, không sợ ma quái. Thuở nhỏ, cha tôi cấm chúng tôi không được đi chân đất, nên đến bây giờ vẫn không có thói quen đi chân không. Tôi nghe lời cha tập thể dục cho khỏe mạnh, trí tuệ thông minh từ thuở thiếu niên, nên vẫn tập thể dục hằng ngày từ đó đến nay. Tôi thích làm thơ, viết văn, đọc sách văn chương, biên khảo có lẽ cũng do ảnh hưởng của ông bố.
Khi ra trước công chúng, tôi thích trang điểm đằm thắm, ăn mặc chỉnh tề, chải chuốt từ đầu tới chân. Tôi đeo nữ trang để làm đẹp, không thích làm sang, không mang nhiều vàng ngọc nặng nề, diêm dúa. Tôi có thể siêng nấu ăn và nấu ngon khi cần thiết. Có lẽ cũng do ảnh hưởng của mẹ. Trái tim tôi rung động trước phái nam sớm, có thể tôi vì đã biết, đã chứng kiến những mỗi tình đẹp và lãng mạn của các chị.

9.
HỒ TRƯỜNG AN: Món ăn Bắc Kỳ, chị thích các món nào nhất? Chị biết làm bao nhiêu món Bắc? Vào Nam, chị thích cây trái và các món ăn miền Nam nào? Về các món ăn Hoa Kỳ sau này, chị có nhận xét gì?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Tôi thích món bún chả Hà Nội nhất. Thịt miếng phải là thịt ba chỉ thái mỏng, thịt viên phải là thịt vai mềm băm nhuyễn, ướp nước mắm, nước màu, hành, tiêu, kẹp vỉ, nướng than. Thịt nướng ngâm trong nước mắm dấm tỏi pha hơi ngọt, nêm theo vị miền Nam và rắc tiêu, ăn với bún luộc, rau sa-lát, rau muống chẻ, tía tô, kinh giới, đồ chua củ cải, cà-rốt. Ăn quên chết, chẳng sợ cholesterol. Gần như món nào tôi cũng có thể làm ngon, làm khéo gần bằng mẹ, như xôi vò, bún thang, bún bung, bún xáo măng, nem rán, gỏi sứa, chả cá Lã Vọng, ốc nhồi, ốc nấu giả ba ba... Cái thuở mới qua Mỹ, Người Việt chưa vượt biên, chưa di tản, tôi phải nấu phở, bún riêu, làm giò, chả, bánh chưng... cho chồng con, nhưng chính là cho bản thân tôi trước vì nhớ hương vị quê hương. Tôi chỉ viết tượng trưng vài món thế thôi, viết nhiều sẽ thành một quyển sách nấu ăn.
Trái cây Miền Nam tôi thích nhất là xoài, mít, mãng cầu dai. Trái vú sữa vừa ngon vừa gợi tình, gợi ý... Giữa trưa nắng mà được uống ly nước dừa, nước mía, nước mãng cầu Xiêm thì mát tỉnh người. Món ăn Miền Nam tôi thích là thịt bò nhúng dấm, chạo tôm, nem nướng, bún bò xào, canh chua cá lóc, cá kho tộ... Bánh xèo ăn với đồ chua, với đủ các thứ rau sống mà thiếu dấp cá thì không có mùi vị gì! Dân Bắc Kỳ ít người ăn được rau dấp cá như tôi! Khi các con tôi còn ở nhà, tôi làm những món đó thường xuyên cho chồng con ăn bằng thích... Bây giờ phải đợi chúng về tôi mới làm và ăn mới ngon.

Hơn ba mươi năm sống trong Hiệp Chúng Quốc, tôi thích món beef steak nướng lò ăn với khoai tây chiên. Hoa Kỳ nuôi bò để ăn thịt thì nhất. Bốn mùa, dù là mùa đông tuyết trắng ăn món thịt bò, thịt heo, thịt gà ướp barbecue sauce, nướng than ngoài trời, thơm phưng phức, ngon tuyệt vời. Vì là Hợp Chúng Quốc, món ăn Mỹ là tổng hợp tất cả các món trên thế giới. Mai sau, món phở nhà ta chắc chắn sẽ vào sách dạy nấu ăn Hoa Kỳ.

10.
HỒ TRƯỜNG AN: Chị có thích sưu tầm đồ cổ không? Nếu có, chị có thể cho biết những đồ sành sứ và men ở làng Bát Tràng không?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Ðồ cổ là một thú chơi đắt tiền và phải cẩn thận học hỏi, nên tôi không màng đến hobby đó. Nhưng tôi rất thích la cà xem xét đồ vật cổ bầy trong các tiệm, các chợ antique. Trong nhà tôi có vài món đồ sứ, pha lê, bạc, tôi mua đây đó, trông tưởng là đồ cổ, nhưng thực ra là những đồ mới, tôi thường dùng trong thời gian chồng tôi làm việc ngoại giao.

Trước năm 1954, tôi chỉ thấy những lọ hoa lớn nhỏ, bát đĩa, ấm nước, trong nhà dùng hằng ngày là thứ men sứ nặng nề, nét vẽ thô sơ màu xanh và nghe nói là đồ gốm của Làng Bát Tràng bên kia Sông Hồng mà tôi không bao giờ được đi tới. Những hàng bún riêu, bún ốc, bún bung đặc biệt thường dùng loại bát chiết yêu men xanh trắng thô sơ đó để đơm bún bán. Ðồ sứ Bát Tràng trở thành một trong những hình ảnh quê hương tôi thương nhớ. Một lần từ Bruxelles đi Paris chơi, tôi mua một bộ đĩa bát chiết yêu, một bình hoa Bát Tràng, đến nay vẫn được bầy trong tủ kính nhà tôi. Thứ bình mộc mạc này được cắm hoa huệ, hoa cúc, hoa vạn thọ thì thấy ngay ngày Tết quê nhà, thật dễ thương biết bao!

11.
HỒ TRƯỜNG AN: Mấy câu hỏi trên đây cốt để độc giả đoán biết bút trình của Nữ Sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung sau này. Chị có nuôi mộng viết văn từ khi kết hôn với nhà văn nổi tiếng Văn Quang không? Nếu có, phải đợi đến thời điểm nào chị mới cầm bút?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Không, không, trăm lần không! Ngàn lần không! Tuy nhiên, tôi đã bắt đầu thích làm thơ, viết văn, từ thuở học Ðệ Ngũ, Ðệ Tứ Trung Học, nhưng tính nhút nhát, sợ ông thân sinh nghiêm khắc nên cất kín, chẳng dám khoe ai. Khi đọc tiểu sử Bà Margaret Mitchell, tác giả Gone With the Wind, tôi mỉm cười thông cảm khi biết bà ta cũng giấu nhẹm những tờ bản thảo bà viết thời con gái không cho ai coi ngoài bà mẹ.

Suốt thời gian là vợ của Nhà Văn Văn Quang, tôi lại càng không mơ tưởng tới viết văn, làm thơ. Trong gia đình có một cây bút, nhất là cây bút nổi tiếng, quá đủ rồi! Thử tưởng tượng, hai người cùng chúi đầu, cắm cúi trên trang giấy, hai người cùng thích cuộc sống nghệ sĩ phóng túng, ai là người lo dạy dỗ con cái, ai là người gánh vác việc nhà cửa, bếp núc? Vì thế tôi chỉ biết lo bầy con và việc nội trợ.

Thế hệ tôi không phải thế hệ Bà Tú Xương. Bà Tú không được đọc sách Tự Lực Văn Ðoàn, không được học thơ văn lãng mạn ngoại quốc, không được xem các phim ảnh Pháp, Anh, Mỹ hấp dẫn. Tôi không học cao, nhưng cũng được cha mẹ cho cắp sách tới cái trường nữ trung học lớn nhất Bắc Kỳ, to nhì Miền Nam. Làm sao tôi âm thầm, lặng lẽ đi bên cuộc đời của người chồng nghệ sĩ thích sống như độc thân? Tôi trả lại tự do cho Nhà Văn Văn Quang sau bảy năm làm vợ, có bốn con, khi tuổi tôi vừa 27 cái xuân xanh và chàng thì mới có 33 cái xuân vàng. Thật tội nghiệp cho cả hai kẻ “trẻ người non dạ”!

Năm năm sau, tôi kết hôn với Robert Senser, nhà ngoại giao Hoa Kỳ làm việc tại Tòa Ðại Sứ ở Sài Gòn. Cuối năm 1972, tôi đem con theo Robert về Mỹ. Từ năm 1977 đến năm 1984 chúng tôi ở Bỉ và ở Ðức. Xa quê hương, nhớ cha mẹ, anh chị em, và được chồng con thúc giục, tôi mới bắt đầu cầm bút ghi lại những kỷ niệm thời thơ ấu, thuở hoa niên, tuổi trưởng thành giải tỏa tâm hồn. Nhưng mãi mười năm sau, khi được Nhà Văn Nguyễn Ðức Nam khuyến khích, tôi mới cho đăng báo, in thành sách, xuất bản.

12.
HỒ TRƯƠNG AN: Những năm tháng đầu trên đất Miền Nam, chị có kỷ niệm nào sâu đậm nhất? Nếu có, xin kể cho thật tỉ mỉ cho độc giả cùng chia sẻ.

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Vài tháng sau khi di cư vào Nam, có hai ông nhà văn trẻ, chừng 21 tuổi, đến thăm Ngọc Dung mới 15. Lần đầu tiên tiếp chuyện hai người khác phái trong căn phòng chật chội vừa là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ của đại gia đình một tá người di cư, với bố mẹ, bà nội, bà ngoại, và bẩy chị em trai gái, Ngọc Dung lúng túng môi miệng, cuống quýt chân tay, tim nhảy loạn xạ như mỗi khi phải lên bàn thầy giáo trả bài.

Chàng thứ nhất beau như Robert Taylor, là cựu học sinh Trường Chu Văn An, mới từ Hà Nội vào Sài Gòn. Cô bạn tôi ở lại Hà Nội, là em gái văn nghệ của anh và nhờ anh đưa thư, ảnh cho tôi. Chàng thứ hai là cựu học sinh Trường Ngô Quyền, Hải Phòng, vừa mãn khóa Trường Sĩ Quan Thủ Ðức. Chàng này có vẻ phong trần, nói chuyện dí dỏm có duyên, dáng dấp Roy Roger của những phim Cao-bồi Mỹ. Hai chàng đã ở trong hội nhà văn trẻ nào đó ở Hà Nội trước năm 1954. Khi hai người khách ra về, Ngọc Dung cảm thấy như thoát được một biến cố cực kỳ vĩ đại, vượt sự đối phó của mình. Tôi thực tình không dám nghĩ và cũng không dám mong gặp lại họ. Nhưng đôi bạn nhà văn vừa trên đôi mươi đó đã trở lại và trở lại nhiều lần để có những kỷ niệm sâu đậm trong cuộc đời Nguyễn Thị Ngọc Dung.

13.
HỒ TRƯỜNG AN: Trong quãng đời làm vợ vui ít, buồn nhiều, chị tìm gì để giải trí? Nếu là văn chương, chị thích các tác giả nào? Xin chị cho biết văn chương của các tác giả ấy.

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Giải trí của tôi thuở đó là những sách báo của ông chồng nhà văn đem về như: Kịch Ảnh, Văn Nghệ Tiền Phong, Ngôn Luận, Tự Do... có khi lên tới 11 tơ,ợ vừa báo hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng. Lẽ dĩ nhiên tôi đọc truyện của Văn Quang nhiều nhất.
Xem vô tuyến truyền hình với các con, vui với tiếng cười của chúng, đem con về nhà bố mẹ, đi thăm anh, chị cũng là một cách giải trí của tôi. Thỉnh thoảng có cô bạn học thân thiết và độc nhất đến thăm. Gần như tôi không có bạn nào khác. Tôi rất bận với bốn đứa con lau nhau quấn quít không cả thời giờ liên lạc, đi thăm các bạn học cũ. Những ngày, tháng, năm đó chẳng là của tôi.

14.
HỒ TRƯỜNG AN: Xin chị cho biết văn chương, văn nghệ vào thập niên 60 ở miền Nam qua nhãn quan của chị. Luôn cả những biến chuyển thời cuộc.

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Sau biến cố Mậu Thân, nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn phổ thông mạnh mẽ, nhưng tôi chỉ thích nhạc tình cảm của ông. Sau 1975, tôi được nghe Trịnh Công Sơn là Việt Cộng nằm vùng làm tôi mất cảm hứng hát lại những bài của ông.

Phạm Duy có những bản nhạc lịm hồn người nghe, quặn đau lòng người hát: “Nghìn Trùng Xa Cách, Kỷ Vật Cho Em, Kiếp Nào Có Yêu Nhau” phổ thơ Minh Ðức Hoài Trinh...
Phạm Ðình Chương có những bản nhạc tình cảm làm tan nát tim người như bài “Nửa Hồn Thương Ðau” ý thơ Thanh Tâm Tuyền, “Ðôi Mắt Người Sơn Tây” phổ thơ Quang Dũng, “Người Ði Qua Ðời Tôi” phổ thơ Trần Dạ Từ.
Những bản nhạc của Phạm Duy và Phạm Ðình Chương qua giọng ca vượt không gian, thời gian của Thái Thanh thật tuyệt vời, không ca sĩ nào diễn tả tận tình hơn.
Ngoài ra, đi đâu người ta cũng nghe những bản nhạc tâm tình người lính chiến của Trần Thiện Thanh qua tiếng hát của Nhật Trường (hai tên là một người). Tôi không thường hát những bài của Trần Thiện Thanh, nhưng rất xúc động mỗi khi nghe tiếng hát rất truyền cảm, lột tả tận cùng tâm tình xót xa của người lính chiến trong những bài hát của Nhật Trường
Tôi không đi xem cải lương, vọng cổ, đại nhạc hội, nhưng qua báo chí và vô tuyến truyền hình tôi được nghe những tên tuổi như Kim Cương, Thanh Nga, Thành Ðược...

Về văn chương, qua báo chí, tôi loáng thoáng đọc tên, đọc truyện của Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Thanh Nam, Mai Thảo... Có lẽ thời đó tôi bận rộn gia đình không đọc họ nhiều.

Nhà văn Văn Quang có hai quyển tiểu thuyết mà tôi thích hơn cả là Người Yêu Của Lính và Chân Trời Tím (được quay thành phim). Nếu tôi có theo dõi truyện của Văn Quang, ông thân sinh ra các con tôi, cũng không có gì lạ.

Khi tôi trở thành người đàn bà độc thân với bốn con, tôi tìm đọc, để giải trí, Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng, Thung Lũng Tình Yêu của Lệ Hằng, Yêu của Chu Tử..., vì sách của họ nổi tiếng thời đó. Và, tôi cũng tò mò muốn đọc xem họ viết những gì. Tựu trung, các tác giả đã chuyển sang loại truyện yêu cuồng, sống vội theo đà chiến tranh leo thang, loại truyện gợi tình, gợi dục để hấp dẫn độc giả dễ tính. Tôi thích đọc loại truyện có luận đề, có nhân vật lý tưởng, lành mạnh, cao thượng. Nhưng bóng chim tăm cá chẳng tìm đâu? Có thể cũng có, nhưng nhìn cuộc đời điên đảo, cuộc chiến đau thương, tôi không còn hứng thú đọc tiểu thuyết hư cấu nữa.

15.
HỒ TRƯỜNG AN: Chị thích các tác giả phụ nữ Miền Bắc thuở tiền chiến và các nữ tác giả Miền Nam sau khi đất nước bị chia đôi không? Nếu có, xin chị cho độc giả biết một vài nhận xét cá biệt của chị.

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Tôi được biết các tác giả Miền Bắc thời tiền chiến qua sách báo biên khảo mà tôi đọc đây đó, chẳng hạn bà Tương Phố tác giả bài thơ “Giọt Lệ Thu”, TTKh tác giả bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti-gôn”, Thụy An tác giả cuốn tiểu thuyết Một Linh Hồn, Nguyễn Thị Vinh tác giả tập truyện dài Thương Yêu. Sự thực, tôi không mê man, nghiền ngẫm những tác phẩm đó.

Về nữ sĩ Miền Nam, tôi được nghe tên Bà Sương Nguyệt Anh, con gái thứ năm của thi hào Nguyễn Ðình Chiểu; Bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội người làng Mỹ Ðức, Tỉnh Hà Tiên, vợ nhà thơ Ðông Hồ. Bà có thơ đăng từ hồi Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh, 1930..., là tác giả tập thơ Phấn Hương Rừng được giải thưởng Tự Lực Văn Ðoàn...

16.
HỒ TRƯỜNG AN: Xin chị cho biết vắn tắt, nhưng khá đầy đủ, những năm chị theo trượng phu của chị qua Bỉ, Ðức, rồi viếng các nước Âu Châu ra sao? Âu Châu khác biệt với Mỹ Châu (về thành phố, chủng tộc, phong cảnh) ra sao? Chị có định đưa những nơi chốn đi qua ấy vào tác phẩm sắp tới của chị không?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Chồng tôi chọn đi ngoại giao tại Vương Quốc Bỉ và Ðức Quốc để tôi và con cái được học hỏi về các nước văn minh Âu Châu, hơn là các nước Á, Phi... Lẽ dĩ nhiên chúng tôi đi thăm thú gần hết các danh lam thắng cảnh nổi tiếng Thủ Ðô Bỉ là Bruxelles, Thủ Ðô Ðức bấy giờ là Bonn. Chúng tôi lợi dụng thời cơ đi thăm thú các vùng đặc biệt từ Bắc tới Nam, từ Ðông sang Tây Nước Bỉ, Nước Ðức và các thành phố lớn như London, Edinburgh của Vương Quốc Anh, Amsterdam, Keukenhof... của Hòa Lan, Paris, Miền Normandie, Miền Sông Loire... của Pháp, Geneva... của Thụy sĩ, Madrid, Avila, Toledo... của Tây Ban Nha, Rome, Florence, Venice, Milan... của Ý. Ðã nhiều lần tôi cho khung cảnh hoặc vài mẩu chuyện nhỏ về Âu châu vào hai quyển hồi ký Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội, Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương, và vào vài truyện ngắn của tôi. Rất tiếc thời gian ở Âu châu, tôi không viết bút ký ngay để ghi lại được nhiều chi tiết và cảm hứng nóng hổi.
Ðại cương, Âu Châu có rất nhiều kiến trúc Gothique, Baroque cổ kính, lâu đài, cung điện trạm trổ nguy nga. Nhà dân được xây cất với tính cách trường tồn bằng gạch, ngói, xi-măng, bê-tông cốt sắt. Các dinh thự Hoa Kỳ mới hơn, kiến trúc kiểu cách giản dị hơn. Nhà dân chúng bên Mỹ được xây cất tiện nghi nhưng với những vật liệu nhẹ và chỉ có mục đích vững bền nhiều lắm vài chục năm là phải sửa sang, thay thế theo sự đổi mới không ngừng của đời sống tân tiến, ồ ạt.
Nhìn chung, đường sá Âu châu rộng rãi, sạch sẽ không khác gì bên Mỹ, nhưng mức sống giới trung lưu eo hẹp hơn, bởi vì Dân Mỹ được trả lương cao hơn, xả thân làm việc nhiều giờ để lợi tức nhiều hơn, mua nhà cao cửa rộng với khả năng tối đa của họ. Dân Âu sống lè phè, đủ ăn, đủ tiêu là vừa ý rồi. Quán hàng, tiệm ăn bên Mỹ thường tập trung vào một địa điểm buôn bán. Bên Âu Châu quán ăn, tiệm thực phẩm, tạp hóa bánh kẹo, rải rác trong các khu phố dân cư ở. Con cái nhỏ tuổi theo bố mẹ vào quán hàng cùng uống rượu. Bên Mỹ, quán hàng không được phép bán rượu bia cho giới vị thành niên. Người Âu Châu thích khiêu vũ hơn Dân Hoa Kỳ. Nhạc nổi lên dù là nhạc đĩa, người ta hồn nhiên đứng dạy ôm nhau nhẩy ngay trong các quán ăn, quán rượu nhỏ. Ngày Quốc Lễ 14 tháng 7 tại Pháp, dân chúng khiêu vũ ở khắp mọi nơi, trên hè, ngoài đường, mọi góc phố... Ở Ðức, có những nhà lớn bán bia (Beer haus), người ta uống bia với những ly bia lớn bằng 1 lít và ngả nghiêng theo điệu Poka ồn ào, náo nhiệt...

17.
HỒ TRƯỜNG AN: Còn về Xứ Hoa Kỳ. Xin chị kể những tiểu bang, những địa danh của chị đi qua ngoài địa danh Yellowstone mà chị đã đưa vào quyển du ký Non Nước Ðá Vàng không?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Trừ bảy năm sống ở Âu châu, tôi đã ở Mỹ 26 năm, nhưng chưa thăm viếng được nhiều nơi trên xứ này như mong muốn. Không kể Washington, D. C., thủ đô của Hiệp Chúng Quốc, Tiểu Bang Maryland cờ hiệu có hình con cua biển, West Virginia (giáp ranh Xứ Tình Nhân Virginia tôi đang định cư) nổi tiếng với bản nhạc Take Me home West Virginia qua tiếng hát của John Denver, tôi đã đi Hawaii, California, Illinois, Colorado, New Jersey, New York, New Hampshire, Massachusetts, Wisconsin, North Carolina, South Carolina, Florida, Texas, Alabama, Arizona, South Dakota, Wyoming, Utah... Ngoài Mount Rushmore, đỉnh núi tạc tượng bốn vị Tổng Thống George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln ở Tiểu Bang North Dakota, Yellowstone với giếng phun nước nóng Old Faithful Tiểu Bang Wyoming), Salt Lake City đất thánh đạo Mormon (Tiểu Bang Utah mà tôi đã viết trong hồi ký Non Nước Ðá Vàng), Thác Niagara trong Tiểu Bang New York, giáp ranh giới Canada, vùng Núi Yosomiti của Bắc California, kỳ quan Grand Canyon của Arizona cũng là những địa danh nổi tiếng thế giới mà tôi không chán nếu có dịp thăm viếng lại.

18.
HỒ TRƯỜNG AN: Chị đã viết và cho xuất bản bao nhiêu tác phẩm? Xin kể trường hợp nào, động cơ nào thúc đẩy chị, nguồn cảm hứng từ đâu đến để chị sáng tác và thành hình mỗi quyển?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Tôi đã cho xuất bản hồi ký Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội, năm 1995, tái bản lần thứ nhất năm 1998 và đã tái bản lần thứ hai vào năm nay, 2005. Trong thời gian ở Âu Châu, nhớ quê hương, nhớ mẹ, anh chị em, tôi thường kể chuyện với chồng con về thời thơ ấu, thuở hoa niên. Nghe kể lể hoài, chồng con tôi mê luôn những kỷ niệm của tôi và khuyến khích tôi viết lại. Thế là những lúc rảnh rỗi tôi lấy bút ra thơ thẩn vài câu, lam nham vài dòng trên giấy. Khi bắt đầu cầm bút tôi mới thấy một trở ngại rất lớn. Tôi quên rất nhiều chữ Việt. Muốn tự thử thách, không dùng tự điển, Anh Việt hay Pháp Việt để tra khảo, nên đôi khi tôi phải ôm đầu, bóp trán mãi mới nhớ ra chữ muốn viết.
Bẩy năm sau, gia đình tôi trở về Virginia. Tôi có dịp đọc lại sách báo Việt, tiếp xúc nhiều hơn với đồng bào. Tôi dần dần thâu hồi lại tiếng mẹ tôi từ lúc nằm nôi. Tôi mua máy điện IBM, đánh lại những gì tôi đã viết, bằng chữ không dấu. Tuy nhiên, chữ nghĩa tôi còn rất nghèo nàn, chỉ có thể dùng những trang đó làm tài liệu. Thời kỳ máy điện tử cá nhân PC, personal computer ra đời, tôi học computer với ông chồng. Tôi đi làm. Viết hồi ký trở thành sự tiêu khiển của tôi trong thời gian con cái ở đại học. Khi biết có bộ chữ Việt, tôi liền mua và ông xã tôi chuyển vào cái computer ông cũng mới mua cho vợ. Tôi tung hoành 10 ngón tay trên phím tâm tình và đánh máy lại những trang chữ không có dấu.

Năm 1990, tôi trích một đoạn trong tập hồi ký để đóng góp với Ðặc San Gia Ðình Trưng Vương Hoa Thịnh Ðốn, số đầu tiên. Một số người Hà Nội đã bồi hồi và xúc động với những hình ảnh Hà Nội xưa trong đoạn văn đó. Nhạc sĩ Nhật Bằng nói, phải là người Hà Nội mới viết được như vậy. Từ đó, đặc san Trưng Vương các nơi xin bài, tôi lại trích một đoạn khác gửi đi. Trong một buổi Ðại Hội Trưng Vương - Chu Văn An tại Virginia, Nhà Văn Nguyễn Ðức Nam đem Bán Nguyệt San Ngày Mai của Chủ Nhiệm Vũ Bội Quang Khôi, Nam California, tặng và mời mọi người viết. Tôi để tâm và một hôm đã đưa tập bản thảo Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội cho Nhà Văn Nguyễn Ðức Nam, nhờ anh xem và cho ý kiến. Ðợi lâu không được trả lời, tôi gọi Nguyễn Ðức Nam. Ông nhà văn thản nhiên nói: “Vũ Bội Quang Khôi đã cho đăng trên báo Ngày Mai rồi.” Thế là, cây bút Nguyễn Thị Ngọc Dung được biết tới từ đó. Khi đăng hết Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội, chính Vũ Bội Quang Khôi là người khuyến khích tôi xuất bản.
Một trong những lý do nữa mà tôi quyết định cho in Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội thành sách vì chưa thấy tác giả nào viết về Hà Nội như tôi đã viết. Các cây viết nữ Việt Nam từ trước tới nay chưa ai viết tự truyện theo thể hồi ký tình cảm. Các cây viết nam cũng còn rất dè dặt kín đáo về khía cạnh này. Nhiều người còn có mặc cảm với câu thành ngữ vạch áo cho người xem lưng và cái tôi là cái đáng ghét. Nhưng người Mỹ, người Ðức nghĩ thế nào về cái tôi của họ mà chữ “I”, chữ “Ich” có nghĩa là “Tôi” được viết hoa vậy kìa? Người Mỹ, Người Ðức... muốn nói, muốn nghĩ, muốn viết, họ can đảm, thành thật nói, nghĩ, viết, không sợ bị chỉ trích.
Tôi may mắn được Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ nhận lời xuất bản sách. Tôi đã chọn nhà xuất bản này vì Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội là cuốn sách đầu tay, cần một người như Biên Khảo Gia Nguyễn Ngọc Bích, Nhà Văn Trương Anh Thụy xem và nhuận sắc cho, nếu cần.
Hồi ký Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương, được xuất bản năm 1996. Khởi đầu tôi chỉ định viết lại từng mẩu chuyện vui, buồn trong 15 năm sống ở Miền Nam để giữ gìn trong ngăn bàn, hộc tủ như bảo vật. Nhưng sau khi Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội ra đời, tôi nghe nhiều dư luận: -“Tại sao lại chỉ viết về Hà Nội đỏ Miền Bắc, sao không viết về Sài Gòn, Huế, Nha Trang...?” ố “Nhà văn viết toàn truyện con nít” ố “Nhà văn thì phải viết nhiều tác phẩm, chứ một cuốn thôi à?” ố “Viết về dĩ vãng như vậy là đủ rồi. Ðừng viết thêm nữa”.
Tôi không muốn cuộc đời mình bị cắt đứt và chấm dứt oan nghiệt ngay ở quyển hồi ký thứ nhất. Tôi không muốn bị gọi là “nhà văn chỉ viết được chuyện con nít”. Trong xã hội văn minh, tân tiến, hồi ký văn chương, tình cảm rất được ưa chuộng và khuyến khích cởi mở để chia xẻ kinh nghiệm với đời, với xã hội. Người ta không thể bức tử tên tuổi tôi. Nếu tôi không viết hồi ký về mình, cuộc đời tôi sẽ còn bị vo tròn bóp méo ngàn năm. Tôi đã sinh sống trên đất Mỹ lâu hơn trên xứ sở Nho phong, Khổng giáo Việt Nam. Hằng ngày tôi chỉ thích xem những phim dựa trên sự thật. Tôi không đồng ý, không sợ câu “Le moi est haIssable”. Tôi liều lĩnh làm một cuộc cách mạng trong lịch sử văn chương Việt Nam. Thế là hồi ký Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương thành hình và cũng do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông cho ra đời. Với sự đòi hỏi của độc giả, đáng lẽ hai quyển hồi ký trên phải được tái bản từ lâu, nhưng vì thời giờ tôi eo hẹp. Vừa là vợ, là mẹ, là bà nội, bà ngoại, bà nội trợ, vừa là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, tới cuối năm nay, 2005, tôi mới thực hiện được ý định đó.
Năm 1999 tôi cho xuất bản tập thơ thai nghén từ lâu, đó là thi phẩm Ðiểm Trang Làm Dáng Cuộc Ðời, một nửa là thơ có từ thuở học trò xa xưa, một nửa là thơ có từ những năm xa quê hương. Tập thơ này có vài bài được Nhạc Sĩ Nhật Bằng, Tạ Mạnh Chuyền, Vũ Ðức Nghiêm, Nguyễn Tường Vân và Huy Lãm phổ nhạc.

Năm 2001 tôi xuất bản tập truyện ngắn Một Thoáng Mây Bay. Ða số các truyện đều dựa theo sự thật mà tôi được nghe độc giả tâm tình sau khi họ đọc hai quyển hồi ký của tôi. Tôi phải tìm thấy một ý nghĩa tốt đẹp, một tâm hồn cao thượng ở một nhân vật nào đó tôi mới hứng khởi dựng thành truyện.

Năm 2003, tôi cho xuất bản tập thơ xướng họa Hoài Cảm. Khởi đầu là nhà văn, nhà thơ Hồ Trường An. Sau khi họa mấy bài thơ Ðường Luật của tôi, anh yêu cầu tôi họa lại mấy bài của anh. Khi có năm bẩy bài thơ xướng họa giữa hai chúng tôi, anh Hồ Trường An đề nghị rủ các tay thơ Ðường luật như Cao Mỵ Nhân, Phan Khâm, Vi Khuê, Ngô Tằng Giao, Trần Quốc Bảo cùng xướng họa. Tôi là người cho các bài thơ vào computer và hoàn thành tập thơ. Sau khi Hoài Cảm phát hành, có nhiều nhà thơ gửi bài họa đến cho chúng tôi như Huệ Thu, Văn Thị Kiều Anh, Thiên Tâm...

19.
HỒ TRƯỜNG AN: Nếu có thể, chị hãy kể những phản ứng thô bạo của một vài cây bút đối với tác phẩm Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương của chị. Riêng chị, chị nghĩ gì về những lời đả kích bất công đối với chị?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Sau khi Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương ra đời, tôi bị mấy bà viết báo chỉ trích tơi bời. Họ moi móc, vo tròn, bóp méo, xuyên tạc những chi tiết nhỏ nhặt trong sách để đả phá cá nhân tôi, để xách động độc giả tẩy chay tác phẩm của tôi. Ðã ở xứ Mỹ lâu dài, tôi không ngại viết sự thật về đời mình và không sờn lòng vì những lời chỉ trích thấp hèn. Người đọc biết ngay những lời chỉ trích kia là của những hạng người nào! Có một ông tướng cũ đã nói rằng: “Không biết Bà Ngọc Dung này làm cái gì mà bị mấy bà kia thù ghét đến thế?” Nhà văn Ðặng Trần Huân cũng phải lên tiếng: “Phái nữ với nhau phải hiểu nhau hơn đàn ông chứ, phải bênh nhau chứ! Cớ sao lại nặng lời?...” Thực ra, tôi chẳng hề quen biết và đả động tới mấy người đó. Tôi cũng chẳng định tranh chấp nghề nghiệp với ai, cũng không muốn dùng cây bút để xông vào chốn gió tanh mưa máu cho hôi hám cuộc đời vẫn yên vui, hạnh phúc của tôi.

Kết quả trái ngược, độc giả càng tìm đọc Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương nhiều hơn. Vài nhà báo đã chót đăng những bài đả phá đó đều có lời xin lỗi tôi. Có một cây bút trẻ, không gặp, không quen tác giả bao giờ, giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha, đã viết mấy chục trang bênh vực Nguyễn Thị Ngọc Dung. Một ông nhà văn cũng hung hăng vung bút nhào vào Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương, chém lung tung. Nhưng khá khen thay, sau này ông đã xin tôi bỏ qua cho ông. Thì, Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng bỏ qua. Tôi đâu có sống để tranh chấp với mấy cái thấp hèn đó. Vả lại hai quyển hồi ký Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội và Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương đã được Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Hòa giới thiệu trong Tam Cá Nguyệt San World Liteature Today của Ðại Học Oklahoma, số mùa thu 1997, Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Tuyến giới thiệu trong tuyển tập Những Nhà Văn, Nhà Thơ Hải Ngoại 1975-2000, được Văn Thi Sĩ Hồ Trường An giới thiệu trong Tác Phẩm Ðẹp Của Bạn, 2000, Văn Thi Sĩ Vân Trình Nguyễn Văn Lượng giới thiệu trong tập Thi Văn Bình Thoại thì không kẻ nào có thể chôn vùi được những tác phẩm và tên tuổi của Nguyễn Thị Ngọc Dung .

20.
HỒ TRƯỜNG AN: Xin chị cho biết trước khi sáng tác, trong khi sáng tác và sau khi sáng tác, chị làm những việc gì để trợ hứng, để nuôi những ngọn lửa cháy hoài hoài trong thần trí sáng tạo của chị?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Về hai cuốn hồi ký Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội, và Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương, tôi ôn lại nhiều chi tiết với chị em, bà con họ hàng tôi và bạn bè cũ. Tôi để hình ảnh xưa của gia đình trước mặt. Tôi lấy quyển sổ tay đã vàng ố, trong đó có những bài thơ học trò, để ôn lại kỷ niệm. Tôi mua sách địa dư, lịch sử, thơ truyện, điện ảnh, bản đồ cũ, mới để nghiên cứu, đôi khi vào internet lấy tài liệu. Tôi mua cả những bản nhạc Việt, Pháp, Mỹ của những thời điểm trong truyện để nghe lại, để xúc động vui buồn, để thổn thức, nức nở, khóc cười theo những dòng chữ trào tuôn. Tôi viết từng đoạn chợt nhớ, chợt quên, sau đó xếp đặt lại theo dấu ấn thời gian, nổi trôi vận nước. Cảm ơn người bạn tâm tình mang cái tên rất thân ái là Computer, nếu không có bạn, Nguyễn Thị Ngọc Dung làm sao có đủ kiên nhẫn sửa đi, chữa lại bản thảo với cái máy chữ cọc cạch năm xưa? Tôi đã bỏ sở làm để hoàn thành hai cuốn hồi ký về cuộc đời Nguyễn Thị Ngọc Dung. Khi tôi xin sở nghỉ làm, bà boss nói: “Bà muốn nghỉ bao lâu, sáu tháng hay một năm thì cứ nghỉ tạm, không ăn lương, rồi trở lại làm?” Khi nghe nói tôi cần ba năm, thì bà boss đành chịu. Ðúng ba năm sau, tôi hoàn thành và cho xuất bản hai cuốn hồi ký. Sở gọi tôi đi làm trở lại. Nhưng đã nghỉ quen, tôi ngại và lười biếng, không còn muốn đi làm nữa.

21.
HỒ TRƯỜNG AN: Chị thích đọc văn chương ngoại quốc không? Nếu có, chị thích các tác giả nào? Xin cho biết tại sao chị thích văn chương các đương sự.

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Trình độ sinh ngữ lớp Ðệ Nhị văn chương của tôi không đủ để đọc sách ngoại quốc thường xuyên. Khi còn đi học tôi chỉ đọc và học thuộc lòng những bài thơ Pháp, Anh của chương trình lớp Ðệ nhị C. Thích truyện nào thì đã có sách dịch, phim ảnh, tôi không kiên nhẫn vật lộn với sách ngoại ngữ. Nhưng cách đây đã lâu, vì tò mò, tôi đọc vài truyện của Nữ Tiểu Thuyết Gia Mỹ, Danielle Steel như Vanished, Fine Things... trong tủ sách của con gái để lại nhà sau khi vào đại học. Nhiều đoạn truyện cố tình kéo dài lê thê cho dầy cuốn sách. Tuy nhiên, truyện của bà tác giả đó được đưa lên nhiều phim tôi cũng thích xem để giải trí.

Tôi đọc quyển sách biên khảo về Margaret Michell & John Marsh, The Love Story Behind Gone with The Wind của Marianne Walker vì biết quyển sách nghiên cứu công phu và phong phú tài liệu về cuộc đời và mối tình lớn của Margaret Mitchell tác giả Gone With The Wind và John Marsh người chồng của bà. Sau đó, tôi đã viết tóm lược thành một bài biên khảo gần hai mươi trang và đặt tên là Tình Yêu Và Tác Phẩm, phụ bản cho tập truyện ngắn Một Thoáng Mây Bay của tôi.
Một quyển sách Anh ngữ khác tôi đọc cách đây vài năm là Angela's Ashes, tác phẩm đầu tay của Nhà Văn Hoa Kỳ Frank Court. Angela's Ashes là hồi ký viết lại thời thơ ấu và thuở niên thiếu hẩm hiu, đói khổ đến cùng cực của Frank Court khi còn ở quê hương Ái Nhĩ Lan. Nhiều cảnh thương tâm trong quyển sách làm nát tim người đọc. Angela's Ashes được Giải Thưởng Văn Chương Pulitzer 1997 và đã là bestseller mấy năm liền trên Báo New York Times.
Tôi đọc báo viết về trường hợp hãn hữu của Cụ Jessie Lee Brown Foveaux, 80 tuổi mới tập viết hồi ký về cuộc đời bất hạnh triền miên. Nhưng cụ đã can đảm vươn lên tất cả những đau khổ của cuộc đời để một mình nuôi dạy tám đứa con nên người. 17 năm sau, bản thảo của cụ đã được bán đấu giá hơn một triệu Mỹ kim. Nhà Xuất Bản Warner Brook đã mua được tập bản thảo và cho rằng lối viết văn của cụ rất mộc mạc, trong sáng nhưng lôi cuốn, làm người đọc xúc động mạnh. Tôi đã tìm mua và đọc quyển hồi ký của Bà Foveaux, Any Day Given với lòng ngưỡng mộ. Gần đây, tôi hầu chuyện quí cụ cao niên về trường hợp Bà Jessie Foveaux và khuyến khích quí cụ chưa từng viết truyện, viết sách bao giờ hãy thử viết giải trí xem sao. Lúc đầu các cụ nên viết từng mẩu chuyện ngắn vài ba trang. Tích tiểu thành đại, biết đâu sẽ thành một Any Day Given thứ hai.
Cách nay ít tháng, tôi gặp Nhà Văn Yung Krall, tên Việt Nam là Ðặng Mỹ Dung. Bà tặng tôi tập hồi ký Thousand Tears Falling. Bằng những câu văn thành thực, giản dị, dễ hiểu và rất Mỹ, Yung Krall kể lại cuộc đời mình là con gái Ðại Sứ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đã phải sinh sống thiếu thốn, cực khổ và gian nguy lẫn lộn với Việt Cộng trong những vùng bưng biền Miền Nam từ thuở nhỏ. Khi cha tập kết ra Bắc, bà lên Sài Gòn sống với mẹ và anh chị em. Mỹ Dung bất đồng ý kiến chính trị với cha. Bà đi làm sở Mỹ, thành hôn với một sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ. Bà đã can đảm cộng tác với CIA và FBI để phá vỡ một tổ chức gián điệp của Việt Cộng tại Hoa Kỳ và tại Pháp. Tôi say mê đọc Thousand Tears Falling và cảm phục văn tài và cuộc đời Yung Krall.

23.
HỒ TRƯỜNG AN: Còn văn chương Việt Nam ở hải ngoại thì sao? Sinh hoạt báo chí ra sao? Chị thích tác giả nào? Lý do?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Tôi rất mừng, sách báo Việt Nam ở hải ngoại như trăm hoa rộn ràng đua nở. Mỗi người Việt xa quê hương là một nhà thơ, nhà văn. Sách được xuất bản tưng bừng. Ở đâu có người Việt là có sách báo Việt. Ðó là điểm son của văn chương chữ nghĩa Việt Nam Hải Ngoại. Trong môi trường nhỏ hẹp, cá nhân, tôi chỉ xin nhắc tới ở đây tên tuổi của các tác giả tôi quen biết vì lý do sinh hoạt văn học thường xuyên. Tôi không có ý thiên lệch...

Với Văn Thi Sĩ Hồ Trường An, tôi được đọc một số sách trong số 50 tác phẩm vừa tiểu thuyết, văn luận, biên khảo và thơ giá trị của anh như Thông Ðiệp Hồng, Giai Thoại Hồng, Chân trời Lam Ngọc, Tình Sen Ý Huệ, Theo Chân Những Tiếng Hát, Chân Dung Những Tiếng Hát, Vườn Cau Quê Ngoại... Tôi còn được hân hạnh có tên trong hai tác phẩm văn luận của anh như: Tác Phẩm Ðẹp Của Bạn, Thập Thúy Tầm Phương, xướng họa với anh và vài nhà thơ khác trong thi tập Ðường luật Hoài Cảm. Bây giờ lại được anh phỏng vấn và góp mặt trong tập Giai Thoại Văn Chương. Anh viết rất nhanh, rất mạnh. Sức sáng tác của anh như vũ bão.
Qua sinh hoạt văn học của Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm mà tôi cộng tác 10 năm qua, tôi được đọc truyện của nhà văn Trương Anh Thụy, Hà Bỉnh Trung, Trần Quán Niệm, Hà Kỳ Lam, Nguyễn Thanh Giản, Nguyễn Thị Thanh Bình, Dư Thị Diễm Buồn, Kim Vũ, Nguyễn Lân, Vũ Nam, Bình Huyên... Tôi được đọc thơ thường xuyên của các tác giả Hà Bỉnh Trung, Cao Mỵ Nhân, Vi Khuê, Quỳnh Anh, Lưu Nguyễn Ðhạt, Hồ Trường An, Ngô Tằng Giao, Nguyễn Ðăng Tuấn, Vũ Hối, Ý Anh, Phan Khâm, Ðăng Nguyên, Việt Bằng, Bùi Thanh Tiên, Hoàng Trùng Dương, Nguyễn Phú Long, Hải Bằng Hoàng Dân Bình, ...
Tôi ham đọc những bài biên khảo của Trần Bích San, Nguyễn Văn Thành, Minh Văn, sách Văn Khảo của Trần Bích San, Văn Luận của Lưu Nguyễn Ðạt, Hồ Xuân Hương Tác Phẩm của Nguyễn Ngọc Bích, bộ sách Việt Nam Tinh Hoa, Việt Nam Anh Hoa, Việt Nam Gấm Hoa của Hương Giang Thái Văn Kiểm, Saigon 300 Năm Cũ của Nguyên Hương Nguyễn Cúc... Mua được bộ hồi ký 3 quyển của Nguyễn Hiến Lê, tôi đọc không bỏ một chữ. Bộ Hồi Ký Phạm Duy đã làm tôi thức khuya nhiều đêm để đọc. Tôi đọc hồi ký của Nhạc Sĩ Phạm Duy không vì tò mò muốn biết đời tư của ông mà vì quyển sách đưa độc giả đi theo những biến cố lịch sử Việt Nam qua thời tiền chiến, thời kháng chiến, thời phân chia Quốc Cộng. Người đọc được theo bước chân Phạm Duy đi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu, được theo dòng nhạc, dòng thơ của hầu hết các nhạc sĩ, ca sĩ tân cổ nhạc, các thi, văn, họa sĩ từ thập niên 20 tới thập niên 70.

23.
HỒ TRƯỜNG AN: Chị thích vẽ, thích xem triển lãm tranh. Vậy chị thích trường phái hội họa nào? Lý do. Những họa gia Việt Nam ai là kẻ làm chị yêu thích? Lý do. Còn các họa gia ngoại quốc, chị thích ai? Lý do?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Tôi mới chỉ học vẽ vài năm. Khi chuyển sang viết, tôi đã bỏ vẽ từ 20 năm nay. Có dịp vào viện bảo tàng hoặc triển lãm, tôi ngắm nghía, xem xét tất cả các loại tranh, nhưng không kiên nhẫn tìm hiểu tranh lập thể hay trừu tượng. Tranh hiện thực và ấn tượng dễ hiểu hơn nên lôi cuốn tôi hơn. Tôi không có nhiều dịp xem triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam ở hải ngoại.

Trong phạm vị hiểu biết nhỏ hẹp, tôi chỉ muốn nhắc tới tranh của những họa sĩ tôi được xem và tôi nhớ tên như tranh của họa sĩ Ðinh Cường, màu sắc mới mẻ, trẻ trung. Những người đẹp trong tranh của ông thanh thoát, liêu trai. Tranh của Thái Tuấn không nhiều chi tiết, vậy mà biểu lộ sâu xa những dáng nét tiền chiến cao sang, những khoảng màu quê hương mênh mông, trầm mặc. Màu sắc tranh của họa sĩ Trương Thị Thịnh tươi mát, gần gụi French Impressionism nhất. Tranh tĩnh vật của Ðỗ Quang Em trông như hệt một bức ảnh làm người thưởng lãm thở hắt ra khi chiêm ngưỡng. Và, tôi may mắn có hai bức tranh của Nguyễn Trung, một họa sĩ đắt giá nhất Việt Nam hiện tại.
Tôi ham xem tranh, nên có dịp tôi không bỏ qua. Tôi đã từng thăm viếng các Viện Bảo Tàng Chicago, Washington, D.C., Bruxelles, London, Bonn, Berlin, Rome, Florence, Madrid, Venice, Amsterdam... Tôi đã may mắn được xem tận mắt những bức tranh origina” của Francisco de Goya, Leonardo Da Vinci, Micheal Angelo, Pablo Picasso, Claude Monet, Edouard Manet, Pierre Auguste Renoir, Vincent Van Gogh, Toulouse-Lautrec, Edgar Decas, Camille Pissarro, Paul Cezanne, Paul Gauguin, Mary Cassatt, Willard Metcalf, J.M.W. Turner, Pierre-Paul Rubens, Rembrandt Hermensz...
Nhưng lôi cuốn tôi nhất vẫn là những bức tranh ấn tượng của Pháp, Ý, Mỹ... với những nét chấm phá, phóng túng, không cầu kỳ, tỉ mỉ, màu sắc tươi mát, nhẹ nhàng. Ðứng trước những bức tranh ấn tượng (impressionist), tôi có ý nghĩ mình cũng có thể vẽ được, thế mới nhảm chứ! Tôi thích nhất tranh của Claude Monet (1840-1926), với bức The Walk, Lady with a Parasol, 1875. Poppy Field at Argenteuil, 1873, Poplars on the Banks of the Epte, 1891, Waterlilies, 1919... Khi nhìn những bức tranh vẽ cảnh thiên nhiên thơ mộng ấy, tôi có cảm tưởng như nhập vào tranh, tha thẩn trong vùng trời bát ngát nắng, bềnh bồng mây, mênh mông hoa cỏ, mộng mơ bạt ngàn.

Gần đây, tôi say mê xem cuộc triển lãm Beyond the Frame của điêu khắc gia hiện đại Hoa Kỳ J. Steward Johnson, Jr. tại Bảo Tàng Viện Corcoran ở Washington, D.C. và tại Ground of Sculture ở New Jersey. Ðiêu khắc gia Johnson đã dựa theo 18 bức tranh Impressionist của Manet, Monet, Renoir, Van Gogh, Gustave Caillebotte và Cassatt, tạo thành 18 tượng cảnh phẩm ba chiều rất ngoạn mục với mấy chục bức tượng đồng tinh vi, kích thước người thường, và được sơn vẽ thật trung thành với những bức tranh nguyên tác. Tôi cảm thấy may mắn được xem hai cuộc triển lãm này.

24.
HỒ TRƯỜNG AN: Chị thích ăn mặc ra sao? Những màu sắc nào chị ưa chuộng? Chúng đã nói lên những gì trong khoảng trời mộng tưởng của chị?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Tôi ăn mặc đủ kiểu, đủ màu sắc theo tuổi tác, thời trang, theo từng mùa, thời tiết nắng, mưa, từng trường hợp đêm, ngày. Tôi thuộc loại nhỏ người nhưng có thể là người mẫu cái size của tôi. Theo tôi, có khiếu ăn mặc thì không cần mặc quần áo đắt tiền cũng làm đẹp người, đẹp quần áo hơn.

Khi tôi mặc áo màu xanh, bầu trời đang xám hình như đổi vui tươi, hy vọng, đôi khi nhớ lại những lá thư màu xanh một thuở nào mới biết yêu. Khi mặc màu tím, hình như tôi được gần gụi một chân trời xa xôi lắm, đã để lại trong tôi một nỗi ngậm ngùi, một nỗi buồn man mác làm ý vị thêm cuộc đời.
Tôi chỉ mặc áo màu đen tang tóc để đưa tiễn một nhân vật nào vừa khuất bóng. Từ khi chấm dứt thời nữ sinh, tôi cảm thấy mình không còn thích hợp với màu trắng hoa bướm ngày xưa. Nên gần như không mặc áo dài trắng học trò đồng phục nữa. Ô hay, có tiếng gió lạnh mùa đông thở dài ngoài song cửa hay là tiếng lòng tôi tiếc nuối thời xa xưa ấy?!

Tuy nhiên, nhìn lại chiều dài của tuổi đời, tôi tự hào đã may mắn được mặc và làm đẹp hầu hết thời trang đã đi qua đời tôi. Tôi còn nhớ thuở bé tí teo, một ngày Tết tôi đã được mẹ cho mặc bộ short nhung xanh dương, đội mũ chào mào nhung cùng màu viền tua vàng. Một Tết khác tôi lại được mặc áo đầm nhung tím, đầu cài nơ sa-tanh cũng màu vàng. Lớn hơn vào Trường Nữ Tiểu Học Thanh Quan, tôi chỉ mặc áo dài trắng và tím là đồng phục của trường. Thời nữ sinh Trung Học Trưng Vương tôi mặc đồng phục áo dài màu trắng và màu lam. Một ngày trong tuần, chúng tôi được mặc tự do, nghĩa là mặc áo hoa, áo màu gì cũng được. Ở Hà Nội, tôi đã từng đi guốc cao gót Phúc Khánh, màu mè nghịch ngợm. Ở Sài Gòn, tôi cũng một thời nữ sinh làm dáng đi guốc Ða Kao. Trong khi một số bạn gái mặc áo cổ cao viền màu này, màu nọ, gọi là kiểu Lý Lệ Hoa, một Nữ Hoàng Ðiện Ảnh trong các phim Trung Hoa, thì tôi dửng dưng, không may áo có cổ kiểu này.

Ðến thời Bà Ngô Ðình Nhu, tôi cũng mặc áo hở cổ, nhưng không hở nhiều, và tà áo dài quét đất. Rồi đến kiểu áo dài mini, áo ngắn gần đầu gối, cổ thấp, màu sắc họa kỷ hà. Tôi chiếu cố kiểu này nhiều nhất, có lẽ vì nó có vẻ gọn gàng, trẻ trung. Khi đi làm cho một hãng xây cất Hoa Kỳ, tôi cũng mặc váy mini nhưng không ngắn quá. Khi có chồng làm ngoại giao, tôi thay cái váy mini với bộ quần áo tunic, xiêm y Âu Tây dài, nhiều áo dài hàng nội hóa. Ðến khi sang định cư tại Hiệp Chúng Quốc, tôi mặc quần Jean trông cũng không đến nỗi tệ và cẩn thận chọn lựa thời trang, kiểu cách hợp nhất với thân hình và tuổi tác của mình.

Thuở mẹ tôi, các chị tôi mặc áo Lemur Cát Tường, mặc áo nhung, đeo kiềng, tôi còn nhỏ, suốt 15 năm ở Hà Nội không được mặc kiểu áo đó. Vào Sài Gòn, nóng quá, tôi cũng chưa mặc áo nhung bao giờ. Từ ngày sống trên đất Mỹ, nhất là từ khi bước vào môi trường văn học, văn hóa ở Vùng Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn này, tôi có nhiều dịp mặc áo dài trở lại. Cái kiểu tôi thích nhất và có vẻ hợp với tôi là kiểu áo Lemur Cát Tường thời tiền chiến. Áo dài tôi may mặc đều có vai bồng, cài khuya bên cổ. Chỉ khác hàng áo của tôi có hoa in, hoa vẽ, hoa thêu, không là màu đậm và hàng trơn như thời 39-40. Bây giờ, tôi đã được thỏa mãn mặc áo dài nhung, đeo kiềng những mùa lạnh Virginia.

Trong Ðại Hội Trưng Vương năm 2003 và mùa xuân năm ngoái, dịp Kỷ Niệm 9 năm Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm sinh hoạt văn học, tôi và một số bạn có mặt trong mục trình diễn thời trang Lemur Cát Tường và rất được hoan nghênh. Tháng 4/2005, trong buổi kỷ niệm Cỏ Thơm 10 tuổi, tôi “xuýt” được mặc áo tứ thân trong màn ca vũ hoạt cảnh “Bức Tranh Ðồng Quê”, nhạc Huy Lãm phổ thơ của Nguyễn Thị Ngọc Dung. Cuối cùng, có đủ người và bận rộn trong vụ tổ chức nên tôi chưa được xỏ cái áo tứ thân, mặc váy lĩnh đen dài. Các bạn tôi trong y phục gái quê, trông ai cũng rất mộng mị, xinh đẹp.
Giá tôi còn trẻ... như năm ấy, tôi sẽ thử kiểu áo dài mới nhất hiện tại, không có tay, hở vai, hở lưng. Phần thân áo trên như cái yếm. Thiếu nữ Việt Nam mảnh mai, trông rất dễ thương và quyến rũ trong kiểu áo dài này. Tôi rất hãnh diện đã là một nhân chứng thời trang phụ nữ, một phần văn hóa Việt Nam trong hai thế kỷ. Một trong những điều hạnh phúc và may mắn của phụ nữ là y phục làm họ đẹp hơn và họ làm đẹp y phục hơn.

25.
HỒ TRƯỜNG AN: Xin chị cho biết sự cộng tác và điều hành của chị cho Tập San Cỏ Thơm.

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Chủ Nhiệm Sáng Lập Lưu Nguyễn Ðạt mời tôi cộng tác từ lúc mới thành lập Cỏ Thơm, năm 1996. Hai năm sau, anh mời tôi giữ vai trò Phó Chủ Bút. Vài năm sau nữa, cựu chủ bút rời Cỏ Thơm để ra báo khác, không văn thi hữu nào trong vùng chịu nhận lời mời thay thế, tôi đành đứng ra lãnh chức vụ Chủ Bút cho tập báo thêm hùng hậu nhân lực. Khi Chủ Nhiệm Lưu Nguyễn Ðạt có dự án văn học khác, anh và các tác giả hội viên đã giao phó tôi kiêm chức Chủ Nhiệm, tôi lại phải nhận lời để duy trì tờ báo.
Hiện tại Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm có Phó Chủ Nhiệm là Nhà Thơ Phan Khâm, Văn Thi Sĩ Hồ Trường An là Phụ Tá Chủ Bút Âu Châu, Nhà Thơ Ý Anh là Tổng Thư Ký, Nhà Thơ Nhạc Sĩ Nguyễn Ðăng Tuấn là Tổng Thư Ký Ðặc Nhiệm và Cỏ Thơm có một ban chủ biên hùng hậu.
Tôi luôn luôn nghĩ rằng Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm, nay được đăng ký là một tổ chức bất vụ lợi (not-for-profit organization) tại Virginia, không còn là của riêng một cá nhân nào, mà là một cơ sở văn học của tất cả các văn thi thân hữu hội viên đóng góp bài vở, hiện kim và của các độc giả mua báo dài hạn, những người chú trọng tới văn chương, chữ nghĩa Việt Nam Hải Ngoại.
Ðể thực thi tinh thần tự do, dân chủ, cứ mỗi hai năm, chúng tôi có một buổi họp bầu lại chủ nhiệm và chủ bút cho nhiệm kỳ kế tiếp.

26.
HỒ TRƯỜNG AN: Dự định về văn chương và báo chí của chị ra sao?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Sau khi đã cho tái bản hai tập hồi ký, tôi dự định cho ra một tập bút ký, một tập thơ và vài dự tính khác. Tôi đang viết chuyến về thăm viếng Việt Nam vào cuối tháng 11 năm 2004, sau 50 xa Hà Nội, 30 năm xa Sài Gòn. Ðã là người cầm bút, khó lòng bỏ qua được những cảnh vật, tình tiết tai nghe mắt thấy, huống chi là người trở về đất nước cũ, quê hương xưa, nơi đã để lại bao nhiêu kỷ niệm thương yêu, lưu luyến với những người thân, với đồng bào, một đời không quên. Tôi không đủ khả năng ôm đồm nhiều sinh hoạt ngoài gia đình, nên báo chí ở đây, tôi chỉ muốn nói tới Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm. Tâm huyết tôi là cố gắng đôn đốc Cỏ Thơm được bền vững, hội họp được các tác giả dầy kinh nghiệm cũng như những cây viết mới, trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết với văn chương, nghệ thuật. Tôi tin tưởng Cơ Sở Văn Học Cỏ Thơm là một trong những trung tâm giữ gìn, phát triển và nâng cao văn chương, thi phú của người Việt Hải Ngoại.

Tình hình sách báo hải ngoại rất phồn thịnh. Vùng Thủ Ðô Hoa Kỳ có hàng chục tờ báo Việt Ngữ hằng tuần, hằng tháng, phát triển theo tình trạng buôn bán, làm ăn nhộn nhịp của đồng bào. Người Việt ta rất hiếu đọc, không bỏ qua một quyển sách, một tờ báo được tặng. Tôi tin tưởng đồng bào tha hương còn viết, còn đọc sách Việt dài dài.

Các “tác giả lớn” muốn viết hãy cứ viết, cứ săn sóc tác phẩm của mình sao cho có giá trị, chẳng nên lo sợ hết độc giả mà ngưng viết sách. Ðã nói viết vì văn chương, văn học, viết vì nghệ thuật bất vụ lợi, phải hy sinh không nhiều thì ít. Các tác giả hãy mừng có một số độc giả nào đó đọc sách báo của chúng ta. Hiện giờ sách báo Người Việt Hải Ngoại vẫn được đem lậu vào Việt Nam. Tôi hy vọng một ngày thật gần sẽ không có biên giới giữa sách báo quốc ngoại và quốc nội nữa.

27.
HỒ TRƯỜNG AN: Chị muốn nói gì với độc giả kiều bào đây?

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Tôi chân thành cảm tạ quí độc giả đã đọc sách và cảm xúc với câu văn, dòng thơ của Nguyễn Thị Ngọc Dung, một người vì cuộc đổi đời dâu bể đã trở thành tác giả; một người vì yêu chuộng văn chương đã trở thành nhà báo. Cảm ơn quí vị đã viết thư, điện thoại chia xẻ tâm tình riêng tư, đã đàm đạo góp ý kiến, kinh nghiệm và ủng hộ trong việc viết văn, làm báo với Nguyễn Thị Ngọc Dung. Ðó là những phần thưởng lớn lao cho tôi.

Sau hết, tôi xin chân thành cảm ơn anh, văn thi sĩ, biên khảo gia Hồ Trường An, đã bỏ thời giờ suy nghĩ những câu hỏi thích hợp, khơi gợi Nguyễn Thị Ngọc Dung dễ dàng và hứng thú giãi bày tâm tình. Tôi hân hạnh được cộng tác với anh trong môi trường văn học. Anh là người có tâm Phật. Anh là một nhà văn có một số độc giả đáng kể, anh nhã nhặn và chân tình với những cây viết mới. Anh luôn luôn khuyến khích, nâng đỡ họ, không làm việc cho riêng mình, anh là một nhà làm văn học thực sự, chân chính. Tập Giai Thoại Văn Chương này và những tập tiếp nối sẽ là một dự án lớn của anh và Cơ Sở Văn Học Cỏ Thơm. Anh có công nhiều với lịch sử văn học. Anh là tác giả mà tôi ngưỡng mộ nhất ở Hải Ngoại.

28.
HỒ TRƯỜNG AN: Cảm ơn chị Nguyễn Thị Ngọc Dung.

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG: Chúc anh nhiều sức khỏe, may mắn, sáng tác đều đặn và tiếp tục cống hiến cho nền văn học Việt Nam Hải Ngoại những tác phẩm giá trị.



==============


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ