Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

 


Thursday, 14 August 2014

Phạm Công Thiện (1941 - 2011)















Phạm Công Thiện

Pháp danh: Nguyên Tánh
(1/6/1941 - 8/3/2011)
Hưởng thọ 71 tuổi
Học giả, Nhà thơ, Nhà văn, Dịch giả, 










Phạm Công Thiện sinh năm 1941 tại Mỹ Tho.
Là một học giả, nhà văn, nhà thơ, cư sĩ Phật giáo, một người tự học (autodidacte) được xem là một triết gia thần đồng, một hiện tượng dị thường của miền Nam Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước.
Từ 13 đến 16 tuổi ông là cộng tác viên của Tạp chí Bách Khoa.
Năm 15 tuổi, đã đọc, viết năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha và đã cộng tác với các báo Bông Lúa, Phổ Thông, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ v.v 
Ngoài ra ông còn biết tiếng Sanskrit và La Tinh.
Năm 16 tuổi, Phạm Công Thiện xuất bản cuốn tự điển Anh Ngữ Tinh Âm
Năm 1960, 19 tuổi ông khởi viết cuốn Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học. Thời kỳ này Phạm Công Thiện viết nhiều sách về Phật Giáo.
Năm 23 tuổi ông là giảng viên môn Triết học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, dù chưa thi Tú Tài và chưa học trường Đại học nào.
Cũng năm 23 tuổi ông đã nổi tiếng với cuốn Tiểu Luận Về Bồ Đề Đạt Ma, Tổ Sư Thiền Tông.
Đến năm 26 tuổi ông đã viết hàng chục cuốn sách Triết học, Tiểu luận và Thơ
Đầu năm 1964, ông chuyển ra sống ở Nha Trang và quy y ở chùa Hải Đức, lấy pháp danh là Nguyên Tánh.
Từ 1966 đến 1968, ông là Giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa tại Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, và giữ chức Trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của Viện, đồng thời là người sáng lập và chủ trương tạp chí Tư Tưởng.

Phạm Công Thiện rời Việt Nam năm 1970 và sinh sống tại Pháp, tại đây ông trút bỏ áo cà sa và lấy vợ 

Ông sang Hoa Kỳ năm 1983, định cư ở Los Angeles, dạy lý thuyết Phật giáo tại College of  Buddist Studies và tiếp tục viết sách, phần lớn nghiên cứu về đạo Phật.

Ngày 8/3/2011, ông qua đời tại Houston, Texas, Hoa Kỳ
Hưởng thọ 71 tuổi.




























Tối hôm kia thức suốt đêm và bù lại tối hôm qua ngủ lại trọn đêm. Giấc ngủ vô cùng cần thiết như cái chết vô cùng cần thiết cho đời sống. Thử tưởng tượng mình mất tất cả những gì mình đang có trong giờ phút nầy thì mình mới có được cái nhìn thân yêu đối với tất cả mọi sự đang xảy ra tại chỗ.
Mỗi một ngày là một đời sống thâu gọn, không có đời sống nào khác trong thế giới này, ngoài ra mỗi ngày và mỗi đêm duy nhất.

Ngày mai lại là một ngày và một đêm.


Mỗi ngày là một giây phút và mỗi đêm là một giây phút vừa lướt qua và đang tới. Tất cả vĩ đại linh thiêng, qúi phái, thơ mộng, tuyệt đẹp, chỉ nằm trong một phút giây phút, một cái nhìn trong giây phút, một sự im lặng trong giây phút, một ý tưởng trong giây phút, một cảm giác trong giây phút, một sự nhàm chán trong giây phút, một sự cô độc trong giây phút, một sự mệt mỏi muốn bỏ cuộc chỉ xảy ra trong nhấp nháy; chỉ cần một hơi thở nhẹ nhàng trọn vẹn cũng đủ để chuyển hóa sự thất bại thành ra sự phong phú tràn trề của một cánh đồng hực lửa khi mùa xuân đang tới. 



Hốt nhiên thấy mọi sự đều thơ mộng trong giây phút này, những lời những tiếng tới tấp hiện đến, tất cả những gì xảy ra đều linh thiêng, cảm thấy thương hết tất cả, thương hết những gì động đậy trên mặt đất và ngoài cả mặt đất; mỗi sự sống đều động đậy và ngay đến sự chết cũng động đậy, cái gì động đậy thì có tiếng, có âm thanh, dù là sự im lặng cũng có tiếng và có âm thanh; mỗi một chữ xuất hiện thì một tiếng cất lên và một thế giới sinh thành hoại diệt, rồi thì tất cả mọi sự đều "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu", một trong những cao siêu nhất của Khổng Giáo; tất cả đều đáp ứng kêu gọi nhau; sự nông cạn kêu gọi sự sâu thẳm, thế giới này kêu gọi thế giới khác ...




Trích đoạn: Những ngày hoang vu trên mặt đất



Phạm Công Thiện 

























Phạm Công Thiện lúc trẻ 









































Tác phẩm đã xuất bản













1
Tiểu Luận Về Bồ Đề Đạt Ma



nxb Tân-Ý-Thức
(1964)

















2
Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học 


nxb An Tiêm
1965

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8401&rb=08











3
Trời Tháng Tư 

nxb An Tiêm
(1966)










































4
Ngày Sinh Của Rắn 



nxb Hoa Nắng
(1967)








Ngày Sanh Của Rắn











I



tôi đi đông chìm
trời âm u thung lũng khô
nhiều mây chim bay không nổi
tôi đi
dưới kia sụp đổ
núi cấm nổ tôi ra
cửu long ca từ tây tạng
tôi về
tôi hiện
đèn tắt trời gió tắt trăng
chim lạ
kêu tiếng người
hố thẳm ra đời
tôi bay trên biển 





II 



tôi nằm cho rã chiếu cạp điều
nước chảy lên vùng phố tịch liêu
tôi nhớ một lần cây quế mọc
tôi đứng gọi hương trọn buổi chiều 





III 



mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
cây khế đồi cao trổ hết bông 





IV 



trời mưa nữu ước cây mọc
nhớ hương trời mưa ngày tháng
nhớ hương đường hoang mái vắng
nữu ước chỉ còn hương trong giấc ngủ
tim anh tràn máu
con chim đã bay về rừng đạn
anh không còn làm tu sĩ
anh chỉ còn hương trong giấc ngủ
anh chỉ còn máu để đổ vào tim hương
đổ vào tám tách cà phê đen anh uống mỗi đêm
tại greenwich village
tại làng thi sĩ
tại đường khói bay
tại hương trong giấc ngủ
tại chiều ba mươi tết ở việt nam
bây giờ anh xa hương đến mấy đại dương xanh
mấy phương trời cỏ mọc
mấy phương trời hương khóc
hương còn ca hát
hương còn phơi áo giữa phố buồn
hương còn cười
mười năm rồi cây quế vẫn mọc trên đời anh
trên mắt anh
môi anh
trên bước chân buồn phố mẹ ngày xưa
trên bước chân chiều phố lạ hôm nay
mưa làm tóc anh thơm
mùi cây quế
giữa hồ
mọc giữa hồ quế hương
tóc anh mọc dài
che chở hương
lúc mưa rơilúc đông lạnh
lúc chim chiều đi mất
mưa trên phố đêm
trên quán cà phê ý đại lợi
trên chiến tranh
của quê hương
của quế hương
còn anh 





rạng đông tôi xin thề thức dậy ba giờ sáng 
đợi kinh đào chảy ngược 
cửa nhỏ đóng kín 
những chiếc cầu tuổi dại 
mười sáu năm tôi thức trong đời 
mười sáu con kinh đào không bao giờ chảy ngược 
đứng ngang cầu pont-neuf 
nhìn sông seine tôi thấy cửu long 
paris đuổi mất mây mộng hoang đường 
đập vỡ cơn điên trên triền đá sương 
tôi trốn giặc đời 
tắm trong hồn hương 
trái đu đủ 
trong khu vườn xưa 
con rắn nhỏ 


VI 

tôi chấp chới 
đắng giọng 
giữa tháng ngày mơ mộng 
nốt ruồi của hương 
hay nốt ruồi của rigvéda 
tôi mửa máu đen 
trên nửa đêm paris 
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng 
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người 
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ 
mặt trời có thai! 
mặt trời có thai! 
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt 


VII 

tôi nuốt nọc đen giữa đường guillaume apollinaire 
từ xóm saint-germain-des-prés 
mọc lên giáo đường hang động 
cà phê biến hồn đầu thai 
hoá thành một triệu con ma đen 
nhảy múa trên núi lửa đầu tôi 
tôi mặc đồ xanh 
và mang đồng hồ da đen 
tôi chứa chấp sáu ngọn lửa điên 
trong sáu diêm quẹt còn rớt lại 
tôi gọi hương và tôi chết giấc 
tôi chạy lên trời làm rắn thâu đêm 
máu đổ mưa đen 
ồ cây mồng tơi 
của thời trẻ dại 
tôi gọi thầm 
rắn cuộn tròn 
tương lai 


VIII 

mười năm qua gió thổi đồi tây 
tôi long đong theo bóng chim gầy 
một sớm em về ru giấc ngủ 
bông trời bay trắng cả rừng cây 
gió thổi đồi tây hay đồi đông 
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng 
trong mơ em vẫn còn bên cửa 
tôi đứng trên đồi mây trổ bông 
gió thổi đồi thu qua đồi thông 
mưa hạ ly hương nước ngược dòng 
tôi đau trong tiếng gà xơ xác 
một sớm bông hồng nở cửa đông 


IX 

rắn trườn vỡ trứng chim rừng 
tôi nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm 
khuya buồn tủi nhục môi em 
mưa bay nhỏ nhẹ qua thềm bơ vơ 
tiếng ru chín đỏ điện thờ 
hoang vu tôi đứng đợi chờ chim kêu 
tay còn ôm giữ tình yêu 
tôi về phố động những chiều hư vô 
đời đi trên những nấm mồ 
đau tim em hát cơ hồ khăn tang 
phố chiều tôi bước lang thang 
nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh 
nửa đêm khói đốt đời anh 
yêu em câm lặng khô cành thu đông 
lời ca ru cạn dòng sông 
trọn đời chạy trốn mống vồng cầu điên 
bỏ mình nước chảy đồi tiên 
theo con chim dại lạc miền thiên hương 
về đâu thương những con đường 
lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa 



mùa xuân bay thành khói 
tôi ca hát một mình 
suốt đời không biết nói 
nước chảy tràn con kinh 
quá khứ bay lên trời 
biến thành cánh chim non 
tôi quì hôn lá mới 
đau khổ trắng linh hồn 
hư không đổ ra khơi 
kỷ niệm trôi qua cầu 
bãi chiều chưa người tới 
tình nhỏ quên từ lâu 
xuân bay trắng núi đồi 
tôi nằm ngủ mơ chim 
bỗng hét lên trong tối 
ngồi thức dậy bảy đêm 
trời cuối năm gác trọ 
đèn tắt suốt đêm dài 
con chim mười năm nhỏ 
bay về đậu nơi đây 
hơi thở giết thời gian 
bướm nằm chết thang lầu 
tiếng chim ru ngày tháng 
máu chảy về sông sâu 
suốt đời không biết nói 
tôi ngồi thức một mình 
đốt thuốc lên nhìn khói 
đêm rạng điềm hư linh 


XI 

tôi lái ô tô buýt giữa thành phố new york 
mỗi ngày tôi lái ô tô buýt đi trên những con đường không người những con đường chim chết 
những con đường của mỗi ngày 
từ riverside drive đến broadway đến đại lộ thứ năm rồi đến washington square 
công trường nghệ sĩ tóc bay hương hát 
từ greenwich village tôi đi về chinatown 
mười lăm xu mỗi chuyến 
xa hay gần hay mau hay chậm 
tôi vẫn lái cuộc đời tôi trên những con đường quen thuộc không mây 
mùa lá hay mùa kèn nửa đêm 
dong buồm thổi đến honolulu lặng gió 
xa việt nam đà lạt và cà phê tùng cuối năm 
tôi cúi đầu trong hầm cà phê figaro nữu ước 
chuyến ô tô buýt của đời tôi vẫn chạy hoài 
trên những con đường mỹ châu trống rỗng 
chuyến xe không về harlem đói lửa 
vì mỹ châu trống rỗng trên chuyến ô tô buýt chiều nay tóc bay hương khóc 
tôi vẫn lái chuyến xe này đi về đêm tối 
đêm tối nữu ước là đêm tối nhà xác 
tôi đốt đèn cầy để nhìn xác tôi giữa nhà mồ mỹ châu lạnh lẽo mưa đen 
đêm qua tôi thấy máu đổ trong hầm xe điện irt 
giữa con đường 42nd hay times square 
tôi thấy việt nam ngang tàng cho mặt trời vẫn mọc trên rắn lửa 
trên mái ô tô buýt chiều thu 


XII 

buổi chiều mưa đụng tim 
mưa đụng máu 
đèn đường đổ xuống nước xanh 
xin hét lên rừng u minh đầu đông 
tử hình trong ngục 
nhốt vào trong ngục 
suốt đời trong ngục 
khói vóc lửa núi 
nhóm nước đầu thu 
xin đừng nói 
lá chuối 
lá me non 
xanh nhà thương 
ngồi trong thành phố 
hoa trắng không còn 
con chó đứng nhìn xe lửa mỗi ngày 
chùm hoa trắng rụng một hai bông rất nhỏ 
bông trắng quá nhỏ 
buổi chiều ích kỷ 
con đường quá dài 
những cây trắc bá chùi đầu lên nghĩa địa 
một người hoạ sĩ thất tình 
nhân loại đều thất tình 
nói đi thật nhiều 
khoai tây 
lang thang ngược vòng những vũ trụ 
anh nói gì 
tôi không nghe 
xuống phố và lên phố 
chạy hun hút qua hai nghĩa địa 
cây trắc bá 
chôn vùi con chó nhà ga 








Thủ bút Phạm Công Thịên


"Hiu hắt quê hương"

đoạn 8 tập thơ Ngày Sanh Của Rắn
đã được Nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc 
với tựa đề:



Tôi Đứng Trên Đồi Mây Trổ Bông


Thơ: Phạm Công Thiện
Nhạc: Lê Uyên Phương
Tiếng hát: Lê Uyên Phương


https://www.youtube.com/watch?v=uTgRtJobHC8


































5
Im Lặng Hố Thẳm 


(1967)
(1967)

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10033&rb=08












7
Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực 


8
Chỉ Còn Tiếng Thơ Trên Mặt Đất - Trở Về Rainer Maria Rilke


(?)

 (1969)
















9
Henry Miller

nxb Phạm Hoàng (1969)


















10
Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn



(1970)







Thực Sự Hôm Nay





                                                 Truyện có nghĩa là gì? 

                                                             





Thực sự hôm nay tôi không còn muốn sống nữa. Tôi cũng không còn muốn tự tử. Tôi cũng không sợ chết. Đôi lúc cũng sợ chết, đôi lúc thôi. Cái chết đối với tôi như một chiếc xích lô máy. Nhiều lúc ngồi xích lô máy, tôi tự hỏi: tại sao nó không lủi vào xe nhà binh cho rồi; nhưng lại có nhiều lúc khác, ngồi thúc chân trong chiếc xích lô máy, nhìn lên một chút trời nắng, tôi thấy rằng sống lờ phờ cũng vui và dễ, như đèn đỏ tắt thì đèn xanh cháy lên. Đỏ và xanh, sống và chết, vui và buồn, yêu và ghét, tôi bỗng thấy ghét mấy chữ “và” này. Và thế rồi một buổi chiều, tôi thấy yêu chữ “và” này. “Và thế rồi”, ba chữ này, ba tiếng này, tôi nghĩ rằng không thể tìm được một loạt chữ nào ở thế giới khả dĩ gọi lại tất cả lù mù hiện lên trong đó. Và thế rồi, không có quyển sách nào ở thế giới mà không lệ thuộc vào điệu cải lương: “và thế rồi...”, thế mà không ngôn ngữ nào ở thế giới có được âm thanh leo xuống và kéo dài ra như một con sông chảy ngược. Âm thanh bắc thang, tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết lãng mạn như thành phố Đà Lạt, mang nhan đề là “âm thanh bắc thang”. Ngày nhỏ, mỗi lúc em tôi làm lỗi, tôi bênh vực nó và mẹ tôi hay nói: “Mầy đừng bắc thang cho nó leo”. Thuở đó, tôi hay giựt mình và lấy làm lạ: “Tại sao không có thi sĩ nào dùng kiểu nói bắc thang để bênh vực cho mùa hạ?”. Tôi ghét mùa hạ và thích viết một quyển tiểu thuyết thực lạnh, không phải lạnh hiểu theo nghĩa bóng mà lại là thứ lạnh thực đen, lạnh vô cùng lạnh. Tôi lại thích viết một quyển tiểu thuyết mà nhân vật chính trong đó hay thích dùng mấy chữ “vô cùng”. Thí dụ bây giờ trưa và trời lại tối vì sắp mưa, nhân vật chính ấy đi vô đi ra trong nhà và nói lí nhí trong đầu: “Đời sống sao khó hiểu vô cùng, nhưng mình phải chịu đựng, dù sự chịu đựng ấy quả là vô cùng. Ngày mai, tôi sẽ bắt đầu lại, yêu mọi sự, ông sẽ chết, tôi và ông sẽ chết, tôi buồn vô cùng”.
— Tại sao hồi nhỏ ông hay giựt mình?
— Khoan khoan đã, ông hãy để nó giựt mình, để tôi kể tiếp...
— Hãy kể tiếp, chậm rãi, hãy kể một cách bình thản.
— Tôi nói đến đâu rồi?
— Vô cùng...
— À, mà ông biết xích lô máy là cái gì không?
— Ở Nữu Ước không có loại xe này, nhưng ông hãy kể tiếp về nhân vật yêu thích dùng mấy chữ “vô cùng”...
— Ở xứ tôi có xích lô đạp, rồi đến xích lô máy...
— Thôi, đúng giờ rồi, ngày mai, ông trở lại đây như thường lệ.
Tôi xô cửa, cửa nặng quá xô muốn té nhào. Chuyến xe lửa chiều nay chạy băng qua trên đầu tôi, tôi bước xuống hầm xe lửa, mua một đồng xu nhỏ bỏ vào máy, đi vào hầm đợi, đi trờ tới chỗ bán báo của ông Mỹ bụng phệ, mặc áo ca rô xanh đỏ, đeo kính trắng. Tôi dở tờ Playboy ra đọc mục lục, thấy bài phỏng vấn mục sư Martin Luther King và ngó sơ qua những hình đầm mộng mị. Đại khái cũng thế thôi, mỗi khi tôi tự bắt chợt mình đang làm chuyện cấm thì tôi liền độc thoại nội tâm: “Đại khái thì cũng thế thôi.” Thực ra,Playboy cũng chẳng có gì đáng gọi là chuyện cấm, nhưng đứng chờ xe lửa, bên cạnh ông Mỹ bụng phệ hút xì gà và chờ tôi trả tiền (vừa hút xì gà vừa chờ lấy tiền báo) thì tôi lại đồng hoá sự chờ lấy tiền của ông ta với chuyện chờ xe lửa của tôi; đứng lờ rờ ngó hình màu và bắt buộc người ta phải chờ mình như chờ xe lửa thì đó cũng là một thứ chuyện cấm đối với ý thức gương mẫu của một người “tự trọng”. Xe lửa rồ tới, tôi nhảy ngay vào cửa hé, ngồi ngay hướng thuận đi tới (ngồi nghịch hướng, chóng mặt chút ít). Hai người da đen đang đùa giỡn với nhau, anh lùn nhón người lên thọc thọc vào nách anh cao và nói một tràng bi bô, rồi cả hai cười ầm lên như khỉ (khỉ có cười không? Khỉ thường nhe răng. Hồi nhỏ đi sở thú, tôi hay lấy đá vụn liệng vào hạ bộ của mấy con khỉ và chúng nhe răng khè khè như ông kẹ. Từ đó, tôi bỗng thấy răng tất cả thi sĩ đều giống khỉ. Nguyễn Du là một con khỉ, một loại khỉ trắng, ngồi buồn trước thu phong). Tôi ngó chung quanh tôi, những người ngồi trong xe lửa đều giống khỉ hết, nhưng một loài khỉ không có đuôi và làm bằng sáp cứng. Khỉ bằng sáp mà cũng biết đi, biết đứng, biết nói và biết cười. Tôi cũng là một con khỉ, tệ hơn là khỉ nữa, vì tôi không biết cười, không biết nhe răng; ngồi trong chiếc xe lửa chạy giữa thành phố Nữu Ước mà tôi nhảy liệng từ nước này qua nước khác, từ Sài Gòn qua Hồng Kông, từ Bangkok qua Calcutta, từ Lhasa qua Téhéran, từ Cà Mau qua Mexico, từ lúc ba tuổi cho đến lúc hai mươi tuổi, từ mười sáu tuổi cho đến lúc tám mươi tuổi: tôi tưởng tượng mình là con voi già chống gậy đi lụm khụm trên những chiếc lá vàng, trông thơ mộng và mất dạy như chuyện cổ tích trẻ con. Tôi bước xuống xe lửa và leo lên bậc thang đá dẫn ra đường thứ mười bốn, tôi thả bộ đi xuống Greenwich Village. Vừa bước đi vừa tìm một hiệu sách chịu mua sách cũ, trong tay tôi có cả một túi ny lông, đựng năm quyển sách đóng bìa dầy, bìa cứng thực mới. Một cuốn nói về sự thông minh của loài khỉ đột, một cuốn Kinh Dịch được dịch ra chữ Anh, hai cuốn của Sayoran và một cuốn về thần học của Thomas D’ Aquin (lúc ấy tôi có ghi học mấy giờ về thần học thời Trung cổ ở trường đại học Columbia, một trường đại học mà tôi ghét đến độ muốn ăn trường trai luôn), tôi mới vừa mua năm cuốn ấy vào tối đêm qua, tiêu hết năm mươi dollars cuối cùng, sáng nay lại thèm uống cà phê, lại đói vào lúc trưa và lại không muốn chìa tay mượn tiền bạn bè nữa, tôi liền nghĩ ngay việc thủ tiêu năm quyển sách này với giá thật rẻ. Hiệu sách chịu mua sách cũ, trả tôi mười dollars để đổi lấy năm quyển sác tôi chỉ dở đọc sơ một quyển của Thomas d’ Aquin và phải nằm ngáp năm lần rồi ngủ quách với bầy chữ La Tinh vo ve trong tiềm thức). Văn minh ngàn năm của nhân loại bây giờ thực rẻ: chỉ việc vứt nó đi thì được mười mỹ kim. Với mười mỹ kim này, tôi được hai bao thuốc Pall Mall đỏ, hai buổi cơm sinh viên nghèo, ba bốn tách cà phê suốt đêm ở quán Feenjon (hay Feenjohn, tôi không rõ tên, có những tên đáng nhớ hơn như: Brooklyn, Jamaica, Untergang nhưng ngược lại khó nhớ rõ: I ging hay I king hay I jing hay là Y ching?)

Khi tôi bước vào quán cà phê Feenjon thì trời đổ mưa, đường bên ngoài ướt hết. Người đàn ông và người đàn bà ôm nhau hôn ngay lối đi còn sót lại trong quán cà phê. Tất cả bàn đều ứ người. Mùi thuốc lá ngầy ngầy bay sà vào mũi, có khác gì mùi giấy cũ pha một chút nước mưa trộn lẫn với mùa nóng có người phát thư ban đêm đi qua nhà với tay cầm đuốc đang khi người ta đốt vải rách liệng ra ngoài sân để đuổi tiếng ó ma lai kêu vọng lại từ bên kia rừng cây, bên kia đồi đá? Đà Lạt hiện ra giữa quán cà phê đông người vào một buổi chiều mưa Nữu Ước. Tôi đã làm gì cho tôi? Một chút nước mưa, một chút nước biển, một chút đá, một chút ham muốn, một chút đói bụng, đói, đói, đói, đói đủ thứ. Đói cả sự chết, đói cả sự đói, đói óc, đói tim, đói hai ngón tay cái, đói mười ngón tay (quên cắt móng, dính đất đen thui, dơ một cách dễ chịu đựng vô cùng).
— Tại sao không dọn cơm ăn đi, đói quá rồi.
— Chờ một chút xíu thôi.
— Chiều nay ăn cơm với su luộc?
— Có đậu nữa, giàn đậu chim bay về phá quá.
— Tối chạng vạng heo rừng đã về phá rau cải lung tung.
— Mầy sợ ma không?
— Ma lai hả?
— Ma, ma rừng, ma núi, ma truông, ma bờ, ma bụi.
— Đèn cầy còn hết, nhớ nhắc mai ra chợ mua thêm một hộp đèn cầy nữa, mua thứ đèn cầy lớn đó.
— Ừ mầy nhớ nhắc má mua đèn dầu lửa cho tao, tao cần thức đêm để viết bài đăng bào kiếm tiền tháng tới.
— Má có mua rồi, để ở đầu tủ sau giường anh đó.
— Hôm qua tao thấy ma hiện về, nó ngồi ngay cửa lớn, ca hát giọng gì lè nhè như con gà bị bóp cổ. Con ma nó nói nó đói quá, nó đòi ăn đèn cầy trắng...
Tôi chỉ là một con ma đói ở giữa thành phố lớn nhất thế giới. Quán cà phê này là nơi tôi lai vãng để tìm lại một chút khí dương giữa cõi chết. Đà Lạt và Nữu Ước. Đà Lạt gần gũi tôi hơn đang lúc bước vào quán cà phê ở Nữu Ước này. Tôi cần một chút Đà Lạt để sống, xin cho tôi một chút Đà Lạt, chỉ một chút, một chút thôi. Trời Nữu Ước trở lạnh, tôi cuộn khăn nỉ quanh cổ, đốt một điếu thuốc, ngồi giữa sự bình an của một mớ hình ảnh trong đầu. Một ngôi nhà to lớn, cũ, đầy rêu, nhện, chim và bồ câu, trước nhà có một hàng cây xưa cao vút và già như mấy cái cây thông rừng, ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi ở ngoại ô Đà Lạt, trên đường đi về Dran. Một con bò nhai cỏ trườc nhà, trên cao là một đám mây. Tôi không còn nhớ mây màu gì? Mây ở Đà Lạt có màu khác hẳn tất cả màu mây ở nơi khác. Màu trắng? Không, một màu nào đó không có trong đôi mắt của người tình. Có lẽ là một màu nào đó trong mắt của người nhìn nước chảy, nước chảy trên cổ trắng thon thon của một người đàn bà vừa cắt tóc thật ngắn để trá hình trong một sự đổi thay của Định mệnh.

Tôi làm gì để sống bây giờ? Tôi không đòi hỏi gì hết. Tôi chỉ cần ăn hai bữa hay một bữa trưa cũng được, tôi cần một gian phòng nhỏ, một cái bàn viết, một cây viết và một xấp giấy trắng. Thỉnh thoảng cũng cần một chút trời mưa, mưa dai và dài cả đêm cả ngày, rồi lại nhiều ngày cũng cần có một vài chiếc lá xanh trong ly nước để trước mặt, không có lá xanh thì có cỏ xanh dài cũng được. Chỉ cần một chùm cỏ xanh để trong ly nước dựng nơi bàn viết là tôi đủ sinh tố để sống một trăm ngày trọn vẹn. Còn hoa? Tôi không dám đòi hỏi nhiều. Có hoa trong ly nước thì cũng đẹp, nhưng đẹp hơn vẫn là cỏ, cỏ héo cũng được vì cỏ héo thì cũng là cỏ, một thứ cỏ mặn mà như đất già. Hoa héo không còn là hoa nữa, giống như là đàn bà viết văn thì không còn là con gà ở rừng lúa nữa mà lại trở thành gà được nuôi bằng những thực phẩm hoá học nhập cảng từ Hiệp Chủng Quốc. Hoa héo là hoa héo, chấm một chấm xuống hàng.
Tôi đã hút đến điếu thuốc thứ mấy rồi? Năm nay là năm gì, năm của Thiên Đàng hay năm của Hoả Ngục? Không bao giờ tôi sống bình thường được, có nhiều lúc sao thấy thì giờ kéo dài ra như một người đàn ông cao gần hai thước và nằm dài trên cái giường một thước rưỡi — để hai chân lông lá thò thò dư dư ra. Có đôi lúc thì giờ giống như cây bút chì, chuốc hoài mà vẫn mòn đi, vì thân mềm như bún, bết trên giấy trơn tru như xe lửa chạy trên đồng bằng. Tôi cứ tự dạy: hãy bò thực chậm như đứa con nít bò trên sàn nhà, bò bằng hai tay và hai chân. Nhưng rồi bài học cũng khó thuộc: thường khi tôi muốn phóng nhanh hơn cả nai rừng. Tôi không chịu đi hai chân, không chịu chạy và cũng không chịu bay. Tôi muốn xẹt xẹt như làn chớp lúc trời bão. Xẹt trên trời một cái, xẹt dưới đất một cái, xẹt xuống con đường, cánh đồng, ngã tư, ngã ba. Rớt xuống một vệt sáng ở đây, ở đó, rồi tắt ngúm như lửa rạ. Viết văn không khác gì sống mỗi ngày, mỗi trang giấy trắng là mỗi ngày, muốn làm gì làm thì cũng bị nhốt vào trang giấy trắng, mỗi lần ngồi trước trang giấy trắng thì tôi chỉ lặp lại cái việc thức dậy mỗi buổi sáng, tôi ngồi thừ ra, lừ đừ như con vịt đực; viết một chữ trên trang giấy là bị lôi vào những gì không thể tránh được đi theo sau chữ ấy, đi theo một cách tế nhị khó ngờ được; chẳng hạn như khi tôi viết “gió” thì những gì không thể tránh được là “gió thổi trên thung lũng, gió về với mùa thu, tóc bạc trắng, vân vân”, hay dù tôi có nói ngược lại đi nữa thì cũng là ngược theo chiều gió, tức là một cách cuốn theo chiều gió, một cách lộn lại như hột vịt lộn. Điều đau đớn là không thể chạy trốn ở đâu mà thoát hoạ được, tờ giấy trắng nằm chình ình ra đấy, nếu tôi trốn viết, bỏ viết văn đi nữa thì cái đầu tôi vẫn nằm chình ình ra đấy; cái đầu của tôi, cái óc của tôi mới là giấy trắng, thực thụ, trắng hơn cả tờ giấy trắng, cái óc của tôi, nó làm tờ giấy trắng cho tư tưởng của con tim, rồi con tim của tôi nó lại làm tờ giấy trắng cho dòng máu của tôi; máu chảy trong thân thể tôi lại muốn viết văn trên tờ giấy trắng của con tim; rồi lại đến lượt máu của tôi lại làm tờ giấy trắng cho sự chết: sự chết viết văn trên tờ giấy trắng của máu, và sau cùng sự chết cũng lại phải làm tờ giấy trắng cho cái gì đó không có tên gọi; cái gì đó vô danh, vô tướng lại viết văn trên tờ giấy trắng của sự chết. Nếu tôi không phải là con vịt đực thì tôi phải lý luận rằng mỗi khi ngồi viết văn trước một trang giấy trắng trên bàn thì tôi chỉ lặp lại cái việc của người thức canh xác chết, ngồi trước cái khăn lịm trắng toát, nhưng có một điều khó hiểu nhất: người ngồi canh xác chết lại chính là người đang nằm chết dưới cái khăn lịm trắng kia; lắm lúc bất thần có con mèo đen nhảy phóng qua xác chết thì cái xác kia ngồi dậy bước đi lảo đảo như người say rượu. Tôi gọi con mèo đen ấy là chữ viết.
Đà Lạt mùa này đầy hoa quì rừng, vàng bên kia đồi, vàng bên này đồi, vàng dưới kia đồi, vàng trên kia, trên cao kia, cao và gần trong tầm với của mắt. Tôi bước đi không vững, vì uống cả bình cà phê to, hai bình cà phê to như hai cái lu nước. Tôi thấy chữ A ra chữ B, chữ C ra chữ D, tôi thấy tôi chảy trong cống nước, tôi bay theo khói thuốc.





                                       Trích trong Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn 

















11
Ý Thức Bùng Vỡ


nxb Đồng Nai
(1970)













12
Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất 
sách tái bản 2001
(1988)













13
Sự Chuyển Động Toàn Diện Của Tâm Thức Trong Tư Tưởng Phật Giáo 

(?)
(1994)













14
Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên

(?) 
(1995)















15
Nguyễn Du, Đại Thi Hào Dân Tộc 

(1996)
















16
Khơi Mạch Nguồn Thơ Thi Sĩ Seamus Heaney

Giải Nobel Văn Chương 1995

(1996)













17
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bậc Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương 

(1998)














18
Nét Đẹp Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo

 (1998)
















19
Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im
Thơ (2000)




Đi



Đã đi thì đã đi rồi
Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu
Hạ phương ngày tháng bể dâu
Sắt son tình cũ phượng cầu túy hương
Có còn gì nữa mà thương
Buổi trưa nằm ngủ thấy nường năm xưa.

Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuyển hình trên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn

Đại Huyền biến ngưỡng triêu tôn

Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao

Án nga nga nẵng bạch nào

Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim



Năm nàng thiên nữ tôn nghiêm

Trùng quan ngũ sắc ứng điềm tán không

Án Đa La tịch mịch hồng

Mười phương xuất hiện những đồng sinh thiên

Bát Nhã là gái thiên tiên

Khoan thai cởi áo mây hiền trên cao

Gió lùa thơm tóc tơ đào

Thập bát Không Định tiêu dao tiếng đàn

Trời mưa chim ngủ trên ngàn

Sắt son tình cũ nước tràn sang sông



Đã đi rồi có đi không

Thượng phương trùng điệp cỏ hồng thúy hương

Đi đâu mà lại lên đường
Hạ phương còn gặp cô nường năm xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Sắt son triều ngưỡng tình xưa hiện về
Phượng cầu ngũ lĩnh sơn khê
Một bông hồng nở bốn bề lặng im
Năm nàng tiên đậu vào tim
Âm nhập dương khởi lim dim xuất thần

Nhập định tam muội tần thân
Trở về động cũ như lần gặp xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Đền thiêng triệu ngưỡng người xưa kiếp nào
Tình bay lên nóng trăng sao
Gió lùa thơm tóc cô nào năm xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Thương phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch bỏ đời biệt tăm.



Phạm Công Thiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét