Thứ Ba, 1 tháng 3, 2022

đọc thêm: " Thư Gửi Bạn Bè "/ Phan Lạc Tiếp [ 1933- / San Diégo ] -- source: baobinh.freetzi.com>

 Phan Lạc Tiếp

 

Thư Gửi Bạn Bè


 

Thưa các bạn Bảo-Bình,

 

Đơn vị đầu tiên của tôi sau khi ra trường là HQ-09, cùng với các bạn Thiệu, Đăng, Cẩm, Thiện. Tôi ở đơn vị này khá lâu, 18 tháng, đảm nhận từ chức vụ Sĩ Quan Ẩm Thực rồi lần lượt xử lý Hạm Phó. Rời HQ-09, về Phòng Tổng Quản Trị mấy tháng, rồi đổi xuống Giang-Đoàn 21, tại Mỹ Tho. Tại đây có các bạn Đặng Diệm, Trần Hữu Khánh và Vũ Hữu San tại GĐ-27, cũng đóng tại Mỹ-Tho. Rời Mỹ Tho sau một năm hoạt động, chạm mặt với nhiều nguy nan, tôi được gọi về làm Trưởng Đoàn Tâm Lý Chiến Lưu Động, đến hầu như hết các đơn vị HQ. Sau đó được biệt phái đi tầu biển của Nha Hỏa Xa, 2 năm. Trở lại HQ, Trung Tá Hoàng Cơ Minh xin tôi về làm việc tại BTL/HQ, nhưng lại được Đại Tá Nguyễn Văn Ánh xin BTL/HQ cho tôi xuống Vùng 4 Sông Ngòi làm trưởng khối CTCT. Ở đây một năm tôi đi Mỹ lãnh HQ-504, do Thiếu Tá Phan Phi Phụng làm Hạm Trưởng. Tại đây, bạn cùng khóa có Đinh Mạnh Hùng (tức Hùng Mèo), làm Hạm Phó. Hùng đổi đi, tôi làm Hạm Phó, đi 16 chuyến chở đạn dược và vũ khí cho Nam Vang, và chở kiều bào bị nạn cáp-duồn từ Cam Bốt về. Sửa soạn lấy tầu dầu thì được công điện của Văn Phòng Tư Lệnh Hải Quân: "Gửi ngay HQ Đại Úy Phan Lạc Tiếp về trình diện tân đáo BTL/HQ. Lý do cho biết sau."  Trình diện Tư Lệnh HQ hôm mồng 4 Tết năm 1971, và được chỉ định làm Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến BTL/HQ. Ở đây 2 năm, rất bận rộn và nhiều phiền phức, tôi xin đi học lớp Tham Mưu Trung Cấp. Sau khóa học được đổi xuống làm Hạm Trưởng HQ-601, 18 tháng, quá dài, và giao tầu cho HQ Đại Úy Trần Văn Chánh, trưởng nam của Đề Đốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh HQ vào cuối năm 1974. Theo đề-nghị của Phòng Tổng Quản Trị, tôi sẽ đổi xuống làm Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ HQ Năm Căn "cho phù hợp với cấp bậc Trung Tá thực thụ mà đương sự sẽ lên theo danh sách thường niên trong năm 1975", nhưng Tư lệnh HQ đã giữ tôi lại Sài-Gòn "để cho tiện, khi cần viết lách gì…". Do đó tôi được thuyên chuyển về Khối Thanh Tra. Nhờ đó, vì không có trách nhiệm gì cụ thể như một Đơn Vị Trưởng, tôi đem được vợ con di tản trên tầu HQ-502 của anh Nguyễn Văn Tánh, một con tầu hư hỏng, chỉ còn một máy, đang sửa chữa, với hơn 5000 người.

 

Tại hải ngoại tôi đã cùng gia đình anh Nguyễn Văn Tánh, gia-đình Nguyễn Kim Khánh, gia-đình Vũ Hữu San và gia-đình anh Lê Văn Quí, các bạn cùng khóa, định cư tại Salt Lake City, Utah. Ở đây đúng một năm, gia đình tôi dọn về San Diego, cho gần thân nhân bên bà xã tôi, và bắt đầu lao vào cuộc sống để nuôi gia-đình. Tôi đã làm rất nhiều nghề, lúc thì cổ xanh, lúc thì cổ trắng, viết ra thì sẽ dài lắm. Có lúc tôi làm trong hãng đóng tầu Nassco tại San Diego, là salaried Foreman, lương khá cao. Nhằm khi xem hệ thống ống, bàn tay trái của tôi bị miệng ống sắt kẹp vào thành tầu, làm đứt 2 ngón tay. Tôi nằm nhà trên 3 năm để điều trị, chờ 2 ngón tay liền lại với 70% lương. Một cách tình cờ, đây là lúc mà Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển, hợp tác với các tổ chức quốc-tế, như Medecins du Monde, Cap Anamur và sự hỗ trợ của nhà tỷ-phú Andre Gills, đem tầu ra biển vớt thuyền nhân. Tổ chức này do Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương làm chủ tịch, tôi đã đem chút hiểu biết của Hải Quân, và khả năng thông tin, báo chí vào công tác này. Những tin tức về cảnh huống của thuyền nhân do tôi viết và phổ biến, đã được cộng đồng Việt Nam đáp ứng mạnh mẽ và nồng nhiệt hỗ trợ. Nhờ đó đã có 3103 đồng bào được cứu vớt giữa biển khơi, do các con tầu được bảo trợ, hợp tác của ủy ban này. Những thuyền nhân này đã được các quốc gia đệ tam tại Âu Châu đón nhận và vinh danh là những Chiến Sĩ của Tự Do.

 

Riêng về hoàn cảnh gia-đình, bà xã tôi mở một tiêm mạng quần áo (Reweaving), một nghề đòi hỏi sự cẩn thận, tinh vi, nên lợi nhuận đều hòa cho gia đình là do bà xã tôi kiếm được. Bốn đứa con tôi, một trai 3 gái, học hành bình thường, xong đại học, mỗi đứa đều có một nghề vững vàng. Hai cháu đầu đã có gia-đình, cháu thứ ba đương sửa soạn làm đám cưới. Chúng tôi mới có một cháu ngoại, 7 tuổi. Tôi đã đến tuổi về hưu, nhưng sợ ở nhà buồn, dễ đau ốm, nên vẫn đi làm. Sở làm gần nhà nên cũng nhàn nhã, thuận tiện.

 

Bên cạnh những nét chính yếu trên, ở bất cứ hoàn cảnh nào, tôi đều ghi và viết lại những kinh nghiệm về cuộc sống của mình. Nhờ đó tôi đã xuất bản được 4 cuốn sách, đa số là Bút Ký. Cuốn 'Bờ Sông Lá Mục', viết về những ngày hoạt động ở trong sông, cuốn 'Nỗi Nhớ' viết về nỗi khó khăn, bi thảm của con tầu Thi-Nại, HQ-502, do anh Tánh làm Hạm-Trưởng, và những ngày ở trại tỵ-nạn. Cuốn 'Cánh Vạc Lưng Trời' (cuốn này là truyện), ghi lại cảnh huống của người Việt trên đường vượt biển, và trong thời gian chúng ta còn bơ vơ xa lạ trên đất tạm dung. Cuốn 'Quê Nhà 40 Năm Trở Lại', như tên gọi, tôi đã ghi lại những cảm xúc của mình trước những điều tôi đã thấy sau 40 năm về thăm lại quê hương miền Bắc vào năm 1994. Những cuốn sách của tôi, như đã nói, thuộc thể Ký, viết về những người thực, việc thực mà tôi đã gập, đã trải qua. Như tất cả chúng ta, dù muốn hay không, chúng ta đã lớn lên và bị cuốn hút vào chiến tranh. Xã hội chúng ta, đất nước chúng ta, theo tôi, là nạn nhân của thời cuộc, với tất cả những oan trái, tang thương, chia lìa, khốn khổ. Bởi thế, những cuốn sách của tôi, tuy viết về hoàn cảnh của mình, nhưng đồng thời cũng đã phản ảnh một phần nào xã hội mà chúng ta đã sống. Có lẽ vì thế mà cuốn bút ký 'Bờ Sông Lá Mục' tìm thấy trong Thư Viện Quốc Hội Hoa-Kỳ, được xếp vào loại tài liệu chiến tranh. Trong cuốn 'Tổng Quan 20 Năm Văn Học Miền Nam' của nhà văn Võ Phiến cũng đề cập tới cuốn sách nhỏ này của tôi và in lại một bài tiêu biểu. Giáo-sư Nguyễn Đình Hòa đã giới thiệu cuốn 'Cánh Vạc Lưng Trời' (bài viết bằng Anh Ngữ) trong tập san của Đại Học Oklahoma số mùa thu năm 1993. Các cuốn khác của tôi cũng được giáo-sư Tiến Sĩ Phạm Cao Dương dùng làn tài liệu tham khảo giảng huấn về văn chương và chiến tranh Việt Nam (The Vietnamese American Experience) tại Đại Học UCLA và UCI. Riêng cuốn 'Quê Nhà 40 Năm Trở Lại' được đón nhận rộng rãi nhất. Nhiều báo chí và các vị thức giả đã nói đến cuốn này (trong đó có bạn Cẩm). Nhiều báo chí tại hải ngoại đã lần lượt in lại. Mới đây, từ giữa tháng 11 tới đầu tháng 12 năm 2000 (trùng hợp với lúc Tổng Thống Clinton viếng thăm VN), đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã liên tục phát thanh về VN ba chương trình phỏng vấn tôi về cuốn sách này. Mỗi chương trình phát 2 lần, tổng cộng là 6 lần trong khoảng 2 tuần lễ.

 

Tôi được sinh ra và lớn lên tại miền quê, tỉnh Sơn Tây, thuộc trung-du Bắc Việt. Hình ảnh Ông  Giáo Làng là mộng ước của tôi hồi nhỏ. Song vì thời cuộc , vì chiến tranh đã khiến tôi phải rời bỏ làng quê để ra Hà-Nội sống. Với nhiều dang dở, tôi vừa đi làm vừa học. Khi biết mình có đôi chút khả năng về văn-chương và triết học, tôi muốn trở thành Giáo Sư Trung Học. Ở Sài-Gòn tôi theo học Văn Khoa, nhưng cũng ghi tên bên Luật-Khoa (hàng ngày ngồi học bên cạnh Trung Tá Trần Văn Chơn, tức Đề Đốc Trần Văn Chơn sau này). Sau tôi bỏ Luật, chỉ học bên Văn Khoa mà thôi. Chứng chỉ Dự Bị tôi đỗ với số điểm khá cao. Mộng là nhà giáo của tôi đã gần, nhưng chiến tranh đã kéo tôi vào đường quân ngũ mà tôi rất chán, dù tôi rất thương sót và cảm phục những hy-sinh to lớn của người lính. Nhưng cuộc chiến mỗi lúc mỗi thêm khốc liệt. Hoàn cảnh mỗi lúc mỗi thêm khó khăn. Tuổi đời mỗi lúc mỗi nhiều, lại vợ con một gánh, tôi không có cơ hội hoàn tất văn bằng Cử Nhân Văn Khoa. Rồi cuộc chiến tàn với bao nỗi ê chề đau đớn. Rời VN tôi là một người dang dở, bắt đầu lại cuộc đời bằng con số KHÔNG đúng nghĩa.

 

Giờ đây, dù có chèo kéo, tự lừa dối cách gì, tôi cũng như các bạn, chắc chắn chúng ta đã không còn trẻ nữa. Thôi thì hãy bằng lòng với những gì mình có. Nhưng phải công bằng mà nói, dù không ưa đời quân ngũ, lại là người "hoạn lộ kém thênh thang", nhưng tôi rất cám ơn quân đội, cám ơn Hải Quân. Đặc biệt nhờ HQ, tôi và gia-đình tôi đã thoát được một đoạn đời, nếu kẹt lại ở VN, chắc là chúng tôi đã vô cùng khốn khổ. Hiện tại gia-đình tôi sống ở thành phố San Diego, Hoa-Kỳ, có một cuộc sống bình-an. Mùa Giáng Sinh năm 2000 vừa qua, các con tôi, trong lặng lẽ đã làm một cử chỉ có ý nghĩa, được ghi lại trong lá thư gửi cho Họ Đạo St. Michael, Poway, họ đạo đã bảo trợ gia-đình tôi 25 năm trước, có đoạn như sau: "… We have each progressed at our own pace, but this millennial year marks the first time that four of us have become firmly established in our careers. To mark this event, in lieu of exchanging gifts to one another, we have decided to contribute what we would have spent on each other to St. Micheal's. This contribution is not a repayment for the gifts that we received in the past, for no repayment would be adequate. It is in memory and honor of the spirit that was extended to us during those fagile times." Lá thư đã đăng trên tờ Tin Tức của nhà thờ. Tôi nghĩ rằng các con tôi thực sự đã trưởng thành.

 

Cách đây trên 10 năm, do cơ duyên đưa đẩy, vợ chồng tôi cùng một số bạn đạo, tham dự những buổi Tu Thiền. Nhân một khóa tu trên núi, giữa rừng cây, được nghe giảng về sự tương quan giữa con người và vạn pháp trong tinh thần của kinh Bát Nhã, tôi cãm xúc làm một bài thơ như sau:

 

 

 

Thiền Hành Ban Mai và Rừng

 

Buổi sáng ở trong rừng

Thức cùng chim mời gọi

Buổi sáng ở trong rừng

Lòng trong như gió núi

Hơi mát ủ ngàn cây

Trời xanh mầu lá mới

Nhẹ đặt bước đầu ngày

Trên đá xanh ngàn tuổi

Đóa hoa nào bên suối

Lặng lẽ một niềm vui

Chào một ngày chẳng đợi

Lóng lánh hạt sương rơi

Bước đi mà chẳng vội

Ngày tháng như mây trôi

Ta và rừng một tuổi

Con rắn trong hốc cây

Ngủ vùi mà chẳng dậy

Nhẹ đặt bước đầu ngày

Nắng lên trời xanh cao.

 

Bài thơ này đã được một đạo hữu phổ nhạc, hát trong các buổi tu-thiền. Cũng trong tinh thần ấy, nhân buổi lễ Bông Hồng Cài Áo, tổ chức tại Malibu, California, năm 1990, do yêu cầu, tôi đã viết một bài nói về tình cha, nhan đề 'Cái Áo Của Thầy Tôi'. (Bài nói về nghĩa mẹ do thầy Nhất Hạnh viết). Trong buổi lễ này có anh chị Nguyễn Ngọc Luân tham dự. 'Cái Áo Của Thầy Tôi' là một chuyện thật. Tôi đã bồi hồi khi viết bài này. Các con tôi đọc đã xúc động nên con gái tôi là Ngân Hà, cùng con trai tôi là Tường Huân đã dịch sang Anh Ngữ. Các đài phát thanh ở San Jose, Santa Ana cũng như ở Houston đã nhiều lần đọc bài này với nhạc đệm như một chủ đề đặc biệt nhân ngày Vu Lan. Do đó tôi gửi cả phần Việt và Anh Ngữ của bài này, như một đóng góp cụ thể và tích cực của gia-đình tôi bên cạnh các gia-đình Bảo-Bình khác.

 

Như đa số các bạn kết thúc bài viết bằng ước vọng của mình. Ở tuổi mà như các cụ nói đó là "ngày Tiên, tháng Phật", tôi cũng có một ước vọng nhỏ bé, tầm thường: Mong được có sức khỏe, đừng đau ốm, để trong nhàn rỗi tôi có thể viết tiếp những cuốn sách mà tôi còn bỏ dở như 'Một Mảnh Trời Hà-Nội', cuốn sách tiếp theo cuốn 'Quê Nhà 40 Năm Trở Lại'  … 'Vớt Người Biển Đông', viết lại những cảnh huống bi thương của đồng bào vượt biển, cũng như những sự kiện suốt 11 năm hoạt động của Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển mà từ khởi đầu tôi và Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương là người thành lập và trực tiếp điều hành. Một tập thơ, thu góp những bài mà tôi đã làm từ ngày trai trẻ. Và ngay bây giờ, như trên tôi đã nói, để trả ơn Hải Quân, để vinh danh những đồng đội đã chiến đấu, đã hy sinh, tôi vẫn tiếp tục thu thập các dữ kiện để mong nói lên một phần nào những đóng góp cụ thể của HQ/VNCH trong hơn 20 năm chiến đấu và những gắn bó đầy tình nghĩa giữa những người cùng mầu áo với nhau, cũng như với đồng bào ruột thịt trên đường đi tìm Tự Do.

 

Trên đây là những nét tổng quát về tôi, về gia đình tôi, thân gửi tới các bạn. Chúc các bạn và gia đình đạt được mọi điều vui.

 

 

Phan Lạc Tiếp

San Diego ngày 10 tháng Giêng năm 2001.

 

Gia-Đình Phan Lạc Tiếp:

 

 

 

Cái Áo Của Thầy Tôi

Phan Lạc Tiếp

 

 

Mẹ tôi mất năm tôi mới trên 10 tuổi. Từ đó lúc nào tôi cũng quanh quẩn bên cạnh thầy tôi. Buổi sáng tôi xách nước cho thầy tôi tưới những luống rau ở mảnh vườn  trước nhà. Buổi tối khi thầy tôi tụng kinh, tôi nằm bên cạnh. Giọng đọc kinh của thầy tôi đều hòa êm ả như những lời ru, khiến tôi ngủ vùi hồi nào tôi không biết, cho đến khi được gọi dậy để lên giường đi ngủ, toàn thân tôi đã được đáp kín bằng chính cái áo dạ của thầy tôi. Cái áo dạ dài ấm lắm. Mấy năm sau đó tôi lớn hơn, cái áo dạ đã không phủ kín toàn thân tôi nữa, và tôi biết rằng anh em tôi mồ côi mẹ thật là bơ vơ. Có người khuyên thầy tôi nên tục huyền, thầy tôi chỉ lặng lẽ cười không nói, và vẫn sống trong cảnh gà trống nuôi con.

 

Những ngày sắp tết, thầy tôi thường sai tôi dọn dẹp bàn thờ gia tiên, thay cát trong bát hương, rồi theo thầy tôi đi tảo mộ. Thầy tôi vác cái cuốc, còn tôi, tôi đem theo một bó hương to. Hai cha con tôi đi từ rất sớm, khắp cánh đồng làng. Bao giò thầy tôi cũng đến thăm mộ của cụ tổ họ trước tiên, rồi mới đến các ngôi mộ khác. Tại mỗi ngôi mộ, thầy tôi rẫy cỏ, đắp đất, lau các mộ bia, thắp hương và đứng khấn rất nhỏ. Thầy tôi nói cho tôi biết đây là mộ của ai, mất ngày nào. Người quá cố đã sinh ra những ai, con cháu hiện là những người nào, liên hệ với gia đình tôi ra sao. Thầy tôi không bao giờ quên nhắc lại những việc tốt lành mà người quá cố đã làm cho gia-đình, con cháu, làng nước. Thầy tôi thường nói: "Nhờ phúc ấm của các cụ nên giòng họ nhà ta mới được như ngày hôm nay. Các con phải cố noi theo gương của các cụ mà làm nhưng điều lành …"

 

Tại ngôi mộ của mẹ tôi, vì chưa được xây cất như các ngôi mộ của các cụ, nên thầy tôi thường cuốc đất xung quanh, đắp cho cao ráo, vuông vắn, rẫy một khoảng cỏ trên chóp mộ và cắm vào đó ba nén hương. Thầy tôi đứng khấn rất lâu, rồi lặng lẽ bước quanh ngôi mộ. Thầy tôi nói: "Con vào lễ mẹ đi, xin mẹ phù hộ cho các con được sức khỏe dồi dào, học hành tấn tới. Con cũng đừng quên mời mẹ về ăn tết với cả nhà".

 

Trên đường đi, thầy tôi cũng hay dừng lại đắp đất vào những hố chân trâu trên các ngôi mộ hoang, thắp hương lên đó nữa. Thầy tôi bảo các ngôi mộ này thày tôi biết là của ai, nhưng nay con cháu đi làm ăn xa, phiêu tán nơi nào, lâu quá không thấy về. Cả những ngôi mộ nằm bên vệ đường, nơi an nghỉ của những kẻ bần cùng, bơ vơ lạc bước, thầy tôi cũng dừng lại. Ông sai tôi đốt hết các nén hương còn lại, đem cắm lên các mộ đất. Lúc ấy thường trời chiều đã muộn, gió đã lạnh. Nhìn những đốm hương từng đợt lóe lên, tôi có cảm tưởng như  những oan hồn, uổng tử đang lởn vởn quanh đây và tôi sợ. Tôi sợ và tôi thương cho số kiếp mong manh của con người.

 

Khi cái áo dạ của thầy tôi, tôi đã mặc gần vừa, tôi đã lớn, cũng là lúc cuộc chiến tranh tàn khốc từ đâu đó đổ về, lan cả đến thôn xóm của làng tôi. Thầy tôi bị Tây bắt. Khi được thả về ông gầy còm, ốm yếu lắm. Chưa được mấy hôm, một đêm có những người từ trên núi xuống, bắt thầy tôi đi, nói rằng sẽ đưa thầy tôi qua vùng giải phóng. Lúc chia tay, tôi vội đưa cái áo dạ cho thầy tôi, nước mắt tôi chan hòa. Thầy tôi ngoảnh lại nói: "Lớn rồi, can đảm lên con". Khi họ thả thầy tôi về, vẫn mặc tấm áo dạ cũ, nay đã có nhiều chỗ mòn, rách thầy tôi run rẩy không còn đứng vững được nữa. Tôi biết thầy tôi sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Tôi bỏ học để ở nhà bên cạnh thầy tôi. Lúc sắp mất thầy tôi nói với anh em tôi rằng: "Thầy không ân hận gì. Các con hãy để cho thầy nằm bên mộ của mẹ con, đắp chung thành một ngôi mộ cho to, cho dễ nhận. Vì các con sẽ đi xa lắm, còn lâu mới về". Tấm áo dạ sờn, rách cuốn tròn thi hài héo úa của thầy tôi. Lúc bấy giờ là một giờ đêm ngày hai mươi mốt tháng chạp ta, chỉ còn mấy ngày nữa là tết.

 

Từ đó đến nay thấm thoát đã bốn mươi năm. Theo vận nước nổi trôi, tôi đã bỏ miền Bắc vào Nam, mỗi khi sắp tết, tôi lại nhớ lại hết. Tôi nhớ như in lời thầy tôi trăn trối, tôi nhớ cả hơi ấm trong tấm áo dạ của thầy tôi. Trên trần thế, thầy mẹ tôi sống với nhau không quá hai mươi lăm năm. Nhưng kể từ khi thầy tôi mất tới nay, thầy mẹ tôi đã nằm cạnh nhau trong lòng đất, đã bốn mươi năm. Bốn mươi năm với lời trăn trối, chờ đợi các con về. Bốn mươi năm đó gió mưa nào đã đổ trên cánh đồng kia, những tang thương nào đã tràn tới quê hương ấy. Suốt cả thời gian dài rộng đó, mặc dù vô cùng mong muốn, tôi chưa trở lại thăm mộ thầy mẹ tôi được một lần. Nay sống xa quê nhà cả nửa vòng trái đất, cách cả một đại dương, nỗi mong mỏi của tôi càng trở nên mạnh mẽ. Tôi rất muốn trở về. Thể nào tôi cũng về. Tôi tin rằng đất nước sẽ có những đổi thay, lúc ấy tôi sẽ về. Tôi sẽ về để anh em đoàn tụ, để họ hàng, làng xóm lại đùm bọc, thương mến nhau như xưa. Lúc ấy tôi sẽ về. Tôi sẽ đi lại trên những con đường cũ, thăm các cánh đồng xưa. Tôi sẽ thăm mộ thầy mẹ tôi. Tôi sẽ thắp những nén hương, cắm trên đầu mộ và tôi sẽ nói: "Thưa thầy mẹ, con đã về. Chúng con đã về". Và chắc rằng tôi không thể nào không khóc. Tôi sẽ khóc như những ngày xưa thơ dại.

 

 

 

My Father's Coat

Witten by Phan Lac Tiep

(translated from Vietnamese by Ha & Huan Phan)

 

 

My mother passed away when I'd just turned 10. From that point on, I've always been close to my father. Every morning, I carried water for my father to water the vegetable patch in the small yard up front. In the evening, I would lay next to my father and listen to him chant. The rhythm of my father's voice chanting is regular and calming, like sounds from a lullaby, lulling me to sleep. When waken to get into bed, my body had been entirely covered in my father's coat. I remember, the coat was long and very warm. Years later, when the coat could no longer cover me from head to toe, I realize then, that life without a mother is a forsaken one.

 

During the days before Tet, my father would tell me to tidy up the ancestor altar, change the sand in the incense burner, then follow him to visit the graves. My father would carry a hoe with him, and I -- I would carry along a large bundle of incense. We two would begin the day very early, crossing all the rice fields of the village. My father would always visit the burial site of our eldest ancestor first, before the others. At each tomb, my father would weed, pile the earth up high, wipe the tombstone clean, light incense, and murmur a soft prayer. He would also tell me whose gravesite it was, when the person died, how many children the deceased left behind, who are the descendants, and how they are related to our family. My father never forgot to remind me of the good deeds the deceased has done for the family, his or her descendants, and our village. He often said, "Our family is what it is today, thanks to the good karma of our forefathers."

 

Because my mother's gravesite had not yet been contructed with a marker like our forefathers', my father would hoe the earth around the gravesite, stack the dirt up high, squaring it off, and place three sticks of incense there. He would tell me, "Ask your mother for her blessing -- so that you'll have good health and excell in your studies... and don't forget to ask her to come home for Tet."

 

On our way home, my father would often stop at the deserted gravesites and fill the holes left behind by the hooves of water buffaloes, then place a stick of incense there. He'd say that he knew whose grave this was, but now the descendants have left to work far away, drifted elsewhere, and long since have not returned. My father would even stop at the burials on the side of the roads, the final resting place of desolate indigents. He'd ask me to light the remaining incense and place them on the soft earth. By then, the evening light had begun to descend, and the wind was already cold. Looking at the sparks of incense, each flashing a red glow in the twilight, I felt as if those wasted lives, those lost souls were lingering somewhere around me and I was afraid. I was afraid and I grieved for the fragile fates of people.

 

When I could almost fit into my father's coat - it was the same time when the atrocious war had spread to my village and home - my father was captured by the French. When he came home, my father was already haggard and weak. Only a few days had passed since his release, whilst one night a few men from the mountains came down and seized him, claiming they must take him to the land of revolution. At the time we parted, I quickly gave my father his coat, my tears overflowed. He turned to me and said, "You're grown now. Be brave." When they finally sent my father home, he was still wearing that same coat, now with many worn and torn spots. He was shaking and could no longer stand. I knew then that my father could not live much longer, and I left school to be with him. Before my father died, he said, "I have no regrets. Let me lay next to your mother, pile the earth up high, so that it becomes one large tomb, easy to identify. Because you children will go very far. It will be a long time before you return." That torn, tattered, ridiculous coat of my father's, now lay rolled-up in a pile. It was 1:00 a.m., the 21st day of the twelve lunar month, only a few days til Tet.

 

Forty years have since escaped. Following the stormy fate of our country, I have since left the North and move to the South. Yet, every year before New Year's Day, I would remember it all. I remember my father's last words as if they are imprinted on my conciousness. I can almost inhale the warmth of my father's old coat. In life, my parents lived with each other no more than twenty five years. But since the day my father passed away, my parents have lain next to one another in the womb of the earth for forty years. Forty years since those last words, forty years of waiting for their children to return home. In those forty years, what have the wind and rain poured onto that rice field, what miseries have flooded our native homeland. During that expansive time, despite my desires, I've not once been able to visit my parents resting place. Now that I live half the world away, separated by a vast ocean, my desire to return grows stronger. I truly want to return home. Eventually I must. I believe there will be changes within my homeland, then I will return. I will return so that brothers and sisters can reunite, so that kinfolks will bond and cherish each other as they did those years ago. I will walk on the old roads, pad across those ancient fields. I will visit my parents' gravesite. I will light incense, place them atop the grave, and I will say, "Mother and Father, I have returned. Your children have returned." And I know that I cannot keep myself from crying. I will cry as I did during those years of my childhood.



============

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét